Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Cống có 2.029 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào Mảng cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (1.134 người), Điện Biên 871 người.Tại tỉnh Lai Châu, đồng bào Cống sống tại 5 bản: Nậm Khao, Pô Lếch, Nậm Luồng, Nậm Pục thuộc (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè) và bản Táng Ngá (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn). Tại tỉnh Điện Biên, người Cống sống tại các bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé,) bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) và bản Púng Bon, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên).
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Côống, Xám Khống, Xá Xeng, Mâm nhé, Xá… và kèm theo địa danh như: Cống Nậm Kè, Cống Lả Chà, Cống Huổi Moi, Cống Khao (Nậm Khao), Cống vành (vành đai biên giới)…
Ngôn ngữ: Tiếng nói người Cống thuộc ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán- Tạng.
Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: dân tộc Cống chủ yếu canh tác là nương rẫy, kết hợp làm ruộng nước. Phương pháp làm nương rẫy theo lối cổ truyền: phát-đốt -chọc lỗ-tra hạt-chăm bón-thu hoạch. Công cụ làm nương rẫy gồm có: cuốc, gậy chọc lỗ tra hạt, rìu dùng và dao phát. Trên nương rẫy, người Cống trồng các loại cây: lúa tẻ (hàng đù) và lúa nếp (hàng hủ), ngô (poóng), sắn (màn tun), xen canh với: khoai sọ, bí đỏ, bí xanh, cà tím, đậu tương, dưa trắng, ớt, hành, tỏi, gừng, nghệ, xả.. Mùa thu hoạch lúa nương (tháng 8 đến tháng 9 âm lịch), đồng bào thường giúp nhau đổi công Ruộng nước chủ yếu thực hiện ở những nơi có nguồn nước, những mảnh đất thoải, gần sông, suối để khai phá thành ruộng bậc thang trồng lúa nước. Kỹ thuật canh tác đã được thực hiện bằng cách: cày, bừa để làm đất (nam giới đảm nhận); cấy hoặc gieo mạ, làm cỏ, chăm bón (phụ nữ đảm nhận).
Chăn nuôi: Phổ biến là gia súc, gia cầm. Trước kia đồng bào Cống thường chăn thả rông, tự kiếm ăn là chính, không có chuồng trại, nên thường xuyên bị dịch bệnh. Ngày nay, ngoài lợn, gà, họ đều nuôi thêm trâu, bò, ngựa để làm sức kéo và dê, ngan, vịt để cải thiện bữa ăn, làm vật cúng lễ trong gia đình hoặc trao đổi, mua, bán…Nhiều gia đình đã có chuồng nhốt trâu, bò, lợn, gà, vịt… Một số gia đình đã biết đào ao, thả các loại cá như cá rô, cá mè, cá trắm…
Kinh tế tự nhiên
Cho đến nay vẫn tồn tại khá phổ biến và đóng vài trò quan trọng trong cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Cống. Hái lượm là công việc thường xuyên của các thành viên trong gia đình vào những ngày giáp hạt, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Hầu hết đàn ông người Cống khá thành thạo trong việc lấy các loại cây thảo dược mọc trong rừng để làm thuốc dân gian chữa bệnh. Khi gặp các sản vật như tổ ong, trứng kiến.. mà chưa có điều kiện lấy về, người Mảng cũng có tục đánh dấu chiếm hữu bằng hai đường thẳng chéo hình dấu nhân x. Săn bắn, đánh bắt thuỷ sản của người Cống chiếm một vị trí quan trọng trong các gia đình để bảo vệ mùa màng, cải thiện cuộc sống. Xưa kia, người Cống thường có 4 hình thức săn: săn vây, săn rình, săn bẫy và săn nhử. Mỗi khi đi săn họ có tục cúng các dụng cụ săn bắt thú rùng như nỏ, bẫy, súng... Vì mỗi dụng cụ đều có hồn vía “linh thiêng”. Ngày nay, họ ít săn bắn, chủ ếu là đánh bắt cá.
Nghề thủ công
Nghề đan lát (tán) là một nghề phát triển nhất trong các nghề thủ công của người Cống. Hầu như mọi gia đình người Cống đều có người biết đan. Đàn ông đảm nhận các khâu chính như vào rừng chặt cây, chẻ lạt, vót nan và đan. Công cụ dùng để đan lát gồm có: dao, dùi ..Sản phẩm đan lát gồm: bem (pùm) dùng đựng quần áo, mâm ăn cơm, rá (pớ), giỏ đựng cơm (ô kê), giỏ đựng kim chỉ, cót quây thóc (hạ chơ), chiếu mây (khọi a zợ), mẹt, sàng, nong, nia, ghế mây (tăng zợ) …Các nghề thủ công khác như: rèn, dệt, mộc kém phát triển. Sản phẩm thủ công làm ra chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình, một ít sử dụng trao đổi, mua bán.
Phương thức vận chuyển
Người Cống chủ yếu vận chuyển bằng gùi, sọt, gùi đeo trán, ngựa thồ, trâu, bò kéo…Ngày nay, đồng bào dùng các loại như bao dứa, sọt xe thồ, xe đạp, xe máy…để vận chuyển, một số cư dân sống ven sông, suối dùng thêm thuyền độc mộc để đi lại và vận chuyển.
Trao đổi hàng hóa
Người Cống chủ yếu sản xuất phục vụ cuộc sống tự túc, tự cấp. Vì vậy, hoạt động mua bán thường chỉ được diễn ra nhằm trao đổi những mặt hàng lâm thổ sản do đồng bào thu hái được lấy những nhu yếu phẩm, vải, quần áo, công cụ sản xuất cho gia đình. Ngày nay, hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, xã và những người bán hàng rong bằng xe đạp, xe máy.
Văn hóa mặc
Từ xưa, người Cống không biết trồng bông dệt vải. Vì vậy, họ thường phải trao đổi, mua vải của dân tộc Thái sống lân cận, về tự cắt may theo kiểu y phục truyền thống của dân tộc mình. Đàn ông Cống mặc quần (cắt may kiểu chân què, cạp lá tọa, ống rộng. Cạp quần rộng, dùng dây buộc (thơ xóong), áo tứ thân, cổ cao, xẻ ngực, không trang trí hoa văn. Phụ nữ Cống mặc áo, yếm, váy, thắt lưng và đội khăn. Áo nữ là loại áo ngắn, cổ thìa, bó sát người, xẻ ngực, đính hàng cúc bướm kiểu áo cóm của phụ nữ Thái. Tuy nhiên, áo nữ Cống có nét độc đáo riêng, bởi cách trang trí ghép nhiều khoang vải khác màu ở 2 bên tay áo và hò áo. Khăn (tự khọ khọk ai) màu chàm, có đính tua rua và thêu thêm hoa văn (ăng bạt). Váy (tềnh khà) hình ống bằng vải chàm đen, láng hoặc lụa. Cạp váy may hai lớp, để khi dùng dây thắt lưng vải (chộ khạt) buộc giữ váy không bị tuột. Chân váy được dệt may từ nhiều loại chỉ màu khác nhau, tạo nên các họa tiết hoa văn (ăng bạt) là những đường kẻ sọc, màu đỏ. Điểm nổi bật trong y phục phụ nữ Cống là chiếc yếm mặc bên ngoài áo, được trang trí các mảng hoa văn bằng kim loại. Dịp lễ hội, cưới xin, các cô gái Cống thường mặc yếm, váy dệt hoa văn, đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai bằng bạc…
Văn hóa ẩm thực
Người Cống thường ăn hai bữa chính: sáng và tối. Gạo tẻ là lương thực chính, nấu ăn hằng ngày. Dịp lễ, tết có thêm gạo nếp đồ xôi và làm 1 số loại bánh. Ngoài ra, còn có, ngô, sắn, khoai sọ, củ mài, củ mỡ, măng, rau bát, rau dớn, rau tàu bay, bầu bí.…Mỗi loại lương thực, thực phẩm, đồng bào có những cách chế biến khác nhau: luộc, rang, nấu canh gừng hoặc nướng… nhưng luộc vẫn là phổ biến hơn. Người Cống cũng có thói quen ăn các loại côn trùng: ong, kiến, mối, ve sầu, cào cào, châu chấu… đem rang, nướng. Thường ngày người Cống hay uống nước chè, nước nấu từ lá rừng, nước đun sôi để nguội. Người Cống có thói quen uống rượu trong các bữa ăn, nhất là trong dịp lễ tết. Rượu có 2 loại: Rượu trắng được đồng bào nấu từ gạo, sắn và rượu cần.
Văn hóa ở
Bản (khòng hoặc trang phù) của người Cống có vài chục nóc nhà, quần tụ bên sườn đồi, rìa núi, gần các con sông, suối. Trước đây, bản của họ lác đác vài nóc nhà. Ngày nay, các bản có quy mô lớn hơn với vài chục nóc nhà quần tụ gần các con suối. Tên bản thường gắn liền với một địa danh, hay tên con suối. Nhà (Pàm) ở truyền thống của người Cống là nhà sàn, mặt trước quay về phía dòng sông hay con suối, lưng tựa vào sườn đồi hoặc núi. Nhà sàn chỉ có một cầu thang lên, xuống. Ngày nay, nhà cửa đã được làm chắc chắn, theo kiểu nhà của người Thái, có 2 cầu thang lên nhà, gắn liền với 1 cửa chính “có phuỳ, 1 cửa phụ“thang thạ co phuỳ, một cửa sổ “Choóng co phuỳ” và một sân phơi. Vách nhà thưng bằng phên tre, gỗ, mái nhà lợp tôn, tấm prô-ximăng, thay cho mái lợp cỏ gianh (xưa). Riêng nhà của nhóm Cống ở Pa Thơm, gần giống với nhà sàn của người Lào. Họ cũng thưng vách gỗ dưới gầm sàn để tăng diện tích sử dụng. Trong nhà, vị trí thờ cúng tổ tiên được đặt cột thứ hai (tính từ phía hồi nhà không có cầu thang đi), gắn trên vách, phía đầu giường ngủ của gia chủ. Biểu tượng linh hồn tổ tiên là một đoạn cây nứa có chiều dài khoảng từ 1,3 – l,5m, ở giữa đục ba lỗ nhỏ so le nhau, để cắm ba que tre được vót nhẵn, buộc kèm một nắm các bông lúa nếp, bông hạt kê, bông hoa mào gà, nắm xôi nướng vào cả đoạn cây. Ngày thường tuyệt đối không được ai chạm tay vào đoạn cây thờ này. Trong nhà ngoài bếp nấu, còn có một bếp lửa thiêng, dài khoảng lm, rộng khoảng 0,8m, kê ba hòn đá làm kiềng, bên trên đặt nồi ninh, chõ đồ. Chân cột thờ còn có một cái ghế mây, lót đệm ngồi.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Làng bản của người Cống là đơn vị tự quản, gồm những người có quan hệ huyết thống hay khác huyết thống cùng sinh sống, làm ăn trong một phạm vi đất đai nhất định. Họ có sự tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống và sản xuất. Người Cống các dòng họ: Lường, Quàng, Súc, Nạ, Lò, Lý, Chảo, Chang, Chin, Lùng và Séng. Mỗi dòng họ đều có tên gọi riêng, gắn với tên một con sông, suối, núi,…Tùy từng họ, có thể kiêng ăn một loại chim (vật tổ) nào đó, như họ Lò ở bản Pô Lếch, Noọc Táng Lò ở Nậm Khao, không được ăn chim Ha Na, họ Lý kiêng ăn thịt con Sóc (Pà nê), họ Chảo kiêng ăn chim chắn na (một loại cắt), họ Hù kiêng ăn thịt con hổ…
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Cống thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Trước đây, người Cống chỉ hôn nhân nội bộ dân tộc. Những năm gần đây, người Cống kết hôn mở rộng ra các dân tộc: Thái, Hà Nhì, Mảng trong vùng. Trước đây, gia đình của người Cống thường sống 3 đến 4 thế hệ, nay đã chuyển sang kiểu gia đình nhỏ, hai thế hệ.
Lễ cưới của người Cống gồm bước: lễ ở rể, lễ ăn hỏi (ăng mì thám ế), lễ cưới (Ăng mì tồ ế) và lễ đón dâu. Khi đôi trai gái tìm hiểu, ưng nhau, được hai bên gia đình đồng ý, nhà trai đến nhà gái xin làm lễ ở rể (ăng khơi). Khác với người Mảng, cưới xin của người Cống có 4 ông, bà mối (2 ông mối và 2 bà mối). Sau lễ ăn hỏi, họ phải làm nghi lễ 3 lần trong cùng một đêm. Khi đón dâu ra đến đầu cầu thang, họ có tục té nước, nhà trai sẽ đón dâu về và tổ chức lễ cưới tại nhà mình. Khi sinh đẻ, mẹ con sản phụ phải ngủ ở bếp trong 03 ngày đầu, mới được lên nhà chính.
Tập tục tang ma
Tang ma của người Cống phản ảnh những tín ngưỡng của cộng đồng với quan niệm về sự tồn tại của linh hồn, quan niệm về cái chết. Người Cống quan niệm, cái chết (xi khạ) xảy ra khi hồn rời khỏi cơ thể. Nếu người chết ở trong nhà, hồn sẽ quanh quẩn ở trong nhà, gia đình phải thực hiện các nghi lễ để đưa hồn người chết về tầng trời, sống với ông bà, tổ tiên. Vì thế, trong tang ma người Cống tiến hành các nghi lễ cúng đơn giản, đám tang họ không sử dụng kèn, trống, không có tục để tang, song đám tang của họ đã đáp ứng thỏa mãn đời sống tâm linh của người sống và tin rằng người quá cố cũng được yên nghỉ, siêu thoát.
Trong tang ma, người Cống rất coi trọng việc giữ lại hồn vía của những người đang sống cũng như bảo vệ hồn người chết bằng nhiều nghi lễ khác nhau. Đám tang người Cống thường trải qua các bước: Lễ khâm liệm, lễ đưa người chết ra mộ (Tềm ma ca lê), lễ để tang (Chang hả xia lòng mia) và lễ lập bàn thờ (hà me tơ nghê).
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng của tộc người Cống là tín ngưỡng đa thần, họ tin vào sự tồn tại của vũ trụ ba tầng: tầng trời, tầng đất và tầng dưới mặt đất. Trong vũ trụ ba tầng ấy, tồn tại bốn thế giới là: thế giới trên trời, thế giới trên mặt đất, thế giới dưới lòng đất và thế giới dưới nước. Thần ở trên trời, được người Cống gọi là “Mừng gia nề gia”, đây là thế giới cao nhất, là nơi ngự trị của các vị thần và tinh linh các thế hệ tổ tiên đã chết. Thế giới ấy có Mon Ten ngự trên những đám mây đen để quản lý vạn vật. Có Mon Ong ngự trên những đám mây trắng để trông nom việc sinh tử. Có bà Chồng Dô làm ra hình hài con người cùng cỏ cây, muông thú. Có bà Chưởi Lủa làm ra hồn lúa, hồn người. Có thần sét, cầm lưỡi tầm sét hai cạnh để trừ gian diệt ác. Có bản hồn (thố ma) là nơi đoàn tụ của các thế hệ tổ tiên (ma nhà). Các vị thần linh như: thần đất, thần rừng, thần sông, thần núi, thần nước…có thể trợ giúp, phù hộ cho con người và cũng có thể gây hại cho con người.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Kho tàng Văn học, nghệ thuật của dân tộc Cống phong phú với các câu truyện cổ vừa mang tính giáo dục trẻ em phải biết nghe lời bố mẹ, vừa giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên, cây cối hoa lá, con vật cá, cua, ốc, hến…Những câu Ca dao, tục ngữ, thành ngữ thường thiên về chủ đề dạy bảo con cháu hãy sống hoà thuận, gắng làm điều thiện, không làm điều ác. Người Cống cũng có những câu hát ca gợi tình yêu lứa đôi, hát giao duyên, hát ru, hát đối…lúc đi làm nương, làm rẫy, khi đi đánh bắt cá, hái rau, lấy măng trên rừng…Các điệu Múa xòe (Già neo), múa đuổi thú, múa giã gạo, múa khăn…và sử dụng nhạc cụ truyền thống: Sáo ngang (cò puýa), trống da (thùng), chiêng (Khàng the), chũm chọe (Sheng).
Tết, lễ hội cộng đồng
Trước những hiểm họa từ thiên nhiên mà không thể lý giải, người Cống đã quy kết cho những thế lực mơ hồ, trừu tượng mà đồng bào gọi là ma (đẹt). Niềm tin mãnh liệt của đồng bào Cống được gửi vào hệ thống tín ngưỡng gắn liền với lễ hội : Lễ tết Ngô, Tết Hoa, Thờ cúng tổ tiên (Dum đẹt), lễ cúng bản, lễ lên nhà mới (Dum xị), lễ cơm mới (hàng xỉ chà ê)…Trong lễ hội, mọi người cùng nhau uống rượu, hát đối đáp giao duyên, trong tiếng trống, tiếng chiêng hòa cùng điệu múa xòe… để cảm tạ thần linh, tổ tiên đã ban cho họ một cuộc sống no đủ và bình an.
* Lễ cúng bản (Gạ ma thố)
-Thời gian: Người Cống ở Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thường tồ chức lễ cúng bản vào dịp đầu năm mới, khoảng tháng giêng, tháng 2, âm lịch. Thời gian diễn ra lễ cúng khoảng ba ngày.
-Mục đích cúng: để tạ ơn thần rừng, thần đất, thần nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sông suối lắm tôm, nhiều cá, săn bắn được nhiều thú, dân bản khỏe mạnh, tránh được mọi tai ương, bệnh tật, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. ..
-Địa điểm tổ chức: tại bản (gốc cây to) hoặc đầu nguồn nước của bản (nơi dòng suối Nà Ho gặp dòng suối Lắng Phiếu hòa chung thành dòng Nậm Khao – dòng nước trong, chảy vào sông Đà).
– Nội dung lễ cúng bản
+ Ngày thứ nhất: vào khoảng 3-4 giờ chiều, cúng tại đầu bản (nơi đầu nguồn nước chảy vào bản), ở nơi hợp lưu các con suối (lo chuê): Nà Ho và suối Lắng Phiếu gặp nhau đổ vào dòng sông Đà (Hù ma pà). Địa điểm này là để cúng thần Nước (piêu ôong), thần Đất (minh xủng) và những người hầu thần (dô khạ). Lễ vật cúng bao gồm: 01 con lợn khoảng 6 – 7kg, 03 con gà (hai con trống, một mái), mỗi con khoảng 0l kg, chai rượu, hương, vòng bạc, lá trầu không, vôi, vỏ cây, bát gạo, quả trứng gà, sấp vải thổ cẩm màu trắng, nến (hoặc đèn dầu).
– Cúng Thần nước (piêu ôong): Biểu tượng là chiếc bè cúng hình con Rồng, được làm từ những đoạn cây nứa nhỏ ghép lại có diện tích khoảng 30cm x 50cm, có hai mái chèo. Bè rải một lớp lá chuối tươi, hai góc đối diện của bè có hai chiếc cọc nhỏ để giữ thăng bằng cho bè. Trên bè đặt một chiếc vòng bạc, bốn cái chén bằng ống nứa, hai quả chuối, hai khúc mía rừng, hai cái bánh, lá trầu, vôi và ít vỏ cây.
Sau đó ông trở về giàn cúng thần Đất – thần Rừng, bắt đầu đọc lời cúng khấn báo xin làm lễ cúng mời thần về nhận lễ vật hiến sinh là con lợn và cầu xin thần phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, con người được khỏe mạnh, không ốm đau, trồng trọt được nhiều lúa ngô, chăn nuôi được nhiều lợn gà, săn bắn được nhiều hươu nai, thú rừng không đến phá hại nương rẫy… Khi các nghi lễ dâng cúng đã hoàn tất, thầy cúng cùng mọi người chặt lá chuối, lá rừng dải làm mâm, bày lễ vật, đồ ăn lên trên và bắt đầu hưởng lộc. Những lễ vật dâng cúng phải được ăn hết ngay tại địa điểm cúng, nếu không ăn hết có thể vứt ra xung quanh chứ không được mang về bản.
+ Ngày thứ hai: Cúng trong bản, đây là một trong những nghi lễ quan trọng để xua đuổi những điều xấu xa, rủi ro của năm cũ và cầu mong thần linh, thần bản địa, tổ tiên phù hộ cho dân bản sang năm mới được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong bản được khỏe mạnh tránh được, bệnh tật.
Thời gian tiến hành lễ cúng tại bản thường được bắt đầu từ sáng sớm ngày thứ 2, sau ngày cúng thần nước và thần rừng tại ngã ba suối chảy vào bản. Địa điểm được chọn tại một khoảnh sân rộng thuộc trung tâm của bản và tại một khúc sông (suối) lớn gần bản. Lễ vật dâng cúng gồm 01 con chó đực, gà, rượu, cháo, hương và nến sáp ong. Dưới sự chỉ bảo của thầy cúng và trưởng bản, mọi người trong bản tấp nập chuẩn bị cho lễ cúng.
+ Làm cổng bản (Ló khẹ): người Cống thường làm hai cổng bản: cồng ở đầu bản (hướng về đầu nguồn nước và cổng ở cuối bản. Mỗi cổng có hai cột cổng, những cột này được dựng từ hai cây gỗ còn tươi, xung quanh mỗi cột, người ta đan phên tre rào xung quanh, trên mỗi đầu cột cắm một vật kỵ ma (phên tre đan mắt cáo) để ngăn chặn ma tà. Thầy cúng cầm một con gà trống trên tay, miệng đọc bài khấn dâng gà cho thần bản, cầu mong thần giúp dân bản xua đuổi hết những tai họa, dịch bệnh của năm cũ ra, để đón nhận những điều may mắn của năm mới.
Trên khoảng sân rộng giữa bản, người ta đặt một chiếc bè lớn làm từ tre, nứa, có diện tích khoảng lm x 3m. Chính giữa bè có bốn chiếc cọc dài khoảng 0,5m – 0,7m, bằng cổ tay người lớn, phần gần ngọn của chúng được buộc túm lại với nhau, phần chân chĩa ra theo tư thế chân kiềng dựng đứng. Người dân trong bản đứng xung quanh chiếc bè kêu la, reo hò, gõ chiêng trống, chũm chọe ầm ĩ náo nhiệt để uy hiếp, xua đuổi, ma tà. Người ta dắt con chó ra chỗ bè cúng, thầy cúng đọc bài cúng xin phép cho con chó đi đuổi tà ma trong bản, thầy dùng dao cắt một đoạn đuôi và một miếng tai chó để treo lên hai cổng bản: Tai chó được treo ở cổng trên đầu bản; đuôi chó treo ở cổng cuối bản, với hàm ý khóa cổng trên của bản bằng đầu chó, khóa cổng dưới của bản bằng đuôi chó. Chó sẽ canh giữ cổng bản, mọi điều xấu xa, tai ương bệnh tật không thể vào được bản. Sau đó, thầy cúng giao chó cho một người đàn ông trung niên trong bản, người này dắt chó ra phía cồng sau của bản và bắt đầu chạy vòng quanh bản theo chiều ngược kim đồng hồ để máu ở đuôi chó nhỏ thành một vòng xung quanh bản với ý niệm những giọt máu của chó tạo thành một bức rào thiêng, ngăn chặn những điều xấu, rủi ro lọt vào trong bản. Người Cống tin rằng, máu con chó và những âm thanh náo nhiệt của chiêng, trống, chũm chọe sẽ làm các ma tà, ma bệnh dịch, tai ương rủi ro sợ hãi chạy xa, không dám quay trở lại bản.
Thầy cúng làm phép khóa bè lại và ra lệnh cho 06 thanh niên khiêng chiếc bè đi ra phía cổng dưới của bản, sao cho khi ra đến cổng sẽ gặp đoàn người dắt chó và hợp lại thành một đoàn tiến về hướng suối Nậm Khao đổ về dòng sông Đà, đến khúc suối rộng, nước sâu, xanh thẳm để thả bè. Lễ cúng bản kết thúc, người Cống tin tưởng rằng, thần linh đã nhận đủ lễ vật dâng lên và phù hộ cho họ sống mạnh khỏe, yên ổn làm ăn, xua đuổi mọi điều xấu xa, hiểm họa, ma ác ra khỏi bản.
* Nghi lễ tết Ngô (Quề la loong)
Theo cách tính của người Cống, ngày 1-6 âm lịch hàng năm người Cống tổ chức lễ tết Ngô (Quề la loong), đây là ngày tết chính truyền thống mang đậm bản sắc mà mọi gia đình trong bản làng đều thực hiện.
Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch là thời gian ngô đã vào vụ thu hoạch, các gia đình bắt đầu việc thu hái ngô, công việc này do người phụ nữ đảm nhận. Những bắp ngô nếp non được lấy trên nương mang về bóc vỏ, họ dùng bàn nạo sắt để nạo rồi dùng cối giã nhỏ sau đó trộn với nước thành bột để làm món bánh ngô và xôi cơm ngô. Bánh ngô được chế biến từ ngô nếp non nạo nhỏ trộn đều với đường sau đó lấy lá chít (hoặc lá dong, lá chuối) gói lại, sau đó được cho vào chõ gỗ đồ. Cơm ngô làm từ ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp, được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên trong chõ xôi, cơm chín có mùi thơm rất quyến rũ của ngô nếp non với hương thơm của gạo nếp. Bánh ngô và xôi ngô là những món ăn truyền thống được dâng lên cúng thần linh, tổ tiên.
Vào sáng ngày 1- 6, tại gian thờ chính của gia đình, các dụng cụ sản xuất hàng ngày gồm: Chài, cuốc, xẻng, nỏ, dao… được lau chùi sạch sẽ, đưa vào trong nhà. Mỗi dụng cụ này được buộc bánh ngô (bê lẹ) và những con cua đá (láng tò), bày biện khắp các gian nhà. Riêng cột chủ trong nhà sẽ được buộc vào một cái giỏ trong đó đựng một quả dưa, một con cua, một đùi gà. Cách thức này mang ý nghĩa tượng trưng cầu cho một năm mới công việc sản xuất sẽ gặp nhiều thuận lợi, mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi thóc, ngô đầy nhà; săn bắt được nhiều, gia đình sẽ có một năm no đủ. Mâm cỗ cúng tổ tiên của người Cống nhằm mục đích trình báo với thần linh, tổ tiên về những việc mà cả gia đình đã làm được trong năm, cảm tạ sự phù hộ, độ trì của tổ tiên và thần linh cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà. Lễ vật dâng lên tổ tiên thường có: Thịt lợn (vạ sà) (gồm thủ, đuôi, gan, ruột non), thịt gà (gà sà), nấm rừng (mung xi), rau bí luộc (pa khạm chá công) và đặc biệt không thể thiếu cua rừng (làng tò). Trong quan niệm của người Cống, con cua có ý nghĩa to lớn trong quan niệm tâm linh của họ. Trên mâm cỗ, 12 con, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và tượng trưng cho 12 con giáp. Với họ, cua còn là con vật bảo vệ mùa màng. Sau khi cúng các lễ vật được đem ra bày biện để cả nhà cùng quần tụ chúc cho một năm mới tốt lành, trẻ nhỏ sẽ được bố mẹ, ông bà mừng tuổi và lấy cái giỏ đựng một quả dưa, một con cua, một đùi gà cho mang đi chơi. Trong thời gian tết Ngô, những gia đình ra ở riêng sẽ đón cha mẹ vợ về ăn tết cùng gia đình, nếu cha mẹ vợ đã mất, trước khi làm lý cúng tổ tiên, họ thường làm mâm cỗ riêng để cúng mẹ cha đàng ngoại. Đây là nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình mà người Cống vẫn duy trì cho đến ngày nay. Trước kia tết Ngô kéo dài 9 đến 10 ngày (nay còn từ 2 đến 3 ngày), đây là cái tết không chỉ riêng trong mỗi gia đình mà mang tính cộng đồng, người dân đến thăm, chúc tụng nhau trong những ngày đầu năm mới, họ tặng nhau những món quà đó là sản vật mà mỗi gia đình làm ra như trái cây, rượu, thịt… Kết thúc các nghi lễ đến phần hội, mọi người trong bản cùng đánh chiêng, đánh trống, múa hát và chơi các trò chơi dân gian vui vẻ đoàn kết.
Tri thức dân gian
Tri thức dân gian của đồng bào Cống khá phong phú, có nhiều kinh nghiệm trong việc nhìn các hiện tượng tự nhiên và các vật nuôi để phán đoán thời tiết. Đặc biệt, người Cống rất có kinh nghiệm xem đầu gà và chân gà vào những dịp lễ tết để đoán định những điều may rủi trong năm, có nhiều kinh nghiệm trong việc lấy cây thảo dược làm các bài thuốc dân gian trong việc phòng chữa bệnh…