Phòng trưng bày số 3: Văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng Miến

Phòng trưng bày số 3 giới thiệu về văn hoá 13 tộc người: Hmông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, Cờ Lao, Pu Péo, La Ha, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La, Phù Lá, Lô Lô, thuộc các nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao, Ka Đai, Tạng Miến. Mỗi tộc người có nhiều nhóm địa phương như: H’mông hoa, H’mông trắng, H’mông đen, H’mông xanh, H’mông đỏ; Dao quần chẹt, Dao đại bản, Dao đỏ, Dao quần trắng, Dao thanh y, Dao lô gang, Dao áo dài, Dao làn tiển, Dao thanh phán…, Cờ Lao xanh, Cờ Lao trắng, Cờ Lao đỏ. Đồng bào cư trú ở hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du miền Bắc, nhưng tập trung đông nhất ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu.

* Nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao có 03 tộc người : H’mông, Dao, Pà Thẻn

Tộc người H’mông có các nhóm: H’mông Trắng, H’mông Hoa, H’mông Đỏ, H’mông Đen, H’mông Xanh.Tộc người Dao có các nhóm: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Làn Tiển. Mỗi nhóm có nhiều ngành nhỏ khác. Tộc người Pà Thẻn, di cư vào Việt Nam cách đây khoảng 200 – 300 năm

Nhóm ngôn ngữ Ka Đai gồm 04 tộc người: La Chí, Cờ Lao, Pu Péo, La Ha; Nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến gồm có 06 tộc người : Lô Lô, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Cống, Si La

* Tổ hợp số 1: Làng bản, nhà cửa

Làng bản của cư dân H’mông – Dao, Tạng – Miến chủ yếu  được dựng trên các triền núi cao hay lưng chừng núi, khí hậu thoáng mát, nhưng hiếm nước và giao thông đi lại khó khăn. Một số ít cư dân: La Chí, Cống, Si La và một vài nhóm Dao dựng làng ven các con sông, con suối hoặc nơi có điều kiện dẫn nước về nhà.

Bản có 2 loại: Bản phân tán và bản tập trung. Số lượng nhà trong bản nhiều hay ít tuỳ thuộc điều kiện địa hình cụ thể và cuộc sống định canh định cư hay du cư của mỗi dân tộc.

Nhà ở các dân tộc nhóm H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng – Miến có 3 loại: Nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất và nhà  sàn.

Nhà đất thường thấy ở đại bộ phận nhóm H’mông – Dao, Tạng – Miến

Nhà sàn thường thấy ở nhóm Dao làm ruộng nước, một số ít nhóm Dao làm rẫy như: Dao Thanh Y, Dao áo Dài, một bộ phận Lô Lô, Phù Lá và đại bộ phận Cống, Si La.

Nhà nửa sàn nửa đất thường thấy ở 2 nhóm Dao vùng Trung du Bắc bộ, đồng bào La Chí và một bộ phận Lô Lô.

*Tổ hợp số 2: Kinh tế nông nghiệp

Các tộc người nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng – Miến chủ yếu canh tác trên nương rẫy. Nương có 3 loại: nương cuốc, nương cày chiếm vị trí quan trọng, gắn liền với cuộc sống định canh, định cư của đa số các dân tộc trong cả 3 nhóm. Nương phát đốt gắn với cuộc sống du canh, du cư chỉ còn rải rác ở các nhóm địa phương. Đồng bào còn lợi dụng thế đất, tận dụng nương thổ canh hốc đá để canh tác. Trên nương, đồng bào trồng lúa, ngô, mạch ba góc, trồng rau, đậu, bầu bí, đỗ, dong giềng, cây thuốc, các loại cây ăn quả và cây công nghiệp.

