Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Mông có 1.068.189 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Mông cư trú chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An… Đến những năm 1980, 1990 một bộ phận dân cư đã di cư vào các tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Người Mông còn có tên gọi là Mèo (Miêu), gồm các nhóm địa phương: Mèo Hoa, Mèo Xanh, Mèo Đỏ, Mèo Đen, Ná Mẻo (Na Miẻo), Mán Trắng, Miếu Ha.
Ngôn ngữ: tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, ngữ hệ Mông-Miền
Sản xuất nông nghiệp
Người Mông là cư dân nông nghiệp. Họ rất thạo việc canh tác nương rẫy kết hợp với trồng lúa nước. Nương rẫy có 2 loại: nương đất và nương thổ canh hốc đá (đất xen lẫn đá). Đồng bào gùi đất từ chân núi đổ vào các hốc đá, xếp đá thành nương để trỉa bắp, trồng rau. Trên nương thổ canh hốc đá, người Mông trồng ngô, lúa, lúa mạch và các loại rau. Đàn ông Mông khéo léo chế tác ra chiếc lưỡi cày độc đáo, có dáng nhỏ, mũi cong, bền, sắc bén, cứng, dùng bắp cày ngắn, to, chắc, có thể cày dễ dàng trên nương đá. Người mông có kỹ thuật thâm canh, xen canh ngô với nhiều loại cây trồng khác: Dưa, bí, đậu tương, rau cải…. đồng thời có kinh nghiệm chọn lọc và duy trì các loại giống cây để gieo trồng các vụ sau. Quanh vườn nhà, đồng bào còn trồng các cây ăn quả như táo, lê, đào, mận,
Bên cạnh nương rẫy, ở nhiều vùng, người Mông có kinh nghiệm bạt núi, tạo thành những bậc thang để có thể giữ nước trồng lúa. Trình độ trồng lúa nước trên các thửa ruộng bậc thang của người Mông đạt trình độ cao, tuân thủ nghiêm ngặt thời vụ, biết dùng cày, bừa và sức kéo trâu, bò làm đất, biết sử dụng phân chuồng bón ruộng. Người Mông chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, ngựa. Ngựa là phương tiện vận chuyển rất có hiệu quả trên vùng cao núi đá. Phương pháp chăn nuôi là chủ yếu.
Kinh tế tự nhiên
Người Mông trú trọng khai thác lâm thổ sản từ rừng gồm: các loại rau rừng: hoa chuối, đọt cây móc, rau dớn; các loại nấm: nấm hương, mộc nhĩ, nấm “Chế do“ -mọc trên tổ mối và nấm “Chế tiết”, có thể, nhìn vào hình dáng, biểu hiện của nấm mà đoán trước được trời sẽ mưa hay nắng trong vòng 3 ngày. Nam giới Mông giỏi săn bắn bằng súng kíp, và đặt bẫy để bắt các loại thú rừng: Sơn dương, gấu, nai, hoẵng, lợn rừng và các loài thú nhỏ như cầy, chồn, sóc. Người Mông thường đi săn thành từng nhóm; những thành viên trong nhóm thường là người của cùng một bản. Thú rừng săn được mang chia đều cho mọi người; riêng người bắn phát súng đầu tiên hạ gục con thú thì được chia cái đầu. Người Mông cũng biết sử dụng một số loại bẫy như: bẫy kiềng, bẫy bằng dao (để bắt thú lớn), hoặc dùng tảng đá lớn để bẫy chuột. Ngày nay, do mật độ các loài thú lớn đã giảm, hoặc không còn nữa, nên các hoạt động săn bắn ít xảy ra, hơn nữa, chính sách bảo vệ rừng đã dần tác động đến đồng bào, không phá hoại tự nhiên, bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh thái trong vùng. Hiện tại, người dân chỉ tiến hành săn bắt các con vật nhỏ như: chuột, chồn và cầy.
Nghề thủ công
Người Mông phát triển nhiều nghề thủ công như: dệt vải lanh, in hoa sáp ong, thêu thùa, rèn, đúc, khoan nòng súng kíp, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, làm giấy bản, đan lát, làm đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân trong vùng. Người Mông chủ yếu là thợ thủ công bán chuyên nghiệp, nhưng họ lại có khả năng làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, nòng súng, đồ đựng bằng gỗ ghép, đồ trang sức, váy, áo, gùi, chậu…. Nghề đan lát chủ yếu sử dụng nguyên liệu cây trúc để làm ra các loại: gùi lưng (lù cở) gùi hàng (cang chủa), thúng, mâm, rá, địu hàng…Trong đó, gùi (Lu cở) là đồ đan đặc sắc nhất, kỹ thuật đan lóng mốt là chủ yếu, nhưng đồng bào có cách bẻ uốn nan, vặn mép đáy, mép miệng rất chặt chẽ, chắc chắn, độ bền cao. Gùi được người già, con trẻ, nam giới, phụ nữ ưa dùng, khi đi nương, đi rẫy, lúc đi chợ. Họ có thể gùi, cõng tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống hàng ngày: Bắp ngô, hạt thóc, ý dỹ, củ khoai, nắm rau, xâu ớt, bó củi, cũng có khi là lâm thổ sản từ nhà mang ra chợ bán. Đồng bào nơi đây còn đan gùi hàng cho ngựa (cang chủa). vận chuyển những vật nặng. Nghề dệt vải lanh đã hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết nối, se sợi lanh, dệt vải, in sáp ong… phục vụ cho cuộc sống gia đình. Nguyên liệu dệt là cây lanh. Lanh được trồng trên nương đất tốt ven chân núi, trong các thung lũng nhỏ hay vườn cạnh nhà để tiện chăm sóc. Lanh gieo khoảng tháng 3 – 4 âm lịch và thu hoạch vào tháng 5 – 6 âm lịch. Thời gian thu hoạch không quá 70 ngày kể từ ngày gieo hạt, nếu để quá, sợi lanh sẽ khó se và dễ đứt. Lanh thu hoạch, đem về phơi nắng cho cây khô nỏ, phân loại lanh theo 3 cỡ: thân to, thân nhỡ và thân nhỏ. Sau đó tước vỏ lanh thành sợi. Việc chế biến sợi lanh phải được thực hiện trước khi có các đợt gió mùa đông bắc về, nếu để quá thời gian, gặp gió lạnh sẽ bị khô sợi, giảm độ bền, sợi nát, khó nối. Lanh sau khi đã tước vỏ, phơi khô, được chia thành những chùm sợi đều nhau, cho vào cối giã, cho lớp vỏ ngoài bong ra, sợi mềm và xơ mới tước và nối sợi. Đây là công việc mất rất nhiều thời gian, nên đi nương hay đi chợ, chị em đều tranh thủ nối sợi. Khi nối, sợi lanh tước làm đôi, hai đầu sợi lanh đựơc xoắn vào nhau, hai đầu sợi đã xoắn được vê dọc theo chiều dài của sợi lanh về hai phía. Khi nối được một đoạn họ cuộn vào lõi cuốn sợi làm bằng ống tre dài khoảng 15 cm có tay cầm đan bằng mây. Sau khi nối, xong, ngâm nước cho mềm, se sợi bằng guồng quay. Suốt đầy, tháo suốt và thay ống suốt khác để sợi dễ cuốn và không bị rối. Ngâm sợi lanh vào nước lã 15 phút cho nước ngấm đều, rồi chạy sợi trên khung lồng chỉ, ước lượng con sợi khoảng 3kg thì tháo ra, đem luộc bằng nước có hòa tro củi (tỷ lệ 3 kg sợi hòa với 2 kg tro củi). Nước sôi khoảng 30 phút, sợ chín, trở đều, vớt ra và ủ kín bằng ni lông qua đêm. Nếu tro tốt, sợi sẽ bong hết vỏ xanh chỉ còn màu trắng, tro xấu phải luộc lại lần hai. Luộc xong, giặt sạch sợi, phơi khô, đưa vào guồng để cuốn thành các ống sợi. Dệt vải lanh cũng như dệt vải bông phải qua công đoạn dàn sợi, lên go, mắc cửi khá phức tạp. Tuỳ theo tấm vải dài ngắn, khổ rộng hay hẹp, người ta dàn sợi dọc nhiều hay ít. Nếu muốn dàn sợi dọc, lên go dệt vải có khổ rộng 50 cm cần mắc đủ 840 lượt sợi, vòng quanh 22 chiếc cọc đóng đối diện nhau thành hai hàng, sau đó mới luồn go và đưa lên khung để dệt. Khung dệt vải lanh của người H’mông đơn giản, có khung liên kết các bộ phận, thanh căng, lược nén, go, trục cuốn sợi, trục cuốn vải, chân đạp guốc và chỗ ngồi. Khi dệt, người thợ ngồi trên một thanh gỗ bắc ngang khung dệt, vòng dây căng qua lưng, rồi buộc vào hai đầu của trục cuộn vải phía trước bụng để kéo căng sợi, dùng chân điều khiển bàn guốc (nối liền với cần sợi) để tách nhịp sợi so le, đồng thời tay luồn thoi giữa hai hàng sợi đưa sợi ngang qua lại, dùng lược nén sợi dập mạnh cho các sợi ngang khít lại với nhau. Một người dệt nhanh trong một ngày được 5m vải, chỉ đủ để may một chiếc váy. Tấm vải lanh dệt xong, đem nấu trong nước tro bếp nhiều lần để tẩy trắng, sau đó giặt sạch, nấu với nước có pha sáp ong để hồ vải cho cứng; nếu sử dụng vải màu đen hoặc các màu, người ta nhuộm chàm hay bằng các loại thảo mộc, chủ yếu là các màu xanh lơ, đỏ, tím, vàng: cây Hoàng bá để nhuộm màu vàng, cây Thu để nhuộm màu đỏ, nhuộm màu tím người ta dùng cả 2 loại cây trên pha vào nhau theo một tỷ lệ nhất định… Muốn mặt vải bóng, mịn người ta trải tấm vải lên một phiến đá phẳng, nhẵn và dùng một thanh gỗ tròn lăn đều trên mặt vải nhiều lần. Nghề thêu thùa và in hoa sáp ong: Người Mông mặc y phục truyền thống được trang trí họa tiết thêu, in sáp ong độc đáo như hình con ốc, chữ vạn…Họ có kỹ thuật thêu ở mặt trái để hoa văn hiện lên ở mặt phải. Đồng bào cũng giỏi tạo họa tiết bằng kỹ thuật vẽ sáp ong lên vải lanh rồi đem nhuộm. Đầu tiên họ đun nóng sáp, dùng bút vẽ có cán bằng gỗ, ngòi bằng đồng nhúng sáp nóng chảy, vẽ trực tiếp lên vải, để khô, nhuộm chàm, phơi khô, đun nước nóng tẩy sáp ong. Phần phủ sáp ong sẽ giữ được màu trắng mộc.
Khèn là nhạc cụ có ý nghĩa trong đời sống của đồng bào H’Mông. Khèn chỉ dành cho nam giới thổi trong tang ma, lễ hội, lúc đi nương, đi chợ. Khèn gồm có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau. Những ống này xuyên qua 1 bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với 1 ống trúc khác tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có 1 lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm. Muốn tạo ra âm thanh của ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào hoặc hít ra, khiến lưỡi gà rung lên phát ra âm thanh. Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau. Riêng ống ngắn nhất và ống dài nhất có 2 lưỡi gà song song phát ra đồng âm. Để làm ra một chiếc khèn H’Mông, cần phải có bộ dụng cụ sắc bén gồm 2 con dao, cưa dài, ngắn, các loại đục, khoét lỗ, thông nòng, dùi lỗ, trụ tán ống miệng khèn, mũi sắt để định vị đai khèn, miếng sắt để nung chảy đồng, khuôn đổ đồng, búa tán đồng… Đầu tiên, người thợ vào rừng tìm gỗ cây thông đá, chọn khúc gỗ có thớ gỗ thẳng, không cong vênh về làm bầu khèn. Bên cạnh gỗ, họ còn chọn những cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, chặt về phơi khô, lấy vỏ cây đào rừng để quấn quanh bầu khèn. Cây gỗ sau khi chặt hạ được cắt từng khúc khoảng 80 cm, đem về nhà làm khèn. Từ lúc cây tươi, người nghệ nhân đã phải tạo dáng, cưa đôi bầu khèn, dùng đục khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân khèn lại như cũ, buộc chặt lại bằng vỏ đào rừng để nhựa tự kết dính. Sau đó, cắt ống kim loại (xưa là đồng, nay là nhôm) tán dần ra, một đầu to, một đầu nhỏ làm miệng khèn. Làm xong thân họ làm 6 ống trúc có độ dài, ngắn khác nhau, vót cho ống tròn đều, thông lòng, ướm và đánh dấu kích thước xuyên qua bầu gỗ, khoét lỗ trên thân khèn, lắp vừa bầu, đánh dấu lỗ bấm, vị trí lắp lưỡi đồng, tháo ra lần 1 để lỗ bấm, làm lưỡi gà nhỏ bằng đồng trên từng ống sáo (tại vị trí nằm ở giữa chỗ cắm qua bầu gỗ). Lưỡi đồng được làm bằng cách nấu đồng, tán đồng thành lá mỏng, cắt nhỏ vừa lưỡi đồng để lắp vào ống sáo. Thổi thử từng ống sáo có âm chuẩn mới lắp ráp vào thân khèn theo thứ tự của từng cặp ống sáo. Ống ngắn nhất dùng ống trúc to (tý lúa) là âm cao nhất, trầm dần theo độ dài của ống. Sáu ống quan trọng như nhau, bỏ một ống là khèn không có âm. Trước khi gắn chắc các ống sáo, phải thổi thử khèn, có âm tốt mới gắn cố định. Quy trình làm khèn do nghệ nhân Hoàng Seo Giáo, 56 tuổi, thôn Na Pá, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai thực hiện. Sau khi làm xong chiếc khèn đẹp, âm thanh tốt, nghệ nhân đã thổi thử một bài khèn Tình anh em, tình bạn. Bài khèn thường được thổi khi các bạn tâm giao đến với nhau, bên bếp lửa, vào đêm vắng, sau khi uống rượu, ăn cơm xong, họ sẽ thổi tâm tình với nhau để biểu lộ tình thân ái.
Phương thức vận chuyển
Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Mông là gùi và ngựa thồ. Gùi có 2 loại: gùi có quai đeo và gùi địu hàng. Hiện nay, đồng bào dùng xe máy để vận chuyển.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, kinh tế của người Mông chủ yếu tự cung tự cấp khép kín, hầu như không có trao đổi mua bán, có chăng chỉ là trao đổi hàng lấy hàng. Hiện nay, đơn vị tiền tệ đã được sử dụng trong mua bán. Họ mang các sản phẩm nông nghiệp, nghề thủ công ra chợ bán lấy tiền, mua các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày, thậm chí mua xe máy, tivi, và các thiết bị điện tử trong gia đình. Các chợ phiên của người Mông đặc sắc bở đủ sắc màu thổ cẩm, nông lâm sản, thức ăn đặc thù miền núi, không chỉ thoả mãn cư dân trong vùng mà còn phục vụ khách du lịch muôn nơi.
Văn hóa mặc
Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông gồm: váy xòe, áo xẻ ngực, yếm lưng, tạp dề trước, sau, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp. Hầu hết váy của phụ nữ Mông đều cắt may từ vải lanh, váy hình nón cụt, xếp nhiều nếp xoè rộng. Có thể phân biệt tên gọi các nhóm tộc người qua trang phục phụ nữ. Phụ nữ Mông trắng mặc váy trắng bằng vải lanh, để mộc, không nhuộm chàm hay thêu hoa văn, áo xẻ ngực có thêu hoa văn ở cánh tay và yếm lưng, quấn khăn vành rộng. Nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm, có thêu hoa ở gấu váy. Áo xẻ nách, trên vai và ngực có cạp thêm vải màu, thêu hình hoa văn con ốc. Phụ nữ Mông Hoa để tóc dài quấn quanh đầu, sau đó còn quấn thêm tóc giả. Phụ nữ Mông Đen mặc váy màu chàm, có in hoa văn ở gấu, ngắn hơn váy Mông Hoa, mặc áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay và hò áo. Phụ nữ Mông Xanh mặc váy màu chàm, gấu váy thêu hoa văn hình chữ thập trong hình các ô vuông, áo mở chếch ngực xẻ thẳng về bên nách trái, cài một cúc, cánh tay áo đắp thêm những miếng vải màu đỏ và cổ tay áo có thêu hoa văn. Con gái Mông Xanh để tóc xoã ngang vai, khi lấy chồng mới quấn tóc lên đỉnh đầu và dùng lược móng ngựa cặp ngược tóc về phía trước, trùm khăn trên đầu.
Nam giới các nhóm Mông đều mặc áo xẻ nách và xẻ ngực, thường có 4 túi, cài 4 khuy. Quần ống bó cắt kiểu chân què. Nam giới Mông Sa Pa mặc áo khoác ngoài kép, xẻ ngực không có tay, cổ đứng thiêu hoa văn.
Đồ trang sức gồm: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn đồng, nhẫn bạc, nhẫn vàng. Phụ nữ thích dùng chiếc ô màu sắc đẹp, vừa có tác dụng che mưa, che nắng và làm vật trang sức cho mình, tạo nên nét duyên dáng.
Văn hóa ẩm thực
Người Mông ăn ngày hai bữa, ngày mùa ăn ba bữa trong ngày. Lương thực truyền thống có mèn mén (bột ngô đồ), được chế biến từ ngô hạt đem xay nhỏ, mịn bằng cối đá, vẩy nước, đảo đều tạo độ ẩm vừa phải, cho vào chõ đồ 2 lần, khi có mùi thơm bốc lên là mèn mén đã chín, dỡ ra, để nguội ăn cả ngày. Ngoài mèn mén, người Mông còn ăn cơm, ý dỹ, mạch ba góc. Ngày lễ, tết, dịp chợ phiên, ngoài mèn mén, phụ nữ Mông còn làm các loại bánh bằng bột ngô, gạo, bột mạch ba góc và không thể thiếu món thắng cố đặc trưng, ninh tổng hợp từ các loại thịt, xương lòng trâu, bò, ngựa và các món ăn truyền thống là thịt sấy trên gác bếp, cải xanh xào, luộc, ớt nướng làm muối chấm trong bữa ăn. Người Mông quen uống rượu ngô, rượu gạo, hút thuốc bằng điếu cày.
Văn hóa ở
Người Mông sinh sống quần tụ trong từng bản với vài chục nóc nhà, nhà dựng trên các triền núi cao, hiếm nước, giao thông đi lại khó khăn. Ngôi nhà truyền thống của người Mông là nhà đất ba gian, trình tường đất Khung sườn gồm cột, kèo, xà, xiên, ván, vách ngăn, làm bằng các loại gỗ táu, pơ-mu, thông đá, mái lợp ngói âm dương hay cây đao “tua chông”. Bộ sườn nhà 3 gian có 4 vì kèo (gồm kèo, cột và xà). Mỗi vì kèo có 2 xà ngang và 4 hàng cột, trong đó có một cột chính nằm ở giữa nhà đỡ đòn nóc, 2 cột phụ ở trong nhà và 1 cột ở hiên nhà. Chân các cột hiên có kê đá chạm khắc. Kèo được ráp vào đầu các cột, các cột (tù dế chay) và liên kết với nhau bằng hệ thống xà ngang (táng ngà). Mỗi vì kèo chỉ có một xà ngang nối giữa 3 cột (2 cột phụ và 1 cột cái) trong nhà. Các vì kèo liên kết với nhau bởi các xà dọc tạo thành bộ sườn nhà vững chắc. Bộ khung đỡ mái là các đòn tay bằng gỗ tròn, đặt trên lưng kèo, chạy song song với đòn nóc và cách nhau khoảng 1m. Trên đòn tay là rui, khoảng cách giữa các rui là 20 cm. Nhà được lắp ráp kiểu mộng trơn, gồm các bộ phận: Sàn gác (ngờ thăng) bằng gỗ ván xẻ, ghép liền trên hệ thống xà ngang và các con xiên gỗ chắc chắn. Hiên nhà có 4 hàng cột, được gắn với 4 bộ vì kèo nhà để nâng đỡ mái hiên; Tường trình đất dầy 40 – 60 cm (đất trộn với nước, lấy chân dẫm nhuyễn, nhồi khuôn dần từng đoạn, khuôn trên xếp so le với khuôn dưới. Khi trình tường cao 50-60 cm, dừng lại, chờ đất tường gần khô lại đắp tiếp); Vách trước nhà và các gian được thưng bằng gỗ ván xẻ mộc. Nhà có 2- 3 cửa, một cửa chính ở giữa, hai gian có 2 cửa phụ ở 2 đầu hồi. Tất cả các cửa đều làm bằng gỗ, có trụ bản lề và cửa mở ra phía ngoài nhà. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, trên đó có dán một tờ giấy bản, trổ hoa văn hình tròn, dính nhúm lông gà màu đỏ bằng tiết gà, được làm từ khi tiến hành lễ hiến sinh cúng thần vào nhà mới. Mỗi khi cúng, sắp xếp thêm một cái bàn gỗ, đặt ở phía dưới để bày thịt, rượu, bát hương và ông thầy làm lễ cúng. Bàn thờ ma buồng là mảnh gỗ treo trên vách tường cách mặt đất khoảng 1,7-1,8 m và nằm ở giữa hai giường ngủ. Ngoài ra, trong nhà còn cây cột chính (được coi là cột ma), không được treo bất cứ thứ gì lên đó. Người lạ không được phép sờ tay, nếu đụng vào ma sẽ quở trách, con cháu không yên.
Trong nhà, vị trí ngủ của các thành viên được bố trí rõ ràng, bên phải là buồng ngủ chủ nhà, nơi đặt bếp nấu ăn và để đồ gia dụng. Gian bên trái là nơi ngủ của con dâu, thiếu nữ chưa chồng, nơi đặt bếp nấu nước và sưởi lửa. Nhà của người Mông bao giờ cũng có sàn gác gỗ để cất giữ đồ sinh hoạt và nông sản (lúa, ngô, mạch, ý dĩ, đậu, đỗ…), nơi ngủ của nam giới và khách nam. Trong nhà có một số kiêng kỵ như phụ nữ, con gái không được lên sàn gác, không ai được treo bất cứ thứ gì lên 2 cây cột chính trước bàn thờ, không dùng cây que đánh vào cột, không buộc dây phơi quần áo, đóng đinh, hay sờ vào cột, nếu vi phạm sẽ bị quở trách, có khi bị chủ nhà phạt một con gà để cúng tạ lỗi ma nhà.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Bản của người Mông có nhiều họ cùng sinh sống, nhưng chỉ có một hoặc hai họ giữ vị trí chủ đạo, ảnh hưởng chính tới các quan hệ trong bản. Người đứng đầu bản điều chỉnh các quan hệ trong bản bằng hình thức phạt vạ. Dân trong bản tự nguyện cam kết và tuân thủ quy ước chung của bản về sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ rừng và việc giúp đỡ lẫn nhau. Quan hệ trong bản càng gắn bó chặt chẽ hơn thông qua việc thờ cúng chung thổ thần của bản. Người Mông có nhiều họ như: Giàng , Vừ , Thào , Lầu , Lý… đều coi nhau như anh em, dẫu không chung một tổ. Cũng có nhiều vùng người Mông lấy họ theo tên các con vật, mầu sắc, tên các loại cây, tên đồ vật. Đồng bào rất coi trọng dòng họ, với quan niệm cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, luôn giúp đỡ, cưu mang nhau. Trong một họ bao giờ cũng có một người trưởng họ, có uy tín, am hiểu luật lệ, lí lẽ, được dòng họ tôn trọng, tin nghe. Mỗi khi có vấn đề gì xảy ra trong họ, người ta có thể tìm đến trưởng họ nhờ giải quyết. Mỗi họ lại có quy định, luật lệ khác nhau, mọi người trong họ phải tuân theo quy định, luật lệ đó.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Mông quan niệm về hôn nhân không khắt khe như các dân tộc khác. Anh em trong vòng ba đời nội tộc có thể lấy được nhau hoặc con dà, con dì cũng có thể lấy được nhau. Nếu anh trai bị chết, em chồng được phép lấy chị dâu, ngược lại chị dâu có quyền lấy em chồng là để giữ gìn tài sản và có trách nhiệm nuôi dưỡng các cháu của anh trai. Nếu em chồng đã có vợ thì chị dâu chỉ được làm vợ lẽ. Trong trường hợp gia đình không có em chồng thì chị dâu được phép lấy em họ. Đây là kiểu quan niệm về hôn nhân khép kín từ xa xưa để lại nhằm bảo vệ một cách tuyệt đối về tài sản của họ cho con cháu.
Trước đây, người Mông phổ biến tục kéo vợ rồi mới tổ chức hôn lễ: một nhóm thanh niên từ 3 đến 5 người, tổ chức họp nhau đón đường, kéo người con gái mang về nhà mình (bắt vợ chỉ là hình thức khi hai người đã ưng nhau, nhưng cũng có trường hợp, người con gái không ưng thuận, nhưng bị kéo về). Trong thời điểm người con gái bị cướp, mọi người trong họ hàng, gia đình, anh em không được phép tham gia giải cứu. Sau 3 ngày bị kéo, nếu cô gái không đồng ý, thì xin phép nhà trai cho hai bát rượu – cô gái sẽ bưng mời chàng trai một bát và uống cạn một bát, cảm ơn chàng trai đã yêu thương đến mình, đồng thời cô gái cũng nói lên điều trân trọng của mình với chàng trai đó và xin chỉ làm bạn. Trường hợp cô gái đồng ý làm vợ, nhà trai làm bánh dầy, nộp phạt tiền danh dự, cử em trai và em gái đưa vợ chưa cưới của chàng trai về nhà mẹ đẻ. Sau đó, hai bên gia đình bàn bạc, ấn định ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ thành hôn cho đôi trai gái. Lễ cưới diễn ra gồm 2 bước: Lễ hỏi: bố mẹ chàng trai sẽ nhờ một người đàn ông, gia đình phúc lộc đi làm mối cho con mình “Tua lểnh xa” (người làm mối). Ông mối lấy một lít rượu, để vào sừng trâu “cu nhùng trâu chớ” đến nhà gái hỏi cưới người con gái. Trong lễ ăn hỏi, người Mông có tục cúng “xem chân gà”, tìm hiểu đôi trai gái có hợp nhau không. Nếu nhà gái đồng ý, đi mời một người đàn ông có phúc phận tốt để thay mặt nhà gái thách cưới. Thông thường, người con gái được định giá thông qua giá trị vật chất thịt, rượu, bạc trắng và yêu cầu nhà trai nộp đủ: từ 60 đến 120 đồng bạc trắng, từ 60kg đến 120kg thịt lợn, từ 60kg đến 120kg rượu. Giá trị vật chất nhà gái yêu cầu càng nhiều đối với nhà trai thì người con gái đó càng hoàn hảo về tài sắc. Ngày nay, nam nữ tự do yêu nhau, hiếm khi xảy ra cướp vợ, không xảy ra chuyện thách cưới theo kiểu gả bán, mà chia sẻ cùng xây dựng hạnh phúc hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức tại nhà gái trong vòng 1 ngày 1 đêm. Trong đám cưới diễn ra các cuộc mời rượu, hát đối đáp giữa các thanh niên nam nữ của hai họ.Trước khi về ở hẳn nhà chồng, cô gái sẽ phải thắp hương cúng tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma cột cái… các ma tốt trong gia đình, báo cáo việc con gái đi ở với chồng. Khi về nhà chồng, chỉ tổ chức mâm cơm trong nội tộc và cúng tổ tiên gia đình nhà trai, lễ gia tiên xong, cô dâu chính thức là thành viên nhà chồng.
Tập tục tang ma
Người Mông quan niệm mỗi con người có 3 vía (Plỳ) và 7 hồn (chua lua) (Cầu chua lua – Pê lỳ), hồn chỉ tồn tại khi con người còn sống, còn sau khi chết không còn hồn nữa. Tuy nhiên vía theo quan niệm của người dân vẫn tồn tại: một vía đi lên công quản (lên trời), một vía đi đầu thai thành người mới ở một nơi xa còn một vía sẽ ở quanh quẩn bên người chết và thỉnh thoảng về với gia đình khi có việc hệ trọng. Con người chết đi “Ninh tùa”, từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, là thuận theo quy luật tự nhiên, con cháu bắn ba phát súng để báo hiệu họ hàng, dân bản nghe tiếng súng sẽ đến chia buồn và giúp đỡ. Người chết được con cháu tắm rửa, thay quần áo mới, đặt thi thể người chết lên tấm ván kê giữa nhà, đầu hướng vào cột ma. Người con trai trưởng đi mời Dở mủ (thầy cúng chỉ đường) về làm lễ “khai kế” đưa đường chỉ lối cho linh hồn về với tổ tiên. Gia đình sẽ chuẩn bị một cây nỏ “nỉnh” (làm vũ khí để bảo người chết trên đường đi), một con dao (dụng cụ phát đường) và một con gà (vật chỉ đường) để làm lễ cúng ma. Thầy Dờ mủ làm lễ xong, đội nhạc lễ đánh trống, thổi các bài khèn “khai kế” (chỉ đường), đưa người chết về với tổ tiên. Mỗi người con, cả trai và gái đều phải cho bố mẹ một bộ quần áo mới, một con lợn làm của cải mang về dưới âm tiếp tục làm ăn. Người con trai cả giao lễ vật “treo sáng đù” gồm 1 con lợn đầu tiên, tiếp đến là các con trai thứ, con gái. Sau đó là lễ phúng viếng của họ hàng, bà con trong bản. Nhạc lễ thổi khèn, đánh trống hát thâu đêm để tiễn biệt người chết. Trước khi đi chôn, thầy cúng và hai người thanh niên cầm cành đào, cành mận đập xung quanh nhà làm lễ đuổi ma ngựa ra khỏi nhà, hồi lộc để sau này con cháu yên ổn làm ăn. Người chết được khiêng ra ngoài bãi mổ trâu, người con trai cả dắt trâu, làm lễ điểm chỉ, lấy sợi dây lanh buộc vào dây thừng trâu làm lễ giao trâu cho người chết. Ông cậu thay mặt họ ngoại mổ trâu với ý nghĩa đã nhận lễ vật thay cho người chết. Thịt trâu được chế biến làm lễ cúng chín cho người chết, phần còn lại họ chia cho những gia đình có lễ vật đến viếng để cảm ơn. Sau bữa cơm trưa, con cháu khiêng người chết đi chôn. Ba ngày đầu, mỗi buổi sáng và chiều tối, chủ ma mang cơm, lửa giao người chết ăn với niềm tin người chết tựa đứa trẻ, chưa biết làm ăn. Sau ba ngày, con cháu mang cuốc, xẻng ra sửa sang và rào mộ. Sau 12 ngày, con cháu ra mộ đón linh hồn về thăm lại nhà. Sau một – hai năm, con cháu tổ chức lễ cúng “ùa plì” để hồn người chết ra đi thanh thản. Sau vài năm, gia đình làm lễ cúng “nhù đăng” (lễ mổ trâu) kết thúc lễ tang. Từ đây, con cháu không tổ chức bất cứ lễ cúng nào khác. Chỉ đến các ngày lễ tết, con cháu cúng gọi linh hồn người chết về thăm lại nhà, cùng ăn tết.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Mông tin rằng mọi vật đều có linh hồn và ngôi nhà cũng như vậy. Trong ngôi nhà có thần cửa, thần cột, thần bếp, ma nhà để bảo vệ người Mông trước mọi thế lực. Khi đã ra khỏi nhà, không có các thần bảo vệ nữa, con người dễ gặp phải rủi ro, dễ bị ma quỷ hãm hại. Vì vậy, khi ra khỏi nhà, người ta phải có một con dao hay vật gì đó làm bùa hộ mệnh. Do vậy, ngoài thờ cúng tổ tiên, đồng bào còn thờ các thần bảo hộ gia đình như thần tài (xử cang), thần cột nhà “Bùa đăngz”, thần cửa “Bùa trùngz”, thần bếp lò, thần bếp nấu ăn, thần bảo hộ thầy thuốc, thầy cúng…Đồng bào Mông thờ cúng tổ tiên 3 đời với 3 bát hương trên bàn. Đây là nơi linh thiêng nhất trong nhà, do vậy họ kiêng không ngồi dựa lưng vào vách có chỗ thờ và cột chủ, kiêng ngồi chơi ở khu vực này, nhất là phụ nữ và khách lạ, trên bàn thờ có dán giấy bản, tráng kim ở giữa đóng trên vách, được thay vào dịp Tết hàng năm. Mỗi khi cúng tổ tiên, người ta lấy lông gà chấm vào tiết rồi dán lên tờ giấy bản đó.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Mông có nền văn hoá nghệ thuật phong phú, truyện cổ dân ca chiếm một vị trí quan trọng, gồm nhiều loại (cúng ma, tình yêu, cưới xin, làm dâu, mồ côi…). Vào mùa xuân, các dịp tết Mông ( Khoảng từ 30/11 âm lịch) hay trong các lễ cưới truyền thống người Mông đều hát dân ca và múa khèn. Trong đám cưới, có tục hát đố, hát giải. Nhạc cụ của người Mông gồm có: khèn, kèn lá, đàn môi. Múa khèn trở thành hoạt động tinh thần độc đáo của nam nữ dân tộc Mông trong lễ tết, hội, ngày chợ phiên…Tiếng khèn như lời tỏ tình của các chàng trai gửi tới các cô gái Mông. Trong đám ma, tiếng khèn lại thay cho lời khóc thương người quá cố và tiễn đưa linh hồn về cõi vĩnh hằng.
Khèn là nhạc cụ có ý nghĩa trong đời sống của đồng bào H’Mông. Khèn được thổi lên trong đám tang để báo hiếu ông bà, cha mẹ, tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi ở các dịp lễ hội, đi chợ…, các chàng trai thổi khèn để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa …. Khèn được làm bằng 6 ống trúc dài ngắn khác nhau, xuyên qua 1 bầu gỗ. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có 1 lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm. Muốn tạo ra âm thanh của ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào hoặc hít ra, khiến lưỡi gà rung lên phát ra âm thanh. Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau. Riêng ống ngắn nhất và ống dài nhất có 2 lưỡi gà song song phát ra đồng âm. Ngày hội xuân hay chợ phiên, các chàng trai dân tộc H’Mông thường thổi khèn tìm bạn. Dựa vào tiếng khèn, cô gái có thể biết ý chí, nghị lực, phô diễn tài năng vừa thổi khèn, vừa múa của chàng trai, mà say đắm hòa nhịp múa cùng tiếng khèn của người tình, như lời hẹ ước tình yêu.
Sáo H’Mông, sáo bầu là những nhạc cụ đặc sắc của dân tộc H’Mông, được sử dụng để giải trí sau giờ phút lao động mệt nhọc. Nó được coi là phương tiện giao duyên, biểu đạt tình cảm trong lòng của các chàng trai, cô gái dân tộc H’mông.
Sáo H’Mông cổ truyền làm bằng ống nứa dày hoặc trúc, dài khoảng 20 cm và có đường kính khoảng 0,7 cm. Trên 1 đầu ống có lưỡi gà đồng. Trên thân ống có từ 2 đến 4 lỗ bấm, nằm cùng hàng. Người thổi ngậm cả đầu ống có lưỡi gà vào 1 bên miệng để thổi. Sáo H’Mông hiện đai, người thổi chỉ cần áp vào phần thân ống có lưỡi gà vào miệng, rồi dùng đôi môi bịt quanh lưỡi gà để thổi. Khi thổi, những lỗ bấm được bịt hoặc mở, chúng sẽ phát ra âm thanh cao thấp khác nhau. Để diễn tấu sáo H’Mông, người thổi thường cầm ngang sáo và sử dụng các kỹ thuật rung, đánh lưỡi, phi, nhấn hơi, vuốt và láy.
Sáo bầu về cơ bản có cấu tạo như sáo H’Mông, nhưng nắp miệng thổi của sáo bầu được cấu tạo phức tạp hơn, bao gồm 1 ống bầu (làm bằng vỏ quả bầu khô hoặc quả bầu bằng nhựa, cũng có khi là kim loại), 2 thanh bè (2 thanh bè có gắn lam đồng, nhưng bé hơn, chỉ có tác dụng tạo âm bè, khi mở nút bè, nếu bịt kín, xem như nó không có tác dụng) và một khớp nối để xử lý lam đồng khi gặp trục trặc. Vì phải thổi hơi qua ống bầu to, nên thổi sáo bầu sẽ khó hơn, tốn lực hơn, dễ bị ngắt tiếng, đặc biệt khó thổi các kỹ thuật đánh lưỡi đơn, lưỡi kép, reo lưỡi và rung hơi. Tuy nhiên, cô gái dân tộc H’Mông Hoàng Thu đã thổi rất tài tình, tạo nên âm hưởng trong trẻo, mượt mà, chuyển tải khung cảnh núi rừng thiên nhiên Nghệ An, dẫn nhịp cho các điệu múa cộng đồng.
Độc tấu sáo H’Mông, sáo bầu do Thu Hoàng cùng tốp phụ họa đoàn đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An biểu diễn.
Tết, lễ hội cộng đồng
Người Mông có nhiều lễ, tết trong năm, điển hình phải kể đến là Tết năm mới và lễ hội Gầu Tào.Tết năm mới được tổ chức vào đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn tết Nguyên đán của người Kinh một tháng theo cách tính lịch cổ truyền của người Mông, phù hợp với nông lịch truyền thống. Ngày Tết, dân làng dừng mọi việc đồng áng, tổ chức chơi còn, đánh đu, thổi khèn, ca hát ở những bãi rộng quanh làng. Lễ hội “Gầu tào” được tiến hành vào mùa xuân, do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau cùng tổ chức. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày. Mục đích của lễ hội là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho dân bản, mở hội tạ ơn trời đất, núi sông đã ban cho tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới.
Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ: gia đình mời thầy cúng bói xin mở hội, tổ chức trồng cây nêu tại nơi cao nhất trên đỉnh đồi để tổ chức lễ hội. Dựng nêu xong, gia chủ làm lễ cúng ngay chân cột nêu mời tổ tiên, các thần phù hộ cho mọi thành viên gia đình khỏe mạnh, bình an, kế tục việc làm ăn theo dòng họ. Đồng thời trai bản dựng hai cây gỗ to, bóc vỏ, cao khoảng 10m, bên trên có xà ngang. Tại điểm ngọn được treo một bầu rượu lộc và buộc một sợi dây thừng to thả xuống làm dây leo, cho các chàng trai trong bản thi thố. Kết thúc nghi lễ, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Nơi đây có các lều lợp lá để người già ăn uống chúc tụng, có bãi đất bằng để trẻ em đánh quay, có nơi để các chàng trai, cô gái cùng nhau thi đấu khèn. Kết thúc lễ hội, chủ nhà làm lễ hạ cây nêu, thày mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn, ngụm nước phun ra xung quanh. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời.