Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Si La có 709 người (năm 2009).
Địa vực cư trú: Đồng bào cư trú tại 17 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên.
Tên gọi: Cú Dé Xử, Khà Pé.
Ngôn ngữ: Người Si La nói ngôn ngữ Tạng – Miến, ngữ hệ Hán – Tạng.
Sản xuất nông nghiệp
Trước đây, người Si La chủ yếu làm rẫy, sản xuất độc canh cây lúa, theo phương thức phát rẫy, đốt, chọc lỗ tra hạt, nên năng xuất thấp. Về sau, người Si La chủ yếu vỡ đất ở sườn núi và bìa rừng, làm ruộng bậc thang để canh tác nông nghiệp nương rẫy kết hợp với làm ruộng, cây lương thực chính là lúa nương, ngô. Hiện nay, người Si La đã biết khai hoang đất, làm ruộng bậc thang, canh tác lúa nước, dùng cày, bừa làm đất, bón phân cho cây trồng, xen canh thêm các loại ngô, sắn, rau, đậu, bầu, bí, trồng cây ăn quả như chuối, đu đủ, đào ao thả cá… đời sống của đồng bào đã dần được cải thiện.
Người Si La chăn nuôi gia súc, gia cầm: Trâu, bò, lợn, gà, vịt… phục vụ cho nhu cầu hiến tế và sinh hoạt. Mặc dù đồng bào đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, làm chuồng trại, chăn nuôi theo bữa, không thả rông như trước đây, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình.
Kinh tế tự nhiên
Săn bắn, đánh cá và hái lượm, chiếm đoạt tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Si La. Nam giới sử dụng các dụng cụ: nỏ, lao, bẫy để săn bắt thú rừng; các loại đó, nơm, vợt để đánh bắt cá trên sông, suối. Ngoài ra, họ còn vào rừng hái lượm các loại lâm thổ sản như: măng, rau, nấm để cải thiện bữa ăn trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Vụ giáp hạt, đồng bào vào rừng đào củ mài, củ nâu làm thức ăn cứu đói.
Nghề thủ công
Dân tộc Si La có các nghề thủ công truyền thống như: rèn, đan lát, đan túi gai. Trong đó, nghề đan túi gai truyền thống bằng sợi tơ dây sắn rừng khá độc đáo. Nam giới vào rừng lấy sắn rừng, tước vỏ, ngâm nước, loại bỏ phần mềm, phơi khô, se thành sợi nhỏ, đan túi. Để đan được một chiếc túi phải mất nhiều thời gian, công sức, đan hình mắt lưới khít nhỏ, đều nhau. Thân túi (khờ dơ) hình thang, đáy loe, hai góc túi có điểm những chùm tua len màu đỏ trang trí. Miệng túi (khờ dơ a phẹ) dùng chỉ màu móc đường viền bằng chỉ đỏ, vàng. Quai túi (hạ dơ a phi) dệt lóng mốt thành dải có chiều rộng 3- 5 cm, hai đầu quai túi bện thành 6 – 8 tua hình vặn thừng, giáp với tua, cài vào các hàng đan ngang của quai hai hàng tua bằng vải xanh, đỏ, vàng, trắng xen kẽ nhau. Những năm gần đây, nghề đan túi bằng sợi tơ dây sắn rừng đã bị mai một. Nghề đan lát được duy trì để tự túc đồ gia dụng, vận chuyển, dụng cụ sản xuất như gùi, giỏ, nia, thúng….
Phương thức vận chuyển
Dụng cụ dùng để vận chuyển chính của người Si La là gùi. Ngoài ra họ còn dùng thuyền, mảng đi lại trên sông, suối. Hiện nay, một số gia đình có xe máy, xe công nông để sử dụng làm phương tiện vận chuyển trong lao động sản xuất.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, đồng bào Si La thường trao đổi hàng hóa theo hình thức đổi hàng, lấy hàng theo giá trị vật ngang giá. Đổi sản phẩm đan lát (gùi, túi đan bằng sợi tơ dây sắn rừng, thúng, nia), vật nuôi (con gà, con lợn, trâu bò), nông sản (thóc, ngô) để nhận lại các loại công cụ sản xuất (Dao, cuốc, rìu..) và các đồ dùng sinh hoạt khác. Ngày nay, đồng bào chủ yếu hình thức mua, bán bằng tiền mặt tại các chợ phiên ở huyện, xã.
Văn hóa mặc
Nam nữ Si La vẫn bảo lưu bộ trang phục truyền thống. Nam giới mặc quần chân què lá tọa và áo khuy vải có hai túi lớn ở hai vạt trước và quấn khăn trên đầu. Người Si La không biết dệt, họ mua vải của người Thái về may trang phục, nhưng vẫn tạo cho mình những nét độc đáo trong phong cách mặc. Nữ giới Si La mặc áo, yếm, váy, che tạp dề, đeo túi, chân cuốn xà cạp, đội khăn khác nhau, tùy theo từng lứa tuổi. Áo (Phi khồ) may bằng vải chàm đen. Cổ áo (phi khồ ồ lứ) kiểu tròn đứng, ráp với thân bằng chỉ màu. Nét độc đáo trên chiếc áo của phụ nữ Si La là phần thân áo được tạo bởi một miếng vải có hình thang cân (phi chơ), trên đó đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang. Giữa hàng xu bạc có trang trí các đường hoa văn kẻ bằng chỉ đỏ. Tay áo (là nụ) đắp ghép thêm một dải vải hoa hay vải khác màu. Yếm hình chữ nhật (ồ do) chỉ dành cho phụ nữ có chồng, có con, được đính hai dây vải buộc, phần đuôi dây đính một chùm tua len đỏ, gắn các đồng xu bạc hoặc nhôm trên viền nẹp. Váy (tồ bí) màu đen, kiểu váy ống. Khi mặc, quấn váy vừa eo và giắt về phía sau, thắt một chiếc dây lưng (dò dừ) màu đỏ hoặc trắng. Hai đầu dây lưng để tua rua hoặc viền chỉ màu và thả ở phía trước làm duyên. Tạp dề may bằng vải hoa, hình chữ nhật, hai đầu góc có đính hai dây tua. Xà cạp (khí pha) may bằng vải dệt mộc trắng, hình ống, thêu viền chỉ màu ở các mép và ngang thân. Phụ nữ đeo túi đan bằng sợi dây sắn rừng, để đựng tư trang, quần áo, vải vóc khi đi chợ, đi chơi. Chị em Si La còn đeo thêm chiếc vòng cổ (tứ lư) độc đáo, có gắn thêm 2 chùm bông tua ở 2 đầu giáp nhau và buông xuống ngực. Đặc biệt, phụ nữ Si La không thể thiếu chiếc khăn đội đầu, nó là dấu hiệu liên quan đến lứa tuổi và tình trạng hôn nhân, biểu hiện của tình yêu, tình cảm vợ chồng son sắt, thủy chung và tình mẫu tử thiêng liêng. Trẻ nhỏ đội mũ đính nhiều hạt cườm. Những em bé từ 9-10 tuổi đội khăn màu trắng, một đầu khăn gấp lại thành mũ có quai. Thiếu nữ, quấn chiếc khăn trắng có 2 tua (tê ta y sùa), biểu thị cho sự trong trắng, thanh cao, ngầm định chủ nhân của nó chưa lập gia đình. Khi đội, đặt đầu khăn lên đỉnh đầu, quấn theo chiều dài của tóc, gập lên đầu. Đuôi khăn sẽ phủ sang một bên mái tóc. Thiếu nữ lấy chồng, chưa có con, họ quấn khăn, dơ phừ do mẹ chàng trai khâu, để chàng trai tặng cho người yêu. Phần đầu khăn khâu lại, tạo thành chiếc túi. Khi đội, phải búi tóc trên trán, lồng túi vào đó, rồi quấn quanh búi tóc, tạo nên một cuốn tóc rất lớn nằm ngang. Khăn này chỉ đội khi kết hôn đến lúc sinh con đầu lòng, lại cất đi làm vật trao truyền. Phụ nữ có chồng đội loại khăn màu đen “ô phạ”, đầu khăn trang trí bằng nhiều xu bạc và chỉ màu. Nếu sinh con gái, búi tóc trước trán sẽ được quấn bằng chiếc khăn thẳng, phần đầu khăn quấn vào búi tóc, hất đuôi khăn ra phía sau, sao cho tua khăn vừa chạm vào vai. Nếu sinh con trai, phải độn thêm một ít tóc rụng vào búi tóc, để phần búi tóc đội khăn nhô cao lên. Nếu không có đủ tóc rụng thì phải xin thêm tóc rụng của mẹ đẻ. Vì thế mà khi có chồng, những người phụ nữ Si la đều giữ lại tóc rụng để khi sinh con trai sẽ quấn vào khăn. Mỗi lần sinh con, phụ nữ Si La lại thay khăn mới và giữ lại khăn cũ. Chỉ cần đếm số khăn ô phạ là biết được người phụ nữ ấy có mấy người con.
