Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (Bổ sung 23 điểm di tích)

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự hùng mạnh, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, giải phóng hoàn toàn một nửa đất nước, mở đầu thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Với ý nghĩa và tầm vóc đặc biệt, các di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Tuy nhiên, còn một số địa điểm in đậm dấu ấn của chiến dịch lịch sử này chưa được xác định kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để xếp hạng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung những địa điểm di tích Chiến trường Điện Biên vẫn tiếp tục được thực hiện.

23 điểm bổ sung vào di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ phân bố trên địa bàn: thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, có tổng diện tích các khu vực bảo vệ là: 545.505,75m2, trong đó: khu vực bảo vệ I: 349.708,72 m2, khu vực bảo vệ II: 195.797,03 m2.

1. Hệ thống di tích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

1.1. Di tích Đồi D (D1, D2, D3), (phường Mường Thanh và phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ),

Đồi D1 đã được xếp hạng là di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Riêng Đồi D2, D3 chưa được xếp hạng, vì vậy, đợt này được đề nghị bổ sung . Đồi D2, khu vực bảo vệ I là 8.279,85m2 (không có khu vực bảo vệ II). Đồi D3, khu vực bảo vệ I là 800m2, khu vực bảo vệ II là 7.600m2.

Thực dân Pháp đã xây dựng và biến cứ điểm Đồi D để trực tiếp khống chế khu Trung tâm và sân bay Mường Thanh. Đúng 17 giờ ngày 30/3/1954, pháo của ta đồng loạt dội xuống đồi D và các cao điểm phía Đông khu trung tâm Mường Thanh, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ binh tiến lên. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, quân ta giành giật với địch từng ụ súng, từng mét chiến hào. Sau 2 ngày, quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm D1, D2, D3.

1.2. Điểm Pháo 105mm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ), có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 334,4m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Từ ngày 20 – 22/11/1953 đã có 6 tiểu đoàn dù của Pháp, với khoảng 4.500 lính có mặt tại Điện Biên Phủ. Sau khi chiếm đóng Điện Biên thành công, thực dân Pháp đã cho xây dựng nơi đây thành một Tập đoàn quân sự mạnh, gồm 49 cứ điểm chia thành 8 cụm nằm trong ba phân khu đó là phân khu Bắc, phân khu Trung Tâm và phân khu Nam.

1.3. Di tích Đồi Cháy (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 23.856,1m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đã lấy đồi Cháy làm nơi đặt trận địa cối và Sở chỉ huy Trung đoàn. Đêm 06/5/1954, Trung đoàn 174 được lệnh công kích vào cứ điểm A1. Sau khi chiếm được A1, Trung đoàn 174 để lại một số đơn vị chốt giữ A1, còn lại thì rút quân về bên Đồi Cháy chỉnh đốn lại đội hình. Các đơn vị súng cối, pháo 75mm trên Đồi Cháy bắn yểm hộ cho các phân đội bộ binh tiến vào trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

1.4. Di tích Đồi F (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 59.535,97m2 (không có khu vực bảo vệ II). 

Cùng với đồi A1, đồi F là một trong các điểm cao quan trọng nhất, có tác dụng che sườn cho phân khu Đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành bình phong bảo vệ cho khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Về phía ta, nếu chiếm được đồi F thì nơi đây có thể dùng làm trận địa hoả lực, đặt trung liên, đại liên, DKZ trực tiếp uy hiếp Al, C1, C2, phong toả cả bên sườn và chính diện trận địa Pháp về phía Đông, chi viện cho bộ binh xung phong thuận lợi. Đồi F được Quân đội ta làm chủ hoàn toàn vào rạng sáng ngày 07/5/1954.

1.5. Di tích Đồi E2 (phường Tân Thanh và phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 76.466,5m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Đồi E2 được chọn làm địa điểm để xây dựng Sở chỉ huy phía trước của Đại đoàn 312. Khi quân ta tấn công cứ điểm E1, địch điều lực lượng lên cứ điểm E2 để chiếm giữ nhưng đã bị pháo và súng cối của ta khống chế, buộc địch phải rút lui không thể tiến lên và chúng lại rút về cứ điểm E1.

2.2. Hệ thống di tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam

2.1. Di tích Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 160m2 và khu vực bảo vệ II là 5.230,5m2.

Ngọn núi Pu Tó Cọ được Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chọn để đặt Đài quan sát, nằm gần Sở chỉ huy chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch đóng tại khu rừng Mường phăng cũng như Đài quan sát của Sở chỉ huy đóng trên đỉnh Pú Tó Cọ được giữ bí mật tuyệt đối, từ khi chuyển tới cho đến khi kết thúc chiến dịch.

2.2. Di tích Trận Hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu Km62 (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 380,5m2 và khu vực bảo vệ II là  4.520,5m2.

Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu đóng ở đây trong vòng 13 ngày (từ 18 đến 30/01/1954) cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

2.3. Di tích Đèo Pha Đin (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo), có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 137.083,4m2 và khu vực bảo vệ II là 137.686,53m2.

Đèo Pha Đin dài 32 km, điểm đầu thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) và kết thúc ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Đây là tuyến đường huyết mạch của Quân đội ta nối từ hậu phương ra chiến dịch. Với vị thế chiến lược, muốn vào Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải qua đèo Pha Đin. Vì thế, địch cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, thả hàng trăm quả bom các loại (bom phá, bom nổ chậm, bom bi, bom Na-pan…). Đèo Pha Đin được ví như “túi bom”, có ngày địch ném xuống đây 160 quả bom, trung bình mỗi ngày chịu 16 tấn bom đạn. Tại đây, đã có hơn 8.000 thanh niên xung phong ngã xuống để đảm bảo thông xe, thông tuyến, phục vụ kịp thời cho việc chuyển quân, chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm.

2.4. Di tích Đường Kéo pháo bằng tay (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 27.239,5m2 và khu vực bảo vệ II là 15.557,2m2

Sau khi cân nhắc tình hình tại Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định đưa pháo hạng nặng lên chiếm lĩnh trận địa. Những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua núi cao, vực thẳm lên địa điểm tập kết chỉ dựa vào sức người. Với khẩu hiệu “mở đường thắng lợi”, sáng ngày 15/01/1954, lực lượng mở đường với hơn 5.000 người, với những công cụ thô sơ như dao, rìu, cuốc, xẻng, xà beng,… đào vào các sườn núi cao hiểm trở, vừa cắm mốc, vừa làm hầm trú ẩn, hầm công sự, trong khi quân địch luôn cho máy bay thả bom phá hủy… Sau 20 giờ, một con đường kéo pháo bằng tay dài là 15km, rộng 3m đã được hoàn thành vượt thời gian quy định 4 giờ.

2.5. Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch ở hang Thẳm Púa (xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 2.869,3m2 và khu vực bảo vệ II là 16.586,75m2

Đây là vị trí đặt chân đầu tiên của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong 32 ngày (từ 17/12/1953-17/01/1954). Tại đây, ngày 19/12/1953, Bộ chỉ huy chiến dịch đã triển khai kế hoạch đánh địch ở Lai Châu không cho rút về Điện Biên Phủ và bao vây quân địch ở Điện Biên Phủ, chốt chặt không cho chúng rút chạy về Thượng Lào.

2.6. Di tích nơi anh Bế Văn Đàn hy sinh (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 8.761,5m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Trận chiến 12/12/1953 ở Mường Pồn, trong một tình thế khẩn cấp, Bế Văn Đàn tuy đã bị thương nhưng vẫn dũng cảm nhấc hai chân súng tiểu liên đặt lên vai mình làm bệ đỡ để đồng đội siết cò, trút đạn về phía quân địch, bẻ gãy đợt tấn công. Bế Văn Đàn bị thêm hai vết thương nặng (do 2 chân súng tỳ lên vai), máu chảy ròng ròng, đã anh dũng hi sinh trong tư thế hiên ngang, hai tay còn giữ chặt chân súng… Tấm gương hi sinh oanh liệt của anh đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận kiên quyết xông lên đánh quân thù.

2.7. Di tích Trận địa cao xạ 37mm của Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên), có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 2.870,2m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Đây là vị trí trận địa pháo để khống chế và tiêu diệt địch tại phân khu Bắc (Độc lập và Bản Kéo), tạo điều kiện để bộ binh đánh vào sào huyệt của địch. Sau khi tiêu diệt được Độc Lập, Bản Kéo, trận địa pháo của Tiểu đoàn 394 chuyển đến bản Tâu, tiếp tục hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt các cứ điểm thuộc Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

2.8. Di tích Trận địa cao xạ 37mm của Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 ở Bản Tâu (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 2.972,15m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Vào lúc 15 giờ 30 phút, ngày 14/3/1954 khi các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308, 312 chuẩn bị tiến công cụm đồi Độc Lập, có hai tốp máy bay của địch từ hướng Đông bay tới. Tiểu đoàn pháo cao xạ 394, Trung đoàn 367 đã bắn rơi tại chỗ chiếc Hen Đi Vơ đi đầu. Những chiếc khác, trước lưới lửa mãnh liệt của pháo cao xạ ta, ném bom loạn xạ rồi tháo chạy. Đêm hôm đó, quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập.

2.9. Di tích Trận địa cao xạ 37mm của tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 ở Bản Hồng Líu (phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 3.012,59m2(không có khu vực bảo vệ II)

Sáng ngày 14/3/1954, Tiểu đoàn 383 đã bắn cháy chiếc máy bay đầu tiên của Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 383 đã sử dụng pháo cao xạ 37mm, cùng các đơn vị khác khống chế bầu trời để bộ binh yên tâm tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Trong đợt tấn công thứ hai và thứ ba của chiến dịch, Tiểu đoàn 383 đã sử dụng pháo cao xạ 37mm khống chế bầu trời, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt các cứ điểm của Pháp, tiến đến tổng công kích vào chiều ngày 07/5/1954.

2.10. Di tích Khu vực tập kết Hậu cần tại ngã ba Tuần Giáo (thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 50m2 (không có khu vực bảo vệ II). Đây là địa điểm tập kết lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ được vận chuyển đến từ các hướng.