Công cụ sản xuất chủ yếu cày, cuốc, các loại dao, rựa, rìu, thuổng, gậy chọc lỗ, nạo cỏ, nhíp. Cày của đồng bào vùng cao có thân ngắn, to, chắc khoẻ để phù hợp với các nương hốc đá. Cùng với canh tác nương rẫy, trong quá trình định cư, định canh cư dân vùng núi cao đã biết lợi dụng thế đất khai phá và đắp bờ tạo thành ruộng bậc thang để cấy lúa nước. Tuỳ thuộc vào thế đất mà đồng bào tạo ra ruộng bậc thang cao hay thấp, rộng hay hẹp. Vì vậy, có ruộng rộng 1m, có ruộng chỉ vài chục cm, có ruộng rộng 2 – 3 đường bừa, có ruộng chỉ có 1 đường bừa.Trong canh tác ruộng nước, đồng bào vùng cao còn biết tạo mương dẫn nước, làm đất kỹ, cày bừa nhiều lượt để diệt cỏ dại, tăng độ mầu cho đất, cho năng suất cao.

* Tổ hợp số 3: Săn bắt

Hái lượm, săn bắn nhằm cải thiện đời sống và bảo vệ mùa màng của cư dân vùng núi cao. Ngày nay, họat động này vẫn được duy trì, tuy nhiên không nhiều như trước kia. Đồng bào H’mông, Dao, Phù Lá, La Hủ rất giỏi săn bắn các loại thú nhỏ như lợn rừng, cầy hương, hươu nai, khỉ, cáo, chồn… Hầu hết đàn ông các tộc người đều biết chế tác các loại bẫy, nỏ. Một số người giỏi rèn, khoan, làm súng kíp, súng hoả mai, sáng chế các loại bẫy thú có hiệu quả. Ngoài ra đồng bào còn giỏi đánh bắt cá bằng nhiều hình thức: Ruốc, đặt chặn, đặt đó, lặn bắt cá bằng tay, dùng chài lưới…

* Tổ hợp số 4: Tập quán ăn uống của các tộc người nhóm H’mông – Dao, KaĐai, Tạng Miến.

Đa số đông bào trong nhóm Hmông – Dao, KaĐai, Tạng – Miến  thường ăn 2 bữa chính một ngày; bữa sáng và bữa tối, ngoại trừ một số nhóm Dao  coi bữa trưa và bữa tối là chính. Một số tộc người H’mông, Pu Péo, Lô Lô ăn “ mèn mén” ngô đồ là chính.

Ngô được xay thành bột nhỏ, nhào nước cho tơi xốp, đổ ngô vào chõ đồ chín, dỡ ra nia, xoa tơi, vẩy nước, trộn đều, sau đó đồ lại lần 2 cho chín dẻo.

Các tộc người khác trước đây ăn cơm nếp, nay ăn cơm tẻ, một số độn thêm ngô, sắn. Gạo nếp chỉ dùng để đồ xôi, làm bánh trong dịp lễ tết.

Thức ăn thường ngày gồm có: Măng, rau, đậu, bầu bí… Ngày tết có thêm thịt gà, dê, lợn, bò, cá… Món thịt, ngoài xào, nấu, luộc, đồng bào còn biết chế biến bằng cách phơi khô, sấy khói, ướp chua để ăn lâu dài. Thắng cố là món ăn đặc trưng của đồng bào vùng cao được hầm nhừ từ tổng hợp các loại thịt, xương, lòng của các loại gia xúc. Trong ngày chợ phiên, người H’mông còn có món bánh làm từ ngô non, xay thành thứ nước đặc quánh như sữa, sau đó làm thành bánh trôi hoặc bánh dợm.

Đồng bào thường uống rượu. Riêng nhóm Dao Thanh Y, Dao Tiền, Lô Lô, Phù Lá uống rượu hoẵng. Nước uống thường ngày là nước chè, lá vối, lá rừng. Họ hút thuốc lào bằng điếu, ở một số vùng đồng bào còn có tục ăn trầu.

* Tổ hợp số 5: Nghề mộc, nghề rèn

Hầu hết đàn ông các  tộc người H’mông, Dao, La Hủ… biết rèn dao, cuốc, thuổng… và sửa chữa nông cụ. Riêng kỹ thuật tôi thép của người H’mông, người La Hủ đạt trình độ cao. Người ta có thể khoan thép cây thành nòng súng kíp, nòng súng hoả mai.

Nghề làm đồ gỗ khá phổ biến trong đời sống của đồng bào H’mông, Cờ Lao. Chỉ bằng chiếc bàn xoay đơn giản, họ đã làm ra những đồ đựng và dụng cụ ăn uống bằng gỗ rất đẹp như: Muôi, thìa, bát, chậu…

* Tổ hợp số 6: Nghề đan lát

Việc dùng nguyên liệu tre, nứa, mây, trúc… tạo ra các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đã phát triển ở hầu hết các tộc người nhóm: Hmông – Dao, KaĐai, Tạng – Miến. Sản phẩm đan lát của người H’mông, Cờ Lao nổi tiếng với các sản phẩm đồ dùng gia đình: Nong, nia, cót, phên, bồ, gùi…

Nam nữ Cống, La Chí, Phù Lá đều biết đan gùi, đồ đựng thức ăn, đồ đựng quần áo, bằng mây tre đan cải hoa văn rất đẹp. Người La Hủ rất giỏi đan mâm cơm, ghế mây.

Nhìn chung sản phẩm đan lát của đồng bào không chỉ phục vụ cuộc sống tự cung, tự cấp mà còn trở thành mặt hàng trao đổi với các dân tộc láng giềng.

* Tổ hợp số 7: Nghề dệt vải, in hoa văn, thêu thùa

Các tộc người H’mông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, La Ha, Phù Lá đều duy trì và phát triển nghề dệt vải,  đáp ứng phần nào vải mặc trong cuộc sống. Phụ nữ H’mông rất giỏi dệt vải bằng sợi cây lanh (ngoại trừ nhóm H’mông Xanh, H’mông Súa và Na Miẻo trồng bông dệt vải).

Phong tục người H’mông, khi người chết phải mặc áo ngoài bằng vải lanh linh hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Vì vậy, thiếu nữ từ 15 tuổi trở lên, mỗi người phải có nương lanh. Lanh thường được gieo trồng ở ven chân núi, trong các thung lũng vào khoảng tháng 4 âm lịch. Sau 3 – 4 tháng lanh được cắt thành bó đem về phơi khô trong khoảng 10 – 15 ngày. Sau đó tước lấy vỏ trước khi có gió mùa Đông Bắc, vì nếu gặp gió lạnh sợi lanh sẽ bị khô, giảm độ bền, rất dễ nát và khó nối.

Khi vỏ lanh bong ra, người ta chia thành từng chùm sợi nhỏ đều nhau, đem giã cho sợi mềm và xơ, sau đó tước từng sợi nối lại với nhau, cuộn thành cuộn to rồi ngâm nước tro bếp, luộc chín, giặt sạch, đun thêm một lần nữa với nước hoà sáp ong trong 4 – 5 giờ, vớt ra cho ráo nước, dùng đoạn gỗ tròn chà nhiều lần để sợi bóng và bền. Từ đó se thành sợi rồi đưa lên khung dệt. Phụ nữ H’mông đi đâu cũng mang vỏ lanh bên mình, lúc đi chợ hay lúc giải lao khi lao động trên nương rẫy… họ tranh thủ tước sợi, nối sợi. Trước khi đưa lên khung dệt, người ta dùng xa kéo thành các con sợi.

Vải đã dệt xong được nấu trong nước lọc tro bếp cho vải trắng, sau đó nấu sáp ong để hồ vải cho cứng, bóng mịn và đem nhuộm chàm.

Trong các gia đình người H’mông cũng đều có khung dệt. Mỗi năm một phụ nữ có thể dệt được từ 4 – 5 tấm vải lanh, mỗi tấm dài 20 vuông đủ may một bộ váy áo đẹp.

Công cụ in hoa văn đơn giản gồm có bút in bằng đồng to nhỏ khác nhau (có loại đường thẳng, đường diềm; có loại dùng tỉa hoa, lá; có loại chuyên dùng in hình tròn), các khung hình tam giác bằng tre, bát đựng sáp ong, chiếc mẹt làm giá kê để in.

* Kỹ thuật in:

Đun sáp ong nóng chảy, nhúng một cạnh khung hình tam giác hoặc bút vẽ vào sáp ong rồi in lên vải. Tuỳ kích thước đoạn thẳng dài hay ngắn mà chọn khung có cạnh tương ứng, nếu là hoa văn tròn người ta dùng ống nứa có tiết diện thích hợp. In xong, đem nhuộm vải nhiều lần cho đến khi vải sẫm mầu, người ta nhúng vải vào nước ấm làm sáp ong tan chảy, để lại những hoa văn màu xanh nhạt, trắng rất đẹp.

