Tục thờ Mẫu ở Tuyên Quang

Thờ Mẫu là tín ngưỡng có từ lâu đời của cư dân Bách Việt. Đối tượng thờ phụng gồm những nhân vật  nữ có công đức được dân gian sùng bái là Thánh Mẫu – người mẹ của trăm họ như: Mẫu Thoải, Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Liễu Hạnh, Bà chúa Kho… mỗi vị Thánh có hiệu linh riêng.

Tục thờ Mẫu ở Tuyên Quang liên quan mật thiết với truyền thuyết thời đại Hùng Vương. Các danh thần được thờ ở đền Thác Cái, đền Bắc Mục, đình Thác Cấm (Hàm Yên), đền Đầm Hồng (Chiêm Hóa); đền Hiệp Thuận, đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La, đền Thiềm Cung (thành phố)… góp phần hình thành các thần tích ở Tuyên Quang. Trong tiềm thức dân gian, Mẫu ở ba vị thế hiệu linh: Nguồn sống, giống nòi và hạnh phúc:

Tục thờ Mẫu Thoải (Mẫu thủy) là tín ngưỡng cổ sơ nhất, dân gian coi nước như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài. Các đền thờ Mẫu đều có địa hình đẹp gần sông, suối. Xưa, ngày giáp tết đồng bào có tục dán giấy đỏ vào các gốc cây rừng đâù nguồn, thắp hương tế lễ để tỏ lòng biết ơn “mẹ nước”. Truyền thuyết kể: Kim Xuyên là vị hoàng tử lấy con gái Long Vương làm vợ. Nàng rất yêu chồng, nhưng Kim Xuyên nghe lời vợ lẽ ruồng bỏ nàng và nhốt vào rừng sâu, nhưng nàng được các loài muông thú cứu sống trở về Long Cung. Người phụ nữ này được người đời sau tôn là Mẫu Thoải và lập miếu thờ ở Đầm Hồng.

Tục thờ Mẫu sinh tạo giống nòi như Bà Thánh Long Mẫu ở đền Thác Cái, tương truyền là người sinh Lạc Long Quân (dân gian gọi tổ Mẫu). Đền Bắc Mục, ngoài chính thần Trần Hưng Đạo còn thờ Mẫu Âu Cơ (giống Tiên), người vợ của Lạc Long Quân (giống Rồng). Theo truyền thuyết bà sinh một bọc trăm trứng nở thành 100 con, 50 người theo mẹ lên rừng, 50 người theo cha xuống bể. Do vậy, người Việt có thủy tổ là con Rồng cháu Tiên.

Lệ thờ Mẫu “giúp nước trợ dân” ở đền Hiệp Thuận, đền Ỷ La, đền Thượng. Theo truyền thuyết: hai nàng công chúa theo xa giá vua Hùng đến đỗ thuyền ở bờ sông thôn Hiệp Thuận nửa đêm giông tố hai nàng đều hóa, được nhân dân lập đền thờ tôn làm Thánh Mẫu. Hai bà có nhiều linh ứng giúp nước thái bình, trợ dân no ấm, được 10 đời vua liên tiếp ban cấp sắc phong. Đền Pác Tạ (Nà Hang) thờ người thiếp của tướng Trần Nhật Duật, khi xưa nàng theo chồng đi kinh lí ở châu Vị Long không may bị lật thuyền, một người dân họ Ma vớt được xác nàng đem mai táng rồi lập đền thờ, có nhiều linh ứng, dân gian tôn bà là Thánh Mẫu. Hàng năm người dân đến cầu an giải hạn, cầu mùa, cầu tự, cầu lộc, cầu tài…

Theo bài “Văn phụng Mẫu” (chữ Nôm thời Minh Mệnh) lưu truyền ba hiệu thần: Bà chúa Thượng Ngàn, Bà Thánh Long Mẫu, Mẫu Sơn Trang đều được đồng phụng là chúa bà anh linh của ngọn nguồn sông núi, phải chăng cả 3 vị đều chung một gốc Thần? Trong lời thỉnh có câu: Kính chúa Thượng Ngàn, linh Mẫu Sơn Trang, Thánh bà Long Mẫu! Linh thiêng tỏ thấu, nước thái dân an, con cháu đông đàn, an cư lạc nghiệp v.v…

Tục thờ Mẫu ở xứ Tuyên là một tín ngưỡng hồn nhiên của cộng đồng các dân tộc với ý thức hướng tới cội nguồn và khát vọng hoà bình hạnh phúc được hình thành từ môi trường địa lý, lịch sử tự nhiên và tập quán dân gian. Đó là hình thái ý thức cổ xưa đồng hành với quan niệm vạn vật hữu linh và đa thần giáo trong đời sống dân tộc. Đó là những thuần phong mỹ tục, có ý nghĩa giáo dục truyền thống và vấn đề bảo vệ môi trường. Việc tường giải tích thần ở các đình miếu, danh lam thắng cảnh là việc làm cần thiết trong hoạt động du lịch hiện nay.

 Theo BaoTuyenQuang