Mảng

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Mảng có 3.700 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào Mảng sống tập trung ở các xã: Bun Nưa, Vàng San, Hua Bum, Mường Mô, Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè); Nậm Ban, Chăn Nưa, Pa Tần (huyện Sìn Hồ), tỉnh Lai Châu, với  3.631 người (chiếm 98% dân số Mảng ở Việt Nam).
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Mảng Ư, Xá Mảng, Niềng O, Xá Bả O hay Hạ Mảng.
Ngôn ngữ: Tiếng nói Mảng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Kkmer, ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Người Mảng canh tác nương rẫy và ruộng nước. Trong đó, nương rẫy chiếm vị trí chủ đạo. Phương pháp làm nương rẫy theo lối cổ truyền: phát-đốt -chọc lỗ-tra hạt-chăm bón-thu hoạch. Công cụ làm nương rẫy đơn giản, gồm: gậy chọc lỗ tra hạt (pia ô), rìu để chặt cây (con bo), dao (ma pia a) để phát rẫy. Mùa phát nương, đàn bà dùng dao để phát cỏ và dây leo, đàn ông dùng rìu chặt cây to, sau đó, phơi khô, gom gọn ra bìa nương để đốt. Mùa thu hoạch (tháng 8 đến tháng 9 âm lịch), đồng bào chọn ngày chẵn (ngày thuỷ) là ngày tốt để cắt bông lúa đầu tiên; kiêng ngày lẻ (ngày hoả), ngày mất của bố, mẹ. Ngoài lúa tẻ (lắm cơ dụ) và lúa nếp (lắm hủ), đồng bào còn trồng sắn xen canh với các loại: khoai sọ (dỏ sụ), bí đỏ (pắc lạu), bí xanh (pắc ploá), cà tím, đậu đũa, dưa trắng, ớt, hành, tỏi, gừng, xả. Quanh nhà, đồng bào Mảng còn có mảnh vườn trồng rau, màu và cây ăn quả. Ruộng nước chiếm vị trí thứ yếu, chỉ tiến hành ở những nơi có nguồn nước, những mảnh sườn đồi núi thoải, gần sông, suối để khai phá làm ruộng bậc thang. Cày, bừa, cuốc là công việc của người đàn ông, cấy, gieo hạt, chăm bón do người phụ nữ đảm nhận.

Chăn nuôi: Trước đây, người Mảng phổ biến hình thức chăn nuôi thả rông, không có chuồng trại, nên vật nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, sản lượng chăn nuôi thấp. Đồng bào nuôi các loại gia súc, gia cầm: trâu, bò, lợn gà, ngan, vịt, dê…để lấy sức kéo, vật cúng, cải thiện bữa ăn gia đình hoặc trao đổi, mua, bán. Ngày nay, nhiều gia đình Mảng đã có chuồng trại chăn nuôi, song họ vẫn chưa có thói quen nhốt vật nuôi trong chuồng, mà vẫn duy trì hình thức bán chăn, thả. Một số gia đình người Mảng đã biết đào ao, thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Kinh tế tự nhiên

Hái lượm là công việc thường xuyên của các thành viên trong gia đình vào những ngày giáp hạt. Dụng cụ thu hái tự nhiên gồm có: dao chặt (mà pìa), gậy nhọn đầu (pủ pi ồ) để đào, gùi, giỏ để đựng. Sản phẩm thu được là các loại củ mỡ, củ mài, măng, mộc nhĩ, nấm hương, các loại rau rừng và cây thảo dược. Họ có những quy định trong hái lượm: Đối với các cây cao, họ đánh dấu chiếm hữu là dấu X, loại cây thấp, tổ ong, cánh kiến, tam thất, họ đóng một cái cọc ngay cạnh gốc cây, đầu cọc gắn một phên đan mắt cáo (ma lả đá) hoặc một túm lá xanh (la).