Thêu thùa trang trí hoa văn trên vải là nét văn hoá đặc sắc của phụ nữ H’mông – Dao. Họ có cách thêu độc đáo và khéo léo, tạo hoa văn không theo mẫu vẽ sẵn mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ và óc tưởng tượng. Kỹ thuật thêu thực hiện kim thêu trên mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải. Do đó trước khi thêu, người phụ nữ phải tính toán tỉ mỉ tới từng đường kim sợi chỉ, nhớ kích thước từng hoạ tiết trong toàn bộ mảng hoa văn, để tạo được tổng thể đồ án hoa văn có bố cục cân đối, hài hoà, mang tính thẩm mỹ cao trong trang phục của họ. Hoạ tiết hoa văn phổ biến là hình sừng trâu, con ốc, các hình chữ thập ngoặc và hình móc câu… gắn với cảnh quan thiên nhiên và quan niệm tộc người.

* Tổ hợp số 8: Tập tục cưới xin

Hôn nhân các tộc nguời  nhóm H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng – Miến theo chế độ một vợ một chồng bền vững, ít có hiện tượng đa thê hay li dị. Dưới chế độ cũ, hôn nhân mang tính chất “gả”, “bán”, ngày nay trai gái tự tìm hiểu để kết hôn. Hôn nhân giữa những người cùng dòng họ bị ngăn cấm. Tập tục cưới xin của các tộc nguời cơ bản có nghi lễ : Đánh tiếng, dạm ngõ, hỏi, cưới. Tuy nhiên, tuỳ thuộc mỗi nhóm, mỗi tộc nguời có các nghi lễ cưới hỏi riêng.

Đối với tộc người Dao trai gái phải so tuổi, bói chân gà xem có hợp nhau không mới tiến hành hỏi cưới. Lễ cưới thường diễn ra sau lễ hỏi một năm hay ngắn hơn tuỳ theo mỗi nhóm địa phương. Thời gian này cô dâu ở nhà dệt vải, thêu thùa, cắt may chuẩn bị của hồi môn. Riêng nhóm Dao Đỏ không có tục đón dâu. Cô dâu được cha mẹ, anh em họ hàng thân thích và đại diện nhà trai đưa, đón cô dâu về nhà chồng. Khi vào nhà trai làm lễ Tơ hồng (người Dao còn gọi là lễ “Hồng Toòng”), cô dâu phải trùm kín mặt bằng chiếc khăn đỏ, trang trí những núm bông nhỏ và gắn tua, bước qua một thau nước mà thầy cúng đã làm phép, khi nào làm lễ gia tiên xong  mới được bỏ  khăn ra. “Hồng Toòng” được dựng tại bàn thờ tổ tiên, giống chiếc cổng chào, dán giấy màu, câu đối. Thầy cúng vắt một dây hoặc những tua vải đỏ qua vai cô dâu, chú rể và đọc cuốn sách nói về cưới xin, làm ăn của người Dao, khấn vái gia tiên công nhận hai người thành vợ chồng.

* Tổ hợp số 9: Tục sinh đẻ

Phụ nữ các tộc người nhóm H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng – Miến khi sinh con được sự giúp đỡ của bà mụ trong bản hay mẹ chồng, chị em gái chồng.

Trước và sau khi sinh con, sản phụ phải kiêng cữ nhiều điều. Khoảng thời gian ở cữ 1 tuần, đồng bào có các dấu hiệu báo cho người lạ không vào nhà như: nguời La Hủ úp chiếc nón  lên cọc trước cửa, nguời La Ha cài tấm phên đan mắt cáo, người La Chí cắm lá xanh trước cửa… với ngụ ý để giữ vía cho đứa trẻ mới sinh. Họ rất sợ người lạ có vía dữ vào nhà làm cho đứa trẻ quấy khóc, biếng ăn.  Khi đứa trẻ đầy cữ (1 tháng) họ mới gỡ bỏ những dấu hiệu đó đi.

