(Cinet) – Cây chè là nguồn sống, cũng là nét văn hóa gắn bó với đồng bào dân tộc Mông nơi đây, là nơi để gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản. Vì vậy, hàng năm cứ vào tháng 10 hoặc đầu xuân mới, theo nghi lễ truyền thống, người Mông Suối Giàng lại sắm lễ cúng cây chè tổ để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè shan.
Ngay từ sáng sớm, tại gốc cây chè cổ thụ ở Bản Mới nhân dân trong bản đã bày mâm lễ vật cúng gồm rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống… để chuẩn bị làm lễ. Chủ lễ là già làng, nghệ nhân Giàng Nhà Lử thay mặt bà con nhân dân cúng tế. Dưới gốc cây chè tổ, bà con dân bản dựng một đàn cúng nhỏ bầy các lễ vật. Thầy cúng đọc bài cúng thần thuốc để tạ ơn thần đã che chở, phù hộ cho bà con dân bản một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, cầu thần cây tiếp tục phù hộ cho bà con dân bản năm mới sức khỏe, cho cây chè ra nhiều búp, được mùa lúa ngô… Người chủ lễ cúng là vị cao niên trong bản, đức độ được người dân trong bản tôn kính. Trước khi làm lễ cúng, người chủ lễ tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun từ những loại lá cây thơm hái trên rừng, và mặc bộ quần áo mới. Lễ vật cúng là một con gà trống đen, giống gà Mông quí hiếm, lông đen, thịt đen, xương đen. Chủ lễ nhiều năm nay được người dân xã Suối Giàng chọn là ông Giàng A Lử ở thôn Giàng B. Ông Lử cao lớn, đức độ, có uy tín trong dòng họ và dân bản thông hiểu phong tục tập quán của người Mông và biết khấn trời đất bằng tiếng Quan Hỏa. Buổi sáng, khi mặt trời vừa lấp ló trên đỉnh núi thôn Giàng Cao, ánh sáng chói lòa chưa chọc thủng được màn sương mờ đục còn bao phủ khắp núi rừng, những người dân đã tụ tập quanh cốc cây chè tổ. Một chiếc bàn thờ làm bằng thân cây trúc còn tươi, trên dán giấy bản, bốn tờ giấy dó màu đỏ, giữa dán giấy vàng dán ở bốn góc bàn thờ, cùng những tua giấy cắt treo bốn góc, tượng trưng cho trời đất bốn phương, tám hướng, đất đai, thần linh, tổ tiên… Trước khi làm lễ cắt tiết gà, chủ lễ thắp hương khấn vái trời đất tổ tiên và cây chè, sau đó cầm con gà đen hướng về phía mặt trời khấn rằng: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người dân Suối Giàng có một lễ mọn là một con gà trống lông đen, mào đỏ rực như lửa, tiếng gáy của nó vang ba ngọn núi, bảy khe suối được làm lễ vật dâng lên trời đất, thần núi, thần rừng, thần bản, tổ tiên…nay cúng cho cây chè tổ. Trời đất hãy chứng giám cho lòng thành của dân bản chúng tôi… Theo thống kê, hiện nay số cây chè cổ thụ ở Suối Giàng cỡ từ 1-2 người ôm còn khoảng trên 3.000 cây, số cây có đường kính 20-30cm thì nhiều vô kể. Giá chè búp tươi Suối Giàng bao giờ cũng cao hơn giá chè shan cùng mọc trên độ cao tương đương như xã Sùng Đô, Suối Bu, Phình Hồ và cao gấp nhiều lần trồng dưới vùng thấp. Hiện giá chè búp tươi Suối Giàng đang được bán 25.000-30.000đ/kg, giá chè khô, loại thấp nhất không dưới 350.000đ/kg, có loại trên 1 triệu đồng/kg. Cây chè Suối Giàng là một loài cây đặc sản, một nguồn thu chính của người dân Suối Giàng. Lễ cúng cây chè tổ của người dân Suối Giàng như để tri ân trời đất, tri ân cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no. Lễ cúng thường diễn ra vào cuối tháng một hoặc đầu tháng hai âm lịch, trước khi vào vụ thu hái chè. Hai người thanh niên được cử giúp ông Lử cắt tiết gà, tiết của con gà được đặt lên bàn thờ cùng với túm lông cổ được dán lên tờ giấy bản nơi chính giữa bàn thờ. Sau khi luộc chín gà cùng xôi nếp, rượu ngô men lá rừng được bày lên bàn thờ, lễ cúng bắt đầu. Ông Giàng A Lử chắp tay đứng trước bàn thờ, những người tham gia cúng xếp hàng đứng phía sau, mỗi lần ông kêu tên trời đất, thân núi, thần rừng, tổ tiên… những người đứng sau ông quỳ rạp xuống đất lạy trời đất và cây chè. Lời cúng của ông Lử bằng tiếng Quan Hỏa, đại ý như thế này: Người dân Suối Giàng vô cùng biết ơn trời đất, đã cho chúng tôi cây chè quí, nay chúng tôi có một lễ nhỏ xin được dâng lên trời đất, dâng lên các thần linh, tổ tiên phù hộ cho người dân trong bản ai cũng được mạnh khỏe, phù hộ cho rừng chè tươi tốt, búp to như bàn tay trẻ con, lá to như lá chuối rừng, hái quanh năm không hết, giúp cho người dân no đủ, không còn đói nghèo… Cúng xong, ông Lử rót rượu ra những chiếc chén, sau đó đổ xuống đất và gốc chè, số còn lại chia cho những người cúng và một số người tham dự uống gọi là lộc trời. Tiếp đó ông cho phép hóa vàng những tua giấy treo bốn góc bàn thờ… Kết thúc lễ cúng, tất cả những người tham dự cùng nhau thụ lộc, uống một ngụm rượu để lấy sức khỏe mà thần thuốc đã ban cho. Lễ cúng cây chè tổ kết thúc, lễ hội xuân dân tộc Mông xã Suối Giàng chuyển sang phần tham quan và tìm hiểu về quy trình sản xuất chè tuyết shan cổ thụ theo phương pháp cổ truyền tại gia đình nghệ nhân Sổng Thị Phua bản Giàng B. Tại đây, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến nghệ nhân sao chè theo phương pháp cổ truyền. Theo nghệ nhân Sổng Thị Phua, một mẻ chè tuyết shan ngon, khi pha phải hơi có màu vàng sánh như mật ong rừng cộng với màu xanh tự nhiên của lá chè lúc còn tươi; khi uống vị ngọt đến từ từ, ngấm vào vị giác của người thưởng thức. Lễ cúng cây chè tổ là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mông Suối Giàng, đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cinet tổng hợpLễ cúng cây chè tổ ở Suối Giàng Yên Bái
- Di sản văn hóa: Phi vật thểLễ hộiLễ hội Việt Nam
- Loại dữ liệu: Text
- Nguồn dữ liệu: Trung Tâm CNTT - Bộ VHTT&DL