Săn bắn: Trước đây, săn bắn chủ yếu để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Ngày nay, săn bắn chủ yếu nhằm mục đích hạn chế bớt sự phá hoại của thú rừng đối với nương rẫy. Người Mảng xưa có 4 hình thức săn là: săn vây (“wà lụi”), săn rình (“wà dọm”), săn dử (“oi”) và săn bẫy (“oi cặp”). Ngày nay, để bảo vệ môi trườg sinh thái, thì việc săn bắn thú rừng trong các thôn, bản đã hạn chế nhiều.

Đánh bắt thuỷ sản: là công việc thường xuyên của từng cá nhân trong gia đình, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày. Phụ nữ, trẻ em Mảng thường mò cua, bắt ốc, bắt tôm, cá suối trong các hốc đá dọc sông, suối, đàn ông đánh bắt cá (công cơi) to trên sông, suối có dòng nước chảy lớn. Công cụ đánh bắt cá của họ là làm chặng (săng) cho nước dồn vào một cái đơm bằng rọ đan dầy, dùng vợt (pa choọc) để xúc cá con, quăng chài (), thả lưới (moọng) ở những nơi nước sâu…

Nghề thủ công

Người Mảng có một số nghề thủ công truyền thống: nghề rèn, nghề dệt, nghề đan lát, nghề mộc, nghề kim hoàn…tự phục vụ cuộc sống. Trong đó, nghề đan lát là phát triển nhất trong các nghề thủ công của người Mảng. Đàn ông trong mỗi gia đình đều biết đan. Ngày nông nhàn, họ vào rừng chặt cây, chẻ lạt, vót nan, để nam nữ tranh thủ thời gian đan lát dụng cụ sản xuất, vận chuyển, đồ gia dụng phục vụ cuộc sống.  Dụng cụ đan rất đơn giản, chỉ có con dao, cái dùi cộng với đôi bàn tay khéo léo, họ đã tạo ra các loại gùi, giỏ, đồ đựng (bem), nong, nia, dần sàng, rổ rá…. Ngày nay, sản phẩm thủ công làm ra chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình, một ít sử dụng trao đổi, mua bán lấy các vật phẩm khác.

Phương thức vận chuyển

Người Mảng chủ yếu vận chuyển bằng gùi, sọt, gùi đeo trán, ngựa thồ, trâu, bò kéo. Ngày nay, đồng bào dùng các loại như bao tải dứa, sọt, xe thồ, xe đạp, xe máy để vận chuyển, một số cư dân sống ven sông, suối dùng thuyền để đi lại và vận chuyển.

Trao đổi hàng hóa

Người Mảng tự cung tự cấp từ cái ăn, cái mặc, đồ dùng sinh hoạt, cho đến nhà cửa bằng cách khai thác nguồn thiên nhiên sẵn có ngay trong vùng cư trú. Vì vậy, hoạt động trao đổi, mua bán chỉ diễn ra đối với những mặt hàng lâm thổ sản đồng bào khi thác được, thu về những nhu yếu phẩm, vải, quần áo, nông cụ cho gia đình. Hiện nay, một tấm cót đổi được 10kg thóc, tương đương khoảng 100.000đ, một chiếc gùi đổi được 20kg thóc (200.000đ), một chiếc Bem  (đồ đựng) bán với giá khoảng 500,000đ-600,000đ/1c, mẹt giá 80.000-1000,000đ/1c, dần, sàng giá 50.000-60.000đ1/c. Ngày nay, hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, vào sâu các bản, xã là những người bán hàng rong bằng xe đạp, xe máy …

Văn hóa mặc

Nghề trồng bông dệt vải của người Mảng không phát triển. Vì vậy, để phục vụ cho nhu cầu mặc của mình, họ thường phải trao đổi, mua vải tự dệt của dân tộc Thái. Bộ trang phục nữ truyền thống của người Mảng gồm có: áo ngắn, xẻ ngực, không cài cúc. Khi mặc, người ta choàng ra ngoài áo một tấm vải trắng mộc, có trang trí hoa văn thêu môtip 4 cánh bằng chỉ đỏ, chiếc váy đen giống người Thái. Một nét riêng, độc đáo là thiếu nữ buộc tóc thường, phụ nữ đã lấy chồng phải buộc tóc trên đỉnh đầu bằng sợi dây vải có trang trí hoa văn (buộc từ chân tóc đến gần ngọn tóc tạo thành hình sừng bò trên giữa đỉnh đầu). Ngày lễ tết, phụ nữ Mảng thường sử dụng đồ trang sức vòng tay, vòng cổ, hoa tai, nhẫn. Phần lớn các loại vòng này đều được làm từ chất liệu đồng, nhôm. Gia đình nào khá giả, họ còn làm bằng bạc, ngày nay còn bằng vàng. Y phục nam truyền thống dân tộc Mảng gồm có các thành tố: Khăn, áo, quần và túi đeo được may bằng vải sợi bông nhuộm chàm. Đàn ông Mảng ít sử dụng đồ trang sức hơn so với nữ giới. Ngày nay, nam giới và trẻ em Mảng thường mặc các bộ y phục may bằng vải công nghiệp có bán sẵn trên thị trường. Riêng y phục nữ giới, họ vẫn còn sử dụng dây buộc tóc, tấm vải choàng, chiếc váy mặc thường ngày và trong dịp lễ , tết hội, hè…

Văn hóa ẩm thực

Việc tổ chức các bữa ăn hàng ngày của người Mảng trước đây phụ thuộc vào nông lịch canh tác lúa rẫy. Ngày nông nhàn, họ ăn hai bữa chính: sáng và tối, buổi trưa, người già, trẻ em ăn thêm đồ ăn còn lại từ sáng. Mùa nương rẫy, đồng bào mới ăn ba bữa trong ngày, nhưng bữa trưa mang đồ ăn từ nhà và ăn ngay tại rẫy. Hiện nay, người Mảng ăn hai bữa chính (sáng và tối) và 1 bữa phụ buổi trưa.  Gạo tẻ là lương thực chính hằng ngày, dịp lễ, tết có gạo nếp. Ngoài ra, còn có, ngô, sắn, khoai sọ hay các sản phẩm khai thác tự nhiên như củ mài, củ mỡ, măng, bổ sung vào các tháng giáp hạt, những khi mất mùa. Thường ngày, người Mảng uống nước chè, nước nấu từ lá rừng, nước đun sôi để nguội hoặc nước suối. Đồng bào có thói quen uống rượu trong các bữa ăn, nhất là sau những ngày lao động mệt nhọc. Rượu có 2 loại: Rượu trắng được đồng bào nấu từ sắn và rượu cần. Điều đặc biệt, ở người Mảng là nam, nữ đều biết uống rượu, thậm chí đàn bà còn uống rượu giỏi hơn đàn ông. Người Mảng, cả nam và nữ đều hút thuốc lào «bút cắn » phổ biến bằng điếu cày.

Văn hóa ở

Bản (muy)của người Mảng thường có vài chục nóc nhà, quần tụ bên sườn đồi, rìa núi, gần các con suối. Nơi được chọn để đặt bản bao giờ cũng phải bảo đảm ba yếu tố: rừng, đấtnguồn nước. Trước đây, bản du cư của người Mảng  thường có quy mô nhỏ, từ 5 đến dưới 20 nóc nhà. Ngày nay, đồng bào đã định canh định cư, nên các bản thường có từ 20 đến 50 nóc nhà. Nhà ở truyền thống của người Mảng là nhà sàn, 4 gian, 2 chái, gầm sàn cách mặt khoảng 1m-1,2m. Xung quanh nhà thưng bằng vách liếp đan, mái nhà lợp cỏ tranh. Hai gian ngoài cùng phía trước có hai cửa và hai cầu thang lên xuống (trái dành cho nam, phải dành cho nữ). Cửa chính dành cho nam giới, hướng về đầu suối, phía mặt trời mọc; cửa cho nữ giới hướng về cuối bản, phía mặt trời lặn. Ngày nay, nhà cửa của đồng bào đã được làm chắc chắn. Thậm chí, nhiều nhà lợp mái prô-ximăng, tôn thay cho mái lợp gianh. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà chia làm 2 phần theo dọc nhà. Phía trước có gian ngủ của khách (nằm sát cầu thang nam), tiếp theo, lần lượt là 3 buồng ngủ của: gia đình con cả; các cháu và các con gái chưa chồng hoặc vợ chồng con gái (nếu ở rể). Phía sau, từ trái qua phải là bếp (dành cho bố mẹ già, tụ họp gia đình, đun nước và sưởi ấm); các buồng ngủ (của bố mẹ già; gia đình con thứ 2; gia đình con thứ 3; gia đình con thứ 4, trái ngoài cùng là gian để rau. Giữa nhà còn có một bếp nấu ăn cho cả gia đình.

