Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương

Đền Trần Thương (Đền Trần, Đền thờ Đức Thánh Trần), thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nằm bên bờ sông Hồng, trước đây, là trung tâm của 6 con ngòi nhỏ (gọi là lục đầu khê). Từ đây có thể theo sông Long Xuyên, ra sông Hồng xuống cửa Hữu Bị, Tuần Vường vào sông Châu Giang. Hoặc từ Trần Thương có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long rồi xuôi ra biển. Ở vào địa thế đẹp, giàu nguồn lương thực và thuận lợi về giao thông thuỷ, bộ. Do đó, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương đặt ở đây một kho lương để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285). Sau khi chiến thắng trở về, Ngài cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương.

Điều đặc biệt là dấu ấn văn hoá vật chất thời Trần quanh khu vực đền Trần Thương hết sức đậm đặc, qua khai quật khỏa cổ học đã phát hiện vũ khí, nhiều mảnh gốm sứ của bát, đĩa vỡ màu đen, phong cách trang trí nghệ thuật gốm sứ thời Trần (bát đĩa gốm men nâu, vàng ngà, nhiều vỏ thóc hoà than…).

Đền Trần Thương thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các tướng lĩnh có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ thứ XIII; là một trong 3 nơi (Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương) có liên quan mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương thể hiện qua câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc”.

Đền Trần Thương là công trình kiến trúc đặc sắc và độc đáo nhưng vẫn mang phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, được xây dựng vào thời hậu Lê tương truyền nằm trên nền kho lương của nhà Trần. Giá trị đền Trần Thương thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu, tỉ mỉ với kỹ thuật kỹ thuật chạm (kênh bong, chạm chìm, chạm nổi), kỹ thuật bào trơn, đóng bén, tạo các loại mộng, xử lý vật liệu gỗ, vật liệu truyền thống (vôi, cát, gạch…). Sự phối hợp nhuần nhuyễn, hợp lý các giải pháp kỹ thuật đã đạt hiệu quả cao, tạo nhiều nét đặc sắc, nâng cao giá trị kiến trúc thẩm mỹ của ngôi đền.

Đền Trần Thương được xây dựng trên một khu đất rộng, nằm biệt lập. Giới hạn không gian của đền là hệ thống tường xây bằng gạch đặc trát vữa kết hợp với các đoạn kênh, ao hồ. Tổng thể ngôi đền quay về hướng Nam, gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại, Đường chính đạo, Nghi môn nội, Sân và bình phong, Đền chính, Nhà mẫu, Giếng nước.

Nghi môn ngoại: có kiến trúc gác 3 tầng mái, gồm 3 cổng ra vào, hai bên xây trụ biểu. Cổng giữa cũng là lối đi chính dẫn và đền, có kiến trúc 3 tầng mái, cửa cuốn vòm, tầng thứ nhất cao +4,85m, rộng 4,57m, bốn góc mái xây lan can gạch men hoa chanh, phía trước đắp đôi cá chép chầu, chiều cao lên đến tầng mái trên cùng + 9,085m. Tầng mái thứ hai và thứ ba kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái đao, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, mái đắp giả ngói ống. Kết cấu Nghi môn ngoại xây tường gạch đặc trát vữa, trên mỗi khoảng tường đều đắp trát trang trí con giống, hoa văn, gờ chỉ đẹp.

Đường chính đạo: lát bằng gạch chỉ nối từ tam quan ngoại vào sân đền, dài 50m, rộng 5m, hai bên đường là hai hàng cây xanh tạo cảnh quan cho di tích.

Nghi môn nội: xây kiểu trụ biểu, hai trụ chính có tiết diện hình vuông, xây gạch đặc trát vữa, soi chỉ trang trí. Trên mỗi trụ đắp một con lân chầu hướng vào trong. Hai cổng phụ hai bên xây dạng cuốn vòm, hai tầng tám mái có chồng diêm. Mái cổng đắp hình ngói ống, tầng mái dưới có đầu đao cong trang trí hoa văn cách điệu, tầng mái trên cũng được đắp đầu đao, trên bờ nóc đắp hai kìm nóc hình đầu rồng há miệng ngậm bờ nóc.

Sân và bình phong: đi qua Nghi môn nội là khoảng sân đền rộng khoảng 600m2, được lát bằng gạch đỏ. Bình phong nằm ở vị trí sau Nghi môn nội, có kiến trúc bằng đá, trên bình phong trang trí hoa văn.

Đền chính: gồm các  hạng mục Cổ lâu, Tiền tế, Tả hữu vu, Hồ khẩu, Trung điện, Hậu cung, tổng thể có kích thước 16,8m x 24,18m. Hai bên phải, trái của công trình là hai giếng nước, kè bằng đá xanh.

Cổ lâu: nằm ở phía trước gian giữa của Tiền tế, có mặt bằng hình vuông, rộng 2,52m, cốt nền +0,6m so với cốt sân, nền lát gạch men xi măng. Cổ lâu có kiến trúc hai tầng dựng theo kiểu chồng diêm tám mái, lợp ngói mũi hài, trên bờ n&te;c và các bờ dải có đắp rồng, phượng.

Tiền tế: có 5 gian 2 chái, gồm 6 vì kèo làm bằng gỗ lim. Mỗi vì kèo gồm 4 cột, các cột làm kiểu búp đòng giữa to hai đầu nhỏ, đặt trên chân tảng đá xanh. Bộ vì nóc kết cấu kiểu chồng rường, giá chiêng. Trên các con chồng, câu đầu, cột trốn, xà nách, đầu bảy…, được chạm khắc hoa văn cách điệu, các mảng chạm này được dùng bằng những thủ pháp chạm nổi truyền thống.

Giếng Hồ khẩu: nối liền không gian với Tiền tế, giếng thông thiên không có mái che, có đường kính 6,39m, độ sâu -2,9m. Thành giếng xây bằng gạch chỉ.

Hai nhà Tả/Hữu vu: nối với hai gian đầu hồi của Tiền tế, đối xứng hai bên giếng Hồ khẩu, có kiến trúc giống nhau, khép kín, chồng diêm hai tầng bốn mái. Mái lợp ngói ống, bờ nóc và bít đốc xây gạch trát vữa, tường bằng gạch đặc trát vữa xi măng, cửa ra vào mở ra hướng giếng Hồ khẩu, một cửa phụ thông vào Trung điện, các cửa sổ chắn song mở ra hướng chính và Tiền tế.

Trung điện: ở vị trí phía sau giếng Hồ khẩu, diện tích 12,47m x 5,97m, nền lát gạch bát, gian giữa trước ban thờ lát gạch men, nền Trung điện có cốt cao độ + 0,20m. Toà này có 5 gian, chủ yếu được xây bằng gạch, cao hơn kiến trúc của tiền tế và tả hữu vu. Ở mặt trước, gian giữa có xây một toà cổ lâu bằng gạch nhô hẳn ra phía giếng, phía trên tạo thành hai làn mái, lợp ngói ống.

Hậu cung: là công trình nằm sau cùng có diện tích 2,68m x 5,82m, nối liền với Trung điện. Kết cấu bằng gạch đặc trát vữa, xây dạng cuốn vòm, hai tầng mái đều được lợp ngói ống.

Nhà Mẫu: nằm riêng biệt phía sau của Đền chính, có mặt bằng hình chữ “đinh”, kiến trúc 3 gian 2 chái, phía trước nhà Mẫu là khoảng sân lát gạch đỏ mạch chữ “công”.

Giếng nước: Đền có tổng cộng 04 giếng nước, thành được kè bằng đá hộc, có bậc lên xuống xây bằng gạch, bao gồm: 02 giếng nước hình tròn, nằm ở phía trước theo hướng Nam của Đền, mỗi giếng có đường kính 7,5m. Phía sau bên trái hướng Bắc của Đền là một giếng nhỏ, đường kính 4,9m. Phía bên phải theo hướng Tây của Đền còn một giếng nhỏ, lòng giếng hình thoi hiện nay không có nước.

Đền Trần Thương hiện còn lưu giữ 202 di vật, cổ vật, đồ thờ tự đẹp, có giá trị nghệ thuật cao, phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu như: tượng thờ, khám thờ, ngai thờ, ấn thờ, kiệu, hệ thống bát biểu, câu đối, đại tự. Đồ gốm sứ có lục bình, bát hương, bát đĩa, chén, nậm rượu. Đồ đá như rùa, nghê, voi, đỉnh hương, nhang án. Đồ giấy có 38 đạo sắc phong. Các chất liệu khác bằng bạc, bằng đồng như kiếm bạc vỏ đồi mồi, vòng bạc, chén bạc, lọ đồng,…tất cả góp phần làm nên giá trị của di tích.

Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức vào Rằm tháng Giêng và 20 tháng Tám (Âm lịch) hàng năm, là một trong ba lễ hội vùng lớn nhất của tỉnh Hà Nam. Lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo, như lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Từ năm 2010 đến nay, Đền Trần Thương tổ chức Lễ hội phát lương (vào đêm ngày 14 tháng Giêng Âm lịch), thu hút rất đông du khách và nhân dân địa phương. Nghi lễ phát lương có ba phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ. Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba là rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ. Sau đó các túi lương tượng trưng gồm 5 loại hạt (đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng) cùng ấn phù của Đền Trần Thương được phát cho quan khách và nhân dân với mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc và no ấm.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần Thương (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23/12/2015)./.

Khắc Đoài (Theo Hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)