Lễ hội Chá Chiêng. Ảnh: Internet
(Cinet) – Lễ hội Chá Chiêng thường được tổ chức vào mùa xuân khi cây mạ đã xanh và hoa ban đã nở đẹp núi rừng. Cỗ bàn của lễ hội này gồm hàng vài ba chục mâm do chủ tế là thầy mo cùng các con nuôi là Lục mày đóng góp, bàn soạn.
Cả hoa lá, núi rừng, cả đời sống sinh hoạt của người Thái, thiên nhiên bên trong và bên ngoài của người Thái cùng hòa hợp, tạo nên không khí vui tươi của lễ hội, làm cho con người gắn bó với nhau hơn bằng tình cảm, con người càng yêu thêm thiên nhiên, làng bản và những sản vật do mình làm ra.
Trong lễ Mùn Luông diễn xướng phần Kếp boóc (nhặt hoa). Ông thầy mo tay cầm quạt, đi quanh cây chá, cầm từng cành hoa của từng đứa con nuôi hát đoán về số phận tương lai của họ, nhắc nhở về cách cư xử, khuyên răn đạo đức, ca ngợi cuộc sống yêu thương, tình nghĩa. Có thể coi đây là những bài học, những buổi lên lớp thấm thía đối với tất cả mọi người ở thời kỳ không có trường học chính quy.
Với lễ hội Chá Chiêng, điều đầu tiên là tình cảm, ân nghĩa, tình cảm uống nước nhớ nguồn được bồi đắp. Nhân dân lao động được tự do bày tỏ khả năng sáng tạo trong sản xuất và hoạt động nghệ thuật; trai gái được bày tỏ tự do yêu đương, cả bản cùng hưởng thụ thành quả lao động, thành quả văn hóa, được đắm say trong những bài mo suốt ngày đêm kể về trời đất, kể về sinh hoạt cộng đồng và các sự tích…
Lễ hội gắn với nhân vật thầy Mo. Ảnh: Internet
Hẳn nhiên, lễ hội Chá Chiêng cũng có yếu tố mê tín, bắt buộc cống nộp đôi khi nặng nề. Bằng mắt nhìn cực đoan, thổi phồng cái tiêu cực hoặc không thấy được ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong lễ hội này cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác mà các lễ hội dần mai một vì thời gian, cả vì những mệnh lệnh hành chính. Phần lễ bị tước bỏ, cấm đoán nhiều lại chính là phần mang đậm bản sắc truyền thống và các tác phẩm văn học dân gian có giá trị.
Lễ hội Chá Chiêng của đồng bào Thái tỉnh Hoà Bình mang ý nghĩa cộng đồng đã tạo được không khí náo nức và phấn chấn cho mọi người trong bản, trong mường. Ngày nay, với sự tiến bộ về y học nên việc chữa trị bệnh của ông Mùn không còn tồn tại nữa mà nó chỉ còn là di sản văn hoá tâm linh, còn những nhịp điệu của lễ hội Chá Chiêng cũng đã dần trở thành nét đặc trưng trong vũ điệu dân gian của đồng bào Thái nói chung và của đồng bào Thái Mai Châu (tỉnh Hoà Bình) nói riêng./.
Cinet tổng hợp