Đồng bào có tục chôn nhau thai hoặc bỏ vào sọt treo lên cành cây với mong muốn đứa trẻ được mát mẻ, khoẻ mạnh…

* Tổ hợp số 10: Tập tục tang ma

Cư dân vùng núi cao đều quan niệm: chết đi là được “sống” ở thế giới bên kia.Vì vậy, trong tang ma, đồng bào tổ chức các nghi lễ phức tạp đưa linh hồn người chết về nơi “quê cha đất tổ”, về cõi cực lạc. Nghi lễ này còn có ý nghĩa “để vui với người thân lần cuối” và giảm sự đau khổ cho gia chủ. Một số tộc người: Dao, Pu Péo, Cờ Lao… có tục làm chay trong đám tang.

Nguời Lô Lô có tục làm lễ ma khô sau lễ ma tươi 13 ngày hoặc 3,5,7…năm sau, tuỳ theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, để cho người chết được siêu thoát trở về với tổ tiên. Họ làm hình nhân, mặc trang phục truyền thống, tượng trưng cho người chết, bên cạnh còn có vải gửi cho người quá cố  bày dưới bàn thờ tổ tiên. Thầy cúng chuẩn bị rất nhiều tiền âm phủ, dùng các đạo cụ: thanh la, não bạt, kiếm, thẻ âm dương, trống đồng để giữ nhịp cho các điệu múa dân gian. Cùng với nghi lễ cúng mời tổ tiên đón nhận linh hồn người quá cố và lễ vật, mọi người đánh trống và nhảy múa đưa tiễn người chết về đất tổ ở thế giới bên kia. Trong lễ ma khô, người Lô Lô ở Mèo Vạc, Hà Giang ăn mèn mén, uống rượu và nhảy múa, hát ca những giai điệu truyền thống.

* Tổ hợp số 11: Lễ cấp sắc của người Dao

Một nghi lễ rất quan trọng của người Dao là lễ cấp sắc. Theo phong tục, tất cả đàn ông đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc 3 đèn. Những người làm thầy cúng còn thực hiện nhiều lần cấp sắc với số lượng đèn khác nhau 3 đèn, 7 đèn, 9 đèn… Đây là một nghi lễ vừa mang dấu ấn của tục thành đinh xa xưa, vừa mang tính chất của đạo giáo.

Lễ cấp sắc “tam linh” (3 đèn) của người Dao quần chẹt được tiến hành ngay trước bàn thờ tổ tiên. Trong nghi lễ này nhất thiết phải có bộ tranh thờ (“Tam thanh” “hành sư”, “hành phây”) đủ 24 tờ và các loại đạo cụ như: Đèn dầu dọc, gậy tầm xích, thẻ âm dương, tù và, trống, chuông đồng, nhạc sóc, lệnh bài, ghế đặt lợn cúng, ghế ngồi cho người được cấp sắc…

Người được cấp 3 đèn ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Ba người thầy được mời đến làm lễ, đều đã qua lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên, có tuổi cao hơn người thụ lễ. Họ làm lễ dâng  đèn trước bàn thờ, rồi mỗi người thầy đặt một đèn lên người thụ lễ cấp sắc ở các vị trí khác nhau: Thày cả đặt lên đầu, thày thứ hai đặt lên vai phải, thày thứ ba đặt lên vai trái.

Người thụ lễ phải ngồi hàng giờ để chịu sức nóng của 3 ngọn đèn trong khi thày cúng đọc 2 đạo sắc kể về lai lịch của người được cấp sắc, để tâu sớ với tổ tiên và các thần thánh. Đọc xong, ông đốt một bản “âm” gửi cho tổ tiên, bản  “dương” dành cho người thụ lễ giữ lại, khi qua đời mang theo làm giấy thông hành về gặp lại tổ tiên ở thế giới bên kia.

* Tổ hợp số 12: Văn hoá chợ vùng cao

Sinh sống ở vùng núi cao giao thông đi lại khó khăn, đồng bào H’mông – Dao, Kađai, Tạng – Miến thường tự túc phần lớn nhu cầu cuộc sống, nên họ ít khi xuống núi. Thông thường 1-2 tuần, thậm chí cả tháng, các cặp vợ chồng mới xuống núi đi chợ 1 lần. Chợ thường họp vào chủ nhật, dòng người với trang phục đủ mầu từ khắp các nẻo đường đổ về chợ, người địu hàng, người dắt lợn, người dắt ngựa thồ, từng tốp 5 – 7 người men theo các lối mòn vắt quanh sườn núi rảo bước đến chợ.

Tại chợ phiên, đồng bào đem  bán đầy đủ các sản phẩm từ  gia súc, gia cầm, lâm thổ sản, đến các loại dược liệu… và họ mua các loại hàng hoá cần thiết phục vụ đời sống như: dầu, muối, chỉ thêu, thuốc lá, cuốc, dao, lưỡi rìu, nồi, bát đĩa, ấm chén…

Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ của những người thân và nam nữ thanh niên; nơi vui chơi giải trí, nơi giao tiếp, học hỏi, thổi khèn, thổi sáo tìm bạn trăm năm. Họ mời nhau vào hàng ăn thắng cố, mèn mén, uống rượu say để quên đi những ngày lao động vất vả trước khi “lên núi trở về nhà”. Những người say được coi là giàu bạn, nên người vợ dân tộc H’mông có thể kiên nhẫn ngồi nối từng sợi lanh để chờ chồng mà không chút phiền muộn. Khi nào người chồng tỉnh rượu hai người mới ngược núi trở về nhà.

* Tổ hợp số 13: Thuốc nam chữa bệnh

Trong mỗi  tộc người nhóm ngôn ngữ H’mông, Dao – Kađai, Tạng miến đều có nhiều người biết tìm kiếm và bào chế cây thuốc nam (nhân trần, củ gấu, sa nhân, nấm linh chi, củ sâm…) để chữa bệnh. Trước đây, người lấy thuốc luôn giữ bí mật, sự linh nghiệm của cây thuốc, lặng lẽ vào rừng hái thuốc và chữa bệnh cùng với phép thuật riêng của riêng mình. Ngày nay, đồng bào đã biết nhân giống, trồng các loại cây thuốc quý như: Nấm linh chi, hoa hồi, củ sâm, để sử dụng, bán cho người dân quanh vùng và bán cho các hiệu thuốc lớn.

* Tổ hợp số 14: Văn học, âm nhạc nghệ thuật dân gian

Văn học dân gian của các  tộc nguời  nhóm H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng – Miến đa dạng, phong phú về thể loại và nội dung, bao gồm: thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, sử thi, dân ca, tục ngữ, hò vè, câu đối… với nội dung ca ngợi tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, ca ngợi tinh thần đoàn kết, chiến thắng bạo ngược, lên án chế độ cũ bất công, nêu lên nỗi khổ của những người làm tôi tớ, bảo vệ tình yêu đôi lứa và những phong tục tộc nguời.

Âm nhạc, nghệ thuật dân gian tộc ngườicó nhiều nét độc đáo với các nhạc cụ đa dạng như: khèn, sáo, đàn môi, kèn lá, đàn tròn, hồ, nhị, trống thường thấy ở người H’mông; Kèn loa, đàn tranh, sáo, tiêu, trống, thanh la, não bạt, chũm choẹ, tù và… thường thấy ở người Dao; khèn bè, đàn tày nhạy, sáo trúc của người Pà Thẻn; Trống, chiêng, đàn tính 3 dây, khèn, sáo dùng phổ biến ở cư dân La Chí và các tộc người nhóm Tạng – Miến. Trống đồng trước đây được dùng phổ biến trong đời sống của người Pu Péo, Lô Lô. Ngày nay chỉ tồn tại trong đám tang của người Lô Lô (gồm trống đực và trống cái) để đưa tiễn linh hồn người qúa cố về với tổ tiên.

Đồng bào thường tổ chức hát múa tập thể, các trò chơi dân gian như ném còn, đu thăng bằng, đu dây, thổi khèn, chơi cà kheo trong các dịp tết, hội xuân. Hát trong đám cưới, xin dâu giữa nhà trai và nhà gái kéo dài 3 – 4 giờ liền đã trở thành sinh hoạt văn nghệ độc đáo của nhiều tộc người. Trong đó phải kể đến tiếng hát làm dâu của người H’mông, hát “Ni ca” của người La Chí, các điệu múa của người La Hủ… rất đặc sắc.

Bài viết liên quang

Phòng trưng bày số 4: Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me

Phòng trưng bày số 1: Văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường

Phòng số trưng bày 2: Văn hóa các cư dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái