Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)

Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (Địa điểm lưu niệm chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân Khu 9) phân bố tại 2 địa điểm: khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh và ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Chương Thiện từng là một tỉnh, được chế độ Ngụy quyền Sài Gòn thành lập ngày 24/12/1960, gồm huyện Long Mỹ, Vị Thanh; một phần của huyện Giồng Riềng (thuộc tỉnh Kiên Giang); một số xã của huyện Phước Long – Thạnh Trị (thuộc tỉnh Sóc Trăng), huyện Ngang Dừa – Hồng Dân (thuộc tỉnh Minh Hải). Nơi đây là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng để đi các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, U Minh, Rạch Giá. Địch coi Chương Thiện là tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ đầu não vùng IV chiến thuật (đóng tại thành phố Cần Thơ), là lá chắn ngăn chặn quân chủ lực của ta tấn công, làm bàn đạp để đánh phá căn cứ địa cách mạng U Minh. Do đó, Chương Thiện trở thành một địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch. Với ta, Chương Thiện là vành đai vững chắc để bảo vệ căn cứ U Minh, là bàn đạp để tấn công vào Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá. Nơi đây còn là hậu phương lớn, dự trữ người và của phục vụ cho công cuộc kháng chiến.

Sau khi Hiệp định Paris (năm 1973) có hiệu lực, Ngụy  quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ vẫn có ý đồ tiêu diệt cách mạng miền Nam, xóa bỏ vùng giải phóng với những kế hoạch bình định, lấn chiếm… Nhận biết được tình hình và âm mưu của địch, quân ta đã có sự chuẩn bị để đối phó. Trong suốt 11 tháng (từ tháng 1 đến tháng 11 năm 1973), quân và dân ta đã kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, giữ vững được địa bàn. Tính đến cuối năm 1973, bộ đội chủ lực của Quân khu 9 và quân dân Cần Thơ, cùng các tỉnh Sóc Trăng, Rạch Giá đã đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch có ý định bình định, lấn chiếm Chương Thiện – Long Mỹ, Vị Thanh, giải phóng nhiều địa bàn quan trọng, như Long Phú, Vĩnh Quới, Lái Thiêu… Kế hoạch bình định Chương Thiện của địch bị thất bại hoàn toàn.

Chiến thắng Chương Thiện năm 1973 là minh chứng sống động cho một chủ trương đúng đắn, táo bạo, kịp thời của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng này cũng góp phần tạo ra một trong những cơ sở quan trọng để Nghị quyết 21 ra đời, tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng năm 1975. Trải qua hơn 40 năm sau chiến tranh, giờ đây, những hố bom, đồn bốt của địch đã được bà con sang lấp, để trở thành những vườn cây, ruộng lúa, trường học, trạm y tế, công trình văn hóa… phục vụ cho bà con sinh hoạt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng, điểm di tích khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh và điểm di tích ấp 1 xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đã được chọn làm địa điểm lưu niệm sự kiện chiến thắng Chương Thiện của quân và dân khu 9.

Tại địa điểm khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang: Theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, điểm di tích này có diện tích 44.303.7m2, với các hạng mục: khu nhà trưng bày hiện vật (1024m2), khu trưng bày ngoài trời, tượng đài, sân lễ và một số hạng mục phụ trợ khác. Khi hoàn tất, di tích này sẽ là một trung tâm văn hóa, du lịch, một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của khu vực.

Hiện nay, cụm tượng đài đã được xây dựng xong, gồm 3 khối kiến trúc chính, với khối giữa là tượng đài, cao từ 18 – 21m (phần chân tượng đài cao 3,1m); khối bên phải cao 14,4m; khối bên trái cao 10,6m. Sau lưng tượng đài là hình ảnh lá dừa cách điệu, một biểu tượng của vùng Hậu Giang và các tỉnh lân cận. Cụm tượng đài thể hiện 3 đội quân, 3 mũi giáp công, cùng nhiều sự kiện tiêu biểu khác của chiến tranh nhân dân được khắc họa…

Phía sau tượng đài là nhà trưng bày, đã xây dựng xong phần kiến trúc. Phía trước tượng đài là một sân lễ, có sức chứa từ 10.000 – 15.000 người, có khả năng đáp ứng được yêu cầu tổ chức của nhiều sự kiện khác nhau.

Hiện nay, nhiều hiện vật liên quan đến khu di tích, như hơn 100 ảnh tư liệu về một số trận đánh tiêu diệt phân chi khu Cái Nai, yếu khu Quang Phong, diệt đồn Rọc Dứa, Cái Sơn, Cái Cao…; 117 hiện vật, gồm vũ khí, quân trang, xe tăng, máy bay…, đã được tiếp nhận, lưu giữ tại kho hiện vật của Bảo tàng tỉnh Hậu Giang.

Tại địa điểm ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang: Năm 1998, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quy hoạch tổng diện tích 58.000m2 đất để xây dựng các hạng mục sau: nhà trưng bày (900m2), nhà hội, sân đường nội bộ và một số hạng mục phụ trợ khác.

Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch bình định lấn chiếm Chương Thiện sau hiệp định Paris 1973, không những đã đánh bại chiến thuật, mà còn làm sụp đổ ý đồ chiến lược của Mỹ – Ngụy muốn giành thế mạnh trong giải pháp chính trị, góp phần tạo ra bước ngoặt, đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của địch. Chiến thắng này đã tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa Xuân 1975.

Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013)./.

Nguyễn Khắc Đoài (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích – Tư liệu Cục Di sản văn hóa)