Basel, thành phố lớn thứ nhì Thụy Sĩ vốn yên tĩnh quanh năm, trừ những ngày lễ hội. Nơi đây xứng đáng được gọi là thành phố của tri thức và nghệ thuật, bởi chỉ với 250 ngàn dân nhưng Basel có trường đại học cổ nhất Thụy Sĩ, hàng trăm khu triển lãm, sáu bảo tàng lớn và nhiều nhà hát. Chúng tôi may mắn đến đây trong một mùa đông không quá lạnh nên vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố, vừa được tận hưởng không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội hóa trang Fastnacht.
Thành phố ngã ba biên giới
Basel có nền kinh tế rất năng động và cởi mở nhờ nằm ở vị trí ngay ngã ba biên giới, nơi Thụy Sĩ giáp ranh Pháp và Đức. Sân bay của thành phố này phần nằm trên đất Thụy Sĩ được gọi là Basel, phần nằm trên đất Pháp thì lại mang tên Mulhouse.
Nhóm chơi trống có phong cách độc đáo
Đầu tiên, chúng tôi lên xe điện số 15 – tuyến chạy vòng quanh những điểm đến nổi tiếng. Thành phố nhỏ nhắn này thật xinh đẹp.
Chỉ độ một giờ ngồi xe, du khách đã có được cái nhìn bao quát về khung cảnh ở hai bên dòng dòng sông Rhine hiền hòa.
Sông Rhine chia Basel thành hai nửa, Grossbasel nằm ở tả ngạn (phía bắc của thành phố) là khu vực phố cổ – trung tâm thương mại lâu đời của Basel, Kleinbasel nằm ở hữu ngạn là nơi tập trung những kiến trúc hiện đại, các quán rượu, nhà hàng nhỏ và các khu triển lãm. Xe điện còn đi vòng qua vành đai xanh Jakobsbeg, lên đỉnh ngọn đồi Brudehold cho du khách ngắm nhìn toàn cảnh thành phố rồi lại trở về Grossbasel.
Trung tâm của khu phố cổ xây theo kiểu gothic là tòa thị chính Rathaus sơn màu đỏ thẫm với những hình vẽ rực rỡ. Đi dọc theo con đường chính của Grossbasel du khách sẽ đến với Bảo tàng Lịch sử trông giống như một thánh đường. Đi thêm một lúc nữa là đến quảng trường Nhà Thờ nằm trên một ngọn đồi nhìn ra sông Rhine, nơi nhà thờ chính tòa của thành phố tọa lạc.
Cách đó không xa là Bảo tàng Nghệ Thuật trưng bày rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng thời những năm 1900, ngoài ra còn có nhiều bức tranh quý của Picasso. Trở lại khu triển lãm Marktplatz nằm ở trung tâm, chúng tôi tiếp tục đi bộ ra bờ sông gần đó và nhìn ngắm nước chảy êm êm dưới chiếc cầu duyên dáng.
Đằng sau con đường chính của Marktplatz là những con đường quanh co dẫn lên đồi, hai bên đường có nhiều ngõ nhỏ lát đá san sát những quán rượu ấm cúng. Bên kia cầu là Kleinbasel, ngày xưa tên gọi này có ý nghĩa tương tự như “xóm dưới” ở Việt Nam, nhằm phân biệt với xóm trên quý tộc.
Trong xóm quý tộc cũng có những đường nhỏ quanh co dẫn lên đồi. Viện Đại học Basel – tòa nhà cổ nhất của thành phố xây từ giữa thế kỷ thứ XVII cũng nằm trên con đường đồi này.
Nhờ tình yêu nghệ thuật và óc cởi mở của chính quyền, Basel tập trung rất nhiều công trình kiến trúc đặc sắc và được coi là thủ đô kiến trúc của Thụy Sĩ. Trong đó, bảo tàng Jean Tinguely là điểm nhấn, là niềm tự hào lớn của người dân thành phố.
Nằm bên bờ sông Rhine, một bên là đường cao tốc nối Basel với Genève, một bên là công viên Solitute, Jean Tinguely có sự tương thích tối đa với môi trường xung quanh. Tuy kiến trúc bảo tàng là một khối vuông nhưng có rất ít sắt thép tại công trình này và đặc biệt bảo tàng rất hài hòa với những hàng cây cổ thụ thơ mộng của công viên cạnh bên. Người dân Basel thường nói vui rằng bảo tàng Tinguely là tác phẩm của tình bạn giữa kiến trúc sư và họa sĩ.
Fastnacht ấm áp giữa ngày Đông
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy thật sớm để tham dự Fastnacht, ngày hội lớn nhất của Basel. Cả thành phố chuẩn bị trước đó hàng tháng cho lễ hội hóa trang kéo dài bốn ngày này. Fastnacht bắt đầu từ 4 giờ sáng ngày thứ Hai của tuần lễ nằm giữa tháng Hai và tháng Ba. Khi tiếng chuông nhà thờ điểm bốn tiếng, tất cả các loại đèn điện trong thành phố đều bị tắt hết.
