Phòng trưng bày số 5: Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và Nhóm ngôn ngữ Hán

Phòng số 5 trưng bày và giới thiệu văn hoá của 8 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và nhóm ngôn ngữ Hán. Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo gồm có 5 tộc người: Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chăm và Chu Ru. Đồng bào cư trú rải rác ở vùng đất Tây Nguyên và ven biển miền Trung thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận…

Nhóm ngôn ngữ Hán gồm 3 tộc người: Hoa, Ngái, Sán Dìu, các tộc người này có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư đến Việt Nam từ lâu đời. Đồng bào cư trú từ các tỉnh biên giới Việt Trung đến các tỉnh Nam Bộ, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị. Người Hoa tập trung đông ở các tỉnh và thành phố lớn như khu Chợ Lớn thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và nhóm ngôn ngữ Hán được coi là những đại diện tiêu biểu cho mối giao thoa với các nền văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa ở Việt Nam. Văn hoá của cư dân nhóm Nam Đảo mang đậm dấu ấn mẫu hệ, văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Hán mang đậm nét phụ hệ. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua đời sống và dấu ấn văn hoá tộc ngườì.

* Tổ hợp số 1: Làng bản nhà cửa nhóm ngôn ngữ Nam Đảo

Các tộc người nhóm ngôn ngữ Nam Đảo cư trú thành làng từ vài chục đến hàng trăm nóc nhà. Nhà ở hầu hết các tộc người trong nhóm đều mang dấu ấn của chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên, mỗi tộc người, mỗi nhóm địa phương có các kiểu nhà khác biệt.

Người Gia Rai, ở trong các ngôi nhà sàn, cửa chính quay về hướng Bắc, mỗi nếp nhà sàn là một gia đình nhỏ mẫu hệ.

Người Raglai ở nhà sàn dài, mặt sàn cách mặt đất khoảng 1m, rộng hẹp tuỳ theo số lượng thành viên trong gia đình. Nhà thường dựng trên những khu đất cao, bằng phẳng, quanh chân núi, gần nguồn nước.

Cư dân Chăm từ Ninh Thuận đến Nam Bộ sống thành từng làng, trong những khuôn viên, nhà được xây cất gần nhau theo một trật tự nhất định gồm: Nhà khách, nhà của cha mẹ, nhà của những đứa con nhỏ, nhà của những con gái đã lập gia đình, nhà bếp và nhà tục, trong đó có kho thóc, buồng tân hôn và chỗ ở của các cặp vợ chồng. Nhà chính là nhà cuối cùng dành cho cô út cưới chồng về và thừa kế.

Người Chu Ru ở nhà sàn dài bằng gỗ, mái lợp tranh hay lá. Mỗi ngôi nhà gồm nhiều thế hệ sinh sống.

Người Ê Đê cư trú theo từng buôn, trong các ngôi nhà sàn dài của đồng bào dài từ 30 mét đến 60 mét. Đối với những gia đình có nhiều con gái thì ngôi nhà có thể dài tới hàng trăm mét. Do vậy, ngôi nhà dài của người ÊĐê được ví “dài như một tiếng chuông ngân hay một hồi ngựa phi” thì mới có thể đi từ đầu hồi bên này sang đến đầu hồi bên kia.

* Tổ hợp số 10: Nghi lễ chu kỳ vòng đời

Nghi lễ xả tang của người Hoa

Tang lễ của người Hoa được tiến hành qua nhiều bước như: lễ báo tang, lễ phát tang, khâm niệm, lễ chôn cất … và cuối cùng là lễ đoạn tang. Lễ đoạn tang của người Hoa ở Nam Bộ thường được tổ chức sau ngày mất một năm, với nhiều tiểu lễ khác nhau như mời nhà sư, dâng lễ cúng tổ tiên, xả tang để đưa tiễn linh hồn về với tổ tiên. Trong đó, xả tang là nghi lễ đáng chú ý nhất, thể hiện tính nhân văn, đạo hiếu của người sống dành cho người chết.