Người Mảng có một số tập tục kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà: kiêng đem cành lá xanh (kể cả rau xanh) và thịt sống vào nhà bằng cửa chính; con dâu không vào buồng bố mẹ chồng; anh trai không vào buồng em dâu và ngược lại; Chỉ nam giới được lên cầu thang cửa chính (phía mặt trời mọc), phụ nữ chỉ được lên nhà bằng cầu thang của cửa phụ (phía mặt trời lặn), nằm ngủ phải quay đầu theo hướng nhà (đầu hướng Đông, chân hướng Tây). Gia đình có người chết, phải đưa ra ma qua cửa từng giới, theo hướng chân ra trước. Quá trình ở rể, nếu vợ chồng hoặc con chết ở nhà vợ, thì phải dựng lán tạm cạnh nhà để làm ma. Người Mảng hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Trước đây, gia đình của người Mảng thường sống 3 đến 4 thế hệ, nay đã chuyển sang kiểu gia đình nhỏ, nghĩa là những cặp vợ chồng đã có con riêng, có điều kiện kinh tế để làm nhà riêng thì được tách hộ, ra ở riêng.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Làng bản của người Mảng là đơn vị tự quản. Trong bản có các gia đình có quan hệ huyết thống hay khác huyết thống cùng sinh sống làm ăn trong một phạm vi đất đai nhất định. Người Mảng có 6 dòng họ gốc: Pàn, Tào, Chìn, Lùng, Lý, Anh. Sau này, người Mảng kết hôn với người Thái, nên có thêm họ Lò. Mỗi dòng họ đều có tên gọi riêng, có một người đứng đầu (trưởng họ) và có một khu nghĩa địa riêng trong rừng ma của bản. Tên dòng họ gắn với tên một loài động vật, thực vật hoặc tên địa danh núi, sông, suối  và sự tích về nguồn gốc dòng họ.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Hôn nhân của người Mảng phải trải qua 3 bước: Lễ ăn hỏi (Bó chạ), lễ cưới (O pu hạ) và lễ đón dâu (Bê chà mẳn). Đám cưới của người Mảng bắc buộc phải có (3 ông mối và 2 bà mối). Số 5 là ngũ phúc, sẽ mang lại nhiều may nắm hạnh phúc, ấm no, con cái đầy đủ cho đôi trai gái. Sau lễ ăn hỏi, đám cưới sẽ được tổ chức trong 4 ngày: 2 ngày tại nhà gái (đôi vợ chồng luôn phải ăn riêng trong buồng của mình, không ăn chung với khách). Ngày thứ 3, nhà trai sẽ đón dâu (bê chà mẳn chô nhúa) về và tổ chức lễ cưới tại nhà trai trong 2 ngày

Sinh đẻ: Đồng bào Mảng có tục cấm cửa “dẹn pặc tú” khi trong nhà có người sinh đẻ: Họ lấy hai cành lá xanh “đinh đau” dài 40 – 50cm, đan hai chiếc “tăng léo“. Mỗi chiếc “tăng léo” và “đinh đau” sẽ kết hợp với nhau thành 1 bộ, gọi là vật cấm cửa “đăm dẹn pặc tú” hay còn gọi là vật kỵ ma “đăm dẹn Ky dạ“, được buộc vào 2 đầu cầu thang của 2 cửa chính và phụ. Sau khi sinh, nhau thai được cho vào một ống tre, lấy lá dong “thung sơi” hoặc lá chuối “đinh mi tợc” nút kín, đặt ngay tại vị trí đẻ trong 4 ngày sau sinh, đến khi sản phụ hết thời gian ngủ bếp, ống đựng nhau thai mới được người nhà sản phụ đem đi vứt ở trong rừng…Hiện nay, phụ nữ Mảng sinh đẻ tại trạm y tế xã, sau khi sinh 2-3 ngày, mới đưa về nhà, nhưng cho ở trong một cái lán riêng cạnh nhà, để gia đình tiện chăm sóc. Trước bức vách, trên đầu cầu thang lên lán cũng được đặt vật cấm là tấm phên đan chéo và 2 cành lá cây xanh.

