Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, còn có tên gọi khác là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Theo kết quả kiểm kê năm 2012, hiện nay có 75 nhóm Dân ca Ví, Giặm, với khoảng 1.500 thành viên, điển hình là Nhóm Dân ca Ví, Giặm Hồng Sơn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn ở tỉnh Nghệ An, Nhóm Dân ca Ví, Giặm O Nhẫn, Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh; việc thực hành, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm được đẩy mạnh ở 15 huyện ở tỉnh Nghệ An và 12 huyện ở tỉnh Hà Tĩnh.
Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã không ngừng phát triển cả về bề rộng, bề sâu, trở thành bản sắc riêng có của nhân dân xứ Nghệ. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Các lối hát, vì vậy, được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,…Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là Dân ca Ví, Giặm.
Ví và Giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Các cuộc hát nổi bật với lối hát giao duyên, thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người hát chính, người còn lại hát theo để đỡ giọng.
Ca từ của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là những vần thơ cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát; nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các tác phẩm âm nhạc, ca khúc, ca kịch đương đại biểu diễn ở sân khấu, trong các phong trào truyền thông, hoạt động văn hóa xã hội, được công chúng rất yêu thích, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng càng thêm phong phú.
Giữa hát Ví và hát Giặm có những điểm khác biệt. Hát Ví có âm điệu tự do, phụ thuộc vào lời ca ở thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, và phụ thuộc vào bối cảnh, tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Trong các cuộc hát, Ví phường vải là có quy cách và thủ tục hát chặt chẽ hơn cả, thường theo ba chặng: chặng một có hát dạo, hát chào/hát mừng và hát hỏi; chặng hai là hát đố hoặc hát đối – yêu cầu đối tượng phải giải và đối; chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Hát Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, thường là nhịp 3/4 và 6/8. Một bài Giặm thường dựa theo thể thơ ngụ ngôn hay vè (thơ 5 chữ) có nhiều khổ. Loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 nên được gọi là Giặm. Có nhiều loại Giặm như: Giặm kể, Giặm nói, Giặm vè, Giặm nam nữ, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm xẩm,…Hát Giặm nam nữ có phường, có cuộc, có thể 2 – 3 người, 5 – 7 người hoặc có khi nhiều hơn. Quy trình hát Giặm về cơ bản cũng có ba chặng như hát Ví, song các bước thì không chặt chẽ, đầy đủ bằng.
Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là sự kết tinh khả năng sáng tạo lời ca và giai điệu của các cộng đồng người Nghệ Tĩnh, đặc biệt là sự đóng góp của các nho sĩ, các nhà khoa bảng, các danh sĩ, sĩ phu yêu nước. Với nội dung, ngôn từ, bài hát do họ sáng tác, thấy được chặng đường lịch sử dân tộc đã đi qua. Sự hấp dẫn của Dân ca Ví, Giặm nằm ở sự tôn trọng việc tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ địa phương. Mỗi người có thể hát Ví với âm điệu tự do, hoặc hát Giặm có phách mạnh, phách nhẹ, hoặc hát cả hai. Bằng lối hát này, họ cũng dễ dàng ứng tác, đặt lời mới, góp phần làm cho kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh thêm đa dạng, phong phú.
Ngày nay, hát Ví, Giặm đã có những thay đổi để thích ứng với hình thái kinh tế – xã hội mới. Những người thực hành không chỉ là những nghệ nhân, con cháu nghệ nhân, những người nông dân trong thôn, trong xóm làng, mà có cả cán bộ, công chức, bộ đội, công an đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Việc thực hành hát Dân ca Ví, Giặm không chỉ ở từng cá nhân, từng nhóm người, mà chủ yếu là ở các Câu lạc bộ được thành lập tại các cơ sở, đội văn nghệ, cơ quan, đơn vị và trường học… Người ta thường hát theo bài có sẵn, với sự hỗ trợ của nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Việc truyền dạy được tiến hành dưới nhiều hình thức: truyền miệng trực tiếp hoặc ghi hình, ghi âm rồi hát theo.
Được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng, nhiều câu lạc bộ mới được hình thành, nhiều cuộc thi hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ các cấp: địa phương, cấp tỉnh và cấp vùng đã được tổ chức. Ví, Giặm cũng được thực hành phổ biến trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng và trình diễn nghệ thuật trên sân khấu. Ví, Giặm ngày càng gắn liền với lối sống và tập quán của cộng đồng người Nghệ Tĩnh, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại, tiếp tục được trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bằng nhiều biện pháp như: nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ; tổ chức truyền dạy trong cộng đồng và trong trường học; quảng bá và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức giao lưu, liên hoan giữa các cộng đồng ở trong nước, quốc tế và phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ gắn với phát triển du lịch…
Để ghi nhận các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho kỳ xét năm 2014.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)