Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Chăm ở Việt Nam có 161.729 người (2009)
Địa bàn cư trú: Người Chăm có mặt ở 53 tỉnh thành cả nước, nhưng tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Đồng bào tự nhận là Chăm, song vẫn có những tên gọi khác: Chàm, Chêm, Chà (Chà đà), Hroi (Chăm Hroi), Chăm Bana (Bana Chăm), Cham Chơk Chơk (Chăm núi)… Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa vùng miền, người Chăm ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm chính: Chăm H’roi ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định có nguồn gốc từ những người Chăm cổ, theo tín ngưỡng dân gian, chịu ảnh hưởng từ đạo Bàlamôn; Chăm Ninh Thuận – Bình Thuận hay Đông Chăm, còn gọi là Chăm Panduranga gồm các 2 nhóm chính, phân chia theo tín ngưỡng là Chăm Ahiêr (ảnh hưởng Bàlamôn), Chăm Awal (Chăm Bàni – ảnh hưởng Hồi giáo cũ). Ngoài ra, còn 1 nhóm nhỏ Chăm Bàni theo Hồi giáo chính thống; Chăm Nam Bộ hay Tây Chăm sống chủ yếu ở An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh.
Ngôn ngữ: Tiếng nói của dân tộc Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Nam đảo.
Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp: Người Chăm sống có truyền thống làm ruộng nước lâu đời. Đồng bào thâm canh lúa nước bằng các biện làm đất, cấy lúa, bón phân, làm thủy lợi khá thành thạo. Cho đến nay, vùng đồng bào Chăm vẫn hiện diện các công trình thủy lợi như Đập Nha Trinh Marên… cung cấp nước tưới cho các cánh đồng Panduranga bát ngát. Ngoài sản xuất lúa, hoa màu, đồng bào giỏi trồng cây ăn quả như me, nho… Ngày nay, đồng bào phát triển nhiều loại cây trồng như táo giòn, nho, cải củ và phát triển mô hình chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Cư dân Chăm ở An Giang còn phát triển nuôi cá lồng…
Kinh tế tự nhiên
Kinh tế tự nhiên: Đồng bào Chăm sống ở vùng duyên hải Trung bộ và vùng sông nước Nam bộ, từ lâu đã phát triển nghề cá, khai thác nguồn lợi biển để nâng cao thu nhập.
Nghề thủ công
Các nghề thủ công: Đồng bào có nhiều nghề thủ truyền thống lâu đời như: thêu, dệt, điêu khắc, làm gốm, làm gạch, làm nông cụ, đóng thuyền, điêu khắc… Nghề gốm của người Chăm với các địa danh nổi tiếng Gò Sành, Bầu Trúc, đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng các kiến trúc tháp, phục vụ đời sống và cung cấp lu, buk, gauk, giak… cho bà con địa phương và bạn hàng ở Lâm Đồng, Tây Nguyên. Kỹ thuật làm gốm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, theo lối đắp con trạch, không sử dụng bàn xoay mà đi giật lùi quanh bệ gốm, để tạo hình sản phẩm, phơi trong bóng râm, nung nổi bằng rơm. Nghề dệt của người Chăm khá phát triển với nhiều làng nghề dệt ở khắp các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống. Khung dệt của người Chăm có 2 loại: dalah khổ rộng (kiểu Indonésien) và băn (khổ hẹp). Khi dệt khung dalah, người thợ kết hợp giữa chân đạp go với tay đưa thoi. Theo nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm có từ thế kỷ 17, do nữ thần Po Nagar truyền dạy. Vì thế, trước khi dệt một số lạoi vải gắn với nghi lễ tôn giáo, các nghệ nhân phải thực hiện một nghi thức tưởng niệm nữ thần Po Nagar. Trước đây, nguyên liệu để dệt vải của người Chăm chủ yếu được làm từ một số loại vỏ cây, do đó sợi vải thô ráp. Về sau, đồng bào biết trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu tự nhiên. Ngày nay, hầu hết nguyên liệu dệt may của họ là sợi công nghiệp, nhưng kỹ thuật dệt truyền thống, cách pha màu, chất liệu, hoạ tiết vẫn được đồng bào duy trì như trước. Cho đến nay, vẫn tồn tại làng nghề dệt Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) và xưởng thổ cẩm công nghiệp của bà Thuận Thị Trụ (thành phố Hồ Chí Minh), dệt ra các sản phẩm dân dụng, trang phục cho đội ngũ chức sắc Bà-la-môn: khăn tua đỏ (Akhan mâtham taibi), đai váy (Mbarjih), váy thổ cẩm (Aban) cho các bà chức sắc dòng tộc, tôn giáo (Muk Pajuw, Muk Buh, Muk rija), khăn trải bàn, trải giường… với những hoa văn độc đáo. Hiện nay, những sản phẩm mang hơi thở của thị trường: vải, balô, ví, áo, vải …phục vụ du lịch nội địa và xuất khẩu.
