Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Tà Ôi có 43.886 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Dân tộc Tà Ôi cư trú chủ yếu ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Tà Ôi, Pa Cô, Tà Uốt, KanTua, Pa Hy…Nhóm địa phương: Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy.
Ngôn ngữ: Dân tộc Tà Ôi thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á)
Sản xuất nông nghiệp
Người Tà Ôi ở vùng cao chủ yếu trồng trọt trên rẫy kết hợp với trồng lúa nước kết hợp với nương rẫy, ở vùng thấp như nhóm Pa Hy chủ yếu làm ruộng nước. Trên nương rẫy, đồng bào vẫn duy trì hình thức canh tác cổ truyền, với các khâu: chọn đất, phát rẫy, đốt, chọc lỗ, trỉa hạt và thu hoạch về sau, dùng cuốc, dùng cày để làm đất. Trước đây, mỗi mảnh đất khai phá, đồng bào trồng trỉa một đến hai năm, sau đó bỏ hoang một năm, rồi mới khai phá lại. Trong quá trình sản xuất nương rẫy, đồng bào thường sử dụng các loại nông cụ: rìu, dao, cuốc, cào cỏ, gậy chọc lỗ, liềm, giỏ đeo, gùi, cày, bừa. Ngày nay, nhiều nhà có máy cày, máy suốt. Trước đây, đồng bào chỉ làm một vụ rẫy, khoảng tháng 4 đến tháng 11. Từ những năm 70 thế kỷ XX trở lại đây, đồng bào trồng thêm vụ chiêm, gieo trồng tháng hai, thu hoạch tháng 7, với các giống lúa mới, xen canh với ngô, sắn, bầu, bí, dưa, khoai môn. Vụ mùa, chủ yếu trồng lúa, xen kẽ với ngô, khoai môn, gia vị. Lúa nước mới xuất hiện khoảng 50 năm nay, ngày càng phát triển, mở rộng ở nhiều nơi, nhất là ở lưu vực sông A Ráp. Trên ruộng, đồng bào canh tác hai vụ trong năm, năng xuất khá cao.
Người Tà Ôi nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan, đặc biệt là nuôi trâu để làm lễ hiến sinh, bán cho miền xuôi và bán cho cư dân Lào. Hình thức chăn nuôi phổ biến là thả rông. Hơn chục năm trở lại đây, đồng bào đã làm chuồng nhốt gia súc, gia cầm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chọn giống vật nuôi cho phù hợp với điều kiện vùng cư trú. Nhiều cơ quan khuyến nông đã hướng dẫn đồng bào sử dụng thuốc thú y để hạn chế bớt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Kinh tế tự nhiên
Săn bắn: Cứ vào dịp thu hoạch mùa màng xong, Nam giới Tà Ôi thường tổ chức cuộc săn bắn tập thể. Mọi người trong làng, cả già lẫn trẻ cùng tham gia vây bắt thú rừng bằng các công cụ giáo, mác, tên nỏ…đôi khi có cả chó săn. Những ngày mới gieo cấy và giáp vụ thu hoạch, nam giowis tranh thủ đặt bẫy bắt chim, chuột, sóc…để bảo vệ mùa màng, cải thiện cuộc sống.
Hái lượm là nguồn kinh tế đáng kể trong mỗi gia đình Tà Ôi, là công việc thường xuyên của các thành viên vào những ngày giáp hạt. Họ tranh thủ lúc đi làm nương rẫy, đi lấy củi để hái lượm các sản vật tự nhiên như: mật ong, trái cây rừng, măng tươi, rau rừng, song, mây, các loại cây dược liệu như: Sa nhân, sâm quy, sâm trúc, ngải trời, mộc nhĩ, nấm hương, củ hoài sơn, thiên niên kiện, củ cun, vàng đắng…làm thuốc chữa bệnh và bổ xung nguồn thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày.
Đánh bắt thuỷ sản chiếm một vị trí quan trọng, cung cấp nguồn thực phẩm đáng kể cho bữa ăn hàng ngày của đồng bào Tà Ôi. Phụ nữ, trẻ em mò cua, bắt ốc, bắt tôm, cá nhỏ trong các hốc đá, khe suối, đàn ông đánh bắt cá bằng quăng chài thả lưới, đâm lao, đơm lờ, đó trên sông, suối, khe nước… Tôm, cá bắt được chế biến làm thức ăn hàng ngày, nếu nhiều, đem phơi khô, nướng hoặc ướp chua, làm mắm dự trữ.
