Khu di tích An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, thuộc địa bàn 3 xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. ATK Chợ Đồn thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc (bao gồm ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và ATK Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang), là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).
Di tích ATK Chợ Đồn là căn cứ địa chiến lược, chứng kiến và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954); gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh… Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã hoạch định đường lối kháng chiến, đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược, quyết định vận mệnh của đất nước trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ, lãnh đạo toàn dân, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nằm trên địa bàn 3 xã phía Nam huyện Chợ Đồn, nơi có địa hình rừng núi hiểm trở, độ cao trung bình là 600m, hệ thống sông, suối, khe, ngòi khá dày đặc, lớn nhất là sông Phó Đáy, Khu ATK Chợ Đồn, bao gồm 25 di tích, trong đó có: 06 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 03 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 16 di tích đưa vào danh mục kiểm kê.
1. Di tích Đồi Pù Cọ (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá – Nơi hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau tháng 10/1943)
Trước kia, đây là một đồi cây cọ xanh tốt, có thể đi lại sinh hoạt dưới tán cọ đảm bảo bí mật, an toàn. Từ chân đồi lên đỉnh cao khoảng 70m. Hiện nay, tại vị trí di tích đã đặt bia ghi dấu, xây bậc để thuận tiện cho việc đi lại..
2. Di tích Lán đồng chí Võ Nguyên Giáp (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá – Nơi ở và hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, sau khi con đường Nam tiến được khai thông năm 1943).
Di tích nằm trên một đỉnh đồi cọ, cạnh đồi Pù Cọ, được làm bằng vật liệu tự nhiên: cột gỗ, phên nứa, mái lợp lá cọ, gồm 2 gian, 1 gian nghỉ và 1 gian làm việc. Hiện nay, di tích chỉ còn còn dấu tích nền, đã được gắn bia ghi dấu sự kiện.
3. Di tích Khuổi Khít (thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá – nơi tổ chức triển lãm biểu dương lực lượng Đồng Minh thời kỳ trước năm 1945).
Đây là một bãi bằng tại thung lũng nhỏ, xung quanh cónúi rừng, cây cối rậm rạp. Di tích tuy không còn dấu vết nhưng vẫn được bảo vệ, hiện nay nhân dân đã khai phá thành ruộng canh tác.
4. Di tích Nhà ông Triệu Phú Dương (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá – Nơi các đồng chí lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh hội họp trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945).
Xưa là ngôi nhà đất phên nứa 3 gian, 2 chái, rộng 8m, dài 10m, dựng ngay dưới chân đồi Pù Cọ, cột bằng cây tròn tự nhiên, đục đẽo, xỏ xuyên, kê trên đá tảng, phên bằng liếp nứa, mái lợp lá cọ. Hiện nay, ngôi nhà không còn, con cháu ông Dương đã dựng một ngôi nhà mới trên nền cũ.
5. Di tích Nà Pay (thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá – Nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 17, 18, 19/5/1945)
Di tích là ngôi nhà sàn của ông Ma Văn Thắng xưa, rộng 10m, dài 12m, với 36 cột gỗ tròn tự nhiên đục đẽo, xỏ xuyên, phên bưng liếp nứa, mái lợp lá cọ. Ngôi nhà nằm ở bên cạnh con suối Nà Kiến, phía sau là một khe nước nhỏ chảy giữa 2 ngọn núi cao, cây cối rậm rạp, phía trước là cánh đồng. Hiện nay, ngôi nhà sàn đã không còn, di tích đã được gắn bia ghi dấu sự kiện.
6. Di tích Lsao Lsô đỗ (Khe Nứa) (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá – Nơi lực lượng Việt Minh đặt cơ sở sửa chữa và tự chế vũ khí thô sơ phục vụ trực tiếp cho hai đoàn quân Bắc tiến, Nam tiến, năm 1943 – 1945).
Di tích là một dãy lán nhỏ rộng 4m, dài 10m, gồm 4 gian, cột gỗ chôn đất, bưng phên liếp nứa. 02 gian để nguyên vật liệu, than củi đốt lò, 02 gian làm nơi sản xuất, sửa chữa vũ khí. Vị trí di tích là một bãi bằng ngay cạnh khe suối nhỏ kín đáo, xung quanh là rừng cây rậm rạp. Hiện nay, di tích không còn.
7. Di tích Bản Ca (thôn Bản Ca, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của Bác Hồ tháng 12/1947)
Nằm ở chân đồi Khau Phay, phía trước là cánh đồng Bản Ca, di tích gồm 2 lán: một lán của Bác Hồ, rộng 3m, dài 5m được làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ chôn đất, bưng phên liếp nứa, có chỗ đan mắt cáo để lấy ánh sáng, mái lợp lá cọ, sàn trải phên nứa, đan nong đôi. Lán làm theo kiểu nửa sàn, nửa đất, 2 gian (1 gian ở, 1 gian làm việc); cách đó 10m là lán để máy in chữ và là nơi làm việc của các đồng chí phục vụ Bác. Di tích hiện nay đã không còn, đều nằm trong khu vực bảo vệ I. Di tích được đặt bia ghi dấu sự kiện, xây tường bảo vệ.
