Văn hoá vùng Trường Sơn – Tây Nguyên thể hiện trên diện tích 4.000 m,2 xây dựng ngôi nhà Rông Ba Na; Cây nêu trong lễ hội đâm trâu; Nhà mồ Ba Na; Nhạc cụ truyền thống: đàn đá, đàn gió, đàn nước…Trong đó trưng bày sưu tập tài liệu hiện vật: Công cụ sản xuất; Trang phục truyền thống; Sưu tập dụng cụ gắn với sinh hoạt như: Ché, chiêng, trống da voi; Công cụ và sản phẩm nghề dệt vải; Các hiện vật gắn với từng nghi lễ trong chu kỳ đời người, nhạc cụ và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, sưu tập nhà mồ và tượng nhà mồ.
Cấu trúc cảnh quan gồm: Cây Pơ lang, cây Kơ nia, và những dải đất các thác nước chảy để vận hành đàn gió, đàn nước và tượng voi mẹ, voi con…
1. Ngôi nhà rông Ba Na
Nhà rông là một loại hình kiến trúc dân gian lâu đời của nhiều tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, một sản phẩm văn hoá độc đáo, một biểu tượng của Tây Nguyên. Nhà Rông là ngôi nhà chung, là trái tim, là biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn của buôn làng Tây Nguyên, là nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên như: Lễ hội, Lễ cúng Yàng. Đây cũng là nơi tiếp khách, nơi già làng tập hợp dân làng để luận bàn những việc quan trọng, nơi thanh niên chưa vợ tụ tập để học đan lát, học làm cung tên, biểu diễn cồng chiêng và nghe già làng kể chuyện lịch sử của buôn làng. Nhà Rông còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống như Cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ. Ngôi nhà rông phục chế nguyên mẫu ngôi nhà Rông của dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum
2. Cây nêu trong lễ hội:
Trong các lễ hội quan trọng của đồng bào Tây Nguyên như lễ bỏ mả, họ thường dựng cây nêu với các hình chạm khắc tượng trưng cho bông lúa, hình răng cưa tượng trưng cho núi đồi, đường lượn sóng tượng trưng cho sông suối, các hình ô vuông trong đó có khắc chấm theo hàng chéo tượng trưng cho ruộng đồng. Các hình tam giác đối đỉnh nhau tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Xung quanh thân cây nêu, người ta còn chạm các hình động vật và nhiều loại hình hoa văn (hình nón, hình que…) cây cối, mặt trời, mặt trăng… để tượng trưng cho không gian vũ trụ mà linh hồn sẽ sinh sống ở thế giới bên kia.
3. Đàn đá, đàn gió, đàn nước
Tây nguyên được biết đến như là một vùng đất của Lễ hội và âm nhạc. Ngoài những nhạc cụ truyền thống được lấy từ tự nhiên như tre nứa, lá, da thú, gỗ, đất, vỏ bầu khô…còn có các loại nhạc cụ rất độc đáo như: cây đàn tơrưng nước, tơrưng gió, klong pút…đều có gốc từ những dụng cụ đuổi thú trên nương rẫy. Ngoài những nhạc cụ truyền thống trên thì ở Tây Nguyên còn được biết đến bởi những bộ đàn đá cổ xưa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bộ đàn đá mới được phát hiện ở Tây Nguyên có cấu trúc hoàn toàn phù hợp với cấu trúc phổ biến của dàn cồng chiêng các tộc người Êđê, Raglai, Mnông, Bana…
4. Cấu trúc cảnh quan:
Tây Nguyên – hai tiếng ngân vang trong tiếng chiêng đầy hùng tráng, như âm hưởng của núi rừng hùng vĩ, tha thiết trong suối đàn Tơrung khoan nhặt. Tây Nguyên có tiếng đàn Talư trong vắt như nước suối, có cánh hoa Pơ lang thắm đẹp nhất rừng, có cây Kơnia toả bóng tròn duyên dáng. Tây Nguyên có bản trường ca Đam San bất diệt, có anh hùng Núp- người con của quê hương bất khuất, kiên cường, có thác Pren, thác Cam Li, có hồ Xuân Hương, hồ Than Thở..Tây Nguyên có những mặt bằng cao nguyên bazan đất đỏ rộng lớn…tất cả tạo nên một thế mạnh đặc biệt mà không một miền núi nào trên đất nước ta có thể sánh kịp.
5. Tượng voi mẹ, voi con
Ở Tây Nguyên, voi đã trở thành một loài vật có ích rất nhiều đối với con người. Voi được dùng làm phương tiện vận chuyển, đi lại. Một số tộc người ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, nhưng nổi tiếng hơn cả là đồng bào Mnông ở bản Đôn với kinh nghiệm và sự sáng tạo trong việc thuần dưỡng những chú voi rừng hung dữ để trở thành những chú voi nhà ngoan ngoãn, phục tùng sự chỉ huy của con người. Nghề thuần dưỡng voi của người Mnông xuất phát từ kết quả của những cuộc săn bắt voi. Những đoàn đi săn voi mỗi chuyến đưa về một vài con, thậm chí có chuyến đưa về đến hàng chục con. Voi được thuần dưỡng là tài sản quý, biểu tượng cho sức mạnh và niềm kiêu hãnh trong buôn làng.