2.11. Trận địa pháo 105mm của Đại đội 806, tiểu đoàn 594, Trung đoàn 54, Đại đoàn 351 ở xã Thanh Minh (xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ), diện tích khu vực bảo vệ I là 1.233,6m2 (không có khu vực bảo vệ II)

Tại đây, quân ta đã bắn những loạt đạn pháo 105mm đầu tiên vào cứ điểm Him Lam mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, xóa sổ Tiểu đoàn 3 của địch, sau đó, pháo 105mm đã tấn công vào cứ điểm Độc Lập, uy hiếp Bản Kéo.

2.12. Di tích Trận địa pháo H6 của tiểu đoàn 224, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351 ở xã Thanh Minh (xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 1.108,76m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Đêm 06/5/1954, Tiểu đoàn H6 tham gia hỏa lực, bắn 3 đợt (618 viên) vào các mục tiêu, góp phần làm cho địch suy sụp tinh thần. Sáng sớm ngày 07/5/1954, Tiểu đoàn được phổ biến thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “hôm nay địch sẽ ra sức đối phó, tập trung lực lượng pháo kích và oanh tạc. Ta phải tích cực, cương quyết, bền bỉ đánh bại đợt phản kích cuối cùng của địch”. Đến 9 giờ 30, Tiểu đoàn được lệnh bắn 2 loạt đạn (144 viên) vào khu vực Mường Thanh, trong đó có cả 3 mục tiêu cấp trên đã chỉ định. Một cột lửa khói khổng lồ bao trùm khu vực  mục tiêu. 15 giờ chiều, quân ta được lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận đánh thẳng vào Sở chỉ huy địch bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ Ban tham mưu của Tập đoàn cứ điểm. Đến 24giờ, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng.

2.13. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Hang Huổi He (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 443m2 và khu vực bảo vệ II là 1.443,5m2

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy của Bộ chỉ huy được đặt tại 3 địa điểm: Hang Thẳm Púa, Hang Huổi He và Mường Phăng. Hang Thẳm Púa là Sở chỉ huy đầu tiên của Bộ chỉ huy trong thời gian 32 ngày (từ 17/12/1953 – 17/1/1954). Hang Huổi He là Sở chỉ huy thứ 2 của Bộ chỉ huy chiến dịch trong thời gian 13 ngày (từ ngày 18 – 30/01/1954).

2.14. Di tích Sở chỉ huy Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 2.662,7m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Sở chỉ huy Trung đoàn 98 đóng ở Mường Thanh từ tháng 12/1953 – 5/1954. Tại đây, trong đợt tấn công thứ hai, Trung đoàn 98 nhận lệnh tiêu diệt cứ điểm C1, C2, ngoài ra còn có đơn vị khác đánh hiệp đồng. Tại cứ điểm Đồi C, các chiến sỹ Trung đoàn 98 đã đánh tan quân Pháp, mở toang cánh cửa phía Đông để tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

2.15. Di tích Trận địa pháo của Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 (thuộc bản Púng Tôm, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 2.624,2m2 và khu vực bảo vệ II là 8.512m2

Đúng 17giờ 13/3/1954, cùng với pháo 105 mm của ta, pháo cao xạ 37 mm của Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 bắt đầu bắn những loạt đạn đầu tiên vào Him Lam, khống chế bầu trời, không cho máy bay địch tiếp tế và viện trợ. Chỉ trong vòng hơn 5 tiếng đồng hồ, Khẩu đội 3 cùng với 3 Khẩu đội khác của Đại đội 815 hiệp đồng với công binh, bộ binh tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam.

2.16. Di tích Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) có diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 4.967,1m2, khu vực bảo vệ II là 18.183,2m2.

Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu, được thành lập trên cơ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính các huyện, xã đã có từ trước (thành lập đầu tiên ở huyện Điện Biên và Tuần Giáo) vào tháng 12/1953, do đồng chí Hoàng Bắc Dũng, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh làm Chủ tịch, 2 ủy viên là đồng chí Lò Văn Hặc và Hoàng Hoa Thưởng.

2.17. Di tích Tòa soạn tiền phương của Báo Quân đội Nhân dân (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 4.919m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Ngày 28/12/1953, báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên phát hành tại mặt trận Điện Biên Phủ, mang số 116 lấy theo số báo ở hậu phương. Trải qua 140 ngày đêm, báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã ra được 33 số, góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu cho toàn quân…

2.18. Di tích Sở chỉ huy Tiền phương của Tổng Cục cung cấp (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên), diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 13.666m2 (không có khu vực bảo vệ II).

Sở chỉ huy Tiền phương nằm ở sườn núi Lùng Pá Chả (tiếng Thái có nghĩa là “lán trong rừng tre”), hữu ngạn suối Ta Hiện, gần với Trụ Sở Ủy ban kháng chiến hành chính và Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng. Tại đây, ta đã huy động được số lương – thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu cho chiến dịch.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, 23 điểm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 xếp hạng bổ sung vào Hồ sơ di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ)./.

 

Khắc Đoài