Văn hóa ẩm thực
Người Si La thường ăn cả cơm nếp và cơm tẻ. Bữa ăn thường ngày chỉ có các loại canh rau rừng là chính, thi thoảng mới có sản phẩm của săn bắn, đánh cá để cải thiện bữa ăn. Trong văn hóa ẩm thực, nhiều món ăn và ứng xử trong ăn uống của người Si La không còn nét riêng mà bị đồng hóa với người Thái, người Hà Nhì và người Kinh. Sự tương trợ cộng đồng trong ăn uống mất dần và được thay thế bởi cơ chế thị trường.
Văn hóa ở
Người Si La ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên phía trước và chỉ có một cửa ra vào. Đồng bào không bao giờ làm cửa ra vào và bàn thờ chung một gian. Mà họ thường đặt bàn thờ cúng tổ tiên ở góc trái gian trong cùng, trên bàn thờ có một chén rượu nhỏ và một quả bầu. Nhà có hai bếp, bếp chính ở giữa nhà, kê ba ông đầu rau bằng đá. Ông đầu rau quan trọng nhất quay lưng về hướng bàn thờ, vì người Si La quan niệm rằng: tổ tiên thường ở đấy trông coi bếp lửa của gia đình.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Người Si La có tính cộng đồng cao, quan hệ dòng họ khá chặt chẽ. Trong mỗi làng có nhiều tên họ khác nhau, nhưng họ Hù và họ Pờ đông hơn cả. Do quan niệm cùng tên họ là cùng chung tổ tiên xa xưa, người ở chi họ này dễ dàng xin nhập sang chi họ khác, cùng thờ tổ tiên với nhau. Mỗi chi họ đều có người già nhất, không phân biệt dòng trưởng hay thứ, đứng đầu. Người trưởng họ có nhiệm vụ giải quyết các công việc trong họ, có vai trò lớn trong việc cưới xin, ma chay của các thành viên trong họ. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Nghi lễ nhập họ đơn giản. Người muốn vào họ chỉ để chén rượu thờ của gia đình mình lên bàn thờ họ của người trưởng họ mới, mổ lợn để người trưởng họ cúng báo tổ tiên. Khi người trưởng họ chết, người lên thay vẫn phải tiếp tục thờ cúng tổ tiên ở nhà người trưởng họ cũ trong ba năm. Đến cuối năm thứ ba, người trưởng họ phải làm nhà mới thì mới được phép chuyển những đồ thờ của dòng họ (gồm có trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu) sang nhà mình.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Si La nghiêm cấm kết hôn cùng dòng họ, nhưng lại cho phép hôn nhân các trường hợp: con cô, con cậu; con của anh em trai lấy con của chị em gái; con dì con già. Trai gái yêu nhau, chàng trai được ngủ qua 3 đêm tại nhà người yêu, sau đó tổ chức cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng, lần thứ hai, nhà trai phải có khoản tiền cưới trao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà mình. Lễ cưới lần thứ nhất đơn giản: Đến ngày hẹn, vào ba buổi sáng sớm trước khi gà gáy, em gái chàng rể đứng ở ngoài vách nhà gái gọi to: “Bà ơi!” “Con trai con gái lớn đến tuổi lấy vợ, lấy chồng, gia đình cho tôi xin chị cả/chị hai,… về làm dâu“. Nói xong về ngay, không cần đáp lại. Đến sáng thứ tư, người em gái cùng các thiếu nữ sang nhà gái đón dâu. Em gái lại đứng ở ngoài vách nói: “Hôm nay là ngày tốt, thế nào cũng xin cho đón dâu về!”. Mẹ cô dâu nói vọng ra: “Có con gái thì phải có con rể, con gái không thể ở mãi với bố mẹ được!“. Chị dâu/mẹ sẽ dắt cô dâu ra cửa. Các cô gái đưa cô dâu vào rừng cả ngày, tới khuya mới trở về nhà trai. Về đến nhà, đoàn đón dâu ngồi ở ngoài hiên, không được vào nhà. Mẹ chồng đưa cho con dâu quần áo mới, vòng tay, vòng cổ và khăn gội đầu ngày cưới. Trong nhà, người trưởng họ cúng, báo cho tổ tiên biết gia đình có thêm thành viên mới. Sau đó làm lễ cho đôi vợ chồng ăn ở với nhau chung thuỷ. Đến khuya, khách về hết, bố mẹ đã đi ngủ, chú rể mới đưa cô dâu vào nhà. Hôm đó hai vợ chồng mới cưới chỉ được ngủ ở giường ngoài dành cho khách, hôm sau mới được ngủ ở trong buồng. Khoảng một năm sau, họ tổ chức lễ cưới lần thứ hai. Trong lễ này nhà trai trao tiền cưới cho nhà gái (trước kia thường 16 đồng bạc trắng). Sáng hôm sau dâu rể về chào bố mẹ vợ làm lễ lại mặt.
Phụ nữ Si La có tục đẻ ngồi, nhau thai đựng trong ống nứa, phủ một lớp tro bếp lên trên dựng ở góc bếp cho đến ngày đặt tên cho đứa trẻ. Hết thời gian ở cữ, bố mẹ mời 1 bà già trong bản tới đặt tên cho con, phân biệt tên theo giới tính bằng tên đệm, nam đệm là Chà, Chà Tháinữ đệm là Có (Cố), cầu xin cho con khỏe, sống lâu. Sau nghi lễ, bà già lấy lá chuối bịt kín ống đựng rau, nếu con trai buộc chín lạt (chín hồn), con gái bảy lạt (bảy hồn), treo cạnh chuồng gà hoặc đem chôn.
Tập tục tang ma
Mỗi tộc người vùng cao có những quan niệm khác nhau về hồn và thể xác, do đó cách tổ chức tang ma cũng khác nhau. Đối với dân tộc Si La, chọn được đất ưng ý để đặt mộ, thì cuốc một nhát, đặt cục than vào nhát cuốc đó, coi như đất đã có chủ. Sáng hôm sau đặt nhà táng và đào huyệt ở bên trong nhà táng. Quan tài làm bằng thân cây gỗ bổ đôi khoét rỗng. Theo phong tục, người Si La chôn người thân ở bãi mộ nằm phía dưới khu cư trú của dân bản, trong đó, mộ những người cùng họ được quây quần bên nhau. Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi đốt bếp. Đặc biệt, khi có người chết, đồng bào tổ chức vui chơi, ca hát, không có tiếng khóc. Tuy không cải táng hay tảo mộ, nhưng người Si La có tục con cái để tang cha mẹ 3 năm bằng cách: con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ. Người Si La không có tục cải tang hay tảo mộ. Con cháu đi viếng mộ từ 7-9 ngày (tuỳ theo giới tính), sau đó cúng tiễn hồn người chết đi.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Si La vẫn lưu truyền thờ cúng bếp thiêng trong gia đình trưởng dòng họ mới. Thông thường bếp thiêng được kê bằng 3 khối đá nhỏ theo hình tam giác, mỗi khối đá có tượng trưng khác nhau: tổ tiên, gia đình, ngăn ngừa tà ma và những điều xấu. Vào những ngày lễ, tết, các gia đình trong dòng họ sẽ mang lễ vật tới cúng tế ở bếp thiêng, tưởng nhớ đến tổ tiên và cầu may cho bản thân, gia đình và dòng họ. Ngoài tục thờ bếp thiêng, người Si La còn cúng tế nhiều lễ nghi nông nghiệp trong năm: lễ cấm, lễ gieo hạt, lễ cầu lúa nhanh lớn, Lễ cúng hồn lúa và tết cơm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các lễ vật cúng củ yếu là sản vật nông nghiệp, đơn giản ống rượu cần, bông lúa, bát gạo, con gà…nhưng nghiêm túc và linh thiêng.
Con cái thờ bố mẹ đã mất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Đến khi chia nhà thì mang chén đó ra lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Lễ cúng bản là lễ cúng quan trọng nhất cầu mong cho cả bản không bị ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt. Cứ 7 năm lại làm lễ cúng hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để đưa hồn lúa từ nương về bản, tới nhà rồi cất kỹ trên bồ thóc.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Tuy dân tộc Si La không có chữ viết riêng, nhưng trong cuộc sống hàng ngày họ đã sáng tạo một nền văn học, nghệ thuật dân gian phong phú về ca dao, tục ngữ, hát, múa, truyện cổ, lời khấn, …Đồng bào Si La có nhiều điệu hát: dân ca, hát đối (phú phá), giao duyên (rề mì rề kho cha phụa), hát ru (rề mí i chì), hát đám cưới(rề mì khu), hát đám ma, hát chúc mừng, hát vào mùa, cầu mùa, hát về huyền thoại đá thần, hát nguồn gốc dân tộc Si La, hát lời tâm tình của đôi trai gái đang yêu, hát ru. Họ cũng có nhiều điệu múa (nư): xòe (ô xy rề lượn), sạp (đé dù lớ), vào mùa, cầu mùa, trình diễn trang phục, múa trong đám ma. Các động tác múa được nâng cao mô phỏng từ các hiện tượng tự nhiên (gió, mưa), các động tác trong lao động, sản xuất.
Nhạc cụ của người Si La chủ yếu làm bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên: tre, trúc, bầu nậm, cây gỗ ma hó à chứ, để làm ra các nhạc cụ đặc trưng: đàn tính 3 dây cán dài(tứ phề); đàn tính cán ngắn (tứ phề là phu); đàn môi (dề phà);đàn nhị hai dây(tứ xi. Trong đó, các nhạc cụ thuộc bộ hơi như sáo nứa, sáo (lâm bi), sáo dài “pờ tư thế lế”, sáo ngắn “là pí”, sáo sậy; sáo của người cao tuổi. Nhạc cụ gõ có trống cái (thồ phù), chiêng (kỳ kho) và xập xoẹ (ché chẹ), sử dụng ở các nghi thức tín ngưỡng (đám tang)…
Tết, lễ hội cộng đồng
Hàng năm người Si La tổ chức tết cổ truyền, cúng tổ tiên, nghi lễ nông nghiệp, điển hình là tết năm mới và cơm mới. Trong đó, lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ khá đặc trưng. người ta dâng cúng các lễ vật: thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Cuộc sống của người Si La gắn bó với cây lúa, cây ngô trên nương, cho nên những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp từng được bà con rất chú ý. Trước mùa gieo hạt (tháng hai) họ làm lễ bìa khớ (cúng bản) và mía lô lô (cấm bản). Sau đó, họ tiến hành lễ cá si ta (gieo hạt tượng trưng). Khi lúa đang sinh trưởng và phát triển, họ tiếp tục làm lễ co zá mì lô và mường mì a lô (lễ cầu lúa nhanh lớn, cho nhiều bông, cầu không bị chim, chuột thú rừng không phá hoại). Sau khi thu hoạch, người Si La làm lễ cò ve phạ (cúng hồn lúa). Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những lễ nghi nông nghiệp đang dần mờ nhạt trong đời sống của đồng bào, riêng tết cúng hồn lúa, cầu mùa vẫn còn duy trì. Lễ cầu mùa được thực hiện hàng năm vào thời điểm khi lúa trên nương cao 15 – 20 cm. Mỗi gia đình chỉ có đàn ông tham gia. Họ mang 1 mâm cỗ gồm 1 con gà trống, 1 bát gạo, 1 củ gừng, 1 bát nước chè lên nương cúng thần, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Nếu mất mùa 3 năm liên tục, thì mâm cỗ cúng trong lễ cầu mùa có thêm 1 con chó. Khi cúng xong, gia chủ làm cơm ở nhà mời anh em họ hàng, bà con dân bản đến uống rượu, ăn cơm.
Tết cổ truyền “cô tô cơ ồ xị” của người Si La được tiến hành khi đã hoàn thành việc thu hoạch, thóc trên nương đã được cất vào kho. Trước ngày tết, đồng bào dọn dẹp nhà cửa, rửa sạch dụng cụ nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn thức uống mấy hôm Tết. Phụ nữ tranh thủ đi kiếm cua, cá, chuẩn bị một nhành lúa nếp, rượu ngô, rượu sắn, rượu nấu từ lõi cây móc và mật mía để dâng cúng tổ tiên và đón khách trong những ngày Tết. Đồng bào ăn Tết trong 3 ngày, theo dòng họ, nên ngày tết có thể không đồng nhất giữa các dòng họ. Ngày đầu tiên – vạ sị nhi (ngày mổ lợn) phải là ngày con Rồng, không trùng vào ngày chết (ngày hạ huyệt) của tổ tiên một đời (bố mẹ) của bất kỳ gia đình nào trong dòng họ, cũng không trùng với các ngày con hổ), ngày con khỉ. Ngày này, các gia đình dậy từ gà gáy canh một. Ông chủ nhà mang súng kíp ra cửa bắn chỉ thiên báo hiệu đã đến Tết. Phụ nữ giã vừng, đồ xôi, làm bánh dày. Mỗi nhà, chọn 1 con lợn đực nuôi đủ 3 năm mổ thịt dâng cúng tổ tiên. Nhà trưởng họ mổ trước, các nhà khác mổ sau. Trưởng họ lấy một miếng thịt thăn sống và ít gan lợn bỏ vào một miếng lá chuối đỏ đặt lên ban thờ dâng cúng tổ tiên. Xế chiều, nam giới các nhà mang 1 gói cơm, 2 con sóc, 2 con chim và 2 con cá (đã sấy khô), 1 nhành lúa nếp, 1-2 cái bánh dày, bày lên mâm đan mắt cáo, mang đến nhà trưởng họ dâng cúng tổ tiên, cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho một năm mới đủ đầy, ấm no, ăn không hết, uống không cạn. Cúng xong, mọi người cùng ăn uống chung vui, bàn bạc với nhau về việc làm ăn trong năm. Trưởng họ truyền dạy lại cho các chủ hộ còn trẻ về gia phả và các quy định riêng của dòng họ. Ngày thứ hai – chí xi tố nhi (ngày uống rượu). Các cặp vợ chồng mang theo một chai rượu và một con sóc khô sang nhà bố mẹ vợ chúc Tết, thăm hỏi và ăn uống cả ngày ở bên ngoại. Ngày thứ ba – chè chớ nhi (ngày kết thúc). Các gia đình gói bánh chưng đôi – mỗi chiếc bánh là một cặp đôi gói nhỏ, hình trụ. Khi bánh đã luộc chín, chủ nhà chọn 1-2 cái dâng lên ban thờ để cúng tổ tiên và báo với tổ tiên rằng Tết đã hết. Trong ba ngày Tết, ngoài các nghi thức truyền thống và uống rượu chúc tụng nhau trong năm mới, các gia đình người Si La còn tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cầu lông gà, chơi bắn quả lé, chơi đánh quay.
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La tổ chức trong một ngày, tại gia đình trưởng mỗi dòng họ vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi lúa mùa bắt đầu chín, do trưởng họ chủ trì nghi lễ cúng và làm tiệc thết đãi mừng cơm mới. Trước khi làm lễ, các gia đình phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, ban thờ. Đợi mặt trời lặn hẳn, gia chủ mới dâng cơm mới, các đồ lễ: con cá, con cua, con sóc, củ mài, củ khoai…đã hấp chín cúng mời tổ tiên ở bàn thờ, rồi cúng thần bếp chính (nơi giữ lửa ấm, che chở cho cả họ, nơi nơi chủ họ sưởi ấm, hút thuốc). Mâm cúng thần bếp có đặt thêm bát nước trắng và một ống tre đựng men rượu, cắm 3 que tre, tượng trưng bình rượu cần. Ba chầu cúng, con cháu trong nhà cầm thìa múc 3 thìa nước trắng vào ống (lần đầu), một thìa (2 lần sau). Đồ lễ cúng phải đổ một bát riêng cho chó ăn trước, sau đó con cháu mới được thụ lộc, ăn uống vui vẻ, hy vọng một mùa thu hoạch thuận lợi, ngô, thóc đầy nhà.