Cúng bến nước là một tập tục có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’Roi ở huyện Sơn Hòa. Nghi lễ này như một sự mong mỏi và tri ân mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho họ có một nguồn nước để sinh sống, trường tồn…
Đồng bào dân tộc thiểu số khi tìm nơi lập buôn định cư, ngoài yếu tố đất đai màu mỡ để trồng trọt, chăn nuôi, bà con còn chọn chỗ có sông, có suối, có nguồn nước mạch quanh năm để lấy nước ăn, uống. Vì vậy, ở mỗi con sông, con suối đều thành lập một bến nước. Trước khi cúng bến nước, bà con dọn dẹp bến sạch sẽ. Lễ cúng bến nước được tổ chức từ sáng sớm, bà con tề tựu về bến nước sông Cà Lúi ở buôn Ma Lúa, mặt mày ai cũng rạng rỡ niềm vui. Già làng và trưởng tộc chuẩn bị lễ vật gồm một con gà, ché rượu, trầu cau và cơm. Già làng đứng ra khấn vái thần linh sông, suối… bằng tiếng Chăm H’Roi. Anh K’ Pá Thép, một người dân, cho tôi biết: “Già làng khấn vái tạ ơn đất, trời, các thần linh đã cho buôn làng có nguồn nước mát lành không chỉ để sinh hoạt cho gia đình mà còn phục vụ sản xuất lúa nước ở cánh đồng K’Rông Pông mỗi năm hai vụ nên bà con không còn thiếu đói như xưa. Người dân chúng tôi nguyện luôn gìn giữ dòng nước được sạch sẽ và cầu mong thần linh đừng để ông trời làm nắng hạn và đừng để kẻ dữ chặt cây phá rừng, đào bới núi đồi làm cạn mạch nguồn nước này”.
Ông Ma Nghĩa ở buôn Ma Lưng (xã Cà Lúi), giải thích: “Trước khi cúng bến nước, tộc trưởng và già làng họp bàn với nhau, đồng thời thông báo cho mọi người dân trong làng đừng nên đi đâu xa, ngày đó phải có mặt ở bến sông. Lễ vật để cúng chuẩn bị như trên nhưng năm nào ở khu dân cư có xảy ra điều xấu như cháy nhà, sét đánh chết người… thì cúng một con dê để xua đuổi những tai họa. Cúng bến nước có tổ chức hát giao duyên, đối đáp với nhau và bà con chúc mừng sang năm mới được an lành. Các cụ già kể khan cho con cháu nghe chuyện khẩn hoang lập làng để giáo dục cho lớp trẻ nhớ và sống sao cho xứng đáng với truyền thống”. Sau lễ cúng bến nước ở sông, suối, bà con về nhà tộc trưởng tổ chức ăn uống, chúc mừng suốt cả ngày hôm đó nhưng không được quá chén say xỉn. Cúng bến nước có tấu chiêng ba, cồng năm tạo nên không khí lễ hội rất hoành tráng.
Còn người dân buôn Đá Bàn (xã vùng cao Phước Tân) thường tổ chức lễ cúng bến nước ở suối Lạnh. Con suối này nằm dưới chân núi Nha Tết, nước suối trong veo trườn mình qua những tảng đá. Già làng Ma Dĩnh cho biết: “Cúng là để mong cho mạch nước suối Lạnh vẫn luôn đầy ắp, không những cho bà con có nước uống mà còn dẫn nước về ruộng trồng lúa hai mùa để no cái bụng.
Cúng bến nước là một tập tục, một nét văn hóa đẹp đẽ giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’Roi ở Sơn Hòa. Bởi vì, nó chính là một sự tri ân sinh động đối với mẹ thiên nhiên đã ban tặng cuộc sống cho con người, đồng thời, còn là một lời nhắc nhở về bảo vệ môi trường bền vững…
Theo Báo Phú Yên