Đúng 12 giờ đêm (thời điểm giao hoà giữa âm và dương), ở sân nhà bên phía cửa trái, sau 3 tuần cúng hương trà, rượu, nhà sư sẽ làm lễ xả tang cho tang chủ với các dụng cụ cúng như: bàn hương án, lư hương, cây đèn, chậu nước, kéo, lược … Nhà sư thay mặt thần linh xả tang cho con cháu trong gia đình tang chủ, lần lượt từ con trai trưởng đến thứ, cháu, chắt … Đồng thời với nghi lễ này, đồng bào còn tiến hành hoá nhà táng cùng lễ vật dâng cho người chết mang sang thế giới bên kia.

Sau nghi lễ này, con cháu không phải trở tang, mà báo hiếu bằng việc thắp hương, thờ cúng vào ngày rằm, tuần tiết, ngày giỗ và dọn mồ mả cho tổ tiên, cha mẹ vào dịp Tết thanh minh hàng năm.

Lễ cưới người Sán Dìu

Người Sán Dìu sống tập trung tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh. Trong hôn nhân, đồng bào chú trọng đến môn đăng hộ đối và sự tương đồng về hoàn cảnh kinh tế cũng như địa vị xã hội. Hôn nhân trải qua các bước: lễ dạm hỏi, lễ mừng lục mệnh, lễ ăn hỏi, lễ cưới chính thức và cuối cùng là lễ lại gói.

Trong lễ cưới, đáng chú ý nhất là lễ Khai hoa tửu – đây là lễ tiễn cô dâu về nhà chồng. Lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm hai quả trứng luộc chín được xuyên chỉ đỏ và mỗi bên quả trứng là một đồng xu đặt lên đĩa có hai miếng giấy trắng, đỏ, cắt hình hoa, bên cạnh là một lọ rượu.

Sáng hôm sau, cô dâu trong trang phục truyền thống đội hai chiếc khăn đỏ trên đầu được đưa về nhà chồng (gọi là Hống khăn phạ) Phù dâu cầm ô đen để che cho cô dâu. Đoàn đưa dâu thường không có chú rể, chỉ có đại diện nhà gái và nhà trai. Đến nhà trai cô dâu đi thẳng vào buồng cưới, chú rể nhanh tay cướp một chiếc khăn đỏ trên đầu cô dâu với ý nghĩa linh hồn cũng như tình cảm của cô gái đã thuộc về chàng trai.

Từ đây vợ phải nghe chồng và thể hiện ý nghĩa giải tà, cầu mong hạnh phúc trọn đời. Hai chiếc khăn đỏ này được cất giữ cẩn thận, đến lúc chết, mỗi chiếc khăn được chôn theo một người để đôi vợ chồng tiếp tục sống với nhau ở thế giới bên kia.

Đầu hồi nhà dài Ê Đê trưng bày tại Bảo tàng được làm theo mẫu đầu hồi nhà dài dân tộc Ê Đê, xã Ea Bhoh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc.

Vật liệu làm nhà bằng tre, gỗ, cỏ tranh, nhà thường làm theo hướng Bắc Nam. Vách nhà bằng phên đan thưng xung quanh, hai bên đầu hồi vách thẳng đứng. Hai bên vách chạy theo chiều dài dựng ngả sang hai bên, nhìn từ xa giống như một chiếc thuyền.

Nhà truyền thống chỉ có vì cột, không có vì kèo, khung nhà và xương mái như hai phần kiến trúc tách rời ghép lại với nhau

Nhà Ê Đê có hai cửa đi lại đặt chính giữa hai đầu hồi, cửa trước dành cho khách và những người đàn ông, cửa sau là lối ra vào của người nhà và phụ nữ.

