(Cinet) – “33% người dân đi lễ hội là để cầu tiền, tài và vị trí xã hội, hơn 74% du khách thập phương có tham gia đóng góp công đức” thống kê trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010 diễn ra ngày 15/6 vừa qua tại Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã diễn ra nhiều chương trình lễ hội dân gian lớn như: Festival Huế; lễ giỗ tổ Hùng Vương; lễ hội Cầu ngư; lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử…mang đậm những nét đặc trưng của nền văn hóa nhiều vùng miền dân tộc trên khắp cả nước. Trong đó phải kể đến, 18 Festival; 8 tuần văn hóa, thể thao và du lịch; 5 lễ hội dân gian lớn; 7 lễ hội lịch sử cách mạng và tôn giáo… thu hút gần 7 triệu lượt khách thập phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn tồn tại những mặt tiêu cực, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đã bị biến tướng, thương mại hóa trong việc quản lý, tổ chức gây bất bình trong dư luận. Tiêu biểu như trò ăn xin, kinh doanh hàng quán… khiến những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng bị lu mờ.
Thậm chí, tại một số địa phương, các di tích còn bị biến thành trung tâm khai thác kinh tế nhằm tư lợi cá nhân. Cơ sở vật chất nhiều nơi còn hạn chế, không đạt tiêu chuẩn để đưa vào phục vụ khách du lịch.
Để khắc phục những nhược điểm, yếu kém còn tồn tại, một pháp chế rõ ràng, quyết liệt của các nhà quản lý tại địa phương là rất cần thiết. Trên thực tế, có những sai phạm mặc dù đã được phát hiện nhưng các cơ quan chức năng vẫn không áp dụng bất cứ biện pháp xử lý nào, khiến những sai phạm trên vẫn ngang nhiên diễn ra, thậm chí còn công khai, lộ liễu hơn trước.
Cinet tổng hợp