Nghề thủ công
Người Tà Ôi phát triển các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát, rèn. Nghề dệt: tương đối phát triển. Họ trồng bông trên rẫy vào tháng 3-4, thu họach, khoảng tháng 9-10. Bông hái về được phơi khô, tách hạt bằng cán bông, cuốn cúi, quay sa kéo sợi, hồ sợi bằng nước cơm và phơi khô, dàn sợi, dệt vải. Khung dệt là loại khung dệt tấm phẳng, gồm tám bộ phận: ôm lưng hình khum; thanh căng liên kế, dập sợi ngang bằng gỗ vát mỏng, nhọn để lách giữa hai tầng sợi nhỏ, dập khít các sợi ngang; thanh ép sợi bằng cật tre mỏng, dẻo, vót nhẵn để căng đều, cố định kích thước khổ vải và ép lưới sợi cho đều, không đè lên nhau; thanh tách sợi bằng tre hay gỗ thẳng có chức năng giống như chiếc “go” trên khung dệt của các dân tộc phía Bắc; thanh đảo sợi là một ống tre dài, có tác dụng cùng với thanh tách sợi dùng để đảo sợi so le khi dệt; giá đỡ khung dệt là hai ống tre, liên kết với nhau bằng một thanh gỗ ở giữa; thanh liên kết gía đỡ với “khung dệt”. Muốn dệt được hoa văn phải có thêm một dụng cụ riêng để cài hoa văn. Sản phẩm dệt gồm: tấm choàng, áo, váy, khố có dệt hoa văn bằng chỉ màu và chỉ cườm trắng, ngoài phục vụ cuộc sống tự cung, tự cấp, đem bán cho các dân tộc láng giềng.
Đan lát khá phổ biến trong các bản làng Tà Ôi, không phân biệt nam, nữ. Tuy nhiên, người đàn ông thường đảm nhận các khâu chính như: chặt cây, chẻ lạt, vót nan, còn việc đan lát là của mọi thành viên gia đình. Sản phẩm đan lát gồm có: các loại gùi to, nhỏ khác nhau, dùng đựng lúa, ngô, khoai, sắn từ nương về nhà, gùi đi săn (dành cho nam giới). Ngoài ra đồng bào còn đan các loại giỏ tuốt lúa, giỏ đi nương hái rau, giỏ đựng cá, cua, tôm, ốc, túi lét, tấm phướng trên cây nêu….
Phương thức vận chuyển
Người Tà Ôi chủ yếu vận chuyển bằng gùi, sọt, giỏ đeo và trâu, bò để kéo. Đặc biệt hơn cả là các loại gùi được sử dụng khá phổ biến trong việc vận chuyển. Mỗi loại gùi có kỹ thuật đan, phù hợp với chức năng, lứa tuổi và giới tính. … Gùi nữ có 3 loại gắn với 3 thời kỳ phát triển trong đời, ngay khi mới cất tiếng khóc chào đời, bé gái đã được bố, ông nội, ngoại đan cho một chiếc gùi, trở thành thiếu nữ, cô sử dụng loại gùi (anziêc), phụ nữ có chồng thường sử dụng gùi (clom). Anziêc cơ bản giống (clom) về hình dáng và chất liệu, nhưng khác ở kích thước thu nhỏ và không có nắp đậy. Nam giới có gùi 3 ngăn “cánh dơi” để đi săn.
Ngày nay, đồng bào dùng các loại xe thồ, xe đạp, xe máy, xe cải tiến để vận chuyển. Một số cư dân sống ven sông, suối dùng thuyền để đi lại và vận chuyển.
Trao đổi hàng hóa
Đồng bào Tà Ôi chủ yếu sản xuất tự cấp tự túc đồ dệt, đồ đan lát, nhưng đồ sắt, đồ gốm, đồ đồng chủ yếu do trao đổi với người Việt, người Lào và các dân tộc khác có được. Từ lâu, đồng bào đã có sản phẩm chăn nuôi bán cho cư dân miền xuôi hay cư dân Lào, nhưng tập quán dùng vật đổi vật vẫn diễn ra.
Văn hóa mặc
Xưa kia, ở một vài nơi, người Tà Ôi phải mặc đồ chế tác từ vỏ cây, đeo đồ trang sức các loại vòng tay, vòng chân, vòng cổ, khuyên tai, bằng đồng, bạc hay hạt cườm, mã não… Tục cà răng, xăm trên da và đeo trang sức làm căng rộng lỗ xâu ở dái tai. Nay tục này không còn tồn tại. Nam giới Tà Ôi quấn khố, mặc áo hay ở trần. Khố (Cuhôl) có chiều dài 450 cm, chiều rộng 30 cm, dệt những dải hoa văn màu trắng, đỏ chạy dọc trên nền đen. Áo (Pahôl) ngắn tay, may theo kiểu chui đầu (pông sô), khoét cổ phía trước và sau bằng nhau theo hình chữ V, nẹp viền bằng chỉ đen. Thân áo là một khổ vải gập đôi, tạo thành thân trước và thân sau. Trên áo có 03 băng dải hoa văn dệt ngang, mở ở vai và hai dải to hơn ở phần bụng, gấu trên nền vài chàm đen. Phụ nữ mặc váy ống (nai), và áo (nóp). Váy có hai loại, nai đơn và nai đôiNai đơn (nai môi), là loại váy ngắn của người lớn, thường được mặc kèm với áo. Khi mặc, quấn lại quanh hông chặt và giắt ở phía bụng. Nai đôi dài, khi mặc, họ kéo lên quá ngực. Cả hai loại đều có nền đen, dẹt trang trí nhiều dải hoa văn quả trám ngang, chia cắt bởi những dải hoa văn hình sóng nước, răng cưa, xoắn ốc…. Phụ nữ Tà Ôi có tập tục khi chưa lấy chồng thì mặc váy dài quá gối, đã lấy chồng thì mặc ngắn ngang đầu gối. Thắt lưng (arteng) có trang trí những sợi tua các màu ở hai đầu dây. Ngày lễ hội, phụ nữ có thêm dây cuốn đầu, dệt thổ cẩm nổi bật là chỉ màu đỏ. Hoa tai (pa ra) truyền thống bằng bạc hoặc nhôm, dấu chấm hỏi, hình xoắn ốc. Họ cho rằng, vòng xoắn càng nhiều càng nặng, đeo càng lâu năm, kéo dái tai càng dài, thì càng đẹp. Phụ nữ Tà Ôi còn đeo vòng cổ bằng chất liệu bạc, đồng hay nhựa. Ngày nay, nam giới và trẻ nhỏ người Tà Ôi đã mặc y phục hiện đại mua ở các chợ huyện.
