Brâu

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Brâu có 397 người (2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Tên gọi: Dân tộc Brâu còn gọi là Brau hay Brao
Ngôn ngữ: Tiếng Brâu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn  Khmer, ngữ hệ Nam á.

Sản xuất nông nghiệp

Phương thức canh tác truyền thống của người Brâu theo quy trình: chọn đất (bri) đánh dấu quyền sở hữu vào khoảng tháng một dương lịch; phát rẫy (bo) vào giữa mùa khô, đốt rẫy (uynh) vào cuối mùa khô, trỉa hạt (Bra đăm che) vào khoảng tháng 3, tháng tư, cúng lúa mới (bon bra móc chong o hơm tom) vào khoảng tháng 10 dương lịch, thu hoạch (Bnhét bnư) vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, cuối cùng là lễ mở cửa kho (bơm núc), đưa hồn lúa về kho (bra bai uốt). Vì canh tác chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, công cụ sản xuất thô sơ, chỉ có rìu, rựa, gậy trọc lỗ tra hạt, năng xuất cây trồng thấp. Vì thế, mỗi công đoạn canh tác, đồng bào đều thực hiện nhiều kiêng cữ và cúng thần linh bằng cách hiến máu con vật hiến tế (gà, lợn) hòa với rượu, khấn cầu các vị thần cho mưa thuận, gió hòa, hạt nhanh nảy mầm, chim thú không phá hoại mùa màng, thu hoạch đầy nhà, thần lúa ở lại giữ cho lúa đầy kho. Mỗi đám rẫy khai phá chỉ canh tác 1 đến 2 vụ, rồi lại bỏ hóa, khoảng 5 đến 7 năm sau, mới phát đốt và canh tác trở lại. Trên rẫy, ngoài trồng lúa, đồng bào còn trồng các loại  ngô, sắn, rau, đậu Từ năm 1992 theo trương trình định canh của nhà nước người Brâu bắt đầu làm ruộng nước, nhưng số dân canh tác ruộc nước còn rất ít, đến năm 2009, mới có 5-6 hộ còn duy trì canh tác ruộng nước ở những thung lũng nhỏ. Hiện nay, đồng bào phát triển trồng quế, cao su…

Người Brâu chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, ngan, vịt, cá…Trước đây, đồng bào chăn nuôi chủ yếu phục vụ các nghi lễ cúng tế, làm vật ngang giá đổi lấy các vật dụng quý hiếm như chiêng, ché, nồi, ngày nay, đồng bào chăn nuôi để làm sức kéo, bán lấy tiền tăng thêm thu nhập gia đình, mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Khai thác nguồn lợi tự nhiên đóng vai trò quan trọng với người Brâu. Săn bắt, đánh cá, hái lượm được coi là phương thức kiếm sống chủ yếu của đồng bào những ngày giáp hạt. Thông thường, những tháng nông nhàn, nam giới Brâu mang theo chó săn, nỏ, giáo, lưới ..vào rừng săn bắn thú. Khoảng tháng 7, tháng 8, một số cây trồng trên rẫy chuẩn bị thu hoạch, người Brâu đặt bẫy quanh rẫy để bắt các con thú đến kiếm ăn. Bắt cá, cua, ốc…dưới suối là công việc hàng ngày của cả nam, nữ, người già, con trẻ dân tộc Brâu. Khoảng tháng 4-5, mùa nước cạn, các gia đình còn tổ chức đắp bờ suối, dùng đơm, đó chặn cá; quăng chài hoặc thả lá độc làm cho cá ngạt mà nổi lên mặt nước. Ngày nay, chính sách giao rừng, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên đã giúp đồng bào nhận thức, hạn chế khai thác tận diệt nguồn lợi tự nhiên.

Nghề thủ công

Người Brâu không có nhiều nghề thủ công, đồng bào chủ yếu phát triển nghề đan lát. Sản phẩm đan lát gồm có gùi, rổ rá, dần, sàng, chiếu, đó, giỏ để phục vụ cuộc sống gia đình, phần dư ra mới mang đổi vật ngang giá.

Phương thức vận chuyển

Trước đây, người Brâu chủ yếu vận chuyển bằng gùi  và đi bộ là chính. Ngày nay, phần lớn các hộ gia đình dùng xe máy đi lại và vận chuyển hàng.

Trao đổi hàng hóa

Các đây không lâu, đồng bào chủ yếu sinh sống khép kín, tự cung tự cấp, trao đổi theo phương thức hàng, đổi hàng: dùng lâm, thổ sản (mật ong, dược liệu…), sản phẩm trồng trọt (lúa, mỳ..), vật nuôi …để đổi lấy chiêng, ché, khố, áo, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết. Ngày nay, đồng bào dùng tiền để mua, bán ở chợ huyện, chợ xã và những xe hàng bán dong.

