Thu Đông 1953 – 1954, cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang năm thứ 8, cục diện chiến trường Đông Dương đã hoàn toàn thay đổi: ta chủ động tấn công và liên tiếp thắng lợi, địch lâm vào thế bị động và liên tiếp thất bại, phải rút vào thế phòng ngự. Trước tình hình đó, thực dân Pháp, với sự hỗ trợ của Mỹ đã đề ra một kế hoạch mới – Kế hoạch Nava (Navarre), nhằm bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng.
Điện Biên Phủ được lấy làm tâm điểm của kế hoạch này, với âm mưu sau khi giành được thắng lợi ở Đông Dương, Pháp sẽ cùng với Mỹ xây dựng Điện Biên Phủ thành căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất Châu Á để khống chế vùng Bắc bộ Việt Nam, Thượng Lào và Nam Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo quyết tâm đập tan chiến dịch Nava. Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 4 chỉ rõ, phải: “tìm chỗ yếu của địch mà đánh, bắt địch phải phân tán lực lượng”, với phương châm tác chiến: “tích cực chủ động, cơ động linh hoạt”. Để hoàn thành sứ mệnh đó, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy Trung ương đã phát động rộng rãi trong toàn quân phong trào “Tất cả để chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Tất cả để phá tan kế hoạch Nava”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu từ ngày 13/3/1954, phát triển qua 3 giai đoạn, đến ngày 7/5/1954 đã kết thúc thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi quân sự trên chiến trường Điên Biên của ta đã buộc thực dân Pháp và quan thầy Mỹ phải đặt bút ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hồ Chủ tịch đã nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”. Gần 60 năm qua, khu vực diễn ra trận Điện Biên lừng lẫy toàn cầu đã có nhiều thay đổi, nhưng những di tích liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt này vẫn luôn được quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị. Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được hình thành từ hai hệ thống: – Tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ do địch xây dựng – cũng là các mục tiêu tấn công của ta, nơi ghi lại những chiến công oai hùng của quân đội ta (bao gồm các di tích: Đồi A1, D1, D3, C1, C2, Hầm Đờ Cát, Cầu Mường Thanh, Đồi E1, Đồi Him Lam, di tích hận thù Noong Nhai, Đồi Độc Lập, Đồi Noong Bua, các sân bay, Cụm cứ điểm Hồng Cúm). – Sở Chỉ huy chiến dịch của quân đội ta, đặt tại Mường Phăng.1- Hệ thống di tích Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ
– Phân khu Hồng Cúm – Phân khu Nam : còn gọi là phân khu Hồng Cúm hay Idaben (Isabelle), được xây dựng về phía Nam của Điện Biên cách trung tâm thành phố 6 km. Về mặt chiến thuật, Hồng Cúm giữ vai trò khá quan trọng, nó vừa bảo vệ phía Nam của tập đoàn cứ điểm, vừa chi viện cho phân khu trung tâm khi bị tấn công bằng pháo binh, bộ binh, lực lượng cơ giới và còn có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía Nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào. Khi Tập đoàn Cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt thì nó là cái “cửa sau” mở đường rút chạy sang Thượng Lào cũng như đón quân từ Lào sang ứng cứu và chi viện.
– Đồi C1: nằm trong dãy đồi liên hoàn phía Đông. C1 cùng với A1, C2, E1, D tạo thành tấm lá chắn che chở cho phân khu trung tâm. Xét về địa thế, đồi C1 tuy không có độ cao như đồi E và đồi D, nhưng lại có vai trò quan trọng hơn rất nhiều bởi sự bố phòng liên hoàn cùng với A1. Nếu quân ta chiếm được hai quả đồi này, có thể kiểm soát toàn bộ các vị trí tả ngạn sông Nậm Rốm. Ngược lại, nếu để mất những cứ điểm này, lực lượng quân Pháp ở hữu ngạn và tả ngạn sông Nậm Rốm sẽ bị chia cắt.
Lực lượng của ta tham gia đánh đồi C1 gồm: Tiểu đoàn 215, thuộc Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 do Trung đoàn trưởng Vũ Lăng trực tiếp chỉ huy, ngoài ra, còn có một số đơn vị kết hợp của Đại đoàn 312.
– Đồi C2: nối với C1 bằng một “yên ngựa”. Sườn đồi phía trong thoai thoải, đổ xuống đường 41 (nay là đường 279), rất tiện cho quân Pháp cơ động lên phản kích. Trên đồi có hệ thống chiến hào liên hoàn, với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố. Phía ngoài là nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc mà quân Pháp bố trí. Trên đồi C2 tiểu đoàn dù thuộc địa và trung đoàn Ma Rốc số 4 chiếm giữ.
Về phía ta, chịu trách nhiệm đánh cứ điểm này là Trung đoàn Ba Đồn (98), thuộc Đại đoàn Biên Hoà (316). Trung đoàn trưởng chỉ huy trận đánh trong thời gian ấy là đồng chí Vũ Lăng.
– Đồi D: nằm trong cụm Đôminích (Dominique), bao gồm 3 ngọn đồi D1, D2, D3. Thực dân Pháp đã xây dựng và biến cứ điểm này thành vị trí tiền tiêu của dãy đồi phía Đông. Nhiệm vụ của đồi D là trực tiếp khống chế khu Trung tâm và sân bay Mường Thanh. Thực dân Pháp lợi dụng địa thế tự nhiên của 3 mỏm đồi có lợi cho chúng về mặt quân sự để xây dựng thành vị trí phòng thủ vững chắc.
Về phía ta, đơn vị đảm nhiệm tiêu diệt đồi D là các Tiểu đoàn: 130, 166, 134, thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
– Bản Kéo: nằm ở phía Tây Bắc của tập đoàn cứ điểm. Thực dân Pháp đặt tên mới cho bản Kéo là Trung tâm đề kháng Annơ Mari (Anne Marie). Trung tâm này gồm 4 cứ điểm: nằm ở vòng ngoài trên hai mỏm của đồi bản Kéo là Annơ Mari 1 và 2; nằm ở phía Bắc sân bay, ngay trên mặt ruộng liền kề với phân khu trung tâm là Annơ Mari 3 và 4.
– Đồi Him Lam: trung tâm đề kháng Him Lam là một trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch. Him Lam thuộc phân khu trung tâm, cách trung tâm Mường Thanh 2,5 km, có nhiệm vụ che chở cho phân khu trung tâm và làm nhiệm vụ án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên, ngăn chặn hướng tấn công chính của bộ đội ta vào khu trung tâm Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ.
– Đồi E1: là một trong 5 cao điểm phòng lực phía Đông, thuộc phân khu trung tâm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tấn công ở hướng Đông Bắc vào Điện Biên Phủ. Vì vậy, thực dân Pháp coi đồi E1 là bức bình phong bảo vệ Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng tìm cách giữ bằng được cao điểm quan trọng này.
Về phía ta, đơn vị đảm nhiệm tiêu diệt đồi E1 là Đại đoàn 312.
– Đồi A1: đây một điểm cao cuối cùng trong hệ thống phòng ngự dãy đồi phía Đông, cao gần 32 m so với mặt đường, diện tích gần 82.000m2, cách Sở Chỉ huy Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ 500 m về phía Đông. Tại đây, quân Pháp đã cho xây dựng 3 tuyến phòng thủ vô cùng kiên cố, phía ngoài cùng lại có 5 lớp rào dây thép gai, dầy hơn 100m, gài nhiều mìn. Pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm, hoả lực bắn thẳng ở cứ điểm A3, C2, không quân, xe tăng sẵn sàng chi viện cho cứ điểm A1.
Về phía ta, Cứ điểm A1 là một trong các mục tiêu chủ yếu của đợt tấn công thứ 2 của chiến dịch.
– Đồi Độc Lập: được người Pháp gọi là Gabrien (Gabrielle), thuộc xã Thanh Nưa, thành phố Điện Biên, có chiều dài 700m, rộng 200m, nằm đơn độc ngang đường 12 (Điện Biên – Lai Châu), phía Bắc Mường Thanh – là trung tâm đề kháng, làm nhiệm vụ ngăn chặn đối phương. Tại đây đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt để mở “cánh cửa thép” nhằm mở đường cho ta thọc sâu vào trung tâm chỉ huy sở vào hồi 17 giờ ngày 17/3/1954.
– Hầm Đờ Cát: thuộc xã Thanh Luông, thành phố Điện Biên, cách đồi A1 khoảng 700m về phía Đông. Đây là trung tâm của Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ, nên được bảo vệ chắc chắn, gồm các đơn vị, như hầm chỉ huy, trận địa pháo, khu quân y, khu hậu cần và một số kho tàng quân trang, quân dụng, có hệ thống thông tin liên lạc tới các trung tâm đề kháng. Từ chỉ huy sở có đường giao thông hào tới các đơn vị, xung quanh được bảo vệ bằng hàng rào dây thép gai.
1.2- Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng
Được thành lập ngày 01/01/1954, ở phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Sở Chỉ huy đóng tại đây cho đến lúc kết thúc chiến dịch. Tại đây đã diễn ra những cuộc họp mang tính chất quyết định trong quá trình tấn công Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ. Để đảm bảo bí mật, Sở Chỉ huy quyết định đào một đường hầm xuyên núi, từ lán làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thông với l&te;n làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, dài 97m, với chiều cao 1,70m, chiều rộng 1,20m. Ngoài lán làm việc, còn có rất nhiều các lán nhỏ, là nơi làm việc của các ban: Tác chiến, Chính trị, Hậu cần, Thông tin, khu hầm và lán làm việc của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, hầm và lán làm việc của Cố vấn Trung Quốc.
2- Giá trị tiêu biểu của di tích
Khu di tích Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự có đủ cả phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Hồ Chủ tịch.
Về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định:
“Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến lược quy mô lớn, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn Cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của đội quân viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức. Thắng lợi rực rỡ của trận quyết chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với toàn cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, đến thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ, đưa cuộc kháng chiến lâu dài anh dũng của quân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi vĩ đại”, và, “Điện Biên Phủ vĩnh viễn được các dân tộc trên thế giới ghi nhớ như một trong những trang sử huy hoàng nhất của phong trào giải phóng dân tộc của hàng nghìn triệu người trên trái đất”.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
Khánh Trang (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)