Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở về phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam – Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km.

Khu di tích còn được biết tới với những tên gọi khác, như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam); Căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt Căn cứ); Căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài); Căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam , Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam .

1.     Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Tháng 3 năm 1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (khóa II) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư. Sau đó, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Bí thư, đồng chí Phạm Hùng làm Phó Bí thư. Ngày 6/9/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy.

Ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam . Đầu 1965, Trung ương Cục được giao nhiệm vụ chỉ đạo Nam bộ và cực Nam Trung bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đảm nhận trọng trách Bí thư Trung ương Cục.

Trong giai đoạn 1967 – 1975, đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư; các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng và Hoàng Văn Thái làm Phó Bí thư Trung ương Cục.

Khu căn cứ được xây dựng tại rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn giữa rừng nguyên sinh với nhiều tầng cây che phủ.Hệ thống nhà ở và phòng làm việc trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân. Các hầm trú ẩn thường làm kế cận nhà ở và làm việc, chìm vào lòng đất.

Hiện nay, di tích này được quy hoạch thành hai khu vực chính:

– Khu di tích: phục hồi nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng…, hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu và hầm hàm ếch, phân bố đều trên toàn tuyến.

– Khu tưởng niệm gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tổng diện tích xây dựng của khu vực này là 750m2.

2. Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

Ngày 20/12/1960, tại Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trải qua các kỳ đại hội sau:

– Đại hội Đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (từ ngày 16/2 – 3/3/1962), lần thứ hai (từ ngày 11 – 18/11/1964);

– Từ ngày 15 – 20/8/1967, tại vùng căn cứ địa Bắc Tây Ninh, Đại hội bất thường của Mặt trận đã thông qua Cương lĩnh chính trị làm cơ sở cho việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là Đại hội lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng.

Khu di tích này phân bố bên dòng Suối Chò, gồm 3 phân khu chức năng khác nhau:

– Khu di tích gốc gồm: nhà bảo vệ, nhà giao liên, nhà khách, nhà các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, bếp Hoàng Cầm, hội trường và một số đoạn giao thông hào, hầm trú ẩn…;

– Khu tưởng niệm gồm: nhà bia, nhà đón tiếp, nhà trưng bày;

– Khu bảo tồn: gắn với cảnh quan thiên nhiên.

3. Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam

Từ ngày 6 – 8/6/1969, tại rừng Tà Nốt, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn.

Khu Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với diện tích là 60ha, được chia làm ba khu vực:

– Khu di tích gốc gồm: nhà làm việc, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, hầm trú ẩn, giao thông hào.

– Khu tôn tạo gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, phòng khách, nhà làm việc, nhà bia;

– Khu bảo tồn: gắn với cảnh quan thiên nhiên.

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961 – 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam. Lịch sử đã chứng minh, quyết định thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân, đặc biệt về bài học xây dựng Đảng.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành thủ đô của cách mạng miền Nam, là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam bộ. Di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là đối với các thế hệ trẻ Việt Nam .

Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTG).

Mai Anh (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)