Tập tục tang ma

Đám tang dân tộc Mảng thường trải qua các bước:  Lễ khâm liệm: Nếu người chết là đàn ông thì thi thể đặt ở gian dành cho đàn ông, còn là phụ nữ thì đặt ở gian buồng của họ vẫn ngủ. Người chết được tắm bằng nước lá thơm và mặc quần áo truyền thống, sau đó mới làm lễ niệm, quấn vải quanh thi hài. Lễ đưa tang: thường tiến hành vào lúc xế chiều, khi mặt trời đã lặn. Nếu người chết là nữ, người ta ra ma bằng cầu thang nữ, nếu là nam thì đưa qua cầu thang nam. Mộ của người Mảng không đắp cao mà san bằng phẳng, phía trên mộ có lán che (nhà mồ) lợp cỏ gianh, dưới lán có treo các đồ dùng cá nhân cho người chết. Họ đánh dấu mộ bằng cách chôn 2 hòn đá ở phía đầu và phía chân mộ. Đưa tang trở về, mỗi người thân trong gia đình người chết phải cắt một ít tóc, dắt vào mái nhà chỗ cầu thang, hoặc vứt đi, trước khi bước cầu thang lên nhà, nhằm đoạn tuyệt với người chết. Buổi tối hôm đó, tang chủ mời thầy cúng làm lễ cúng tiễn đưa người chết dưới sân nhà. Lễ vật cúng gồm có rượu, cơm nếp, gà, nước và cây Pằng củng (cây dùng dể dẫn đường cho linh hồn người chết về cõi tổ tiên, không quay về quấy nhiễu người sống nữa).  Lễ đem lửa ra mộ: Sau chôn 3 ngày 3 đêm, người thân trong gia đình đem cơm, nước và ba que củi đang cháy ra mộ vào khoảng 5-6 giờ chiều, khi mặt trời đã lặn. Người Mảng không có tục để tang, nhưng vì thương tiếc người quá cố, gia đình tang chủ đau buồn, không đi làm ruộng, nương từ 7 đến 10 ngày, không mua bán gia súc; không được dùng xà phòng; không được cười đùa, múa hát, cưới xin, thổi sáo và tham dự các hội hè. Trong thời gian một tháng đầu, mọi người trong gia đình phải kiêng không được ăn rau thơm, lá chua, quả chua. Đặc biệt, các cặp vợ chồng không được sinh hoạt tình cảm với nhau. Hết một tháng, chủ nhà mang quả chua ra mộ để làm lễ, rồi để lại đó.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Mảng có tín ngưỡng đa thần. Họ quan niệm: Các vị thần linh có thể trợ giúp, phù hộ cho con người và cũng có thể gây hại cho con người. Con người có các hồn: Hồn khôn (Nhuỷ uy), hồn dại (Nhuỷ bở) và hồn bố láo (Nhuỷ xả rỏ). Vì vậy, hồn nào nặng, tính cách con người sẽ thiên về hồn đó. Hồn khôn là hồn chủ, mà ra khỏi con người, thì người sẽ không còn là người. Bên cạnh quan niệm về vũ trụ ba tầng, bốn thế giới, người Mảng còn có quan niệm về các loài ma: ma trên trời, ma dưới nước, ma xung quanh con người đâu đâu cũng có ma. Ma có hai loại: lành và  dữ. Trong gia đình người Mảng không có bàn thờ tổ tiên, nhưng mọi nghi lễ chu kỳ đời người hay lễ nghi nông nghiệp, đồng bào đều cúng tổ tiên.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Kho tàng Văn học, nghệ thuật của dân tộc Mảng phong phú với các câu truyện cổ được truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác. Giải thích về nguồn gốc người Mảng có chuyện Sự tích người Mảng. chuyện A Hếnh-A Húi. Các câu chuyện bao giờ cũng toát lên truyền thống đoàn kết giữa người với người, giữa các dòng họ, răn đe những mầm ác, khuyên răn con người những điều hay, lẽ phải để cùng sống trong bầu không khí hoà thuận.   Người Mảng cũng có nhiều làn điệu hát dân gian:  Hát ru (O hởi), Hát giao duyên (O sòng lỉnh), Hát trong đám cưới, Hát vào nhà mới (O xỏng nhỏ mỷ);  Hát hỏi đất trời (O xỏng bo đô dỉ). Ngoài ra, đồng bào còn biểu diễn múa xòe (Ji xệ) trong các dịp: đám cưới (pu hạ) tết Nguyên Đán; vào nhà mới (nhỏ mỉ); hoặc các dịp nông nhàn, các cuộc vui, cùng uống rượu cần.