Văn hóa mặc

Trước đây, nam giới Brâu đóng khố, cởi trần, mùa lạnh khoác thêm tấm mền, mặc áo màu trắng mộc, chui đầu, mua của người Ba Na, Xơ Đăng ở các làng lân cận. Ngày nay, họ mặc quần âu, áo sơ my mua ngoài chợ. Phụ nữ mặc váy quấn, màu chàm, trang trí các đường chỉ màu thanh mảnh theo băng ngang, mặc áo chui đầu  bằng vải sợi bông, màu trắng mộc, không có tay. Trước đây, người Brâu có tục xăm mặt, xăm mình và cà răng. Phụ nữ đeo nhiều vòng tay, vòng chân và vòng cổ, hoa tai lớn làm bằng ngà voi hoặc khoanh ống nứa. Ngày nay, cả cộng đồng chỉ còn vài người già còn giữ dấu vết của tục cà răng, căng tai, cả cộng đồng đều bỏ hủ tục đánh dấu sự trưởng thành này.

Văn hóa ẩm thực

Người Brâu ăn ba bữa trong ngày. Dịp phát nương, trồng chỉa hay thu hoạch, đồng bào chỉ ăn hai bữa chính, sáng và tối. Bữa trưa, người lớn mang cơm ăn tạm tại nương, con trẻ ở nhà ăn cơm nguội. Trước đây, người Brâu chủ yếu ăn cơm nếp (nướng trong ống nứa non), thứ đến mới ăn cơm tẻ (nấu trong nồi đất). Thức ăn có muối ớt, rau quả, măng tươi, cá suối, chim thú săn bắn được. Thức uống có rượu cần. Trẻ già, trai gái đều thích hút thuốc lá sợi bằng điếu khan. Ngày nay, ẩm thực của người Brâu đã thay đổi, cơm tẻ thường ngày đã thay cho cơm nếp. Bữa ăn có thêm thịt cá, rau đậu. Đồng bào có điều kiện chế biến món ăn ngon hơn.

Văn hóa ở

Làng (Srúc) truyền thống của người Brâu là những ngôi nhà sàn dài (xưa),  nhà sàn ngắn (cách đây vài chục năm). Đó là ngôi nhà 4 mái, hai mái chính hình chữ nhật, hai mái hồi hình tam giác cân, đầu đốc trang trí khau cút hình đầu chim dang đôi cánh, hom giỏ, mặt trời. Khung sườn nhà kết cấu theo vì trung gian giữa, vì cột và vì kèo. Mỗi vì có hai cột, một quá giang, liên kết theo lối dùng ngoàm, buộc lạt. Bố trí mặt bằng có nơi ngủ và bếp nấu ngay trên sàn). Những năm 2000, nhà sàn ngắn hầu như không còn nữa, thay vào đó, cư dân Brâu làng Đắk Mế đã chuyền sang ở nhà trệt, nhà rông mới cũng được làm bằng bê tông, lợp tôn. Cách chuyển đổi này đã phá vỡ hoàn toàn kết cấu làng truyền thống. Thời điểm năm 2009, làng Đắk Mế có 106 nóc nhà quần tụ xung quanh ngôi nhà Rông mới của làng. Trong đó, có 36 nhà xây cấp bốn (do trương trình 134 của Chính phủ hỗ trợ), 35 nhà lợp tôn vách ván, 35 nhà tôn vách nứa. Hầu hết đều là nhà trệt, hai gian (trong và ngoài). Bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà quá nhỏ, chỉ khoảng 40m2, ngoài không gian ngủ, cất trữ lương thữ, đồ dùng khó có thể thực hiện sinh hoạt gian đình, nên đồng bào phải làm thêm một bếp nối liền với gian ngoài để mở rộng diện tích sử dụng.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Brâu có tính cố kết cộng đồng bền chặt, thể hiển qua các hình thức tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, phân phối sản phẩm, săn bắn, đánh cá, giúp đỡ gia đình neo đơn. Các thành viên trong làng phần lớn có quan hệ huyết thống, coi nhau như ruột thịt, tôn kính người già, mến yêu trẻ nhỏ. Mọi người sống theo luật tục, tập quán dưới sự điều hành chung của già làng (người cao tuổi, uy tín, đức độ, đông con, cháu, kinh tế khá giả, am hiểu luật tục, tín ngưỡng, nhiều kinh nghiệm sản xuất, chống thiên tai) và thầy cúng (Bdâu) (người giỏi lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng có thể bói toán chữa bệnh). Các công việc của làng như xích míc, tấu kiện, sai quy định của cộng đồng làng phần lớn được giải quyết theo luật tục như phạt vạ, thỏa thuận giải quyết ổn thỏa, không cần đến sự can thiệp của chính quyền. Ngày nay điều hành làng còn có trưởng thôn và sự tham gia của các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Trước đây, người Brâu theo chế độ Mẫu hệ, gần đây đồng bào chuyển sang chế độ phụ quyền, nhưng người phụ nữ trong gia đình vẫn được đề cao. Con gái kết hôn phổ biến ở tuổi 13-14, sinh con ở tuổi 15, trên cơ sở làm lễ cúng, hứa gả con cái cho nhau của hai gia đình khi chúng còn thơ tre. Ngày nay 15, nam nữ Brâu được tự do lấy vợ, lấy chồng ơ rđộ tuổi theo quy định của luật hôn nhân, từ 18 tuổi trở lên.

