Chơ Ro

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Chơ Ro có 26.855 người (2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Đồng Nai, một số ít ở tỉnh  Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước và  thành phố Hồ Chí Minh
Tên gọi: Người Chơ Ro tự gọi mình là Chrau Jro với nghĩa: Chrau/ người, Jro/ tên bộ tộc. Ngoài ra, còn có các tên gọi khác: Ro, Ro, Tô, Xôp (Coop), hay Dơ Ro…
Ngôn ngữ: Dân tộc Chơ Ro nói ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Dân tộc Chơ Ro canh tác nương rẫy là chính để phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Đồng bào canh tác nương rẫy theo lối phát đốt, chọc lỗ tra hạt, với cách phân bố các loại cây trồng trên rẫy khá độc đáo: vòng ngoài cùng của rẫy trồng một số loại cây dây leo như: bầu, bí, mướp, đậu ván… tiếp đến là trồng sắn. Toàn bộ diện tích còn lại phía trong trồng lúa, xen canh vừng.  Hiện nay, ngoài lúa rẫy, một số nơi đã làm ruộng nước, sử dụng trâu cày, làm đất, trồng bầu, bí, thuốc lào, cây ăn quả quanh vườn quanh nhà. Nhiều hộ Chơ Ro được đầu tư hỗ trợ, phát triển thâm canh hồ tiêu, trồng lúa 2 vụ/năm, năng suất 7-8 tạ/vụ, cung cấp đủ gạo ăn cho cả nhà, đồng thời còn đem bán, tiếp tục đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, nhờ vậy cuộc sống có phần ổn định và phát triển hơn.

Người Chơ Ro khá quan tâm chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ chăn nuôi hàng chục con bò, nhiều lợn, gà… nhưng nhìn chung chưa phát triển mạnh. Sản phẩm chăn nuôi cho đến nay chưa thực sự trở thành hàng hóa, tăng thêm thu nhập gia đình. Vì vậy, các hội nông dân huyện, tỉnh đã phối hợp lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, giúp đồng bào Chơ Ro phát triển chăn nuôi gà thả vườn và chăn nuôi bò, dê. …

Kinh tế tự nhiên

Trước đây, nguồn sống của người Chơ Ro phụ thuộc vào săn bắn, đánh cá và hái lượm. Mùa nào thức ấy, họ đã biết khai thác các loại rau rừng, măng tre, nấm hương, mộc nhĩ, tôm, cua, cá dưới suối Sa Mách để làm thức ăn của các gia đình, khai thác củi làm nhiên liệu chất đốt. Trên rừng, nam giới thường bẫy các loại: chèo bẻo, kỳ đà, sóc, kỳ tôm (rồng đất), nai, nhím, . Nữ giới thường đi hái các loại rau: đọt mây (Mây có nhiều vỏ gai bao bọc, muốn lấy được đọt mây phải chặt thành nhiều khúc ngắn để lột dần vỏ gai, khi gần đến đọt có nhiều vòng gai, phải cẩn trọng mới lấy được), lá bép “la-viếp” và đào các loại củ: củ mài, củ nần “cố-tuôi”, củ chụp, lấy ống lồ ô bánh tẻ về làm cơm lam “Piêng-tinh”; Đồng bào Chơ Ro còn biết lấy các loại cây leo, nấm có mùi thơm trong rừng, về chế biến theo từng công thức riêng, để các thiếu nữ trang điểm khi đi dự lễ hội cúng thần (Yang Vri) như: nấm đen “xiết xlây” mọc trên cây rừng già, dây leo “Xe pơ tâu”, “Mờ tâu papong”, cỏ thơm “ừng bom”…  Nam, nữ xuống suối bắt cá, cua, ốc. Sau này rừng bị thu hẹp, con thú bị săn bắn nhiều, cây rừng bị chặt bừa bãi, nên Nhà nước cấm cửa rừng, bà con chỉ hái rau và ra suối bắt tôm, cua, cá ốc.

Nghề thủ công

Người Cho Ro có nghề thủ công đan lát, do người đàn ông đảm nhiệm. Sản phẩm của họ là các loại gùi để vận chuyển lương thực, đi thu hái rau quả đựng quần áo và nhiều đồ gia dụng (nong, nia, thúng, sàng, túi đựng cơm, túi đựng đồ... Một trong những sản phẩm độc đáo của nghề đan nơi đây là chiếc võng đan bằng mây và chiếu “Lùn”, đan bằng thân cây Lùn (mọc ở khu vực đầm lầy thung lũng giữa các cánh rừng). Kỹ thuật đan khá cầu kỳ: chẻ, lột vỏ, phơi, vót nan, ngâm nan ngập nước hoặc phơi sương 2 đêm, đem phơi, đan tạo đường tim, tạo hoa văn (hình thoi, chữ nhật…) cân đối, các nan đều khít, không xô lệch. Chiếu Lùn là vật không thể thiếu trong các đồ sính lễ, để cô dâu và chú rể quỳ mời rượu cha mẹ, họ hàng ngày cưới, trải giường tân hôn với ước nguyện hạnh phúc, gắn bó trọn đời, con đàn cháu đống.

 Ngoài ra, đồng bào còn  làm mộc, rèn nhưng không phát triển, chủ yếu làm ra các đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày và làm nông cụ: rìu, chà gạc, dao chặt.

Phương thức vận chuyển

Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Chơ Ro là chiếc gùi đan bằng tre, mây, cõng ở trên lưng. Gần chục năm trở lại đây, ngoài chiếc gùi, người dân đã sử dụng xe đạp, xe máy vào việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa.

Trao đổi hàng hóa

Đồng bào Chơ Ro chủ yếu sinh sống khép kín, tự cung tự cấp, trao đổi theo phương thức hàng, đổi hàng, những sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của gia đình được sử dụng để đổi đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết. Ngày nay, đường xá đi lại thuận tiện, đồng bào dùng tiền để mua, bán ở chợ huyện, chợ xã.

Văn hóa mặc

Trước kia người Chơ Ro cũng có nghề dệt vải. Các loại trang phục họ thường mặc như áo, váy, khố…họ đều tự mình sản xuất ra được. Vài thập kỷ gần đây, nghề dệt của người Chơ Ro đã bị mai một. Họ phải mua vải của các dân tộc Mạ để may áo, váy. Trang phục truyền thống của nữ dân tộc Chơ Ro trước kia thường chỉ có chiếc váy quấn (xipút), ngực để trần. Ngày nay, bộ nữ phục có thêm áo (ao) mua của người Mạ, kiểu áo ngắn, chui đầu, không có tay, viền cổ. Trên áo có nhiều đường kẻ màu đen, cùng với mô tip: xương con Rồng (Ke Kon Gong), móc câu (wechđal), tam giác đối đỉnh và đan xen (pọt kon  na), chữ A màu đỏ, xanh (pot kon na) và các tua len ở gấu áo (ser vong). Váy (mbần) là 1 tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn, mô típ: đường viền, tam giác (pot con na), người cưỡi chim (polix), người chống tay (konchali), người đứng trên lưng trâu (pu), người uống rượu (dôrron), con dê (ve), con vượn (genh)…xen kẽ với các đường kẻ đều chạy theo chiều ngang của váy. Phụ nữ Chơ Ro rất ưa thích đồ trang sức, khi vui chơi, nhảy múa, họ thường đeo vòng có quả nhạc, vòng cổ bằng bạc, đồng hay hạt cườm. Khi dự lễ hội cúng các thần (yang), các thiếu nữ chưa chồng còn thực hiện nghi thức làm thơm (hum huốc) và trang điểm bằng hương liệu rừng như: nấm đen “Xiết xlây”, có hương thơm, mọc trên cây rừng già, đun trong hũ sành, để hơi bốc cuốn lên, tạo phấn đen và hương thơm đọng trên nắp hũ sành. Họ lấy một thanh nứa nhỏ, gạt hơi nấm đọng trên nắp hũ, chấm lên trán và hai bên má, tạo thành ba vòng tròn nhỏ trên mặt. Sau đó, dùng cọng cỏ tranh nhúng vào phấn nấm đen, chấm xung quanh ba vòng tròn nói trên. Hương thơm và phấn hóa trang từ nấm đen sẽ lan toả trên khuôn mặt các thiếu nữ, dâng thần linh mùi thơm tinh khiết. Người Chơ Ro còn lấy các loại: dây leo “Xe pơ tâu” trên rừng, lột lấy phần vỏ, đập dập, phơi khô, nấu cô đặc, dùng trang điểm khi cúng nữ thần rừng (Yang Vri) hoặc khi đi dự đám cưới, dự lễ hội..; lá, dây, quả của dây leo “Mờ tâu papong”, đem nấu chín, cô đặc, bôi lên người; lấy cỏ thơm “ừng bom” đem nấu cô đặc, để bôi lên môi. Hiện nay, tục làm thơm hum huốp không được giới trẻ Chơ Ro quan tâm nữa. Nam giới Chơ Ro mặc Khố (Trol). Trước kia, khố là trang phục mặc thường ngày, nhưng hiện nay khố chỉ mặc trong ngày lễ cúng hồn lúa, thần linh. Khố là tấm vải thổ cẩm rộng khoảng 20 – 30 cm, dài khoảng 2,6 m – 3m, được dệt từ các sợi màu theo từng mảng màu khác nhau, tạo thành hoa văn: mắt cú mèo (pnôq mắt ncâu), cán trà gạc (pnôq tong yil), đầu khung quay chỉ (pnôq vôq khơva), tam giác (woach), bông hoa (Rup vơ cào)…xen lẫn các đường kẻ dọc. Mép khố còn có các tuc chỉ từ các sợi chỉ đầu bện tết, thắt nút. Khi mặc khố, người ta quấn vòng quanh bụng, luồn qua háng để che phần dưới của cơ thể. Hai đầu khố buông dài phía trước và phía sau. Ngày nay, trang phục nam giới Chơ Ro còn có thêm áo cổ vuông, không xẻ ngực. Đó là tấm thổ cẩm ngắn, được khoét lỗ để làm cổ, hai bên sườn có dây buộc, áo có độ dài ngang hông, gấu áo là các tua sợi của tấm vải thổ cẩm không dệt hết. Nam giới Chơ Ro không dùng khăn mà dùng một băng thổ cẩm nhỏ quấn quanh đầu. Trước kia họ để tóc dài và búi sau gáy, đeo vòng cổ làm từ ngà voi, xương thú, hoặc gỗ. Cổ tay đeo vòng bằng đồng hoặc bạc. Khi trời lạnh, họ còn choàng thêm tấm thổ cẩm lên người để che ngực, lưng và đó cũng là một loại trang sức của đàn ông.

Văn hóa ẩm thực

Người Chơ Ro ăn cơm tẻ là chính, bữa ăn có thêm rau rừng (đọt mây, măng, rau bép, xào, luộc, nấu canh…), thịt cá săn bắt được. Ngày lễ, tết, họ làm các loại bánh: bánh dầy vừng đen (piêng pup), bánh tét (piêng chum), bánh ít, bánh ú, bánh nếp dầu trộn vừng, cơm lam (piêng tinh) và chế biến một số món ăn đãi khách như: đọt mây rừng, rau nhíp, lá bép, củ mì, củ nần, củ chụp được đốt chín trong ông tre lồ ô. Điển hình phải kể đến là các món: cơm lam “Piêng-tinh”, làm từ gạo nếp ngâm qua 1 đêm, bỏ vào ống lồ ô bánh tẻ, nướng chín, dóc vỏ, để lớp vỏ giấy, ăn với thịt lợn và cá nướng; Món lá bép “la-viếp”  nấu canh cùng với cá, ốc suối, bỏ thêm gạo giã, mắm, muối, hạt tiêu…trộn đều, bỏ vào ống lồ ô (không quá già, không quá non), dùng lá chuối nút chặt, đốt cháy, dùng đũa chọc nhuyễn, thành món canh sền sệt, vị thơm mát, còn gọi là canh ống thụt. Món canh củ Chụp nấu với cá, trong ống lồ ô. Nam giới có thói quen hút thuốc lá sợi bằng tẩu. Thức uống có rượu cần. Nam nữ đều ưa thích ăn trầu cau.

Văn hóa ở

Trước đây, người Chơ Ro theo chế độ mẫu hệ, nên họ ở nhà sàn dài, gồm nhiều thế hệ. Mỗi cô con gái đi lấy chồng, ngôi nhà lại được kép dài thêm một gian. Nhà dài truyền thống phải nhìn theo hướng bắc, nam, sao cho hàng ngày, mặt trời đi qua ngang nhà. Hướng cửa nhà thường vuông góc với hướng di chuyển của mặt trời, không nhìn trực diện hướng Tây hoặc hướng Đông, vì họ sợ mặt trời đi dọc ngôi nhà, sẽ làm các gia đình trong nhà nóng bức, đau ốm … Ngôi nhà dài có có kết cấu gần 100 cây cột gỗ thẳng (không lấy cột có các loại dây leo bám trên thân cây, vì họ sợ cuộc sống gia đình sau này hay bị ràng buộc), mái lợp lá trung quân hoặc cỏ tranh; sàn nhà lót ván, phía trên lót thêm một lớp tre lồ ô. Nhà có 1 cửa ra vào, trên đó bao giờ cũng treo 1 tổ ong vò vẽ khô, không có lõi. Đồng bào quan niệm: tổ ong như là vật kỵ tà, nếu ma tà muốn vào nhà hại người, chúng sẽ nhìn thấy và đếm các lỗ của tổ ong đầu tiên. Vì tổ ong có nhiều lỗ, nên con ma sẽ khó đếm và đếm nhầm, phải đếm đi đếm lại nhiều lần, đến khi trời đã sáng vẫn đếm chưa xong, không vào nhà quấy phá gia đình được. Nhà dài của người Chơ Ro có rất nhiều cửa sổ, tương ứng với mỗi gian. Sự phân chia chỗ ở cho các thành viên được quyết định bởi người chủ gia đình, thường theo thứ tự: đầu nhà phía đông dành cho người lớn tuổi. Khi bước vào nhà là bếp, phòng chung (tụ họp gia đình và đón khách), buồng của các thành viên được chia ngăn. Ngày nay, Người Chơ Ro không còn ở nhà dài truyền thống. Mỗi vùng chỉ thấy một ngôi nhà dài do Nhà nước hỗ trợ đầu tư, phục chế lại đúng kiểu truyền thống, làm nơi thực hiện tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng, nhưng không có người sinh sống hàng ngày. Các hộ gia đình đã tiếp thu lối kiến trúc nhà đất Nam bộ, chuyển từ nhà sàn dài sang cư trú ở nhà đất, ba gian, một chái hồi, kết cấu vì kèo, bộ khung gỗ kết hợp với tre, mái lợp cỏ tranh, vách thưng cật nứa. Cửa ra vào mở về phía mái trước. Đặc điểm truyền thống còn giữ được trong ngôi nhà hiện nay là sạp nằm, chiếm nửa diện tích theo chiều ngang, dài suốt từ đầu đến cuối nhà. Một số nhà hiện nay có tường xây, mái ngói. Tài sản trong nhà, ngoài chiêng, ché, có thêm ti vi, xe đạp, xe máy…

Quan hệ xã hội, dòng họ

Mỗi làng truyền thống của người Cho Ro có một hoặc nhiều nhà sàn dài, mà trong đó nhiều thành viên, thế hệ của một dòng họ cùng cư trú. Xưa kia, người Chơ Ro theo chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ được đề cao trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, trong cộng đồng, uy thế của vị tộc trưởng được đề cao. Hội đồng các tộc trưởng cùng già làng tổ chức, điều hành mọi hoạt động của làng. Hiện nay, cấu trúc xã hội và gia đình của người Chơ Ro có nhiều thay đổi. Trong sinh hoạt gia đình, tàn dư chế độ mẫu hệ, cư trú bên vợ còn khá phổ biến, nhưng các đại gia đình đã tách ra thành các tiểu gia đình nhỏ. Con gái khi kết hôn thường tách ra lập hộ mới.

Trước đây, người Chơ Ro ở Đồng Nai có nhiều dòng họ. Tên của các dòng họ đều gắn với tên của một loài vật hay tên của ngay vùng đất nơi họ sinh sống: Chơ Lưn (cá sấu), Vôq nđu (đầu nguồn suối – họ ở khu vực đầu nguồn suối), Jgo n’he, Vôq Jiêng, Ta jâu, Vôq khlong, Vôq jguc, Smăh, Vôq Prâng, Vôq Dâr, Vôq Glao. Từ thế kỷ XIX, đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, người Chơ Ro có thêm các họ: họ Điểu ở huyện Định Quán; các họ (Thổ, Đào) ở huyện Long Khánh; họ (Văn, Thị) ở Xuân Lộc, họ (Nguyễn, Hồng) ở Vĩnh Cửu. Ngày nay, trên các văn bản lý lịch để quản lý, đi học, đi làm… người Chơ ro không dùng tên họ truyền thống nữa. Tuy nhiên, bản thân họ vẫn biết mình thuộc dòng họ nào theo đúng truyền thống dân tộc Chơ Ro.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Nhà dài của người Chơ Ro có rất nhiều cửa sổ, tương ứng với mỗi gian. Nếu như trong gia đình có thiếu nữ, thì mỗi cửa sổ còn có một thông tin kén chồng, giúp các chàng trai Chơ Ro định vị chỗ ở của cô gái mình ưng, mà mang sào đến chọc lên cửa mở. Nếu cô gái đồng ý, sẽ đón lấy cây sào, ra hiệu cho chàng trai vào nhà. Suốt chiều dọc của nhà dài có một thanh gỗ khá chắn chắn. Các chàng trai khi được chọn, phải bước đi trên thanh gỗ ấy mà đến phòng cô gái, tránh lay động và phiền hà cho các bậc cha mẹ, anh chị em trong nhà. Hôn nhân diễn ra 2 bước: Dạm hỏi và cưới. Lễ dạm hỏi. Nhà trai nhờ người bà con đứng tuổi cùng chàng trai (mặc khố có tua đỏ, đeo nhiều vòng đồng, cài lược sừng trâu, búi tóc cắm hai lông chim trắng dài) mang các lễ vật đến nhà gái gồm: ché rượu con gà đã làm thịt, trang sức (vòng, lược, chuỗi hạt cườm…) để xin cưới, thỏa thuận đồ sính lễ. Lễ cưới: Đoàn nhà trai đến nhà gái, mang theo lao, chà gạc, các đồ sính lễ theo yêu cầu gồm: tiền, gạo, rượu cần, bộ cồng chiêng, trâu hoặc lợn… để tổ chức tiệc cưới. Đến trước nhà gái, chàng trai vác chà gạc, đeo dao, cắm mũi lao xuống đất, đợi nhà gái ra đón. Nhà trai trình bày mục đích, bàn giao đồ sính lễ. Nếu nhà gái thuận tình, chàng trai rút lao bước vào nhà, cúng tổ tiên nhà gái và dắt lao lên mái nhà, sau 7 ngày mới lấy xuống. Hai gia đình cùng nhau uống rượu chúc phúc cho đôi trẻ. Sau đó, nhà trai đi về, chàng trai ở lại làm thành viên trong gia đình nhà gái. Họ không được ngủ chung trong nhà bố mẹ, mà làm một túp lều ở vườn để sinh sống với nhau. Một thời gian, chàng rể muốn đưa vợ  ra ở riêng hoặc về bên nhà mình, phải nộp một số lễ vật cho gia đình vợ theo yêu cầu. Ngày nay, trai gái Chơ Ro được tự do tìm hiểu, cưới xong, bỏ qua nghi thức cưới cổ truyền là ở rể, mà đón cô dâu về ở luôn bên nhà chồng.

Trước đây, người Chơ Ro thường làm chòi riêng cho phụ nữ đến kỳ sinh đẻ. Dù là nhà tạm, nhưng cột lề vẫn phải chọn cây thẳng, không có dây đeo bám. Cửa vào chòi không có cây cối, gò ụ che chắn. Khi sinh, sản phụ mời một bà đỡ có kinh nghiệm (bà mụ). Bà mụ dùng que nứa, vót mỏng, nhúng nước sôi, cắt rốn cho trẻ. Gia đình cắm cành cây tươi trước cửa chòi, làm dấu kiêng cữ, không cho người lạ quấy rầy vì sợ họ mang theo ma tà đến làm hại con trẻ trong thời gian ở cữ (7 đến 9 ngày). Sau thời gian ở cữ, mẹ con sản phụ mới được bước đến gian nhà chính, em bé được tắm suối (gần nhà) với ước nguyện: bệnh tật sẽ trôi theo dòng nước, đứa trẻ khỏe mạnh. Nếu trẻ bị bệnh, người mẹ bế con, cầm theo khúc cây đến giếng gần nhất, cúng xin các vị thần nhập bệnh tật của con trẻ vào khúc cây thế mạng, rồi ném khúc cây xuống giếng với lòng tin đứa trẻ sẽ lành bệnh. Hết thời gian ở cữ, gia đình làm lễ cúng tạ bà mụ và các vị thần, tổ tiên xin đặt tên cho trẻ, khẩn cầu sự phù hộ, độ mạng cho đứa trẻ mau lớn.

Tập tục tang ma

Khi nhà có người chết, gia đình gõ trống chiêng báo hiệu cho dân làng đến viếng, giúp đỡ. Những người đàn ông vào rừng tìm cây gỗ tốt để làm áo quan (Nếu gia cảnh người chết không có đủ điều kiện,  họ quàn thi hài bằng cách quấn chăn, chiếu và nẹp tre). Con cái tang chủ mặc quần áo mới cho người quá cố, đặt thi hài nằm ngửa, đầu gối trên một cái bát để úp, hai tay chắp trên ngực, chân duỗi thẳng. Hai bàn tay, hai bàn chân được buộc một đoạn dây rừng. Tang ma kéo dài từ 3 – 5 ngày, lễ vật cúng ma không thể thiếu con gà (làm vật dẫn hồn người chết về với tổ tiên). Họ cúng gà sống, làm thịt, lấy máu bôi lên các chân giường, đầu giường, trán, đầu và các ngón chân người chết để hiến tế và tách ma. Người Chơ Ro quan niệm người chết là từ giã cuộc sống trần gian để qua một thế giới mới khác. Vì vậy, mỗi người thân cắt một phần tóc của mình bỏ vào quan tài hoặc chăn quấn, để báo hiếu, giúp người chết sang sống ở thế giới bên kia có cái để mà lợp nhà ở, đồng thời làm lễ chia của cho người chết gồm: nông cụ, đồ gia dụng, vũ khí  (dao, nỏ, cung, tên, ná…),  trang sức…. Số tài sản được chia sẽ bị phá hủy một phần, để phân biệt với tài sản của người sống. Nhà giàu cúng ma bằng trâu còn phải dựng chuồng trâu nhỏ bên cạnh mộ để đựng xương vật hiến tế. Trương hợp chết lành (không có máu), tổ chức tang ma trong nhà, chôn ở nghĩa địa chung của làng. Nếu chết xấu (có máu), dân làng tổ chức chôn ở nơi họ bị nạn hoặc một nơi bên ngoài nghĩa địa cộng đồng. Trong thời gian 7 ngày sau khi chôn, tang chủ phải ở nhà, không đế bất cứ nhà nào, không làm nương rẫy. Ngày thứ tám, tang chủ mới mang lễ vật (bánh dầy vừng, gà,vịt, cơm, canh…) ra  mộ làm lễ mở cửa mả. Từ đây, gia đình không bao giờ ra mộ nữa. Hiện nay, tập quán dùng vàng mã đã xuất hiện trong tang ma của người Chơ Ro. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Chơ Ro cũng đi tảo mộ như người Kinh ở địa phương.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Chơ Ro tin vào đa thần và một thế giới siêu hình, ở đó có cả thần linh (đại diện cho cái thiện) và ma quỷ (đại diện cho cái ác) ngự trị. Trong đó, vị thần mà họ xem là tối thượng là Yang N’du, vị thần tạo nên cả thế giới. Thần giúp tổ tiên người Chơ Ro duy trì nòi giống, biết làm rẫy, săn thú, dệt vải, đặt ra các lề thói mà họ truyền giữ từ bao thế hệ. Vì vậy, bất kỳ lễ cúng nào, người Chơ Ro cũng khấn Thần N’du trước, rồi mới đến các vị thần khác. Dưới Thần N’du là hệ thống các vị thần: Thần Lúa (Yang Kôi), thần Rừng (Yang Bri), thần Nước (Yang Dah), thần Núi (Yang Bơnơm), thần Nhà (Yang Hiu), thần Đá (Yang Luh)… Xuất phát từ quan niệm các thần linh có mặt khắp nơi, chi phối đời sống con người, nên trong mọi hoạt động sản xuất, săn bắt, sinh đẻ, cưới xin, tang ma, lễ hội.., người Chơ Ro đều tổ chức rất nhiều lễ cúng: cúng thần Rừng (Yang Bri ) khi đi săn, cầu săn bắt được nhiều sản phẩm, không bị thú dữ làm hại; cúng thần Nhà ( Yang Hiu ) khi làm nhà, mong mọi người bình an, không bệnh tật, nợ nần…

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Chơ Ro bảo lưu nhiều truyện cổ, thần thoại, truyền thuyết gắn liền với lịch sử, quan niệm của họ về vũ trụ, thế giới, thần linh, nguồn gốc, cuộc đấu tranh sinh tồn qua các thời kỳ lịch sử. Người Chơ Ro có tiếng nói, chữ viết riêng, nhưng đã nhiều thập niên, người Chơ Ro không còn chữ viết. Nhiều bài dân ca nổi tiếng của người Chơ Ro như “Con sóc bông” chỉ được lưu truyền bằng cách người này dạy cho người kia hát. Nhạc cụ người Chơ Ro phổ biến là bộ cồng (6 chiếc ), chiêng (7 chiếc), đàn tre, kèn bầu, kèn môi, kèn lúa, …chủ yếu được sử dụng trong các dịp lễ hội và hát múa cộng đồng. Riêng Kèn lúa dùng thể hiện tình yêu nam nữ, kèn môi chúc an chúc phúc hàng ngày.

Tết, lễ hội cộng đồng

Trong năm, người Chơ Ro có nhiều lễ cúng, trong đó lễ cúng thần Núi (Yang Bơnơm) và thần Lúa (Yang Kòi) là quan trọng nhất. Lễ cúng Thần núi tổ chức vào cuối năm, tại một ngọn núi được xem là linh thiêng, nơi thần linh ngự trị. Mọi nhà trong làng góp các lễ vật và người có uy tín trong cộng đồng cử hành lễ. Lễ cúng thần Lúa (SaYangva) diễn ra từ ngày 15 đến 30 tháng 3 Âm lịch, khi mùa  màng đã thu hoạch xong. Lễ hội diễn ra tại hai điểm chính là ngôi nhà sàn, kho lúa và các địa điểm khác liên quan (rẫy lúa, rẫy sắn và gốc cây rừng). Tại khu rẫy trồng lúa, khi thu hoạch, người Chơ Ro chừa lại một vạt lúa tốt có những bông lúa trĩu hạt, dùng tranh, rơm, lá chuối, bó lại, rồi rào bốn bên bằng các loại gai tre, cây cối để bảo vệ. Theo người Chơ Ro, hồn lúa rẫy trú ngụ tại đây, khi nào tổ chức lễ SaYangva thì mới rước hồn về. Chuẩn bị ngày lễ hội, trước sân nhà dài, người Chơ Ro dựng một cây nêu – cây thông thiên, gửi thông điệp của nhân gian, mời thần linh đến dự lễ hội. Tại chỗ dựng gốc nêu chôn một đoạn gốc có chạc chĩa làm đôi để giữ và buộc dây mây vào khoảng gốc. Trên cây nêu, phần cao nhất là chùm lúa xòe rộng, hai nhánh nêu nhỏ trên thân, tượng trưng cho thần linh và tổ tiên.Trang trí trên cây nêu phải là số chẵn, mang ý nghĩa hoàn thiện, đầy đủ. Phía dưới gốc nêu buộc các con vật hiến tế như gà, lợn.

Lễ cúng hồn lúa diễn ra gồm 3 phần: lễ cúng tại nhà, tại kho lúa và phần hội. Tại bàn nhang: Gia chủ bày lễ vật cúng một đùi lợn chân sau còn nguyên đuôi, một nửa con gà giữ nguyên phần đầu và đĩa đựng nội tạng của con vật (gan, cật, một ít thịt chặt rời, xâu vào hai xiên tre, thịt gà riêng, thịt lợn riêng), một  phần thịt để tươi, bánh dày, củ nầu chín (nần, mì, chụp), ghè rượu và ngồi cúng trước ché rượu cần, dưới bàn Nhang, đại ý báo thần và ma, cầu xin phù hộ. Tại kho lúa: Thày cúng trèo lên kho lúa, người phụ giúp đứng phía dưới đưa lễ vật lên: lợn, gà, bánh …và có thêm một chén vỏ chùm hum. Thày cúng gọi Yang, vái, khấn: trình báo cho Yangva biết gia đình tổ chức lễ cúng. Thầy cúng cắm Nhang vào giỏ đựng lúa. Chùm lúa được sửa soạn, dắt ngang lên cây đòn dông của nhà kho. Trên giỏ cây Nhang để chén vỏ cây chùm hum hun khói xông nghi ngút. Dưới gốc cây Nhang trong giỏ lúa đặt chai rượu, thày cúng cầu khấn: “Cầu xin thần linh cho cây cối, lúa rẫy chúng tôi trồng có mưa, có gió thuận hòa, giúp đỡ từ gốc tới ngọn, cây cối không bị thú dữ phá hư, mùa màng, thú nuôi không có dịch hại, lúa cho thêm nhiêu hạt, thu về cất đầy kho nuôi sống gia đình. Năm nay tôi cúng lễ như thế này, năm sau gặt hái nhiều hơn tôi nguyện tạ ơn nhiều hơn. Bụng dạ tôi thần linh đều biết, sống có trước có sau. Bụng dạ tôi không gian dối, giấu diếm. Nếu bụng dạ tôi sai lời thì xin thần linh cứ quở phạt. Hỡi các thần linh, tổ tiên hãy nghe lời khấn hứa của tôi”. Lễ cúng kết thúc, thầy cúng khai mở ché rượu cần và mang thức ăn lên mời khách. Người phụ nữ lớn tuổi nhất nhà uống trước, sau đó mời những người khách. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, cồng chiêng được tấu lên. Những người đánh vừa đi vừa đánh chung quanh nhà sàn. Một số phụ nữ, trẻ em Chơ Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau đến khi tiệc tan.