8. Di tích Nà Kiến (thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá – Nơi tổ chức Lễ Bế giảng Khóa 2, Khóa 3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào ngày 28/10/1947)
Di tích là một khu đất bằng, bên cạnh ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây sung cổ thụ, xung quanh là những cây cọ già. Hiện nay, dấu vết và hiện vật di tích không còn, đã được gắn bia ghi dấu sự kiện.
9. Di tích Khuổi Đăm (thôn Nà Khằn, xã Nghĩa Tá – Nơi ở và làm việc của Báo Sự thật từ năm 1948 đến năm 1953), nằm ở một thung lũng nhỏ, nơi giao nhau giữa 2 con suối nhỏ, xung quanh là đồi núi cao, cây cối rậm rạp, thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ khu vực II, chia thành 3 khu vực:
– Khu vực 1A: địa điểm lán của cán bộ, công nhân và bộ phận hậu cần. Lán nằm trên một mỏm đồi thấp, gồm 3 dãy để ở (rộng 5m, dài 18m), và 3 dãy lán làm kho (rộng 5m, dài 10m). Tất cả đều làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột bằng gỗ chôn đất, phên liếp được bưng bằng nứa, mái lợp lá cọ.
– Khu vực 1B: địa điểm đặt lò đốt than để chạy máy, lò này được đắp bằng đất, có mái lợp che mưa nắng.
– Khu vực 1C: địa điểm đặt máy in báo, vận hành bằng than củi.
Hiện nay dấu vết khu lán lãnh đạo, khu lán công nhân vẫn còn hình nền, còn khu đặt máy in, khu lò đốt than, khu bếp ăn không còn dấu vết. Di tích đã được gắn bia ghi dấu sự kiện.
10. Di tích Đồi Bản Tảng (thôn Nà Quân, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái từ năm 1947 – 1954).
Di tích là một ngôi lán nhỏ, 2 gian, cột gỗ ngoàm, phên liếp nứa, mái lợp lá cọ, nằm trên một mỏm đồi nhỏ, nhìn ra cánh đồng Bản Tảng, bên cạnh là con suối Nà Quân. Hiện di tích không còn dấu tích.
11. Di tích Nền lán Chuyên gia (thôn Nà Quân, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của chuyên gia từ năm 1947 – 1954)
Di tích là bốn căn lán, mỗi lán rộng 5m, dài 9m, trong đó có ba lán ở và làm việc và một lán làm bếp ăn; được làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột bằng cây mai, phên bưng bằng liếp nứa, mái lợp lá cọ. Hiện nay di tích chỉ còn lại nền của các lán.
12. Di tích Nà Đon (thôn Đon Liên, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của cơ quan Hậu cần Bộ Quốc phòng từ năm 1948 – 1951).
Gồm 3 dãy nhà dài làm kho tàng và nơi làm việc và ở của cán bộ, chiến sĩ của đơn vị; được làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ ngoàm, phên bằng liếp nứa, mái lợp lá cọ. Hiện nay, di tích không còn, chỉ còn các nền lán, nhân dân đã khai phá thành vườn đồi.
13. Di tích Khuổi Đó (thôn Nà Tông, xã Nghĩa Tá – Nơi ở và làm việc của cơ quan cơ khí Thăng Long từ năm 1948 – 1950)
Di tích nằm trên một mỏm đồi, được làm bằng nguyên vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ ngoàm, phên nứa, mái lợp lá cọ, gồm 3 khu lán (6x18m): khu lán ở của cán bộ, công nhân nằm ở chân đồi, khu lán nhà xưởng ở bãi bằng rộng khoảng 2000m2, gồm 2 dãy nhà dài, phía dưới là khu lán nhà ăn của cơ quan. Hiện nay, toàn bộ khu di tích đã không còn dấu vết.
14. Di tích Khuổi Tói (thôn Nà Quân, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của Bác Hồ năm 1948).
Di tích là một căn lán 2 gian, nửa sàn, nửa đất 3mx5m, làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ, phên liếp nứa, sàn trải phên đan nong đôi, mái lợp lá cọ, đặt trên một mỏm đồi nhỏ bên cạnh cây khế. Hiện nay, cây khế vẫn còn nhưng lán không còn dấu tích. Di tích đã được đặt bia ghi dấu sự kiện.
15. Di tích Khuổi Dân (thôn 8 Vằng Quân, xã Bình Trung – Nơi Nhà máy giấy Minh Khai đặt cơ sở sản xuất giấy từ năm 1948 – 1952), chia làm 02 khu:
– Khu 1A, nằm ở phía Tây Bắc, trên một bãi bằng rộng 2000m2. Đây là khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên nhà máy, gồm 2 lán 4m x 5m, làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ cột bằng gỗ chôn đất, phên liếp nứa, mái lợp lá cọ.
– Khu 1B, nằm về phía Nam, cạnh ngã 3, nơi 2 con suối Khuổi Dân và suối Bản Bẳng giao nhau. Đây là một bãi bằng nhỏ, đặt xưởng sơ chế nguyên liệu và sản xuất giấy thủ công, gồm 01 lán xưởng 5m x 8m, làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ chôn đất phên nứa, mái lợp lá cọ; 01 bể ngâm vật liệu, 01 bức tường phơi giấy, xây bằng gạch, vôi, cát. Hiện nay, chỉ còn lại dấu vết nền móng bức tường và móng của bể ngâm nguyên liệu giấy.
16. Di tích Nhà ông Ma Văn Chương (thôn Nà Phầy, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ năm 1948 – 1952)
Di tích là ngôi nhà sàn truyền thống, rộng 120m2, có 2 mái chính, 2 mái phụ rộng, 36 cột, sàn trải giát bằng tre mai, mái lợp lá cọ, phên bưng liếp nứa. Hiện nay, ngôi nhà đã được gia đình, con cháu ông tu sửa lại, nhưng vẫn giữ được nguyên bản ngôi nhà sàn cổ ngày xưa.
17. Di tích Nà Chang (thôn Nà Chang, xã Nghĩa Tá – Nơi đặt khu Giao tế (Nhà khách Chính phủ) từ năm 1948 – 1953)
Di tích là một dãy lán dài khoảng 18m, chia thành nhiều gian để ở, làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ ngoàm chôn đất, phên liếp nứa, mái lợp lá cọ. Hiện nay, chính quyền địa phương đã xây dựng thành chợ của xã, nằm sát tỉnh lộ 254.
18. Di tích Nà Săm (thôn Nà Quân, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948- 1953)
Đây là một căn lán 3 gian, cột gỗ ngoàm chôn đất, phên bằng liếp nứa, mái lợp lá cọ, lán đặt trên một triền đồi thoai thoải, bên cạnh là lán bảo vệ, phía trước có con suối nhỏ; lán đối diện, cách lán của Bác Hồ khoảng 100m. Hiện nay, lán chỉ còn nền.
19. Di tích Khuổi Chang (thôn Bản Pèo, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của Bác Hồ từ ngày 12/5 -01/6/1949)
Di tích là ngôi nhà nhỏ 2 gian, diện tích 4m x 6m, được làm bằng vật liệu tại chỗ, có cột gỗ, phên liếp nứa, mái lợp lá cọ. Nằm trên một bãi đất rộng 1000m2, ngay cạnh con sông Phó Đáy, phía sau là dãy núi cao, cây cối rậm rạp. Hiện nay, di tích chỉ còn lại nền nhà và hòn đá Bác kê làm bậc lên xuống.
20. Di tích Khuổi Áng (thôn Khuổi Áng, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của cơ quan Báo Cứu Quốc năm 1949).
Nằm trên một bãi bằng rộng, kề bên dòng sông Phó Đáy, di tích gồm 4 lán, mỗi lán có diện tích 4m x 6m, dựng bằng vật liệu tại chỗ, có cột gỗ, phên liếp nứa, mái lợp lá cọ. Hiện nay, khu lán này không còn dấu tích.
21. Di tích Khuổi Linh (thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá – Nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng từ năm 1950 – 1951)
Di tích nằm trên một mỏm đồi cọ, gồm bốn lán: lán tiếp khách và hội họp, lán bảo vệ, lán ở và làm việc, sau cùng là bếp ăn. Lán Hội trường có diện tích 6mx10m, lán làm việc, lán bảo vệ và bếp ăn là 4mx6m, đều được làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ: cột bằng gỗ ngoàm chôn đất, phên bưng liếp nứa. Cách đó khoảng 50m về phía Nam là căn hầm trú ẩn của đồng chí Trường Chinh, hầm hình chữ L, có kèo chống bằng gỗ lấp đất.
Hiện nay, di tích đã được tu bổ, phục hồi lại lán tiếp khách, hội họp, lán ở, làm việc và hầm trú ẩn của đồng chí Trường Chinh; xây tường rào bảo vệ, đặt bia chỉ dẫn, bia di tích, bia ghi dấu sự kiện và làm đường bê tông từ tỉnh lộ 254 đến di tích.
22. Di tích Đồi Khau Mạ (thôn Bản Vèn, xã Lương Bằng – Nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ năm 1950 – 1951).
Di tích nằm trên mỏm đồi nhỏ, gồm 03 lán có kích thước 4m x 6m: lán làm hội trường, lán để ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng, Văn phòng Chính phủ và bếp ăn. Các lán được làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ ngoàm, mái lợp lá cọ, vách liếp đan bằng nứa. Cách đó khoảng 10m là căn hầm trú ẩn của đồng chí Phạm Văn Đồng, có hình chữ L, rộng 80cm, dài 5m, sâu 1,5m, bằng kèo gỗ lấp đất. Địa điểm này trong thời kỳ chống Mỹ (1965) có đơn vị bộ đội đến đóng quân và cải tạo, nên các dấu vết nền nhà cũ không còn. Hiện nay, di tích chỉ có tường rào bảo vệ, đặt bia di tích, bia ghi dấu sự kiện.
23. Di tích Nà Quân (thôn Nà Quân, xã Bình Trung – Nơi đặt Hội trường Trung ương Đảng từ năm 1948 – 1952).
Địa điểm này là sườn đồi Nà Kham, có địa hình thoai thoải, gồm:
– Lán Hội trường, được thiết kế theo kiểu nhà 8 mái (bốn mái lớn phía dưới và bốn mái nhỏ phía trên), rộng khoảng 8m, dài 18m. Cột bằng tre mai, phên bưng bằng liếp nứa đan mắt cáo, mái lợp cọ, hệ thống ghế ngồi liền bằng cây mai.
– Lán công vụ, làm bằng cột mai chôn đất, kích thước khoảng 5m x 18m (6 gian), phên liếp nứa, mái lợp cọ, trong lán kê 2 dãy giường dài, ngủ tập thể.
– Hệ thống hào từ Hội trường tỏa đi các hướng, được đào theo kiểu chữ Z, thỉnh thoảng lại có ngách hầm kèo gỗ trú ẩn.
Hiện nay, di tích vẫn còn dấu vết nền nhà Hội trường, nền lán công vụ, toàn bộ hệ thống hầm hào, đều nằm trong khu vực bảo vệ I. Di tích đã được xây tường rào bảo vệ, đặt bia ghi dấu sự kiện, bia hiện vật, bia chỉ dẫn.
24. Di tích Nhà ông Trần Văn Lý (thôn Nà Phầy, xã Bình Trung – Nơi ở và làm việc của cơ quan Bộ Quốc phòng từ năm 1950 – 1953).
Di tích là ngôi nhà sàn truyền thống rộng 120m2, 36 cột, sàn trải giát bằng tre mai, mái lợp lá cọ, phên bưng liếp nứa đan. Hiện ngôi nhà đã được con cháu ông Lý sửa sang lại, nhưng vẫn giữ được nguyên bản ngôi nhà sàn cổ ngày xưa.
25. Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít, xã Lương Bằng – Nơi Bác Hồ ở và làm việc từ năm 1950 – 1951), nằm trên một khu đất rộng, gồm:
– Khu 1A là lán Bác Hồ, l&e;n cảnh vệ. Lán của Bác được làm bằng vật liệu tự nhiên tại chỗ, cột gỗ chôn đất, bưng liếp nứa, mái lợp lá cọ, gồm hai gian nửa sàn, nửa đất, sàn làm bằng phên nứa đan nong đôi, phía ngoài cao khoảng 80 cm, phía trong gác vào đất, có 3 bậc cầu thang bằng tre buộc lạt, hiện lán đã được phục hồi. Cách đó khoảng 10m là lán của đội cảnh vệ và anh em phục vụ, rộng khoảng 4m, dài 9m, chia thành 3 gian, cột bằng gỗ chôn đất, phên liếp nứa, mái lợp cọ, hiện lán đã được phục hồi.
– Khu 1B là hầm trú ẩn của Bác, được làm theo kiểu hầm ếch sâu 5m, trong cùng có 2 ngách về 2 bên, mỗi ngách sâu khoảng 1,5m, cao 1,6m.
– Khu 1C là hòn đá cây đa nơi nghỉ ngơi, tắm giặt, câu cá của Bác, hiện vẫn được bảo vệ nguyên trạng.
Hiện nay, di tích đã được tu bổ tôn tạo, phục hồi phần lán của Bác và lán cảnh vệ, hầm trú ẩn, làm đường bê tông từ tỉnh lộ 254 dẫn đến di tích, đặt các bia chỉ dẫn, ghi dấu sự kiện, hiện vật.
Ngày nay, khu di tích ATK Chợ Đồn trở thành địa chỉ đỏ khơi dậy niềm tự hào dân tộc; tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.
Khắc Đoài (Theo hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)