Lào

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Lào có hơn 14.928 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Lào cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Lắk.
Tên gọi khác: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn, Lào Bốc (Lào Cạn), Lào Nọi (Lào Nhỏ).
Ngôn ngữ: Tiếng nói của dân tộc Lào thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka – Đai).

Sản xuất nông nghiệp

Cách đây vài trăm năm, một bộ phận người Lào đã tìm tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn khai phá làm ruộng nước, kết hợp với làm rẫy. Trước đây, trên các thửa ruộng, đồng bào chỉ cấy lúa một vụ. Ngày nay, đồng bào cấy hai vụ như các dân tộc trong vùng: vụ chiêm xuân, cấy giống ngắn ngày, gieo cấy tháng 2, thu hoạch tháng 6; vụ mùa, cấy giống dài ngày, gieo cấy tháng 7, thu hoạch tháng 11. Từ lâu, người Lào thành thạo kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền bằng hệ thống cọn quay, dùng sức nước và dùng cày, bừa, cuốc… để làm đất, sử dụng phân bón từ phân chuồng, phân bắc, phân xanh, nay là phân hóa học để bón ruộng, dùng tay đập lúa vào máng. Gần chục năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã dùng máy tuốt lúa thay cho việc đập lúa. Ngoài ruộng nước, đồng bào cũng khai thác các vùng đất cao để làm nương, làm vườn nương, vườn nhà, trồng ngô và các loại hoa màu như: rau, quả, bầu, bí, đậu tương, đỗ, lạc, thuốc lá, bông, mía, chè và các loại cây ăn quả.

Khu vực cư trú của người Lào còn có nhiều thế mạnh trong việc phát triển chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, ngựa, lợn ngựa để kéo xe và lấy thịt; nuôi nhiều gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng và nuôi, thả cá trong các ao, ruộng… Trước đây, đồng bào chăn nuôi theo lối thả rông. Ngày nay, đồng bào làm chuồng trại, chăn nuôi. Ngô trồng được chủ yếu dùng vào việc chăn nuôi trâu, lợn, gà. Sản phẩm chăn nuôi đã đem lại cho người Lào nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Kinh tế tự nhiên

Hái lượm còn có vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Lào. Hàng ngày, mùa nào thức ấy, phụ nữ Lào thường lên rừng hái rau, cải thiện bữa ăn. Sản phẩm hái lượm gồm có: măng lay, măng giang, đọt mây, đọt song, đọt lụi, đọt đùng đình, nấm hương, nấm đất, mộc nhĩ, rau bon, rau bợ, cải xoong, cải dại, rau muống, lá bứa, lá me rừng, rêu, quả đùng đùng, quả núc nác, quả cà dại, hoa chuối rừng, hoa ban… Ngày giáp hạt, đồng bào còn đi rừng đào củ mài, củ cọi, lấy các loại cây có bột như cây búng, cây đoak…để cứu đói.

Nam giới Lào thường tranh thủ lúc nông nhàn, canh nương để đặt bẫy (bẫy sập, bẫy treo…), đi săn các thú rừng: gấu, trâu rừng, bò rừng, nai, hoẵng, vượn, chồn, cáo, sóc, chuột, lợn, chồn, nhím, hon, kì đà, rùa núi.. Họ còn kết hợp giữ nỏ và bẫy để bắt được gà rừng (cay pạ), gà lôi (còng cọt), trĩ (nôôc kho), đa đa (nôôc tha).. ếch, nhái, cóc, ễnh ương (tô cốp), chẫu chàng (khiết tapạt). Ngoài ra, đồng bào còn đi bắt các loại nhuyễn thể: ốc, hến; các loại côn trùng: sâu măng, sâu cọ, dế, bọ dừa, bọ vừng, bọ xít, rắn… Người Lào chủ yếu sống ở ven sông, suối vùng thung lũng, nên cả nam và nữ còn tiến hành đánh bắt các loại cá ở sông, suối, ao, hồ, ruộng …về nấu ăn hoặc phơi, sấy khô để ăn dần.