Trang trí trong ngôi nhà Ê Đê mang đậm đấu ấn mẫu hệ. Cầu thang được đẽo đa giác bệ tròn, khắc 5 – 7 hoặc 9 bậc lên xuống, biểu hiện rõ nhất là chiếc cầu thang sân sàn trước thường được đẽo cong giống hình mũi thuyền, phía đầu được khắc nổi đôi bầu sữa mẹ. Bầu sữa là hình ảnh tượng trưng cho cội nguồn, sức sống và ưu thế của người mẹ, một nét văn hoá cổ xưa đánh dấu thời đại mẫu quyền. Ngoài ra, đồng bào còn tạc hình tượng vành trăng non thể hiện sự chung thuỷ, niềm mơ ước về tương lai tươi sáng và hạnh phúc hơn.

Sân sàn phía trước nhà – nơi đồng bào thường giã gạo, trò chuyện sau mỗi ngày lao động. Nhà khá giả thì sân sàn rộng và khang trang. Bên trên sân sàn là cây quá giang, đồng bào trang trí hình tượng con thằn lằn và con rùa thể hiện quan niệm âm dương. Sân sàn phía sau là lối đi riêng của những người trong nhà, khách không được đi lối này.

Trong ngôi nhà dài Ê Đê được chia làm phần chính là Gah – dùng để tiếp khách và sinh hoạt chung. Tại đây đồng bào đặt ghế dài để khách ngồi, một ghế dành cho chủ nhà, ghế Kpan để nhạc công ngồi khi có lễ. Ngoài  ra còn có một cột chiêng, dọc vách là một dãy ché. Phần còn lại là ôk, đây là nơi đặt bếp ăn và chỗ ở của các đôi vợ chồng.

Trước đây ngôi nhà có 4 thế hệ cùng nhau sinh sống và chịu sự cai quản của 1 người phụ nữ. Con cái lấy theo họ mẹ và được hưởng quyền thừa kế, đặc biệt là cô con gái út vì có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Trong hôn nhân, phụ nữ là người đi hỏi chồng và cưới chồng; đàn ông cư trú bên nhà vợ. Mỗi khi trong đại gia đình có một thành viên nữ lập gia đình thì căn nhà lại được nối dài thêm 1 gian.

Hiện nay, đồng bào Ê Đê đã tách ra thành những hộ gia đình nhỏ, có từ 1 đến 2 thế hệ cùng chung sống. Tuy nhiên, hình ảnh ngôi nhà dài vẫn là nét văn hóa độc đáo, mang bản sắc riêng của tộc người Ê Đê.

* Tổ hợp số 2: Công cụ sản xuất nhóm ngôn ngữ Nam Đảo

Cư dân Nam Đảo miền núi như người Ê Đê, Gia Rai chủ yếu canh tác nương rẫy.  Ngoài lúa, mỳ, ngô. Cư dân còn trồng thêm một số cây công nghiệp như cà phê, ca cao, nho. Cư dân ven biển như người Chăm, Chu ru, Raglai có kinh nghiệm canh tác ruộng nước từ rất sớm.

Dù canh tác nương rẫy hay ruộng nước, cư dân Nam Đảo đều sử dụng cày, bừa làm đất. ở một số chân ruộng khô, đồng bào dùng gậy chọc lỗ để đảm bảo độ màu cho đất. Hiện nay, đồng bào đã giải phóng sức lao động trong công việc đồng áng bằng các loại máy móc hiện đại.

* Tổ hợp số 3: Tập tục trao vòng cầu hôn

Hầu hết các tộc người nhóm Nam Đảo có tục trao vòng cầu hôn. Đó là nghi lễ bắt buộc của các cô gái trước khi làm đám cưới, một tập tục thể hiện sâu đậm dấu ấn mẫu hệ và sự công nhận của thần linh, gia đình, cộng đồng cho đôi trai gái được tổ chức đám cưới để nên vợ, nên chồng.

Phần trưng bày về hôn nhân gia đình nhóm Nam Đảo dành một không gian thể hiện tập tục trao vòng cầu hôn của dân tộc ê Đê, tỉnh Đăk Lắc.