Một nhóm hóa trang trong lễ hội
Thắp đèn lồng lúc 4 giờ sáng
Từ mọi ngõ ngách người dân mặc trang phục hóa trang đủ màu đủ kiểu đổ ra đường chính, trong tay họ là những chiếc đèn lồng nhiều hình dáng, màu sắc sặc sỡ. Lại có những nhóm hóa trang chỉ dùng một kiểu lồng đèn trang trí theo tiêu đề của nhóm, nào là nhóm Bảo vệ sức khỏe trẻ em, nhóm Chữa lửa, nhóm Quân đội…
Những nhóm này có chung một loại trang phục, mặt nạ khác nhau, nhiều kiểu rất đẹp mắt và công phu! Mỗi nhóm đều có một ban nhạc với nhiều loại nhạc cụ từ sáo, trống cho đến các loại kèn… Theo lệnh của các tay trống chỉ huy, tất cả ban nhạc cùng hòa tấu một hợp khúc nghe hết sức rộn rã.
Vào tối thứ Hai, sau một ngày trình diễn, họ đem tất cả đèn lồng trưng bày tại quảng trường nhà thờ. Theo tục lệ cổ, những người đàn ông trung niên hóa trang thành những phụ nữ mũi khoằm có bộ ngực vĩ đại, đầu đội khăn hay nón rộng vành.
Những người khác cũng hóa trang từ đầu đến chân: guốc gỗ sơn màu rực rỡ, tất vằn xanh đỏ cao đến đầu gối, quần trắng ngắn cũn cỡn, áo choàng và mặt nạ với cái mũi thật to và tóc xù màu vàng đỏ…
Hơn 10.000 người đeo mặt nạ ngồi trên những chiếc xe mang các tấm panô vẽ những hình ảnh hài hước, phản ánh các chủ đề khác nhau trong đời sống người dân Thụy Sĩ và quốc tế. Từ trên xe hoa, họ liên tục ném kẹo, cam, khoai tây cho trẻ em và hoa, giấy màu cho các cô gái trẻ hoặc trao cho khán giả những tờ giấy vẽ các hình dí dỏm, hài hước và viết chữ thổ ngữ của Basel.
Cứ thế, tiếng trống, tiếng nhạc rầm rộ cứ nối tiếp nhau cho đến buổi diễu hành chính bắt đầu vào lúc 1 rưỡi chiều.
Buổi trưa chúng tôi nghỉ chân tại một nhà hàng có phong cách Đức, được sự giới thiệu của anh phục vụ vui tính, mọi người ăn thử món schnitzel (thịt heo cán mỏng, tẩm bột chiên bơ) rất phổ biến ở đây và raclette (một loại “lẩu” nấu với ba loại phô mai và rượu, thực khách tha hồ nhúng bánh mì, rau tươi, khoai tây… vào nồi phô mai nóng chảy tan trong rượu).
Trong không khí lạnh thở ra khói, cắn miếng thịt heo giòn thơm, nhấm nháp thêm chút phô mai nóng béo ngậy rồi hớp một chút rượu vang, cả nhóm ai nấy không khỏi xuýt xoa trước hương vị tuyệt vời của thức ăn vùng này.
Hấp dẫn nhất là món thịt bê thái nhỏ cũng nấu chung với phô mai và nấm tươi. Sau khi nếm chút nước xốt phô mai thơm lừng tan ngay đầu lưỡi, cắn miếng thịt bê mềm ngọt, chúng tôi tin rằng mình sẽ đủ năng lượng đi dạo thêm mấy tiếng đồng hồ.
Ngày thứ hai của Fastnacht Basel là ngày dành cho các em nhỏ. Ở trung tâm thành phố, các nhóm trẻ em khác nhau có bố mẹ đi cùng diễu hành trên các phố. Các em mặc những bộ đồ hóa trang, đeo mặt nạ, đánh trống, thổi sáo… chuyên nghiệp không kém gì người lớn. Buổi tối của ngày lễ hội thứ hai được dành cho các nhạc công.
Đúng 8 giờ tối, chương trình ca nhạc năm nào cũng thu hút hàng vạn người trẻ tuổi được tổ chức ở khu vực trung tâm. Cũng trong ngày thứ hai của lễ hội, các ca sĩ của thành phố đi một vòng đến khoảng 30 cửa hàng ăn và quán rượu chơi những bài hát và bản nhạc trào phúng, vui nhộn để phục vụ khách hàng.Tiếp đó, ngày thứ ba và thứ tư là các cuộc diễu hành và các hoạt động liên quan đến lễ hội.
Fastnacht chỉ diễn ra trong bốn ngày, nhưng người dân Basel phải chuẩn bị cho lễ hội này trong suốt cả năm. Kinh phí hỗ trợ cho các nhóm hóa trang có được qua việc bán huy hiệu tượng trưng cho lễ hội, tiền thu được từ các buổi hòa nhạc lớn… và tiền do những người hảo tâm đóng góp. Một lần đến đây mới biết những người dân Thụy Sĩ ưa nhịp sống bình lặng lại có thể sôi nổi, sáng tạo hết mình như thế nào trong những ngày hội.
Theo DNSG