Cùng với những ngày tết đầm ấm vui tươi, nhân dân 24 thôn trong xã Đại Đồng, tỉnh Lạng Sơn, chuẩn bị các lễ vật cho lễ hội Bủng Kham- một lễ hội quan trọng nhất trong năm, đồng thời cũng là sự chuẩn bị cho vụ sản xuất mới…
Trong không khí của những ngày đầu xuân, ngay từ sáng sớm, trên khắp các ngả đường, từng dòng người đổ về vùng “ đất tiên” để tham gia hành lễ cầu khấn xin lộc trời ban cho một năm sức khỏe, mùa màng bội thu và tham dự các trò chơi dân gian; cũng mong nhận được lộc vãi từ thầy để có được may mắn suốt năm.
Theo truyền thuyết, Bủng Kham là nơi có phong cảnh hữu tình, trên là bãi đá cao, dưới là dòng suối uốn lượn trong màu ngọc bích quanh năm. Vào mùa xuân, vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa rừng đua nhau khoe sắc, khoe hương. Ngọc Hoàng cho phép các tiên nữ xuống hạ giới vãn cảnh và họ chọn nơi này. Bị cảnh đẹp mê hồn quyến rũ, các tiên nữ mải ngắm hoa đuổi bướm và chơi ô ăn quan mà không trở về đúng hẹn. Nổi giận, Ngọc Hoàng đã bắt 7 cô tiên giáng trần, 7 nàng kết duyên cùng 7 chàng trai khỏe mạnh. Cùng chồng làm lụng nơi đất lành, biến những gò đồi nhấp nhô thành cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu. Để có nước tưới cho ruộng đồng, các nàng lấy tóc mình trải ra hóa thành 7 dòng suối trải đều trên cánh đồng rộng. Cái tên Thất Khê (bảy dòng suối) được đặt cho cánh đồng rộng nhất của huyện Tràng Định.
Trải qua bao đời khai phá dựng xây, bồi đắp, cánh đồng Thất Khê trở nên phì nhiêu vào bậc nhất của tỉnh Lạng Sơn. Ở đó có thứ gạo nếp thơm, gạo bao thai ngon nổi tiếng; con vịt Thất Khê do ăn được lúa thơm, ốc vặn, tôm cua ở bảy dòng suối, nên to con và thịt thơm ngon dưới bàn tay chế biến của con người. Xuân về, trên những dải đồi ven cánh đồng, hoa lê, hoa mận nở trắng càng điểm tô cho mùa xuân tươi đẹp và hứa hẹn mùa quả ngọt. Câu thơ: Thất Khê gạo trắng nước trong/Rượu ngon quả ngọt say lòng khách xa…” là sự giới thiệu khéo léo và đầy ý nhị của nông dân Đại Đồng với khách thập phương.
Trong lễ hội Bủng Kham, phần lễ là quan trọng nhất. Trong thủ tục hành lễ dâng hương, đại diện 24 thôn trong xã bày sắp các sản vật được chế biến công phu và hấp dẫn để cúng các vị thần như thần Nông (Đại đức vị tiên), Hoàng trung Đại vương thần linh (Thần sâu bọ), Tiên nữ Đại vương. Sau khi đại diện các làng trình với các vị thần về mâm cỗ cúng, lễ vật của làng; người có uy tín đứng ra cúng xin các vị thần phù hộ cho quốc thái dân an, cây trồng xanh tốt, mùa màng bội thu, bắp ngô to bằng bắp chuối, bông lúa to và mẩy như buồng cây móc, cây mía to và dài như cây tre (và giờ đây lại cầu mong cho cây thạch đen dài hơn dây khoai lang rừng…), để năm nào dân làng cũng “mâm cao cỗ đầy” dâng các vị thần linh. Sau khi cầu khấn, các mâm cỗ được ban giám khảo chấm và lựa chọn để trao giải; sau đó mang về chia cho cả làng thụ lộc.
Sau phần lễ là phần hội. Những ruộng khoai tây được thu hoạch gấp để nhường chỗ cho làm sân bãi vui các trò chơi dân gian và thi đấu thể thao. Các trò chơi phổ biến như tung còn, đẩy gậy, kéo co, cờ người được các thôn tham gia nhiệt tình. Phần văn nghệ có giao lưu đối đáp dân ca, phong slư, then, lượn. Các cụ ông thì uống rượu với thịt lợn quay, cụ bà móm mém nhai trầu và cùng nhau ôn lại tiếng sli, điệu lượn một thời xuân sắc; nam thanh nữ tú rủ nhau ngồi bên suối để tình tự trao duyên…
Theo lời giới thiệu của một già làng ở đây thì hình ô ăn quan trên bãi đá ong Bủng Kham, dù là truyền thuyết, nhưng không hiểu sao lại “rất ứng” với thực tế; rằng cứ vào đêm 12 tháng giêng, dưới ánh trăng mờ ảo đầu tiết xuân, các nàng tiên vẫn xuống chơi ô ăn quan, múa hát và ngắm cánh đồng chuẩn bị vào vụ với 7 dòng suối trong xanh có lũy tre làng bao phủ. Chơi xong, các nàng thường tắm ở khúc quanh bãi đá này trước khi bay lên trời. Nghe câu chuyện nửa hư nửa thực ấy, du khách cứ ngắm mãi những mỏm đá nhô lên, nhìn ô ăn quan các nàng đang chơi dở mà thả sức tưởng tượng.
Do nhiều nguyên nhân, trước những năm 2000, lễ hội Bủng Kham đã bị quên lãng. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với hệ thống các lễ hội dân gian Tràng Định như lễ hội Lồng thồng (Hùng Sơn), lễ hội Thồng báo slao (Quốc Khánh)… lễ hội Bủng Kham được khôi phục đã đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân xã Đại Đồng nói riêng và trở thành một lễ hội điển hình của huyện Tràng Định mỗi độ xuân về và là nét đặc sắc của văn minh nông nghiệp vùng đất địa đầu./.
Theo dulichvn