Hôn lễ của người Bâu trải qua các bước: Lễ dạm (trao vòng) (Đook Gia vư), lễ cưới (Nhét bơ doong me bowlo) lễ lại mặt.  Nhà trai tổ chức hỏi vợ phải nộp lễ vật cho nhà gái, nhưng đám cưới lại tiến hành tại nhà gái. Sau lễ cưới, chàng rể phải cư trú bên nhà vợ khoảng 2  3 năm, mới được làm lễ đưa vợ về ở hẳn nhà mình.

Trẻ em sinh ra, sau 5-7 ngày được làm lễ đặt tên (Bruh chơ nụ). Người bố đặt tên cho con phải tuân thủ hai họ duy nhất của cộng đồng, con trai mang họ Thao, con gái mang họ Nàng. Tên con gái được lấy theo các loài hoa như Thao Ngăn (hoa tím), Thao Xoi (hoa đỏ). Đến lúc trưởng thành, làm lễ cà răng, căng tai mới có thể lấy chồng. Ngày nay, tập tục này đã bị bãi bỏ.

Tập tục tang ma

Người Brâu tin rằng: người chết là do hồn lìa khỏi xác vĩnh viễn và biến thành ma sống lảng vảng quanh làng. Vì thế phải làm ma cúng hồn người chế để ma phù hộ cho con cháu. Khi gia đình có người chết, thi thể được đưa ra khỏi nhà, cho vào quan tài độc mộc, quàn tại một lán nhỏ, do dân làng mới làm, dành riêng cho người chết. Mọi người đến chia buồn, mang theo lúa, gạo, gà, rượu đến góp, cùng ăn uống, gõ chiêng, cồng, mấy ngày sau mới mai táng, chia của cho ma gồm ché, gùi, dao, rìu…đập vỡ, làm hỏng một phần bỏ lại trong nhà mồ.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Đồng bào quan niệm vạn vật hữu linh, trong đó, cao nhất là Pa xây là vị thần sáng tạo ra vũ trụ, trời, đất, sông, suối, mưa, gió, sự sống và cái chết. Trong làng có bệnh tật, chết chóc, mất mùa là do sự tác động của thần linh, thần rừng hay ma rừng. Người sống có hồn, hồn xa cơ thể là do các con ma quấy nhiễu bắt đi, làm con người sẽ ốm, hồn không quay lại thân thể, con người sẽ chết. Vì thế, đồng bào phải mời thày cúng về làm lễ cúng đau ốm (Bra bobo), (Bra pâu puan).  Quá trình làm rẫy, do quan niệm được hay mất mùa là do các vị thần núi, thần sông, thần rừng, thần cây quấy nhiễu, vì vậy phải làm lễ để cầu xin thần linh phù hộ.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Brâu có các câu truyện truyền thuyết, thần thoại được truyền miệng như Lửa cháy, núi lở (Un cha Đắk Lếp), kể về buổi hồng hoang, có thần Pạ Xay sáng tạo ra vũ trụ và con người. Đồng bào yêu thích hoạt động văn hóa văn nghệ, coi,  âm nhạc, diễn xướng, hát dân ca, múa xoang là những món ăn tinh thần không thể thiếu. Đồng bào luôn yêu thích chơi cồng chiêng và các nhạc cụ cổ truyền. Chiêng cồng có các loại khác nhau, nhưng độc đáo là bộ chiêng tha, chỉ có một cặp vợ chồng, nhưng có thể trị giá từ 30 – 50 con trâu. Các thiếu nữ thường chơi Klong put là nhạc cụ gồm 5 – 7 ống lồ ô dài ngắn không đều nhau, đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống. Khi ru con hoặc trong đám cưới người Brâu có những điệu dân ca sâu lắng. Những trò thả diều, đi khà kheo, đánh phết cũng là sinh hoạt vui chơi của thanh thiếu niên.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Brâu tổ chức một số lễ hội trong năm, như lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng cơm mới, lễ mở cửa kho, lễ mừng làng mới… Trong đó, mừng cơm mới, mừng nhà Rông mới là hai lễ hội lớn nhất của đồng bào. Trong lễ hội, đồng bào mổ trâu tế lễ, cúng thần, tấu chiêng Mam goong, hát những bài hát dân tộc và múa xoang theo âm điệu cồng chiêng để xua đi nỗi vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống.