18/02/2010 4:53 CH Chủ tịch nước tham dự Lễ hội Tịch Điền Đọi sơn. Ảnh: Internet
(Cinet) – Điều đặc biệt của lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm nay là Ban tổ chức lễ hội, cùng bà con nhân dân xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã vinh dự được đón đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tham dự, làm cho không khí lễ hội náo nhiệt, tưng bừng hơn bao giờ hết.
Sáng mùng 5 Tết, nghi lễ rước nước được tổ chức trong không khí trang nghiêm khai mở cho Lễ hội Tịch Điền. Đi đầu đoàn rước là rồng vàng, tiếp đến là hàng chục người được tuyển chọn làm chân kiệu và dân binh mặc áo đỏ, quần đỏ viền vàng, chân đi hài cầm cờ, quạt, lọng. Đại Đức Thích Thanh Vũ- trụ trì chùa Long Đọi đi trước kiệu rước choé, phật tử và dân làng lập thành đoàn nối bước theo sau kéo dài tới gần 1km.
Đoàn rước nhộn nhịp trong tiếng trống, đi từ chùa Long Đọi xuống đến Đền Thánh thì dừng lại. Nơi đây có một am nhỏ được tạo thành từ một hõm đá dưới chân núi Long Đọi, dưới bệ thờ Thánh có một giếng nước bốn mùa luôn trong vắt. Đại đức Thích Thanh Vũ lấy nước ở giếng đưa vào choé để đoàn rước nước trở lên chùa, nước này sẽ được dùng để “làm phép” tẩy rửa mọi bụi bặm trần thế, thanh tịnh tâm hồn trong lễ sái tịnh.
Đặc biệt sự kiện thu hút sự quan tâm của bà con nơi đây, tại cánh đồng xã Đọi Sơn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đích thân cầm cày để đi những xá cày đầu năm, cổ vũ khuyến khích nông dân tích cực sản xuất nông nghiệp. Cùng với Chủ tịch nước, nhiều vị Bộ trưởng và cán bộ văn phòng Chính phủ đã mặc quần áo nâu, đi chân đất để tham gia Lễ hội Tịch điền.
Trong khuôn khổ lễ hội “Hội thi vẽ trâu” diễn ra nhằm chọn ra những chú trâu đẹp nhất, thuần nhất tham gia nghi thức cày Tịch điền. Các chú Trâu được bàn tay hoạ sỹ tài ba trang trí vẽ lên mình những bức tranh sặc sỡ màu sắc trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ hội Tịch điền là rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên được tổ chức vào tinh mơ sáng 20/2 (tức mồng 7 Tết).
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn đã thất truyền hơn 100 năm trước, mới chỉ bắt đầu phục dựng lại từ mùa xuân năm 2009, nên hầu như không ai còn biết được các nghi lễ cổ xưa ở đây. Bởi vậy, nhà chùa đã cố gắng khảo cứu thư tịch cũ, cùng những nghi lễ của Phật giáo để phục dựng lại các nghi thức phục vụ và làm phong phú, tôn nghiêm hơn cho Lễ hội Tịch Điền 2010./.
Cinet