Phương thức vận chuyển
Phương thức vận chuyển: Do lịch sử sống ở nhiều vũng, vịnh, khu vực gần biển, phương tiện đi lại chủ yếu của người Chăm là tàu, thuyền. Trước đây, thuyền của người Chăm thường là loại ghe bầu Prahu (chiếc thuyền nhỏ) giống với kiểu thuyền của những người Mã Lai – Đa Đảo với hai đầu nhọn, lái và mũi đều cong cao gắn với buồm hình tứ giác lệch, hoặc hình tam giác. Ngoài ra, người Chăm còn có ghe lồng (vận chuyển hàng hóa dọc theo bờ biển), ghe chài (vận chuyển lúa gạo, nông sản…). Hiện nay, phương tiện vận chuyển của người Chăm đa dạng hơn với nhiều loại xe máy, ô tô, xe tải, tàu lớn…
Trao đổi hàng hóa
Trao đổi hàng hóa: Cùng với phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, nghề cá, nghề gốm, nghề dệt….nên từ lâu, ngoài trao đổi, mua bán phục vụ nhu cầu cuộc sống, một bộ phận người Chăm đã phát triển buôn bán, mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất.
Văn hóa mặc
Văn hóa mặc: Nam giới Chăm miền Trung và Nam Bộ mặc xà rông và áo ngắn. Khi hành lễ nhóm Chăm Bà ni mặc áo dài may thụng, khăn màu trắng không trang trí. Riêng nam giới Chăm Nam Bộ là những chức sắc hồi giáo ăn mặc áo dài chấm gót, xà rông trắng, đội mũ trắng. Trước đây, đàn ông lớn tuổi dân tộc Chăm Ninh Thuận, Bình thuận để tóc dài, quấn khăn (màu trắng, dệt trang trí hoa văn màu vàng nhạt, hai đầu khăn có các tua vải) theo lối chữ nhân. Chức sắc (tôn giáo) quấn khăn (có hoa văn vàng trang trí ở hai đầu khăn màu và tua vải màu đỏ) thả ra hai mang tai; mặc áo màu trắng, có cánh xếp chéo và cài dây phía bên hông (thắt lưng), trong là quần soọc, ngoài quấn váy xếp.
Phụ nữ các nhóm Chăm mặc áo dài và váy, đội khăn phủ trên tóc hoặc quấn theo lối chữ nhân, cổ đeo vòng và các chuỗi hạt cườm. Tùy theo nhóm, áo, áy có các loại khác nhau: Trong khi các nhóm mặc áo dài, bít tà, cổ tim, thì nhóm Chăm ở Quảng ngãi lại mặc áo cánh, cổ tròn, xẻ ngực. Phụ nữ Chăm Nam Bộ mặc váy lụa, áo cánh ngắn, kiểu bà ba bỏ ngoài váy, đầu choàng khăn pum mỏng trắng, hay khăn mẻ om. Khi cầu nguyện phụ nữ mặc áo vải trắng, may kiểu chui đầu phủ kín toàn thân chỉ chừa khuôn mặt. Các nhóm đều mặc váy quấn, họa tiết kẻ, hoa dâu, một màu, nhưng váy của phụ nữ nhóm Chăm Hroi lại có thêm miếng đáp hoa văn sau váy, một số nơi như Khánh Hòa, phụ nữ mặc quần bên trong áo dài. Phụ nữ Chăm Bàlamôn mặc váy gấu phủ ngang bắp chân, đầu chít khăn màu vàng, đỏ hay xanh. Phụ nữ Chăm Bàni mặc váy dài chấm gót, đội khăn màu trắng, thêu hoa, khi ra đường họ lại đội khăn dài, quấn từ phía sau ra trước trán rồi trùm qua đỉnh đầu, 2 mối khăn bỏ chấm vai sau lưng. Ngày lễ hội, họ có cách đội khăn “kép”. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), riêng nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Các nhóm Chăm cơ bản theo đạo Hồi, nên cả nam và nữ đều mặc lễ phục thiên về màu trắng. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai (dệt hoa văn tinh xảo, với đủ màu đỏ, trắng, vàng) ngoài chiếc áo dài trắng. Đến làng Chăm hiện nay, nhiều thanh niên mặc rất “Moden” trong trang phục hiện đại, song các chức sắc là người Chăm thuộc các tín ngưỡng khác nhau đều mặc trang phục riêng.
Trình diễn, giới thiệu trang phục lễ hội của nam giới và phụ nữ dân tộc Chăm; Trang phục truyền thống của nam nữ dân tộc Raglai. Tiết mục trình diễn trang phục dân tộc do nghệ nhân hai dân tộc Chăm, Raglai và các diễn viên đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh Ninh Thuận thực hiện.
Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực: Món ăn đặc trưng của đồng bào Chăm Nam bộ là cơm trắng và ca-ri-chà, gia vị cay đậm. Đồng bào Chăm Trung bộ chủ yếu ăn cơm, cá, mắm cá, cua và các loại bánh làm từ bột gạo. Đồng bào có thói quen ăn bốc. Nay một số đã bỏ tập tục này. Bộ phận cư dân Chăm Islam vẫn coi đó là một tập tục bắt buộc. Họ quan niệm đôi bàn tay là vật quý giá mà thánh Alah đã ban cho con người, chính đôi bàn tay đã làm nên cuộc sống. Rửa tay trước khi ăn từ lâu đã trở thành nghi thức của mỗi thành viên cộng đồng.
Văn hóa ở
Văn hóa ở: Người Chăm có tập quán lập làng và bố trí cư trú theo dạng bàn cờ. Mỗi dòng họ, mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ một đại gia đình ở quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng, các khoảnh như thế ngăn cách với nhau bời những con đường nhỏ. Nhà ở truyền thống của người Chăm ở ninh Thuận là một quần thể nhà trong một khuôn viên (nay kiểu khuôn viên dần không còn nữa). Bộ khung nhà chỉ có vì ba cột kèo, được liên kết với cột hoặc không có vì kèo thì dùng tường thay thế kèo. Một số có vì năm cột, được lắp thêm xà ngang, đầu gác lên cây đòn tay cái, nơi hai đầu cột con. Mặt bằng nhà được bố trí: Gian giữa là trung tâm (sang-yơ), phía phải là phòng ngủ của bố mẹ, bên trái là kho, sau là phòng ngủ của con cái. Mặt trước có một hiên ở giữa nhà. Nhà bếp được dựng riêng biệt ở phía Tây nhà chính, trong đó có khu bếp, khu chứa nước và kho chất đốt (củi, than, v.v.). Nhà người Chăm ở ở Châu Đốc hiện chỉ có nhà sàn chính và nhà phụ kết hợp thành hình thước thợ.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Quan hệ xã hội, dòng họ: Người Chăm sinh sống tập trung trong các Paley Cam (làng Chăm). Mỗi paley có khoảng 300 đến 400 hộ gia đình, cùng theo một tôn giáo nhất định, gồm nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Mỗi paley đều có một đơn vị hành chính của làng là: Hội đồng phong tục và Po Paley (Trưởng làng), trong đó, Po Paley (người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, luôn vì mọi người, có lòng vị tha) đóng vai trò rất quan trọng trong Paley. Mỗi một dòng họ trong làng có một chiết Atâu, một Akauk Guăp và một vật tổ riêng. Akauk Guăp phải là người cao tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong dòng họ, gia đình giàu có, không được có chồng chắp vợ nối.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Tập tục hôn nhân, gia đình: Hôn nhân gia đình, sinh đẻ và nuôi dạy con cái của Người Chăm dựa trên nền tảng cuả những tàn dư sâu sắc của chế độ mẫu hệ xưa. Đại gia đình với vai trò của bà mẹ và người kế truyền nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già là con gái út. Tuy thực tế, đàn ông chi phối cuộc sống, nhưng việc lo gia đình và gia phả dòng họ luôn là người đàn bà cao tuổi. Quyền chủ động hôn nhân thuộc về phái nữ, con gái đi hỏi và cưới chồng, con trai ở rể. Hôn nhân theo chế độ 1 vợ 1 chồng, nghiêm cấm hôn nhân của những người trong cùng dòng họ.
Đến tuổi dậy thì, nam nữ các nhóm Chăm phải làm lễ trưởng thành mới có quyền yêu đương và kết hôn: Nhóm Chăm Hồi giáo Bà Ni phải làm lễ “Karoeh” (đối với nữ), lễ “Khotan” (đối với nam). Nhóm Chăm Bà La Môn phải trình với tộc trưởng, để làm lễ cúng, báo cáo với tổ tiên. Về cơ bản, hôn nhân của người Chăm Bà La Môn và Chăm Bà Ni giống nhau, bao gồm các bước: dạm hỏi (paluak panôit), lễ hỏi (nao nao pôih), đám cưới (Băng mơ nhum), Balikhah, Băng padih ) và lễ sau đám cưới để trình diện tông môn (Tanơh akhak ao), chỉ khác là hôn nhân của người Chăm Bà Ni có thêm lễ đính hôn và vai trò của ông mối có lúc, có chỗ chuyển cho thầy cả.
Khi mang thai, phụ nữ Chăm phải kiêng kỵ nhiều điều: kiêng nói năng, ăn uống, đi lại nhẹ nhàng, không ăn đu đủ, không ngồi ở cửa, …. Khi sinh, người Chăm Islam có tục rửa sạch lá nhau và chôn ngay dưới chân cầu thang để luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ gia đình tổ tiên mà tìm về. Sau khi sinh, người Chăm ở Châu Đốc có tập quán treo một mùng lưới trên giường sản phụ để bảo vệ hai mẹ con. ở Ninh Thuận – Bình Thuận có tục treo cành xương rồng trước cổng vào nhà sản phụ. Một số nơi khác có tục cắm 1 chiếc cọc nhỏ trên sân và gác một cây củi cháy dở. Đầu tháng quay vào nhà là gia đình đã sinh con gái. Sau khi sinh được 7 ngày, người ta làm lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ. Khi trưởng thành phải làm lễ, con trai Chăm islam thường thực hiện tục cắt da quy đầu (khotanh), con gái thực hiện tục cấm cung (ga sâm) Ngày nay, tục này không còn nữa.
Tập tục tang ma
Tập tục tang ma: Các nhóm Chăm thực hiện nghi lễ tang ma theo địa táng, trừ người Chăm theo đạo Bàlamôn là hoả táng. Đồng bào quan niệm: Người chết phải làm lễ tang ma để linh hồn được siêu thóat, ngược lại linh hồn sẽ không siêu thóat, về bắt tất cả những người thân trong dòng tộc. Tang ma của người Chăm Bà La Môn, có sự phân biệt rất rõ giữa tầng lớp tu sỹ, thượng lưu và người nghèo. Họ cũng có quan niệm về cái chết bình thường và cái chết xấu. Người chết dưới 15 tuổi thì không được thiêu và nếu chết xấu thì phải thiêu khô. Còn bình thường, người chết sẽ được chôn, sau hơn 1 năm, bốc mộ mới đem hài cốt đi thiêu. Trước khi thiêu, thầy cúng sẽ hát gọi máu về. Vì người Chăm quan niệm khi còn sống, người chết đi chặt cây, chặt củi bị chảy máu, máu đọng lại trên lá cây, trên nước, trên mặt đất thì sẽ gọi máu đó về với cơ thể người chết, để linh hồn người chết được hoàn chỉnh. Khi thiêu xong, người Chăm sẽ lấy 9 miếng xương của người chết mang về cúng giỗ hàng năm, chăm sóc nuôi nấng để mong hồn cốt ấy sẽ đầu thai làm người. Sau khoảng thời gian một tháng, đủ 5-10 người chết mới làm lễ nhập Kut (nghĩa trang), kết thúc chu kỳ vòng đời người.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo: Bên cạnh tôn giáo bản địa, người Chăm theo đạo Hồi (Bà Ni -Hồi Giáo cũ và Islam – Hồi giáo mới) và đạo Bà-la-môn. Các tôn giáo như Phật giáo, ấn Độ, Bà La môn… khi truyền vào người Chăm đều có biến đổi hoặc xen vào đó là những tín ngưỡng dân gian. Ngay cả Hồi Giáo ngày xưa (khá vững mạnh về nền tảng giáo lý) vẫn bị “Chăm hoá” thành tổ chức tín ngưỡng, gọi là đạo Bani ở Bình Thuận và Ninh Thuận. Riêng đạo Islam (quen gọi là Hồi giáo). Tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm gắn liền với các công trình kiến trúc và điêu khắc, dựa trên nền tảng tôn giáo của việc thờ cúng Vua – Thần, Phật. Trong đó, vị thần linh tối cao Shiva, bên cạnh có thần Brahma, Visnu.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Chăm nổi tiếng với các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết về vũ trụ, con người như Ponagar thờ tại Tháp Bà, Nha Trang; truyện thơ: Chăm Bàni, Tat hava, Kaliparăng v.v… Bên cạnh đó, người Chăm còn có các nhạc cụ đa dạng như bộ gõ trống Ginơng, Baranơng, Bana, Gar, Chiêng v.v… bộ thổi có sáo Saranai, Take, Tawao… các loại kéo dây có Kanhi, Rabap…, được biểu diễn trong các dịp ngày lễ hội, thu hút nhiều người tham dự. Những điệu vũ trên các bức tượng cổ, hàng trăm điệu múa của Muk rija, On kaing múa lên tháp, Đoanuk (đội nước ) và (dâng trầu)… phục vụ “Thần linh” và cuộc sống mang bản sắc văn hóa Chăm là những kho tàng vô giá.
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm bao gồm trống Gineng, kèn Saranai, trống Baranưng. Đó là ba nhạc cụ quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội (Katê, Rija Nagar, hay Ramawan) của đồng bào Chăm. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất. Trống Gineng nghe rộn ràng, hùng hồn, mang âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến. Trống Baranưng là nhạc cụ tượng trưng cho vật tổ linh thiêng của ông Maduen (thầy vỗ). Khi sử dụng, nghệ nhân đặt trống trước ngực, vừa giữ trống, vừa vỗ, với cách thức vỗ trọn bàn tay để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay để tạo âm thanh bổng. Kèn Saranai là nhạc cụ đặc biệt nhất trong các nhạc cụ của người Chăm. Kèn có phần loa làm bằng gỗ quý, sừng trâu hay ngà voi đục rỗng, để khuếch đại âm thanh. Người Chăm coi 3 nhạc cụ trên tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Gineng tượng trưng cho đôi chân, Baranưng là thân thể, Saranai là phần đầu của con người. Do đó, khi sử dụng phải có đủ bộ cả 3 nhạc cụ này. Bộ 3 nhạc cụ tấu lên rộn ràng, trầm bổng…, thì âm thanh của chúng trở thành phương tiện giao kết với thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, cuộc sống bình yên, no đủ.
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm do các nghệ nhân dân tộc Chăm làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận biểu diễn.
Apsara là điệu múa nghệ thuật truyền thống trong cung đình. Theo truyền thuyết của Hindu giáo, điệu múa này là vũ điệu đắm say được các nàng tiên Apsara xinh đẹp múa phục vụ các vị thần, với những động tác dịu dàng, thanh thoát, duyên dáng. Đặc trưng của múa Apsara là một vũ nữ chính cùng nhóm vũ nữ biểu diễn các điệu múa tựa như những tiên nữ đang dạo chơi tại khu vườn hồng. Múa Apsara với những động tác chậm rãi nhưng hết sức tinh tế đã làm toát lên vẻ đẹp của người múa và nét độc đáo của nghệ thuật này. Ngày nay, điệu múa tiên nữ Apsara được biểu diễn trên các sân khấu được cắt ngắn đi, động tác múa thoải mái và phóng khoáng hơn so với múa truyền thống. Khi biểu diễn điệu múa này, các vũ công sẽ phải mặc những bộ trang phục khá cầu kỳ, được thiết kế bó sát, để trình diễn những động tác múa chậm nhưng tinh tế và thanh nhã cùng với dàn nhạc Pinpeat. Tiết mục do Đội văn nghệ Bảo tàng VHCDT Việt Nam trình diễn.
Tết, lễ hội cộng đồng
Tết, lễ hội dân gian: Người Chăm nhiều lễ hội gắn liền với hệ thống Tháp Champa toạ lạc rải rác từ Hoành Sơn đến Biên Hoà. Trong đó phải kể đến là: Rija, Katê, Roya Ramơwan… Katê là lễ hội cộng đồng lớn nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn, diễn ra cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch, tại 4 địa điểm chính: tại đền thờ mẫu Pôinưgar ở làng Hữu Đức, tại miếu Pôbinthuôn ở làng Bình Nghĩa, tại Tháp Chàm Pôklongrai và tháp Pôrômê ở Ninh Thuận. Lễ hội gồm có Lễ: rước y trang, hát dâng lễ vật, tắm tượng thần (Mưney yang), lễ mở cửa tháp, lễ mặc y phục cho thần ( Angui khan aw Pô yang). Trong các lễ có tiếng đàn Ka Nhi mời thần về dự, có tiếng thầy đọc kinh cầu nguyện, xin thần về hưởng lễ vật và phù hộ độ trì dân làng. Kết thúc phần Đại lễ bằng vũ điệu múa thiêng của Bà Bóng, để phần hội bắt đầu với những điệu múa và màn hòa tấu các nhạc cụ cùng các lời hát dân ca làm say mê lòng người. Không khí Hội cứ thế mà náo nhiệt, rộn ràng cho đến lúc mặt trời ngả về chiều thì lễ hội Katê trên các tháp Chăm kết thúc. Mọi người về nhà tổ chức cúng người bà tổ tiên, rồi thăm viếng nhau.
Người Chăm H’roi ở miền núi theo tín ngưỡng dân gian có quan niệm các nghi lễ nông nghiệp, liên quan đến các yếu tố ngũ hành, được thể hiện ở các nghi lễ: Ka tê: lễ cúng cha (trời), dương, hành kim; Bul: lễ cúng mẹ (đất), âm – hành Thổ; Yon yang: lễ tế thần hỏa, hành Hỏa; Chakap halau krong: lễ tạ mộc và chặn nguồn nước, hành Mộc; Palao sha: hành Thủy. Họ dùng nước để tẩy trần, bôi lên đầu, mặt, cổ để cầu sự may mắn. Sống trong điều kiện khắc nghiệt, các nhóm chăm còn thực hiện nhiều nghi lễ liên quan đến nước như: lễ cầu đảo (Palau sah), vào thượng tuần tháng 2 lịch Chăm ở các đền tháp Chăm và ở các cửa biển Ninh Thuận để để cầu nguyện thần biển cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; Lễ “cầu mùa”, “tạ hỏa, cầu mưa” (Yor Yang); Lễ “khai mương đắp đập” (taleh jamưng tăm); Lễ “chặn nguồn nước” (Kap kraung halơw) và lễ tạ mộc (Paká Halau Kraung) tại ba cửa rừng phía tây Ninh Thuận (đập Nha Trinh, đập Cà Tiêu, Suối Gạo). Tất cả tín ngưỡng bản địa nêu trên thể hiện niềm tin tồn tại vĩnh hằng của người nông dân vẫn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mà sinh tồn, song hành với những biện pháp cải tạo thiên nhiên trong thực tiễn.
Lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) để tưởng nhớ các vị thần: Pô Klong Garai, Pô Rôme, …Lễ hội được tổ chức tại không gian rộng lớn (đền tháp, làng, gia đình), trong thời gian một tháng. Lễ hội Ka tê gồm có các phần lễ và hội đan xen. Phần lễ gồm: Lễ rước ý trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm và mặc y trang cho thần. Pần hội gồm múa cầu an và dâng lễ, màn hát múa mừng lễ hội Ka tê. Kết thúc phần lễ hội tại tháp, mọi người trở về với lễ hội Ka tê ở làng và Ka tê ở từng gia đình.