Nghề thủ công

Nghề thủ công của người Lào tương đối phát triển, gồm các nghề: dệt, rèn, gốm, làm đồ bạc, đan lát… Tuy nhiên, thủ công vẫn là nghề phụ gia đình, đáp ứng yêu cầu tự cấp tự túc, chưa trở thành ngành sản xuất hàng hóa.   Trong đó phải kể đến nghề dệt. Hầu hết các gia đình Lào đều có xa quay sợi, khung cửi dệt vải. Con gái từ 10 – 12 tuổi đã được mẹ dạy, biết trồng bông, thu bông, phơi bông, cán bông, cuốn cúi, xe sợi, nhuộm màu; 15-16 tuổi có thể dàn sợi, dệt vải, chuẩn bị của hồi môn cho mình. Từ lâu, người Lào đã dạy cho bé gái cách dùng các loại quả, lá và vỏ cây rừng để nhuộm sợi: màu xanh, dùng lá chàm; màu vàng dùng cây Phặng; màu đỏ, dùng cây Cánh kiến hoặc qủa Mắc sét. Để nhuộm màu Chàm, người ta gieo chàm lá nhỏ, dâm cành xỏm lá to. Khi lá gốc ngả màu vàng, chặt cả cây cho vào vại  ngâm nước  2- 3 hôm, ngửi thấy mùa thối, thì vứt bỏ lá,  gạn lấy nước, chế nước tro bếp, vôi, khuấy đều, để qua đêm, gạn nước trong, lấy phần cao chàm lắng xuống dưới, đặc, dẻo như bùn non. Khi nhuộm, pha cao chàm với nước lá chua đun sôi, nước tro lọc, thấy nước chuyển màu vàng, bọt đen, cho sợi vào nhuộm thử. Màu chưa đẹp, bỏ thêm cao chàm cho đủ độ màu. Nước nhuộm bị thối, thì lấy rượu, nước tiểu trẻ em, nước lá chua khử mùi, sao cho nước nhuộm ăn sợi hơn. Để nhuộm màu vàng, người ta chặt lấy vỏ Phặng, cạo lớp vỏ bẩn bên ngoài, giã nhỏ, đun với 3 bát nước cho cạn, còn 1 bát, chờ nước ấm cho sợi vào nhuộm 3 lần, giặt bằng nước trong, phơi ở chỗ râm cho đều màu. Để nhuộm màu đỏ, người Lào đun hạt Mắc sét bằng nước tro lọc, đợi nước sôi, cho sợi vào đun khoảng 5 phút, vớt ra để nguội, giặt sạch bằng ruột quả bí xanh và nước trong, phơi khô. Ngày nay, cư dân sử dụng màu công nghiệp để nhuộm sợi. Sau khi nhuộm sợi, phụ nữ Lào dàn sợi, nối sợi, lên go. Công việc này phải làm xong dứt điểm trong ngày, không để sợi nối dở qua đêm. Nếu nghỉ giữa chừng thì phải đặt cái chổi, cái kéo hoặc con dao đè lên các đầu sợi, vì họ sợ các con ma làm rối sợi. Trường hợp sợi bị rối, phải cúng bằng cơm trộn muối, đuôi cá nướng, người cúng phải cầm kéo, cầm chổi làm phép đuổi ma đi. Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Lào gồm chăn, áo, váy, khăn. Mỗi sản phẩm có nhiều hoa văn tinh xảo, với hình muông thú như voi, hổ, hoa lá, cỏ cây, hình tam giác, hình thoi, cầu vồng, hình quả bầu, con rồng và các dải màu xanh, đỏ, vàng. Mỗi hoa văn mang ý nghĩa khác nhau: hình người cưỡi voi – con vật biểu tượng của đất nước “vạn tượng” xưa; hình chùa tháp gắn với tín ngưỡng thờ Phật; hình con hổ nhắc nhở con cháu không được giết hổ…Nghề dệt của người Lào ở một số nơi cũng đã bị mai mộttreo nhiều loại đồ thủ công bằng mây tre, do gia đình tự làm. Nghề dệt của người Lào hiện nay đã bị mai một.

