Phòng số 1- trưng bày, giới thiệu văn hóa 4 dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường thông qua 12 tổ hợp. Mỗi tổ hợp trưng bày là một câu chuyện văn hóa xung quanh các lĩnh vực của cuộc sống như: hoạt động kinh tế lúa nước; kinh tế biển; ngôi nhà của người Mường; văn hóa của cư dân Thổ, Chứt; các nghề thủ công; trang phục; văn học, nghệ thuật; cổng làng, cây đa, giếng nước mái đình rối nước và quan họ, múa rối nước; trò chơi dân gian – thả diều; tập tục thờ cúng tổ tiên; tập tục cưới xin của người Kinh. Trong đó, trưng bày, biểu diễn và câu chuyện văn hóa về nghệ thuật rối nước của người Kinh dưới mái đình để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho du khách tham quan.
Rối nước, loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống Việt Nam, hình thành cùng với nền văn minh nông nghiệp lúa nước và văn hóa Đại Việt ở đồng bằng Bắc bộ từ lâu đời. Địa danh rối nước nổi tiếng phải kể đến: Nguyên Xá (Thái Bình), Làng Rạch, Nam Chấn (Nam Định), Đào Thục (Đông Anh); Đồng Ngư (Bắc Ninh), Làng Ra (Hà Tây), Đồng Phong (Hải Dương)… Rối nước được biểu diễn ở các ao làng, bên cạnh cây đa, giếng nước, vào những dịp lễ hội làng, ngày vui, ngày Tết, ngày nông nhàn. Trong mỗi dịp này, người nông dân dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước, mô tả chân thực cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu chống thiên tai, giặc dã, nhằm thích ứng thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, bảo vệ đất nước.
Quân rối nước là những pho tượng nhỏ, tạc bằng gỗ sung, gỗ vông, quết bằng nhựa cây, sơn thiếp vàng, thiếp bạc. Đây là những sản phẩm của nghề tạc tượng dân gian. Nhiều quân rối khá đặc sắc, giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, vừa trữ tình.Một nhân vật rối quen thuộc với khán giả là chú Tễu, người thông, minh, hóm hỉnh, mang hình bóng của người nông dân vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ thường mở màn cho các trò diễn với lời hội thoại “Bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ”. Chú Tễu cũng dùng tiếng cười để nhận thức cuộc sống, đả kích và trào lộng những điều chướng tai gai mắt …Trò diễn rối nước không thể thiếu tứ linh: rồng, phượng, lân, rùa… gắn liền với các hoạt động cầu nguyện: cầu may, cầu phúc, lộc. Phần lớn trò diến trong rối nước là con rối gắn với người dân và nghề trồng cấy, chăn nuôi, đánh cá như: con trâu, con cá, đi cấy, đi cày, xay lúa, giã gạo, câu cá, kéo vó, úp nơm, chăn vịt, chăn trâu thổi sáo, chọi trâu… Một số làng rối còn có thêm các con rối gắn với anh hùng dân tộc (Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, người cắm cờ chiến thắng…), gắn với thần thoại như tiên rồng, rước trạng về làng; gắn với trò chơi dân gian như đấu vật, đánh đu, đua thuyền, đốt pháo, leo cây, thả diều… hay gắn với sự phản biện xã hội như thị trợ, ba thao, ba khi, cáo bắt vịt…
Quân rối nước cử động từ xa nhờ 2 loại máy sò và dây được che giấu kín, cùng với hệ thống cọc, các loại dây lớn, nhỏ, cứng, mềm khác nhau, các sào bằng gỗ tre…Phần thân rối nổi lên mặt nước, thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới mặt nước có lắp máy điều khiển cho quân rối cử động, giữ cho rối nổi bên trên.
Có thể nói 30 phường rối xưa kia có tới hơn 200 tích trò. Mỗi trò diễn thông qua kịch bản, dựng được tích trò, có xung đột, có thắt nút, có mở nút, kết thúc có hậu, dưới bàn tay của các nghệ nhân, các con rối có sức truyền cảm mạnh mẽ, thỏa mãn người xem, đem lại tiếng cười cho cuộc sống. Tuy nhiên, các tích trò này thể hiện rất ít trong trưng bày và trình diễn tại bảo tàng.
Cùng với trưng bày, Bảo tàng VHCDT Việt Nam phối hợp với Trường Đại học công nghệ Hà Nội đã lựa chọn 8 con rối, thử nghiệm công nghệ 3D như: chăn trâu thổi sáo, người câu cá con trâu …(trong trò diễn về cuộc sống lao động của người nhà nông); thị vệ, người cắm cờ …(trong trò diễn về lịch sử); kim qua, người cắm hương …(trong trò diễn về tín ngưỡng của cư dân Việt)… Thông qua đó, Bảo tàng giới thiệu nghệ thuật tạo hình nhân vật rối để công chúng thỏa mãn nhu cầu khám phá môn nghệ thuật yêu thích của mình.
Một trong những điều thú vị tại Bảo tàng Văn hóa CDT Việt Nam là được xem Sân khấu rối nước (Thủy đình) mini và nhìn các con rối trong tủ trưng bày được biểu diễn sinh động nhờ chính đôi bàn tay khéo léo của cán bộ Bảo tàng. Buồng trò nằm một phần ở bể nước mini, có mành kín treo cửa trước che người đứng sau điều khiển. Sân khấu là mặt nước trước mành (1,7m x 2m). Người xem đứng xung quanh, ngay dưới mái đình, bên gốc đa xem biểu diễn.
Trò rối nước biểu diễn tại bảo tàng theo lối xưa, chỉ với lời giáo, cùng với âm nhạc (hòa tấu trống, mõ, tiếng tù, đàn nhị …, gây không khí rộn ràng.
Xem rối nước dân gian tại không gian trưng bày của bảo tàng, ngay dưới mái đình, gốc đa được trích đoạn phục dựng, nhưng người xem cảm thấy các con rối trưng bày thực sự có hồn, cảm thụ đời sống văn hóa của cư dân Việt ở các làng quê Bắc bộ với tâm tình thoải mái hơn. Trò diễn chú tễu, múa rồng, câu ếch, câu cá…đã được biểu diễn cho hàng nghìn lượt du khách, góp phần làm cho chương trình giáo dục của bảo tàng càng thêm hấp dẫn, sâu sắc.
Phương thức giới thiệu văn hóa dân tộc kết hợp giữa tĩnh và động, giữa thuyết minh khái quát và dừng lại ở chi tiết một điểm nhấn văn hóa, được thể hiện trong trưng bày, kèm theo biểu diễn thực và trải nghiệm văn hóa mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam áp dụng từ năm 2010 đến nay, bắt đầu từ những chương trình biểu diễn như rối nước, cồng chiêng, ngũ âm…và hơn 50 các tiết mục khác nhau, thực sự đã làm cho không gian trưng bày Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành ngôi trường thứ hai trong lòng công chúng đã tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng.
Để có được sự đổi mới này, thực hiện ý tưởng táo bạo của những người lãnh đạo nơi đây, các cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã làm việc không ngừng nghỉ, biến thời gian “nhàn cư vi” trở nên hữu thiện, đưa bảo tàng từ yên tĩnh, vắng vẻ nhiều năm trước đây thành bảo tàng sống động, ngày càng đông du khách tham quan như hiện naypula pula inflavel park
Múa rối nước được xây đắp hình thành từ tâm tư, tình cảm của người dân lao động, nó tái hiện cuộc sống và ước vọng của thời đại. Trước kia rối nước chỉ diễn ngoài trời, sân khấu gắn bó, hòa quyện với thiên nhiên, trong không gian mênh mông, trời, đất và nước có cây xanh, mây, gió, lửa, có khói mờ vương tỏa, ẩn hiện mái đình uốn cong và màu ngói đỏ, quả là một sự hòa quyện độc đáo giữa thiên nhiên và con người. Ngày nay, múa rối nước Việt Nam, không chỉ bảo tồn mà đã được khai thác sâu, rộng hơn. Hiện nay, cả nước có hàng chục phường rối nghiệp dư và 5 Nhà hát, đoàn múa rối chuyên nghiệp. Hoạt động của các phường rối phần lớn vẫn theo hình thức phục vụ hội hè, đình đám…,các thành viên tham gia chủ yếu là nông dân trong làng, xã. Có phường các thành viên là ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái dâu rể cùng trong một gia đình.
Trong những năm gần đây, múa rối Việt Nam đã mạnh dạn thể nghiệm một số vở diễn với hình thức kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, để đáp ứng và phù hợp với tiến trình phát triển xã hội hóa đất nước. Với vị thế hiện nay, múa rối nước Việt Nam được xếp vào hạng là nghệ thuật độc đáo của Văn hóa dân tộc.
Vì rối nước được thể hiện và trình diễn trong trưng bày có hạn, cho nên nếu đối tượng công chúng còn muốn nghiên cứu khám phá sâu hơn các con rối và trò diễn, sẽ tiếp tục được xem nhiều trò diễn rối nước truyền thống và hiện đại của các phường rối khác nhau tại không gian phòng chiếu phim tại Bảo tàng, do Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên phối hợp thực hiện. Những ai muốn được học và biểu diễn rối nước các cán bộ Bảo tàng sẽ truyền dạy theo phương pháp dân gian mà họ đã học, dễ học, dễ biểu diễn. Cách thức này thực sự góp phần phát huy nghệ thuật rối nước truyền thống trong cuộc sống đương đại.
Truyền dạy rối nước tại Bảo tàng Văn hóa CDT Việt Nam.