Lễ hội Pakul Sapu – một trong những lễ hội kỳ quái nhất trên thế giới

Trước khi chiến đấu, các chiến binh được chia thành hai nhóm đứng thành hai hàng đối diện nhau. Ảnh Internet

(Cinet) – Sau khi kết thúc tháng ăn chay Ramadan theo phong tục đạo Hồi, những cư dân thuộc hai ngôi làng Morella và Mamala trên đảo Maluku của Indonesia lại tưng bừng tổ chức một lễ hội địa phương rất độc đáo có tên là Pukul Sapu.

Lễ hội Pakul Sapu có thể coi là một trong những lễ hội kỳ quái nhất trên thế giới, nơi những người đàn ông trẻ tuổi sẽ để mình trần và đánh vào nhau bằng những bó roi mây mà họ gọi là “chổi mây”. Cái tên Pukul Sapu theo ngôn ngữ địa phương có nghĩa là “chổi chiến thắng”.

Lễ hội này đã được tổ chức từ rất lâu đời, có ý nghĩa giúp tăng cường tình đoàn kết và mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng hơn là một cuộc chiến đấu với làng khác.

Tất cả mọi thành viên của hai ngôi làng Morella và Mamala đều được tham gia vào lễ hội. Tuy nhiên những nhân vật chính lại thường là đàn ông trẻ tuổi, có sức khỏe và cả sức… chịu đau. Điều này là cần thiết, bởi nghi lễ chính trong lễ hội là một màn chiến đấu thực sự và không khoan nhượng. Những chiến binh (những người đàn ông) tham gia sẽ được trang bị một bó roi mây, họ để mình trần chỉ mặc mỗi quần cộc, trên đầu buộc dải băng màu đỏ.

Trước khi cuộc chiến bắt đầu, các chiến binh thường tập trung để nhận những lời cầu nguyện của già làng, điều mà họ tin rằng có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương nghiêm trọng khi tham gia nghi lễ.

Sau đó, các chiến binh được chia thành hai nhóm đứng thành hai hàng đối diện nhau. Khi có hiệu lệnh bắt đầu, họ sẽ thay phiên dùng chiếc chổi mây của mình để quất túi bụi vào lưng và ngực của đối phương, cho đến khi cơ thể cả hai bên đều chi chít những lằn roi tóe máu.

Cuộc chiến này hoàn toàn không phải là một màn biểu diễn bởi dấu tích là những vết roi bật máu hằn sâu trên cơ thể của các chiến binh. Điều kỳ lạ là những chiến binh không hề tỏ ra đau đớn hay sợ hãi khi tham gia. Nước mắt hay những tiếng rên đều tuyệt nhiên không xuất hiện. Họ thậm chí còn giơ cao hai tay cho mọi người trông rõ những vết thương xé máu thịt của mình rồi vung nắm đấm vào không khí để biểu thị lòng can đảm và chiến thắng.

Ngay sau khi những màn hành xác nhau kết thúc, những vết thương của các chiến binh được dân làng bôi lên một loại dầu phép làm từ thảo dược địa phương, thứ mà họ tin rằng có thể chữa lành mọi đau đớn chỉ trong vài ngày. Loại thuốc này thậm chí còn không để lại sẹo. Chỉ riêng loại thuốc này thôi cũng đã là một điều kỳ diệu trong kho tàng văn hóa truyền thống của cư dân trên đảo Maluku. Những tính chất chữa thương tuyệt vời của nó hiện rất nổi tiếng và được nhiều người tìm mua về sử dụng. Thậm chí một nhóm các nhà khoa học nước ngoài cũng đang xúc tiến nghiên cứu thành phần của thuốc.

Hàng năm, Lễ hội Pakul Sapu thu hút hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham gia cổ vũ. Thậm chí còn thu hút rất nhiều người nổi tiếng và cả quan chức khắp đất nước Indonesia về tham dự, trở thành một đặc sản du lịch hấp dẫn của địa phương.

Còn đối với người dân của hai ngôi làng, Pakul Sapu mặc dù bị chỉ trích là bạo lực, nhưng với họ đó lại chính là truyền thống văn hóa tự ngàn xưa, một công cụ quan trọng để mọi người tăng cường tình đoàn kết.

Cinet/VTCnews