Màn trình diễn trang phục thường ngày, trang phục lễ hội và trang phục cụ bà, già làng của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế trình diễn.
Áo nam và nữ của người Tà Ôi đều là kiểu áo cổ chui, có thể có tay nhưng thường không tay đối với áo nữ, được dệt bằng sợi bông màu chàm kết hợp với sợi màu đỏ và cườm trắng tạo các hoa văn trang trí tinh tế.
Mở đầu là trang phục thường ngày của cô gái Tà Ôi, gồm áo, váy. Tất cả đều được dệt thổ cẩm, nhưng váy, áo ngắn, gọn, thuận tiện đi nương, đi rẫy, đi rừng và xuống suối và họ không quên mang theo chiếc gùi sau lưng. Mỗi khi đi chơi xa, dự lễ hội hay đám cưới, phụ nữ Tà Ôi thường mặc trang phục đẹp gồm áo, váy, thắt lưng, choàng, dây quấn đầu với đủ sắc màu sặc sỡ, hoa văn tinh tế. Các cụ bà Tà Ôi mặc áo, váy, trang trí hoa văn thổ cẩm kết hợp với hạt cườm như trang phục thường ngày của thiếu nữ, nhưng họ búi tóc cao và đeo thêm chiếc giỏ để hái rau, bắt cá hàng ngày. Nam giới Tà Ôi đóng khố, cởi trần, quấn hoặc khoác thêm tấm choàng. Thường ngày nam giới đóng khố dệt trang trí hoa văn đơn giản, dùng choàng buộc dấu nhân phía trước để tiện với việc phát nương, chọc lỗ, săn bắn. Ngày lễ hội, họ đóng khố dệt hoa văn đính cườm sặc sỡ, khoác choàng chéo trước ngực, buông đầu khố trang trí đậm đặc bên sườn phải, có dây quấn đầu bằng dải thổ cẩm. Ngày cưới, cô dâu chú rể mặc trang phục sặc sỡ như lễ hội, nhưng còn có thêm hai chiếc khăn kẻ quấn đầu, thể hiện cô gái đã có chồng, chàng trai đã có vợ. Trang phục già làng độc đáo gồm áo, váy, choàng, khăn quấn đầu, thể hiện sự uy nghi, vị thế, sự kết tinh sản phẩm dệt và sự đoàn kết của cả cộng đồng. Già làng bao giờ cũng khoác tấm choàng mở rộng choàng lấy lưng, buộc mối trước ngực với dây có tua bông ở hai đầu và chiếc kèn sừng buông trễ dưới ngực. Tất cả các thành tố trang phục của của già làng được dệt hoa văn sặc sỡ, với các mô típ mũi lao, hoa 4 cánh và bức tranh thiên nhiên núi rừng, cây cỏ, hoa lá….,
Văn hóa ẩm thực
Trong ngôi nhà chung, hàng ngày, chỉ có trẻ em và người già ở nhà, các lao động chính đi làm nương từ sáng đến tối mới trở về. Vì vậy, một ngày họ chỉ ăn hai bữa chính. Buổi sáng, phụ nữ thường dậy sớm nấu cơm cho cả bữa sáng và bữa trưa. Do tập quán làm nương ở xa nhà, nên sau khi ăn sáng xong, các thành viên trong gia đình mang theo giỏ cơm, bầu nước và các dụng cụ dao, cuốc đi làm nương. Những người ở nhà người già, trẻ em thường ăn cơm nguội, canh rau cho qua bữa trưa. Tối đến, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm. Những sản phẩm như rau, măng, côn trùng ốc, cá, chim thu hái, săn bắt được từ trên nương, trên rừng hay dưới suối đem về chế biến theo kiểu truyền thống dân tộc. Ngày thường, lương thực chủ yếu là cơm, ngày giáp hạt, họ ăn thêm: ngô, sắn, khoai, củ mài… Ngày lễ hội có các món băm trộn tiết gia súc với thịt luộc; món hỗn hợp thịt, rau nấu rau, nướng trong ống lồ ô. Thức uống thường ngày có nước lã, nước chè rừng, lá ổi, hơ qua lửa, bỏ vào nồi nước đun sôi để uống; dịp lễ hội ăn trâu, cưới hỏi, về nhà mới, tiếp khách, không thể thiếu rượu gạo, rượu đoác (cắt phần ngọn cây (ar vac), cây đùng đình (ardinh), dùng ống tre, nứa hứng nước từ vết cắt tự chảy ra, đổ vào ống bương lớn đặt dưới gốc cây) và rượu cần (cơm/sắn luộc nếp ủ với men, vỏ trấu cho vào ché, ủ kín bằng lá chuối và để 10-15 ngày). Họ dùng tẩu tự tạo bằng gốc le hoặc bằng đất nung để hút thuốc lá.
Văn hóa ở
Làng (vel) truyền thống của người Tà Ôi bố cục theo 4 loại: làng hình tròn (hình bánh xe), giữa làng là nhà rông, xung quanh có khoảng 10 nóc nhà dài, các đòn nóc không được theo hướng đâm vào nhau; làng hình móng ngựa, thường thấy ở nhóm Pakoh, có nhà rông và nhiều nóc nhà dân dựng gần kề nhau theo lối hàng ngang, làm thành vòng cong hình móng ngựa; làng hình chữ nhật và mở một góc, không có nhà rông và vài ba nóc nhà dân; làng hình dấu bằng (hay chữ nhị), không có nhà rông, chỉ có 1-2 nóc nhà. Hiện nay, hầu hết các nhóm Tà Ôi đã chuyển sang ở loại nhà ngắn, có làng có nhà rông, có làng không có nhà rông, nên giữa làng thường được bố trí thành hình móng ngựa hay hình chữ nhật mở một góc, ôm lấy cái sân, ở giữa là cây cột lễ đâm trâu. Trong các làng, ngoài nhà rông còn có nhà dài, nhà chòi, nhà kho, lán và nhà mồ. Trong đó, nhà Rông được xây dựng nằm ở vị trí trung tâm làng. Đó cũng là một ngôi nhà sàn, làm theo kiểu mái bầu dục, 3 gian, hai chái, bộ nóc 2 mái. Hai cửa chính ở hai đầu cầu thang và một cửa giữa (alloong mong/ parloh mong). Trong nhà trang trí những đường răng cưa đơn giản vòng phía trên đầu cột chính hoặc trang trí hai đầu chim Pabil. Nhà dài (denga tech): chủ yếu là nhà sàn dài, chỉ có nhóm Ba hi Thur ở nhà đất. Nhà dài truyền thống là nơi ở của một đại gia đình, phần mái hồi, tiếp giáp với đầu nóc trang trí “khau cút” hình đầu chim cu Pabil chéo nhau. Mái lợp tranh, lá cọ, độ dốc khá lớn. Trước đây có những nhà dài hàng trăm mét, trung bình từ 10 -20 gian, mỗi gian khoảng khoảng 20m2. Toàn bộ ngôi nhà được đặt trên hệ thống cột chịu lực, chôn sâu xuống đất từ 1,8 – 2m. Mỗi gian có hai cột chính đỡ một quá giang. Trên quá giang là hai tay kèo suốt chạy dài từ nóc, gác lên đầu cột, kéo dài tới tận mái hiên để đỡ các đòn tay. Sàn nhà cao khoảng 1,5 m, phía dưới sàn có một xà ngang nối hai cột chính và hệ thống dầm sàn, theo kỹ thuật ngoàm. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà có sự thống nhất trong cộng đồng. Ngoài phòng rộng chính giữa “căn mong”làm nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung, các gian còn lại chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn là một gia đình, ở giữa hoặc lệch về một bên có một hành lang chạy suốt làm lối đi lại. Phía trước mỗi hộ gia đình có cửa chính thông ra một cầu thang đi xuống sân. Chính giữa mỗi gian của mỗi hộ gia đình có một bếp lửa, mọi sinh hoạt, ăn, ngủ… đều diễn ra xung quanh bếp lửa.
