Hội nghị đánh giá công tác, quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2010

16/06/2010 8:38 SA

(Cinet) – Ngày 15/6, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác, quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2010 với sự tham dự của 34 Sở VHTTDL, 12 Ban quản lý di tích các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về những kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, những mô hình, điển hình, tiên tiến đã và đang đem lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng như những mặt tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nguyên nhân và giải pháp thực hiện.

Điểm yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua đã và đang bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế; Không ít lễ hội do nặng về hình thức quy mô phải hoành tráng với chương trình nghệ thuật sân khấu hoá hiện đại, nặng về trình diễn, phụ diễn tốn kém nhưng nội dung lại hời hợt, chung chung, ít được đầu tư. Bên cạnh đó cũng có nhiều lễ hội kéo dài hàng tuần liền trong khi có đó thể gói gọn hai ngày là hết. Thế nên mới có chuyện đi xem hội mà thành ra xem ca nhạc ngoài trời. Có không ít các lễ hội dựng lên chỉ nhằm mục đích duy nhất là…kêu gọi công đức.

Ngoài ra hiện tượng bói toán, lên đồng, cờ bạc, móc trộm, thương mại hoá trong hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội, tệ bán hàng rong, rút thẻ, bán sách, tướng số, tử vi, lôi kéo khách hành hương, tranh giành thu tiền bán vé dịch vụ… làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hoá trong hoạt động lễ hội gây nên sự bức xúc của dư luận và báo giới.

Việc tổ chức lễ hội nhiều nơi còn nghiêng về lợi ích kinh tế, làm cho ý nghĩa văn hoá tinh thần trở lên mờ nhạt.

Tuy lễ hội dân gian lớn được tổ chức quy mô và cầu kỳ hơn trước song cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, yếu tố tâm linh suy giảm.

Công tác thanh tra, kiểm tra; trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của cán bộ văn hoá cơ sở và những người trực tiếp quản lý di tích và điều hành lễ hội còn hạn chế, thiếu hiểu biết sâu về lễ hội.

Thành công đạt được

Bên cạnh những khuyết điểm trong công tác, quản lý và tổ chức lễ hội, không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được.

Ông Nguyễn Đạo Toàn – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở: trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương đã được chính quyền các cấp chỉ đạo theo nội dung quy định trong hệ thống văn bản của Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội.

Lễ hội được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương và đi vào nền nếp, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi cuốn hút du khách như: Lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định) thu hút 50.000 lượt khách tham gia; Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) thu hứt được 340.000 lượt khách; đặc biệt lễ hội Đền Hùng năm 2010 thu hút được gần 6 triệu lượt người hành hương về Đất Tổ, riêng ngày chính hội (ngày 10 tháng 3 có 2,5 triệu người); Lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng số lượng du khách tăng gấp 4 lần so với năm 2009 và Festival Huế 2010 thu hút hơn ba triệu lượt người đến tham gia lễ hội. Ngoài ra, một số lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, kinh nghiệm tổ chức các lễ hội đã dần mang tính chuyên nghiệp.

Để tạo được sự chuyển biến thực sự sâu sắc và đạt hiệu quả thực tế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đòi hỏi phải có sự hướng dẫn trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cần khai thác, chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, dân tộc trên cơ sở xác định rõ đặc trưng, sắc thái riêng của từng lễ hội. Kết hợp hài hoà giữa phần lễ với phần hội và chọn lọc những nội dung sinh hoạt văn hoá thể thao phù hợp với thuần phong mỹ tục của nhân dân mới nhằm hấp dẫn du khách.

Thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tìm ra những nguyên nhân và giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng trong công tác quản lý và tổ chức lế hội; đồng thời lựa chọn những mô hình, điển hình, tiên tiến đã và đang đem lại hiệu quả tích cực để tiếp tục nhân rộng, dó là điều thấy được trong Hội nghị đánh giá công tác, quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2010.

Cinet tổng hợp