Nhạc cụ truyền thống của người Mảng không nhiều,  cấu tạo đơn giản, nhưng lại có thể biểu diễn trong nhiều không gian khác nhau như lễ tết, đám cưới, hay trong cuộc sống đời thường, lúc vui cũng như lúc buồn. Về cơ bản, nhạc cụ của người Mảng gồm các loại sau: Sáo trúc (plà lâm,) đàn môi (plà đống) trống da (O cống).

Tết, lễ hội cộng đồng

Trong đời sống của người Mảng, đến nay chỉ tồn tại những nghi lễ truyền thống trong phạm vi gia đình, dòng họ, thậm chí là chỉ một cá nhân. Diễn biến nghi lễ đơn giản, thời gian diễn ra nghi lễ ngắn, phần hội có sự giao thoa với dân tộc Thái trong vùng. Trong số các nghi lễ, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của người Mảng, phải kể đến là lễ cúng hồn lúa và lễ cúng bản và lễ xăm cằm:

* Lễ cúng hồn lúa diễn ra sau khi tra hạt xong. Chọn ngày tốt, từ sáng sớm, bà chủ nhà mặc bộ áo váy mới lên nương, đóng vai mẹ lúa (Ma lẳm) để làm phép giữ hồn lúa. Khi đi, bà mang theo 1 con dao sắc, 1 cái nhíp (hép), 1 cái gùi đeo trán, 2 cái tăng léo để lấy lúa về cúng hồn lúa. Trong thời gian thu hoạch trên nương, người Mảng quy định: không được cười đùa vì sợ hồn lúa giật mình; không được ném bất cứ vật gì (kể cả sỏi, đá) từ trong nương ra ngoài, sợ hồn lúa sẽ theo vật đó ra ngoài đi mất; không được ca hát, huýt sáo, sợ hồn lúa xấu hổ mà bỏ đi; không được nói chuyện, hỏi han hay trả lời những người đi đường, sợ hồn lúa sẽ theo người đó.Tại nhà, không được để cho mẹ lúa lại gần lửa, sợ lửa sẽ thiêu cháy hồn lúa; không được nướng các loại thịt hay giã gạo, để hồn lúa sợ hãi mà bỏ đi. Trong vòng 3 ngày, kể từ ngày đầu tiên đi gặt lúa, gia đình phải giã gạo mới, làm lễ cúng cơm mới.