Phương thức vận chuyển

Trước đây, người Lào quen gùi, gánh đôi dậu, đặc biệt giỏi đi thuyền trên sông.  Một số nơi họ còn sử dụng ngựa thồ.. Ngày nay, đồng bào dùng các loại như gùi, bem, xe đạp, xe máy để vận chuyển. Cư dân sống ở dọc các con sông lớn, giỏi xuôi ngược bằng thuyền.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây việc trao đổi chủ yếu là hàng lấy hàng. Các mặt hàng thủ công có giá trị  được dùng để đổi lấy muối, lâm sản và những đồ dùng thiết yếu. Nhà các chủ làng thường là trung tâm trao đổi mua bán. Ngoài hàng đổi hàng, trước đây người Lào dùng vật ngang giá là vỏ ốc (Pươc hoi) về sau vật ngang giá là bạc, sản phẩm chăn nuôi. Tiêu ít thì dùng ngân bia (bạc kéo thành các đoạn nhỏ), tiêu nhiều thì dùng ngân khăn (bạc nén). Ngày nay, đồng bào trao đổi bằng tiền.

Văn hóa mặc

Thanh niên dân tộc Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn, tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc phạ-xạ-rông (khăn dài) màu hoặc kẻ ô. Những ngày lễ hội quan trọng, họ mặc y phục dân tộc là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái, quấn chiếc phạ-nhạo-nếp-tiêu màu sắc sặc sỡ và quàng chiếc phạ biềng (khăn) chéo qua ngực. Trong cuộc sống hàng ngày, họ dùng loại khăn phạ-phe, loại vải kẻ ô màu trang nhã, có thể làm khăn tắm, che đầu, quàng cổ…Đàn ông dân tộc Lào thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm. Áo có hàng cúc làm bằng vải hoặc gỗ giống như áo của đàn ông người Thái.

Thiếu nữ Lào trên 10 tuổi phải bới tóc (chưa có chồng thì búi lệch, có chồng rồi thì búi thẳng), đội khăn (khạt húa), hai đầu thêu hoa văn bằng chỉ màu, với các mô típ quả trám, răng cưa, tám cánh; ngoài 50 tuổi, họ thường cắt tóc ngắn. Theo tập quán cổ truyền, phụ nữ dân tộc Lào thường mặc áo, váy và thắt. Áo có sự phân biệt về tên gọi theo lứa tuổi. Áo của thiếu nữ là sửa phú nhính”, được thêu hoa văn rực rỡ. Áo của bà già là sửa phú thây”, ít trang trí hoa văn. Áo (sửa phú nhinh) của phụ nữ là áo ngắn, may kiểu tứ thân xẻ ngực, cổ liền với nẹp ngực áo, không có cúc cài, khi mặc vắt chéo hai vạt và buộc thắt lưng. Váy (sỉn sửa) là loại váy ống, may bằng  4 mảnh vải chàm và thổ cẩm. Cạp váy (hóa sỉn) được khâu ghép từ hai mảnh vải, một mảnh màu chàm, một mảnh là vải thổ cẩm. Thân váy (tô sỉn) dệt trang trí nhiều đường thêu hoa văn pha kim tuyến, chạy ngang thân. Chân váy (tin sỉn) được thêu các mô típ: tam giác nhỏ, hoa bầu (mác tàu lãm), hình hai con rồng đầu ngoảnh ra hai bên, đuôi cuốn vào nhau, hình thoi, hoa sao ( loóc lao), cầu vồng (thỏng hung), hoa văn dải các màu, dùng thắt lưng (xạ eo) màu chàm xanh (mau sỉn). Hiện nay, phụ nữ dân tộc Lào thường mặc váy truyền thống kết hợp với những chiếc áo có kiểu dáng hiện đại.

Văn hóa ẩm thực

Cây lương thực chủ yếu của Lào là lúa nếp và lúa tẻ. Bữa ăn của họ thường có cá, thịt nướng và gỏi, cùng những quả đắng, chua, chát như chuối xanh, me. Thức ăn được người Lào ưa thích là cá, ốc, ếch, tôm, tép và thịt các loại thú rừng, nhưng loại thịt được xếp hàng thứ nhất là thịt trâu, thịt bò. Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn. Pà-đẹc (mắm cá) được dùng nêm vào các món ăn. Món lạp được dùng trong các bữa cơm lễ hội và tiếp khách. Trong bữa cơm, dù thức ăn nhiều hay ít, thì khách đều phải ăn mỗi thứ một ít cho hài lòng gia chủ nhưng cũng phải để lại một ít cơm, xôi để tượng trưng cho sự no đủ, thừa thãi. Người Lào cũng uống rượu cần, hút thuốc bằng tẩu, gỗ chạm khắc rất đẹp.

Văn hóa ở

Bản làng người Lào lùm được lập ở bên các con sông, suối, thuyền bè xuôi ngược dễ dàng. Trong bản hầu hết là nhà sàn gỗ, lưng tựa vào núi, mặt quay ra suối và cả bản đều làm nhà theo một hướng, nối tiếp nhau theo dòng sông, suối. Trước đây gầm sàn thường đặt khung cửi, để nông cụ, nhốt gà, lợn, trâu, bò. Sau năm 1945, hưởng ứng phong trào vệ sinh phòng bệnh, chuông trâu, bò đã được chuyên khỏi sân nhà. Ngày nay, nhiều gia đình dùng gạch để xây tầng trệt của nhà sàn, làm kho chứa lương thực và để đồ dùng gia đình. Mọi sinh hoạt khác như ngủ, nghỉ đều được tổ chức ở tầng 2. Trên mặt bằng tầng 2, phía ngoài là nơi ăn uống, bếp núc và sinh hoạt, phía trong là một dãy buồng riêng nơi nghỉ ngơi của cha mẹ, con cái. Nếu nhà của trưởng họ hay thầy cúng còn có một buồng riêng để thờ cúng. Con cháu, phụ nữ, khách lạ tụyệt đối không được vào căn buồng này. Khi nằm nghỉ ngơi phải năm theo chiều giát nhà. Chú ý không ngồi lên các ghế mây tròn nhỏ quanh bếp hoặc vào các buồng ngủ, nếu không được sự đông ý của gia chủ.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Theo nguyên tắc hôn nhân thuận chiều. Con trai phía họ Dinh Xao được phép và khuyến khích lấy con gái phía họ Lung ta, nhưng nghiêm cấm lấy ngược lại. Không có tục hôn nhân anh em chồng hoặc hôn nhân chị em vợ. Gia đình của người Lào dù lớn hay nhỏ mang tính phụ quyền rõ rệt mặc dầu người phụ nữ vẫn được đề cao. Sau hôn nhân, có tục ở rể. Gia đình của họ thường bền vững, ít có trường hợp đa thê, ngoại tình hay ly dị. Quan hệ trong mỗi nhà thường hoà hiếu, con cái được chăm sóc như nhau không phân biệt trai gái. Hôn lễ của người Lào gồm một lễ phụ (lễ bắn tin) và hai lễ chính là lễ hỏi (ngăn mản) và lễ cưới (ngan viva). Sau khi 2 gia đình gặp gỡ, thống nhất việc cưới xin của đôi trẻ , bố mẹ, gia đình hai bên sẽ bàn bạc, thoả thuận các điều kiện, cách thức tổ chức và quan trọng hơn là chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ. Trước kia lễ hỏi được coi là lễ quan trọng trong hôn nhân mà theo đúng nghi thức, gia đình chú rể phải chuẩn bị một số lễ vật gồm: Khà Khuôn phí (lễ vật cúng Thần Hoàng, nơi nhà gái đang cư ngụ). Giá trị của lễ vật sẽ được quy định tuỳ theo hoàn cảnh và thành phần trong xã hội của gia đình hai bên. Khà Đoòng (lễ vật thách cưới) được coi như của hồi môn để đền bù cho công sức nuôi dưỡng của gia đình nhà gái. Đây là nghi thức không thể thiếu mà nhà trai phải nộp cho gia đình cô dâu. Của hồi môn có thể được tính bằng tiền, vàng ta, đá quý, đất đai nhưng không có quy định cụ thể về số lượng. Thông thường những gia đình giàu có hoặc có con gái xinh đẹp sẽ đưa ra mức vật chất thách cưới rất lớn. Số lễ vật thách cưới được nhà gái giữ hoặc giao lại cho hai vợ chồng với điều kiện: sau một thời gian chung sống, gia đình phải hoà thuận, người chồng hết mực thương yêu vợ. Ngày nay lễ hỏi được tổ chức đơn giản hơn rất nhiều nên việc chuẩn bị các lễ vật cũng chỉ là hình thức. Nhà trai chỉ phải chuẩn bị lễ vật thách cưới và nhà gái lại trao khoản hồi môn đó cho đôi vợ chồng để họ có điều kiện tạo lập cuộc sống riêng sau hôn nhân.

 Người Lào có lệ tổ chức cưới vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 3 theo lịch Lào. Chọn được ngày lành tháng tốt – ngày trăng rằm hàng tháng, hai gia đình sẽ tổ chức cưới tại nhà gái, trong một ngày, gồm các bước: Haih- Khởi (lễ rước rể), phái đoàn nhà trai gồm bạn bè, họ hàng sẽ rước chú rể đến nhà cô dâu, theo tục gửi rể. Chú rể sẽ sinh sống ở nhà cô dâu. Su- khoắn ( lễ buộc chỉ cổ tay), để chúc phúc cho đôi trẻ. Nghi lễ Su- khoắn thường được diễn ra ở nơi trang trọng nhất trong nhà, thường là gian khách, cô dâu chú rể được làm lễ, chính thức trở thành vợ chồng.

Tập tục tang ma

Trong phong tục ma chay, người chết được làm lễ và chôn cất chu đáo. Riêng người đứng đầu mường, bản dưới chế độ cũ khi chết thì thiêu xác. Tục thiêu xác chỉ thực hiện đối với người đứng đầu bản (chầu bản). Các trường hợp khác đều thổ táng. Lễ thiêu xác chầu bản do chẩu hua (ông sư) chủ trì với các nghi thức Phật giáo đã được hoà nhập và cải biến hợp với truyền thống tộc người. Người Lào không khóc trong các đám tang, bởi họ quan niệm sự chết chỉ là quá trình thay đổi thế giới.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Lào tuy theo Phật giáo nhưng ở các bản đều không có chùa. Ma bản được cúng ở một gốc cây trong bản. Lễ cúng này mang tính chất như một lễ cúng thần, cầu mong mùa màng tốt tươi, bản làng phồn thịnh, nhưng lễ vật lại đượm tính Phật giáo, chỉ là hoa quả, chuối, bánh và đặc biệt không có thịt gà, lợn. Người Lào cũng có tục cúng tổ tiên vào dịp đầu năm mới. Hàng tháng, vào ngày rằm và ngày ba mươi, người Lào vẫn giữ tục lễ lên tháp theo nghi thức Phật giáo, lễ vật chỉ có hoa quả. Ngoài ra, đồng bào còn có nhiều nghi lễ khác liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa, tục ăn cơm mới, cầu yên. Lễ cầu yên (Xù-khoẳn) phổ biến trong các bản của người Lào. Không gian lễ chỉ có cây nến, bông hoa, bát gạo, sợi chỉ trắng là có thể làm lễ xù-khoẳn (vía trở lại). Mâm lễ (pha-khoẳn), người làm lễ (mỏ khoẳn) và nội dung cầu mong trong lễ (xụt-khoẳn) là các yếu tố có ý nghĩa có ý nghĩa cả về tâm linh và nghi lễ. Lễ buộc chỉ cổ tay (Phục-khẻn), chỉ cần lễ vật là quả trứng luộc, quả chuối chín, nắm gạo, sợi chỉ trắng nhưng với nghi lễ của mình, người Lào buộc chỉ vào cổ tay khách và thể hiện sự chân thành, thận trọng và tin tưởng.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Lào có vốn văn hóa văn nghệ dân gian phong phú. Trong bản, có những ông mo giỏi chữ, biết nhiều truyện thần thoại, truyện cổ tích và dân ca. Truyện kể ở đây đặc biệt pha lẫn của Thái và của Lào. Các sách trên lá cọ rất phổ biến ghi lại những truyện Lào quen thuộc cũng như những điệu khắp, những câu ca Thái trữ tình. Phụ nữ Lào múa giỏi, hát hay. Điệu múa lăm vông cũng thường được biểu diễn tiếp liền các điệu xòe Thái. Đệm cho múa xoè là các loại nhạc cụ như trống, chiêng và khèn. Trống có 2 loại Công va Cống. Cống là loại trống dài gần một mét, tang trống bằng cả thân gỗ, đục rỗng, hai đầu bịt bằng da trâu hay bò, có đường kính khoảng 4,5m, tiếng Cống đục và vọng gần. Còn Công là một loại trống lớn hơn, dài từ 1,5 đến 3m, đường kính 5 – 7m, bịt bằng da bò, tiếng trong, gọn và vang xa hơn. Ngoài trống, khèn bè là nhạc cụ quan trọng nhất của người Lào. Ngoài đệm cho khắp, xòe, các nghệ nhân còn thổi các điệu dân ca quen thuộc nh­ư sài peng (tình tự), pay căn (chia tay), khắp chiêu (hò), báo sao (trai gái), loong tông (xuống đồng)… Ngày nay, chiếc khèn bè của người Lào trở thành người bạn đồng hành với các chàng trai, cô gái Lào khi bày tỏ tình yêu, là biểu hiện tình cảm sống động, chan hòa của cộng đồng, khẳng định bản sắc tộc người.

Tết, lễ hội cộng đồng

Ngoài những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc thể hiện qua những sinh hoạt thường ngày, đồng bào Lào còn có nhiều những lễ hội truyền thống thú vị, độc đáo như tết Bun Pi May (vào tháng 4 âm lịch hàng năm), lễ cầu mưa (Xo Nặm Phôn), ăn cơm mới, cúng bản. Tết Bun Pi May: vào ngày đầu tiên của Tết Lào, người ta chuẩn bị nước thơm và hoa từ hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm để tổ chức té nước cầu may, nhảy múa.  Lễ cầu mưa (Xo Nặm Phôn): của người Lào được tổ chức vào thời điểm có gió phơn (gió Lào) mang hơi nóng như rang phả vào mặt, làm táp lá lúa và làm cho các hồ ao, nơi dự trữ nguồn nước tưới cạn kiệt. Từ sáng sớm, chiêng trống nhà trưởng bản (Chảu sửa), chủ hộ giữ hồn áo người đầu tiên dựng bản thúc liên hồi, thay cho lời mời gọi. Tối trước những phụ nữ trong bản đi thăm đồng, thăm nguồn nước, bàn với trưởng bản chuyện tổ chức lễ hội cầu mưa nhằm gọi cái nước của trời làm mát lòng đất mẹ, nuôi cây lúa thêm bông. Dự hội, trừ Chảu sửa là nam, tất cả là nữ (mỗi gia đình 1-2 người), cuốn tóc cao trên đỉnh đầu, nhịn đói, trèo đèo, lội suối tìm đến đầu nguồn nước, để tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu thần linh  ban phát mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tốt tươi. Dọc đường đi, nhóm phụ nữ xin ăn từ những chủ hộ làm ăn phát đạt năm trước, giáo dục con cháu theo truyền thống dân tộc, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc. Họ mang theo lồng gà (đan bằng mây tre) buộc vào đòn tre do 2 người khiêng. Đến trước cửa những gia đình làm ăn may mắn năm trước, họ dừng lại, gọi chủ hộ. Khi chủ hộ mang xôi (khẩu ón), bánh chưng (khẩu tổm) xuống cầu thang, người đại diện nhận và cúi chào theo phong tục (tay chắp trước ngực) cám ơn. Chủ hộ đã chuẩn bị sẵn chậu nước lấy từ đầu nguồn té vào đám người đi lễ hội, nước bắn càng cao, người đi hội ướt càng nhiều thì càng may mắn, lễ hội càng hiệu nghiệm. Xin ăn qua 3 – 5 nhà, nhóm người đi đến đầu nguồn nước, nơi những tảng đá to nơi dòng suối bị cạn trơ tận đáy để tổ chức lễ hội. Mọi người quây quần ăn sáng, những thanh nữ (con gái chưa lấy chồng, độ tuổi trăng tròn) được chọn làm người té nước. Nước từ đầu nguồn té càng cao, phụ nữ tham gia lễ hội ướt càng nhiều năm đó thời tiết diễn biến càng thuận: Mưa làm tan những cơn khát của đất, cây lúa đang thì con gái được mưa ví như Phát cờ mà lên. Sau lễ hội cầu mưa, phụ nữ xuống suối tắm mát, rồi mới trở về nhà mong cho sấm truyền, cơn mưa rơi xuống. Đêm đó, già trẻ gái trai cả bản tụ hội đốt lửa, múa lăm vông, mừng lễ hội cầu mưa tổ chức linh nghiệm.

Lễ Căm Mương” (kiêng bản, kiêng mường) là tết năm mới của người Lào, tính theo Phật lịch từ 15/3 đến 20/3 âm lịch, cũng là lúc chuẩn bị bước sang một mùa vụ mới. Nghi lễ cúng tế bắt đầu vào 13h chiều ngày 15/3 Âm lịch hàng năm. Chảu sửa (người cao tuổi), chảu chẳm (thầy cúng), người giúp việc mang đồ lễ đi cúng. Theo sau, có một số người khiêng chiêng, trống, vừa đi vừa đánh từ nhà chảu sửa lên đến nơi thờ cúng. Chảu chẳm khấn: “Mời thần cai quản bản mường, thần bảo trợ vùng, thần sông, thần suối, thần rừng, những người đã mất, những linh hồn cù bất cù bơ không nơi nương tựa… về chứng kiến và hưởng lễ vật mà dân bản dâng lên nếu tất cả đã tụ tập về đầy đủ thì hãy cho hai mảnh gỗ tung lên, rơi xuống một nửa úp một nửa ngửa; Ông đốt hai ngọn nến sáp ong, mời rượu các thần linh, tổ tiên, các vị thần linh cai quản, những người có công bảo vệ bản làngvề dự hội. Vào năm mổ bò, thầy cúng mời rượu bảy lần, năm cúng lợn thì chỉ mời năm lần; lễ tạ ơn – nghi lễ chính của Căm mương có bò (hoặc lợn) vật hiến tế người có công sáng lập nên bản; cầu an cho dân làng. Kết thúc buổi lễ, những người khiêng và đánh chiêng, trống đi trước để rước thần về chung vui, rồi treo ở xà nhà Chảu sửa. Mọi người sẽ thay phiên nhau đánh chiêng, trống hết ngày lễ. Ngoài các nghi lễ trên, diễn ra đồng thời với lễ cầu mưa (ý lúm, ý lang) do phụ nữ thực hiện. Ngày thứ hai, (16/3 Âm lịch), họ tập trung đến nhà Chảu sửa ăn uống và hát giao duyên. Hát giao duyên được chia thành hai đội một bên nam, một bên nữ, mỗi bên sẽ cử một người ra hát và đối đáp lại. Nếu thấy mình không thể trả lời được câu đố của đối phương, người khác trong đội đối lại cho đến khi tan cuộc. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên qua những đêm hát giao duyên đó. Nếu thanh niên nam nữ hát giao duyên với nhau, thì tầng lớp trung niên, người già hát chúc mừng nhau một năm qua mùa màng bội thu và cầu chúc cho năm tới mọi người đều mạnh khỏe, được nhiều thóc lúa… Múa là phần không thể thiếu trong lễ hội, chủ yếu là điệu múa truyền thống của người Lào. Sau khi đủ ba người đánh trống, đánh chiêng, đánh ché, một số người gõ ống nứa… tất cả những người còn lại sẽ nhảy múa theo nhịp chiêng, trống, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người chia từng đôi cùng múa điệu “lăm vông”. Các trò chơi dân gian được tổ chức vào ngày thứ 3 (ngày 17/3 Âm lịch), gồm các trò: mác ý tò (cầu mây), phăn viêng (một hình thức đấu võ), tó lasa (rùa ấp trứng), tó má lẹ (trò chơi bằng hạt đậu rừng), tó mác sáng (chơi đánh cù/quay), Ngu kin khiết (trò chơi rắn bắt ếch), Tọt con (ném còn)… Trò chơi của người Lào không đơn thuần là giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tết Khảu hó (cơm gói) của người Lào là một nghi lễ rất quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, cộng đồng có vụ mùa bội thu. Khi các cánh đồng lúa đã ngả màu vàng nhạt, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới. Ngày tết Khảu hó, gia đình cử một người phụ nữ – thường là người vợ của chủ nhà chuẩn bị xôi, cốm, gà, vịt… để gói Khảu hó. Trong mỗi gói Khảu hó sẽ có 1 hoặc 2 miếng thịt. Số lượng gói Khảu hó sẽ tùy thuộc vào lượng khách mà gia chủ mời đến dự. Từ sáng sớm, nam giới trong bản đã kéo nhau sông Nậm Núa để chia thịt trâu.Trước đây, trâu cả bản cùng nuôi chung rồi mổ trâu, chia đều. Riêng đầu sẽ thuộc về chủ của con trâu. Đồ lễ được bày thành hai mâm, một mâm cúng ma nhà được đặt trong gian chính của nhà và một mâm cúng nhà ngoại được đặt ở ngoài sân. Trên cả 2 mâm cúng đều có các gói Khảu hó, một bát thịt gồm đùi và đầu gà, 2 chén rượu, 2 chén nước và 5 loại quả.  Thầy mo ngồi trước mâm cúng gọi các đời tổ tiên, các vị thần về ăn Tết Khảu hó với gia đình và cầu mong tổ tiên, các vị thần phù hộ cho gia đình được may mắn. Khi cúng xong là đến nghi thức trao lộc cho mọi người về dự lễ. Chủ nhà mang mâm lễ xuống, lấy các gói Khảu hó chia đều cho tất cả mọi người trong mâm với lời cầu chúc cho gia đình những điều tốt đẹp nhất, chúc cho cây trồng, mùa vàng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Rồi lần lượt từng người một mở gói Khảu hó ra, nếu trong gói Khảu hó có 1 miếng thịt thì uống 2 chén rượu, còn nếu có 2 miếng thịt thì uống 3 chén rượu. Chốc chốc tiếng cười lại rộ không ngớt khi đến lượt ai đó mở Khảu hó.