Những năm cuối của thế kỷ XX, cùng với cuộc vận động tách hộ, lập vườn, phát triển kinh tế, các gia đình nhỏ trong nhà dài chuyển sang ở nhà xây cấp bốn, lợp mái tôn, đổ mái bằng. Mỗi gia đình chỉ có một cặp vợ chồng con cái cùng chung sống. Một số gia đình có thêm ông bà và những người anh em chưa xây dựng gia đình. Kèm theo đó, hình thái cư trú, sinh hoạt tập hợp gồm nhiều gia đình cá thể theo huyết thống bị phá vỡ nhường chỗ cho hình thái cư trú mới: cư trú độc lập theo hộ cá thể.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Làng là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản và tự quản trong xã hội cổ truyền. Người Tà Ôi đã phân định người giàu (konprơnha), đủ ăn (du cha), người nghèo (kadok), nhưng tất cả họ đều là những người lao động, trực tiếp làm ra của cải vật chất cho gia đình… Họ đối xử bình đẳng và có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trước cộng đồng. Họ đều tôn trọng người già, tin theo “già làng”. coi già làng là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Già làng có cái tai nghe được lời của dân, biết ai đi đúng, ai sai, tách đàn sẽ đóng vai trò điều chỉnh hoạt động, ứng xử mỗi cá nhân trong cộng đồng. Những ai vi phạm đã có hội đồng già làng xem xét để có hình phạt theo luật tục và quyết định cuối cùng thuộc về già làng. Ngày nay, có trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể cấp thôn cùng tham gia điều hành thôn bản.
Mỗi làng Tà Ôi gồm có nhiều dòng họ (yăq) quần cư và trong mỗi dòng họ lại có các chi họ (kattooh). Từng dòng họ có người đứng đầu, có tên gọi riêng theo tên động, thực vật, tên địa danh (núi, sông, suối), có sự tích riêng kể về nguồn gốc của mình và có những kiêng kỵ. Sự vận hành của dòng họ dựa vào luật tục, tình cảm, ý thức của các thành viên trong dòng họ.
Trước đây, người Tà Ôi cư trú theo hình thái đại gia đình phụ quyền với những ngôi nhà sàn dài có khi tới hàng trăm mét, tập hợp nhiều bếp (các gia đình nhỏ) lại với nhau, là những người sống trong những đung, có quan hệ huyết thống và cùng sản xuất kinh tế, do trưởng họ đứng đầu và đóng vai trò quyết định. Còn gia đình nhỏ có một cặp vợ chồng cùng với những người chưa vợ chưa chồng, quan hệ thân tộc trực hệ đóng vai trò quyết định và xuất hiện muộn hơn. … Dù là thuộc kiểu gia đình nào, người Tà Ôi cư trú cùng một mái nhà vẫn ứng xử với nhau bằng tình thương sâu sắc và có nếp sống nề nếp, kỷ cương. Mọi sự bất hoà giữa người này với người khác, giữa bếp này với bếp khác đều được giải quyết ổn thoả. Lương thực, thực phẩm (gạo, ngô, rau, quả, thịt cá) của cả gia tộc làm ra, được phân chia công bằng cho từng bếp. Mỗi bếp tự nấu nướng, vợ chồng con cái ăn riêng, ngoại trừ dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay. Cha mẹ già sống với con trưởng, song các bếp và mọi thành viên đều có trách nhiệm chăm sóc. Hiện nay, phổ biến nhất là hình thức tiểu gia đình phụ quyền.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Tà Ôi nghiêm cấm quan hệ hôn nhân cùng dòng họ. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, tuy nhiên họ lại cho phép con trai cô lấy con gái cậu. Xưa kia, trai gái Tà Ôi lớn lên phải cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên, mới được tìm hiểu nhau và lấy vợ, lấy chồng. Việc cưới hỏi do nhà trai chủ động, họ phải trả tiền dẫn cưới cho nhà gái gồm cồng, chiêng, ché, nồi đồng, trâu, lợn…
Lễ cưới truyền thống của người Tà Ôi thường diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, khi thu hoạch mùa màng đã xong. Lễ cưới gồm 2 bước: “tặp a boh” (đập bếp) và “Pei blô” (mua cái đầu). Tuy nhiên, cô dâu có thể về nhà chồng ở ngay, nếu nhà trai đã nộp đủ tiền cưới, không cần phải cưới xong. Sau 5-7 ngày, cô dâu mới cùng chồng trở về nhà mình làm lễ cưới thứ nhất “đập bếp” Cùng với đám cưới, cô dâu chú rể phải làm lễ “đạp bếp” và tại nhà bố mẹ cô gái để đánh dấu từ đó sẽ thực sự là người nhà chồng. Ít năm sau phải tổ chức lễ tạ ơn “thần linh” đã cho hai người sống yên ổn với nhau. Tong hôn nhân, vai trò ông cậu
Lễ cưới của người Tà Ôi bắt buộc phải trải qua các bước là: Lễ tìm hiểu, lễ ăn hỏi (poộc lô căm pay), Lễ cưới (Alễ cârmai) và Lễ Khơi (lễ hoàn tất). Trong lễ cưới, đôi trai gái phải thực hiện một số tập tục khác như tục trao kiếm, tục rửa chân (Pa rin), tục ăn cơm chung (cha chum), tục lại mặt (đe aloh). Ngày nay, thanh niên nam, nữ người Tà Ôi hoàn toàn đã dựa vào cơ sở tình yêu và sự chung thuỷ gắn bó, lược bỏ rất nhiều những hủ tục trong cưới xin, đồng thời, thiết lập, phát triển chế độ hôn nhân một vợ một chồng một cách tự nguyện tiến bộ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình ngày càng được xem trọng và đối xử công bằng.
Mỗi người Tà Ôi mới sinh ra được cha mẹ cho một cái bát làm vật giữ vía. Trong nhà có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cái bát. Con gái đi lấy chồng, đem theo bát đó về nhà chồng.
Tập tục tang ma
Người Tà Ôi quan niệm, người chết biến thành ma. Ma mới là ma chưa cải táng «Yang Ku mui », thờ ở miếu làm sâu trong rừng. Ma cũ là ma đã cải táng « Yang ku ne », thờ ở nhà trên bàn thờ cái đan bằng tre « War ». Khi có người chết, người Tà Ôi làm quan tài bằng gỗ tốt, độc mộc, khoét rỗng. Gia quyến tắm rửa, thay quần áo mới cho người chết, sau đó mới khâm liệm, nhập quan, phát tang, viếng. Con cháu cắt một ít tóc của mình bỏ vào quan tài để người quá cố có cái lợp nhà, rồi tổ chức chôn cất tạm thời. Họ quan niệm chết đi là bước sang một thế giới khác, ở đó người chết cũng ăn uống, sinh hoạt như khi còn sống, nên phải chia của cải gồm: trang phục, nông cụ (xà gạc, rìu, gùi…) và đồ gia dụng (nồi, ché, …) giống như chia tài sản cho người chết mang về thế giới bên kia để sử dụng. Những người đưa đám về đến nhà sau khi làm 1 bùa phép để đuổi quỷ thần thì mới được vào nhà, kiêng cữ vài ngày không ai được vào rừng, lên rẫy. Khoảng 3 – 5 năm sau làm lễ cải táng, chuyển hài cốt chôn ở bãi mộ mới gần những người thân trong họ, lúc đó họ mới làm nhà mồ và đẽo tượng trang trí ở xung quanh. Các ngôi mộ được xếp theo hàng và kiêng không cho mặt người chết quay vào làng. Ngôi nhà mồ của nam giới phải làm khác với ngôi nhà mồ của nữ giới.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Đồng bào Tà Ôi thờ thần với tên gọi chung là Yang. Các Yang đều có vật ký thác, có thể là hòn đá nhận ra hình thù của con người, có thể là con vật… Các thần được thờ ở miếu trong rừng hay ở nhà rông. Mỗi năm, người Tà Ôi hiến trâu cúng các thần linh một lần vào lễ “A riêu Yang sự”, do trưởng làng làm chủ lễ. Đồng bào thê ma míi (ma chưa cải táng ở rừng) và thờ ma cũ (ma tổ tiên ở trên bàn thờ – war). Mỗi làng Tà Ôi gồm có nhiều dòng họ (yăq), mỗi dòng họ có sự tích riêng kể về nguồn gốc của mình và có những kiêng kỵ riêng (Họ mía – a vét, kiêng uống rượu mía. Họ chồn (kê) kiêng ăn thịt chồn). Họ chó (t koát) kiêng ăn thịt chó. Họ cối giã gạo (apal) kiêng dẫm lên nơi đang làm cối…Người Tà Ôi cũng quan niệm, con người có vía, sống là nhờ vía, cho nên phải giữ vía. Vì vậy, mỗi trẻ em sinh ra đều được cha mẹ cho một cái bát làm vật ký thác cho cái vía đó. Tất cả bát vía được tập trung trên bàn thờ bằng tre đan “war”, chỉ cần nhìn trên bàn war thì biết có bấy nhiêu người. Bát vía phải giữ để mang theo suốt cuộc đời, sang nhà chồng và chôn theo khi chết. Bên cạnh đó, đồng bào còn có những kiêng cứ và nghi lễ liên quan đến cây lúa. Khi trỉa lúa, cả làng làm chung lễ a pen và sau đó cúng riêng ở từng gia đình. Suốt thời gian gieo trồng người lạ không được vào làng và trong những ngày thu hoạch lúa cũng không cho khách lại vào làng. Người đi suốt lúa không được tắm rửa, không được đi đại tiểu tiện. Trong thời gian thu hoạch nam nữ trong làng không được tìm hiểu nhau. Lúa và mọi của cải đều có hồn. Hồn của cải (yang pa nuol), là thần nam, vật ký thác là hòn đá, sừng nai, răng cọp…được để trong sọt treo ở đầu giường ông chủ nhà. Hồn lúa (yang sro) là thần nữ, vật ký thác là áo, váy, trang sức của phụ nữ. Việc thờ cúng là của từng nhà riêng biệt. Các vật ký thác được để trong sọt treo ở đầu giường người chủ sự (mẹ lúa) trên cây cột thiêng tại góc nhà. Hàng năm cúng 3 lần: vào lúa lúa đã mọc cao bằng ngón tay để cầu cho cây lúa sinh trưởng tốt. Lần 2 vào lúc thu hoạch để mừng gặt hái chu toàn và tạ ơn hồn lúa. Lần 3 làm tại ruộng là kết thúc một vụ mùa bắt đầu một vụ mới.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Kho tàng văn hoạc nghệ thuật của người Tà Ôi phong phú, bao gồm sự tích, truyền thuyết, các làn điệu dân ca (ca-lêu), các điệu múa dân gian và các điệu tấu chiêng…. Bộ nhạc cụ của người Tà Ôi cơ bản giống với nhạc cụ của người Cơ Tu và người Bu- Vân Kiều về tên gọi và cách diễn xướng, chỉ khác nhau về làn điệu. Trong đó phải kể đến dàn cồng chiêng gồm 6 kong (chiêng núm), 6 ta la (chiêng bằng), 1 cha gơt (trống lớn) một số nhạc cụ tiêu biếu như: champreh ( có 2 dây) ndro ( 1 dây kéo bằng cần), cây sáo có 2 lỗ (krjol), a luốt (sáo 6 lỗ), ato hala lẽ (sáo 4 lỗ), kèn mô i(avêđúpotờ), a reng (ống sáo)…Các nhạc cụ được biểu diễn hòa tấu trong các lễ hội cộng đồng.
Ru Akay là một thể loại dân ca của dân tộc Tà Ôi, thường được hát trong lúc các mẹ, các chị ru cháu, ru con ngủ lúa ở nhà hay địu con đi rẫy. Điệu ra Akay gắn liền với sự tích A màm: “Ngày xưa, ở làng nọ, có một người mẹ góa rất thương con. Cứ mỗi lần bà mẹ lên nương thì không nỡ bỏ đứa con còn nhỏ dại của mình ở nhà. Bà đành địu con theo trước ngực, sau lưng thì mang gùi bắp giống, tay cầm chiếc A pật thong thả lên rẫy. Đứa con thơ của bà rất vui khi nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách và cả những bước chân hòa đều với tiếng ru của mẹ. Qua lời ru, họ thường gửi gắm tình yêu thương, dạy dỗ con thơ và gửi gắm những ước mong cho con trẻ khôn lớn, trưởng thành, có sức khỏe, tài trí, nhân hậu… A Kay ơi! Akay
ơi! Ngủ yên đi.
Ngủ đi con ngủ đi đừng khóc nữa
Để cha con đi làm cái nương, cái rẫy
Để mẹ còn xuống suối bắt cá con ăn
Mong ngày con khôn lớn
Nhanh nhẹn như chim A Vang
Khỏe mạnh như con A Mur
Ngủ đi con mặt trời của mẹ,
Sức sống của cha”
Ru “Akay” do ông Âm Poong Ngớt, dân tộc Tà Ôi (nhóm Pa Cô) cùng dàn nhạc dân tộc đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế biểu diễn.
Hòa tấu nhạc cụ “Khúc nhạc rừng xanh” là sự phối âm đồng điệu của các loại nhạc cụ: kèn sừng trâu, khèn, trống, cồng chiêng, các nhạc cụ gõ, đàn. Âm hưởng nhạc cụ hòa tấu gắn liền với các động tác múa, thể hiện nhịp điệu thiên nhiên vùng núi Thừa Thiên Huế cũng như cuộc sống của đồng bào Tà Ôi, nhóm Pa Cô nơi đây. Hòa tấu nhạc cụ “Khúc nhạc rừng xanh” do nghệ nhân Ra Pát Ngọc Hà cùng tập thể đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế biểu diễn.
Hoạt cảnh chuyện tình chòi sim là loại hình hát dân ca, làn điệu Ta oái (giao duyên) của dân tộc Tà Ôi (nhóm Pa Cô), nói về tập tục đi sim truyền thống trong hôn nhân của đồng bào. Đi Sim là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái khi đến tuổi dựng vợ gả chồng. Tục đi sim thường diễn ra vào mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Vào những ngày này, các chàng trai, cô gái luôn trông ngóng, đợi chờ nhau. Họ được phép đến ngủ ở những ngôi nhà Xu trên rẫy hoặc trong rừng. Những cuộc đi sim ấy, họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy tình cảm. Nếu đã ưng nhau, họ có thể ngủ lại ở ngôi nhà rẫy trong rừng và chàng trai sẽ trao cho bạn gái một cái cúc áo để làm tin. Khoảng hai ba hôm sau, người đàn ông báo với bố mẹ mình về việc cưới hỏi. Ngày nay, tục đi sim tìm người yêu của người Tà Ôi đã bị phai nhạt. Hoạt cảnh chuyện tình chòi sim do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Trị biểu diễn.
Tết, lễ hội cộng đồng
Người Tà Ôi có nhiều lễ hội trong năm như cầu mùa, cúng hồn lúa, cúng thần linh “a riêu yang sự”, cải táng…Trong đó, lễ cải táng “Rơ Pớp” hoặc “Ta pin” (tiếng Ba-hi) được coi là lễ lớn nhất trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đồng thời là ngày hội của các buôn làng. Lễ này được thực hiện 5- 7 năm 1 lần, đầu tiên là lễ cúng tại nhà Rông và sân chung của làng. Lễ vật gồm có: Trâu, dê, lợn (tế sống, cúng chín). Sau lễ cúng chung, các gia đình cúng riêng ở từng nhà. Hài cốt được đào lên, chuyển tới nghĩa trang chung của làng, dòng họ. Sau các lễ cúng, dân làng tổ chức ăn uống linh đình, hát Ca lơi, múa xoang, tấu cồng chiêng vài ngày đêm.
Cầu mùa là một trong những lễ hội lớn của đồng bào, được tổ chức sau Tết âm lịch, từ 3-5 năm mới tổ chức một lần, nhân sự kiện: tạ ơn Yang (trời) về việc liên tục được mùa hoặc cầu được mùa nếu mùa màng thất bát, cầu sức khoẻ…Lễ hội được tổ chức 2 ngày ở nhà rông, sân chung của làng, do 1già làng chủ trì, 7 già làng khác phụ lễ. Lễ vật cúng gồm: cây chuối có buồng quả, mía nguyên cây, rượu cần, trâu, dê, gà, chuột nướng trong ống tre, cá nướng bằng que, xôi, cốm, gạo… Đạo cụ cúng gồm có axom (chùm sợi chuốt ở đầu que hóp, dùng để vẩy nước, vẩy rượu cúng lên xà nhà) và asiêu (một khúc gỗ tròn dài khoảng 15cm, bổ đôi, vẽ bùa chú trang trí) dùng để xin keo (bói âm – dương), kiếm, khiên và dải vải “gièng” phủ đầu trâu trước khi đâm. Ngày thứ nhất: chủ lễ, phụ lễ cầm kiếm, khiên làm lễ xin đất chôn cây nêu “nọc” buộc trâu, lễ vật gồm: gùi lớn, gùi nhỏ (achói, até), kiếm, khiên, chiêng, cồng, ché, gạo… , bánh nếp đã bóc vỏ, cá nướng. Chỗ chủ lễ úp khiên xuống đất là chỗ dựng cây nêu chính, xung quanh, dựng nêu phụ để buộc dê, lợn. Sau đó, chủ lễ cầm ống tre (trong đựng cám gạo, nước), cắm “axom” vừa khấn, vừa đổ ống cám xuống chân cây nêu; tiến về phía núi, vừa đi vừa vung gạo lên trời, khấn mời thần linh về dự hội; trở lại, nhảy múa quanh sân chung theo chiều ngược kim đồng hồ; lên nhà sàn làm lễ vung cơm trộn lá (cầu mùa được no đủ) và ném axom (trời đất hiển linh chứng giám); dâng hai mâm cúng (gà luộc, cá nướng, xôi, bánh nếp đã bóc vỏ) xuống sân chung vãi cơm vào đầu trâu làm lễ Bahs–mời các Yang về dự lễ; lễ xin phép thần hôm sau sẽ đâm trâu, dê với 3 mâm lễ vật (đầu, đuôi lợn, một xâu gan lợn, một bát cơm cắm 2 bánh nếp đã bóc, một bát nạp,…, 1 cây chuối nguyên buồng, 1 cây mía và 1 vò rượu cần, 1 bát nến nhựa cây); xin keo (bói thẻ gỗ) xong, mới mang các mâm cúng lên nhà sàn để làm lễ đuổi điều dữ, đón điều lành. Ngày thứ hai, cả làng nhảy múa (ađứt), đón khách các làng bên đến dự lễ; già làng mời các bạn vừa múa vừa ăn thịt, bánh nếp và uống rượu, sau đó mời lên nhà sàn ăn uống. Ăn xong, mọi người mới làm lễ đâm trâu, dê trước cột nêu. Các già làng bưng một đĩa gạo và hành sống vãi vào con trâu, làm phép dâng tấm vả trên đầu trâu; cất vải đi, 2 già làng mới được quyền đâm trâu, dê; Mọi người mổ trâu, dê tại chỗ, sắp 7 mâm lễ: đầu, chân trâu, dê sống, đầu, đuôi lợn luộc, gà luộc … đặt xuống gốc nêu để già làng cúng thần (trong khi các thiếu nữ múa theo tiếng chiêng); xin keo xong, các già làng chia 2 nhóm cầm axom, một đi về phía bờ sông, một đi về phía núi, khấn cầu các thần với sự phụ hoạ của đội nhạc múa. Cúng xong, chia lộc cùng ăn tại chỗ, rồi về sân nhà rông, chuyển vật cúng còn lại lên nhà sàn liên hoan. Đội múa hát Ca lơi, thổi tù và tiễn khách, kết thúc lễ cầu mùa.