*Lễ cúng ma bản (Chi pi ly mùi) của người Mảng thường được tổ chức vào cuối năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, nhằm tạ ơn và cầu nguyện ma rừng, ma đất… phù hộ, che chở cho dân bản một năm sức khỏe, mùa màng bội thu, vật nuôi đầy đàn. Lễ vật dâng cúng là do các gia đình trong bản cùng đóng góp, gồm: một con lợn khoảng 30-45kg, hai con gà, gạo nếp, rượu, gạo tẻ, trứng, tro bếp. Ngày nay, người ta thường quy ra tiền để các hộ đóng góp, rồi mua các lễ vật cúng chung đó. Lễ cúng ma bản thường diễn ra buổi sáng vào ngày tốt (trừ ngày con hổ và con khỉ, nếu tổ chức vào ngày con hổ, thì dân bản, vật nuôi sẽ bị hổ vồ, con khỉ là giống nòi, tổ tiên của họ). Thầy cúng, trưởng bản mang vật cúng tế ra gốc cây lâu năm ở đầu bản hay bìa rừng làm lễ. Đầu tiên là lễ cúng vật sống để yết cáo thần linh và xin thần phù hộ sinh sôi, bảo vệ ruộng nương tươi tốt, gia súc sinh sôi đầy đàn. Nữ thần núi đá, phù hộ việc sinh sôi, phù hộ cho các hộ dân trong bản này cái gì cũng được tốt… Sau đó là Lễ cúng chín: Họ cắt tiết lợn, gà ngay trước mâm cúng. Thầy cúng khấn:  Đồ sống đã qua, đến lượt đồ chết rồi; Giết lợn con chứ không giết lợn mẹ; Giết một con cho phát triển mười con. Gan lợn dùng để xem tốt xấu, nếu gan có lỗ thì là điềm báo xấu, mùa màng năm tới sẽ không tốt, con người không khỏe mạnh, còn không có lỗ thì là điềm tốt, một năm vạn sự đều tốt. Sau lễ cúng là bữa liên hoan cộng đồng . Mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ, chúc tụng cho nhau những điều may mắn..Lúc này, thầy cúng lấy đầu gà để xem: nếu xương lưỡi gà không gãy, hai bên xuôi chiều với nhau là điềm tốt, dân bản sẽ không ốm đau; màng ngăn giữa hai mắt có lỗ thủng nghĩa là điềm tốt, đường đi lại thuận lợi; sọ gà trắng, sạch không đỏ thì tốt, ai cũng vui mừng và chúc nhau một năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe và may mắn. Hiện nay, lễ cúng ma bản không được tổ chức thường xuyên hàng năm nữa. Năm 2012, tại bản Pá Pon, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ mới lại tổ chức khôi phục lại lễ cúng ma bản.

*Nghi lễ xăm cằm (ọ oăm): Người Mảng cho rằng, những người đã qua nghi lễ xăm cằm thì mới được coi là trưởng thành và dễ lấy vợ, lấy chồng. Đặc biệt là phụ nữ được xăm nhiều hơn nam giới để trở thành người vợ tốt, sống ngoan ngoãn, hiền từ. Việc xăm cằm trở thành nghi lễ không thể thiếu được xã hội người Mảng, là nét văn hóa tâm linh độc đáo. Chính vì vậy, mà các tộc người khác thường gọi họ là Xá xăm cằm (xá chại cằm lai). Hình xăm trên cằm mỗi người, không chỉ thể hiện cho sự trưởng thành của người đó mà nó còn thể hiện tín ngưỡng tâm linh. Xăm cằm còn biểu tượng cho sức mạnh của đấng tối cao, là sự che chở, giúp đỡ cho con người chống lại những rủi ro, tai kiếp của thiên nhiên và cầu mong về một đức tính hiền dịu, đảm đang của mỗi người. Hiện nay, tục xăm cằm của người Mảng đã bị mai một qua mấy chục năm nay. Các bản người Mảng từ lâu không còn duy trì trì tục xăm cằm. Số phụ nữ còn giữ các hình xăm trên cằm hiện cũng rất ít và đều đã lớn tuổi, nhiều người đã mờ vết xăm. Duy nhất ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban còn chị Lò Me Lao là người phụ nữ Mảng còn dấu tích vết xăm trên cằm.

Tri thức dân gian

Tri thức dân gian của đồng bào Cống khá phong phú, có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chữa bệnh bằng việc lấy cây thảo dược làm các bài thuốc dân gian như: chữa gãy xương (lắc chảng), chữa đau bụng (hăng gum nhằm), chữa bệnh thận, gan, timvà một số mẹo vặt khi bị hóc xương cá, đau răng….