Mộ Cự thạch Hàng Gòn (còn gọi Di chỉ Hàng Gòn 7, Mộ Đông Dương, Mả Ông Đá), thuộc xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, gồm: Khu hầm mộ (phát hiện năm 1927) và Khu chế tác (phát hiện năm 1995). Năm 2011, di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng mặt bằng là 37.120m2, với các hạng mục: Khu hầm mộ, khu chế tác, miếu Ông Đá, miếu Thổ thần, các công trình phụ trợ (cổng, hàng rào, sân đường nội bộ, nhà trực ban – bán vé, nhà bao che, nhà đón tiếp – trưng bày, nhà điều hành).
1. Khu hầm mộ:
Di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn hiện nay so với phát hiện vào năm 1927 vẫn còn giữ nguyên được cấu trúc, hiện trạng hầm mộ. Tuy nhiên, khu di tích dạng hầm mộ được chôn sâu trong lòng đất, so với bình diện của mặt đất hiện nay khoảng 3m.
* Hầm mộ: dài 4,2m, rộng 2,7m, cao 1,6m. Toàn bộ hầm mộ có dạng kiến trúc hình hộp chữ nhật được gắn kết từ 6 tấm đan bằng đá hoa cương. Hầm mộ đã được gia cố, gia cường, bề mặt bao phủ các tấm đan được xử lý hóa chất bảo quản. Nắp mộ dày khoảng 30cm, bao phủ phía trên các tấm vách đứng, đặc biệt ở hai đầu chiều ngang có phần nhô ra theo dạng tay nắm với chiều dài 10cm, rộng 68cm, có trọng lượng khoảng 10 tấn. Các tấm đan còn lại mỏng hơn, khoảng từ 20cm đến 25cm, được lắp ghép liên kết với nhau bằng rãnh rộng khoảng 10cm và sâu từ 4cm đến 5cm, trông đơn giản nhưng rất bền chặt. Xung quanh hầm mộ, bờ vách, bậc thềm dạng tam cấp.
* Các trụ đá, tấm đá rời tại hầm mộ: Theo mô tả của Jean Bouchot, xung quanh mộ Cự thạch Hàng Gòn có hai hàng cột. Trong đó, có hai trụ đá lớn, có chiều dài 7,2m, chiều rộng 1,1m, độ dày 35cm và 10 trụ đá sa thạch có chiều dài từ 2,5m đến 3m. Đợt trùng tu năm 1992, nhiều trụ đá, đoạn đá bị gãy từ các trụ chính này và một số tấm đá rời được sắp xếp trên các bậc thềm quanh di tích. Đợt khai quật năm 1996, tại khu chế tác đã phát hiện thêm 03 tấm đá rời và hai trụ đá sa thạch.
Hiện nay, tại khu hầm mộ, ngang với tấm đan đáy mộ có hai tấm đá rời nằm ở vách Bắc và Nam. Trên bậc thềm vách Bắc, một trụ hoa cương lớn cũng nằm tại vị trí sắp xếp của đợt trùng tu năm 1992. Các trụ đá, tấm đá bị phong hóa nhiều trên bề mặt. Cấu kết và hình thức được mô tả trước đây sau các đợt khai quật, trùng tu không có sự biến dạng hay thay đổi nhiều.
2. Khu chế tác:
Khu chế tác nằm ở phía Tây Nam của cổng chính và phía Đông Nam Khu hầm mộ. Cuộc khai quật năm 1996, đã phát lộ một số tấm đan đá hoa cương và hai trụ đá sa thạch có đầu đấu chéo vào nhau, cùng nhiều phế liệu đá hoa cương và đá cuội, cụ thể:
– Một tấm đan bằng đá hoa cương hình chữ nhật có thể được chế tác hoàn chỉnh v&rave; sau đó bị vỡ thành 9 mảnh, nằm theo hướng Đông Tây. Tấm đan thứ 2 có hình gần vuông 1,5m x 1,5m và dày 12cm, phủ màu xám nâu. Tấm đan này có dấu vết của kỹ thuật đục, gọt, vát chạy dọc theo rìa và rãnh ngàm kích cỡ 10cm x 5cm, gần hình chữ nhật. Tấm đan thứ 3 có kích cỡ 1,5m x 1m, dày 12cm gần bị vỡ thành hai mảnh. Cả hai mảnh này được xác định là phần ghép của tấm đan thứ nhất vì có kích cỡ, chất liệu, màu sắc phong hóa, dấu tích gia công đục, gọt vát tương ứng.
– Ngoài ra còn có hai trụ đá và một hòn cuội có hình bầu dục, nằm ngang trên cùng bình độ với các cụm đan đá. Hai trụ đá bằng sa thạch, có xương đá hạt mịn, màu xám đen, không còn nguyên vẹn, có dấu vết bị gãy, nứt. Hai đầu trụ nằm chụm đầu theo hướng Đông Nam, phần đu&c;i xòe góc khoảng 270.
– Trong các hố khai quật, theo số liệu thống kê của đợt khai quật đã phát hiện 4.413 tiêu bản đồ đá, trong đó, có 299 phế vật của đá hoa cương và 4.114 phế vật đá cuội, 03 tiêu bản chất liệu đồng, 24 tiêu bản chất liệu gốm. Tất cả các tiêu bản phế vật đá cuội gồm các loại như hạch đá, mảnh tước, mảnh tách…vốn là tàn tích, dạng phế vật được thải bỏ sau khi chế tác đá của người cổ.
Sau khi tu bổ, tôn tạo vào năm 2012, khu chế tác có diện tích 204,6m2 có độ sâu so với mặt đất là 0,5m, bốn phía được xếp bằng đá lên tới mặt đất. Phía trên được xây hàng rào bao quanh cao 1m, bằng bê tông, cốt thép, sơn giả tre.
3. Miếu Ông Đá: mặt bằng dạng chữ Đinh (丁), gồm Chánh điện và Nhà bếp. Chánh điện diện tích 51,84m2 (7,2m x 7,2m) được xây kiểu tứ trụ (nhà vuông, 4 cột), quay về hướng Đông. Hệ thống cột được làm bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ. Ba vách tường được xây kín, mặt tiền để thông thoáng với cách bố trí ba cửa được làm bằng gỗ gõ đỏ, phần dưới để trơn, phần trên chạm lộng hình hoa mai.
Bài trí trong miếu là ba ban thờ tương ứng và đối diện với ba lối cửa đi vào. Ban thờ chính giữa cao 1,5m rộng 1,2m x 3m, thờ Ông Đá. Hình thức thờ là tranh kiếng trên có ghi chữ “Liên tướng từ bi”. Trên ban thờ bài trí một bài vị, lư hương, cặp đèn, cặp bình hoa và hai con ngựa bằng gốm. Hai ban thờ khác đối xứng qua ban thờ chính, có tính chất “Tả ban, Hữu ban” nhỏ hơn, không có bài vị. Tất cả những vật bài trí trên bàn thờ Tả ban, Hữu ban này đều nhỏ hơn so với bàn thờ chính. Trên xà ngang và hai hàng cột phía trước bàn thờ thần có treo các hoành phi và các cặp liễn đối, nội dung ca ngợi công đức của Ông Đá.
Nhà bếp diện tích 48,99m2, mặt tiền quay về hướng Đông. Hệ thống đòn tay, rui mè được làm bằng sắt. Mái lợp ngói vảy cá. Ba vách tường được xây kín, mặt tiền để thông thoáng.
4. Miếu Thổ thần: nằm cách Miếu Ông Đá khoảng 3m về phía Tây Bắc, diện tích 4m2, xây bằng gạch, sơn màu vàng, mái lợp tôn giả ngói màu đỏ, bên trong có một bàn thờ Thổ thần.
5. Các công trình phụ trợ khác:
Cổng chính: gồm có 5 cổng, rộng bằng nhau là 4,8m. Cổng chính cao 6,34m, hai cổng giữa cao 5,07m, hai cổng ngoài cùng cao 3,8m. Cổng phụ rộng 6m nằm cách cổng chính 150m về phía Nam. Hệ thống hàng rào của di tích cao từ 2m – 2,5m, xây bằng gạch, phía trên có sắt nhọn. Nhà Trực ban – Bán vé có diện tích 18m2, hình bán nguyệt. Nhà bao che diện tích 46,8m x 30m, dạng nhà vòm, nhiều trụ, với những ống thép lớn. Hệ thống tường khu hầm mộ gồm: bên ngoài cao 2m, bên trong cao 1,2m, xây bằng gạch tô vôi vữa, làm nhám, đắp giả đất đỏ bazan. Nhà trưng bày diện tích 436,8m2; Nhà điều hành diện tích 388,8m2 đều xây dựng theo kiểu cấu kiện hầm mộ, có hình dạng hình chóp cụt.
Di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn là kiến trúc cổ bằng đá với quy mô kích thước, chất liệu xây dựng và kiểu thức độc đáo ở Việt Nam. Cùng với di tích cự thạch đã phát hiện trên thế giới như ở Anh, Pháp, Bungari, Ethiopia, Sudan, Pakistan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia…, mộ Cự thạch Hàng Gòn đã góp phần làm đa dạng loại hình dolmen (mộ đá lớn) trên toàn thế giới.
Trong quá trình khai quật tại di tích, các nhà khoa học đã thu được nhiều hiện vật có giá trị, đa dạng về chủng loại như: bằng đá gồm 01 tiêu bản đồ trang sức và 30 viên đá có hình dáng gần với mu rùa hay hình bán cầu có dấu vết của việc ghè đẽo tạo dáng; bằng kim loại: 02 tù và, có niên đại khoảng những thế kỷ cuối trước Công nguyên và những thế kỷ đầu sau Công nguyên; bằng gốm: 6.415 tiêu bản vốn là tàn tích như miệng, thân hay chân đế của những vật dụng như hũ, bình, vò, bát, chén… 740 mảnh gốm cổ, chất liệu là đất sét với vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ. Xương gốm có màu nâu nhạt, hồng, xám đen và xám trắng. Áo gốm mỏng, mịn. Những mảnh gốm có trang trí hoa văn không nhiều, gồm các loại văn chải, văn thừng, văn dập.
Di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn là công trình kiến trúc liên quan đến hình thức tín ngưỡng của cư dân cổ Đồng Nai, bổ sung cho nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan trong quá trình đấu tranh, tồn tại và sáng tạo văn hóa của nhân loại. Đó là sự thể hiện trong nhận thức về linh hồn con người, tín niệm về một thế giới siêu nhiên với hình thức hỏa táng thi hài sau khi chết, lưu giữ trong mộ đá vững bền, với những nghi thức trong tập quán chung của một cộng đồng. Di tích là một trong những thành tựu tiêu biểu, phản ánh một dấu mốc trong nấc thang phát triển ở Nam Bộ – Việt Nam cách đây 2.000 năm, là kho sử liệu chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, đặc biệt là những điều bí ẩn tồn tại bên trong ngôi mộ phản ánh những khía cạnh liên quan tới văn hóa tinh thần của cư dân cổ vùng đất Đồng Nai.
Sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn là tục thờ “Ông Đá”, với ước vọng “Ông Đá” giúp cho người dân được sống cảnh an lành “phong điều vũ thuận”, “quốc thái dân an”… Hằng năm, vào ngày 13 tháng Chín Âm lịch lễ cúng “Ông Đá” được tổ chức, gồm các nghi thức chính: rước Ông Đá từ Khu hầm mộ về miếu Ông Đá, tổ chức lễ cúng tại miếu và hồi Ông Đá về Khu hầm mộ và nhiều hoạt động văn hóa như: Hội thi mâm ngũ quả, biểu diễn múa lân, múa rồng …
Với giá trị tiêu biểu, di tích khảo cố Mộ Cự thạch Hàng Gòn (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23/12/2015 )./.
Khắc Đoài (Theo Hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)