Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang)

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ, giữa sông Hậu, tổ 4, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 – 1980) là Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi ông “là gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng cho hình ảnh đồng bào miền Nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, năm 1958. Cũng trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90, đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã trao tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng Huân chương Xukhe Bato – Huân chương cao quý nhất của Mông Cổ. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được Giải thưởng Lê nin vì hòa bình và hữu nghị các dân tộc (năm 1955) và Huân chương Lê nin – năm 1967 do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang được thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1984. Đây là nơi Bác Tôn đã sinh ra, trưởng thành, là nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ của nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Khu di tích này rộng khoảng 3.102m2, nằm trong một tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát như bao nhiêu làng quê Nam Bộ, bao gồm các hạng mục:

– Ngôi nhà sàn: do ông Tôn Văn Đề, thân sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, dựng năm 1887, trên nền đất hương hỏa dòng họ Tôn. Năm 1888, Bác Tôn sinh ra tại ngôi nhà này và sống ở đây suốt thời niên thiếu đến khi rời quê lên Sài Gòn học nghề (năm 1906).

Đây là một kiến trúc vững chắc nhưng hết sức mộc mạc, giản dị, ít chạm trổ cầu kỳ, theo kiểu nhà Nam bộ. Trong ngôi nhà này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc như: 2 tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu, một tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các tấm liễn đối cẩn ốc, một tấm ảnh Bác Tôn chụp năm 18 tuổi, một tấm ảnh Bác Tôn chụp ở chiến khu Việt Bắc – lúc Bác đang làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, gửi về tặng gia đình, phía sau tấm ảnh có ghi những dòng chữ “Kính biếu mẹ già và mấy em, ngày 24-7-1951”, dưới dòng chữ có chữ ký của Bác.

Khu mộ chí: nằm trong khu vực vườn cây ăn quả, có diện tích nền 110m2, thẳng phía sau nhà sàn, là nơi an nghỉ cuối cùng của hai thân sinh và vợ chồng người em trai thứ tư của Bác Tôn là bác Tôn Đức Nhung.

– Vườn cây: gồm các loại cây, hoa trái tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ như: mai, tre xanh, vú sữa, xoài…

– Công trình Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác Tôn, gồm 03 hạng mục:

+ Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng;

+ Nhà trưng bày: giới thiệu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn;

+ Quảng trường: nằm bên bờ sông Hậu, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, mít tinh. lễ hội….

– Công trình Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn, gồm 07 hạng mục:

+ Nhà làm việc của Bác Tôn;

+ Chiếc Ca nô: mang tên Giải phóng, đây là chiếc ca nô mà Bác Tôn Đức Thắng đã điều khiển, đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo Đảng và cán bộ cách mạng bị tù Côn Đảo trở về, chấm dứt 15 năm Bác Tôn bị tù đày tại địa ngục Côn Đảo;

+ Máy bay YAK-40 số 452: đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn  ngày 11/5/1975 để dự lễ mít tinh kỷ niệm 30/4/1975;

+ Tàu Giang cảnh: là phương tiện đưa Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê nhà cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tháng 10 năm 1975;

+ Nhà trưng bày các tác phẩm điêu khắc: gồm 23 tác phẩm điêu khắc, bằng gốc cây lâu năm, chủ đề về Bác Tôn và quê hương Mỹ Hòa Hưng.

Các di vật tiêu biểu trong khu di tích lưu niệm: trong ngôi nhà sàn vẫn lưu giữ 12 hiện vật gốc được gia tộc họ Tôn sử dụng từ khi dựng nhà, tiêu biểu như: bộ ngựa gõ, bộ bàn ghế tiếp khách, tủ thờ, đỉnh trầm, tủ áo…

Nhà Trưng bày thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng có 36 hiện vật gốc gắn với cuộc đời niên thiếu và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Tôn, tiêu biểu như: đôi hài hàm ếch, đồng hồ đeo tay, quần kaki, … và nhiều hiện vật phục chế khác.

Khu di tích lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là địa điểm lưu niệm danh nhân cách mạng. Tại đây, Bác đã sinh ra, học tập, trưởng thành và chứng kiến đời sống lầm than cơ cực của người dân vùng quê Bác do những áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến, để khi hết tiểu học Bác rời quê lên Sài gòn học nghề và bước vào con đường đấu tranh cách mạng.

Hiện nay, Khu lưu niệm Bác Tôn đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ – thể dục thể thao trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước…. Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, du lịch. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là di tích quốc gia đặc biệt.

Khánh Ngân (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)