Theo phong tục của người Ê Đê, con gái đi hỏi chồng và hôn nhân cư trú bên nhà vợ, lễ cưới truyền thống được tiến hành theo 4 bước: lễ hỏi chồng, lễ thoả thuận, lễ gọi chồng và lễ lại mặt. Trong lễ hỏi, nghi lễ trao vòng cầu hôn là quan trọng nhất, thông thường khi con gái tìm được người con trai ưng ý, thì báo cho bố mẹ biết. Bố mẹ nhờ ông mối đưa chiếc vòng cầu hôn, mở đầu cho việc giao thiệp với nhà trai. Vài ba lần như vậy, đến khi chàng trai đồng ý thì nhà gái sang nhà trai tổ chức lễ trao vòng. Trường hợp nhà trai không đồng ý thì lễ hỏi phải dừng lại, chờ đến khi sợi tơ hồng cuốn chặt.

Trao vòng cầu hôn được thực hiện trong nghi lễ hỏi chồng. Cô gái cùng ông mối và người anh, em trai của mẹ, mang theo một lễ hỏi gồm một ché rượu, một vòng đồng để cúng thần tới nhà trai. Nếu người con trai không ở trong cùng buôn, thì đoàn nhà gái phải mang theo một gói cơm nếp.

Trong lễ trao vòng cô gái và chàng trai cùng chạm tay vào chiếc vòng đồng, ông cậu cầu cúng Giàng. Họ coi đó như lời giao ước hôn thú, có sự chứng giám của thần linh, sự công nhận của cộng đồng và sự thống nhất của cặp uyên ương. Từ sau lễ trao vòng, hai gia đình chính thức kết mối thông gia. Mỗi bên gia đình cử ra một người đỡ đầu của gia đình mình để thay mặt gia đình giúp đôi trẻ trong mọi nghi lễ cưới xin trong suốt cuộc đời còn lại sau này, người đỡ đầu luôn đóng vai trò như cha mẹ, khuyên răn chú rể, cô dâu và dàn hoà mọi bất hoà giữa hai gia đình.

Sau lễ trao vòng, nhà trai cũng trao cho bên nhà gái chiếc vòng để làm tin cho việc đính ước. Sau đó, nhà trai tổ chức bữa cơm rượu mời gia đình nhà gái.

* Tổ hợp số 4: Lễ hội bỏ mả các tộc người Tây Nguyên.

Lễ bỏ mả là một lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên. Trong lễ bỏ mả tập trung nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, múa, trình diễn…với mục đích tiễn đưa  người chết về thế giới bên kia, đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự  ràng buộc của người sống đối với người chết.

Đồng bào cho rằng: Chưa làm lễ bỏ mả là chưa cắt đứt được hoàn toàn quan hệ với linh hồn của người chết với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian này, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người quá cố sử dụng. Chỉ khi nào làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của tổ tiên.

Sau lễ cúng bỏ mả coi như hết tang, người chết được những người chồng hoặc người vợ quá cố cho phép đi bước nữa để thực hiện cuộc sống tự do, độc lập của mình.

Thông thường, sau lễ tang từ 3 đến 7 năm người ta phải làm lễ bỏ mả cho người quá cố. Ở một số dân tộc như: Ê Đê, Gia Rai mộ táng chung theo gia đình, dòng họ, vì thế khi làm lễ bỏ mả cũng phải làm chung, dù lễ vật dâng cúng mỗi nhà một khác.

Lễ bỏ mả thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày. Trong lễ bỏ mả người ta dựng nhà mồ, làm tượng nhà mồ bằng gỗ thô nhám gồm: Tượng khỉ, tượng chim công, tượng người… với niềm tin hồn người chết sẽ nhập vào các pho tượng, các pho tượng sẽ trở lại làm nô lệ cho linh hồn người chết ở thế giới bên kia. Hình tượng những người đàn ông, đàn bà khoả thân, phụ nữ giã gạo, người cưỡi voi, cầu thủ bóng đá… thể hiện rất mộc mạc cuộc sống nơi trần gian để người chết không cô quạnh.

Lễ hội bỏ mả được coi như là một lẽ hội lớn của gia đình, cộng đồng, một ngày vui thực sự của cả người sống và cả người chết. Trong lễ bỏ mả có tấu cồng chiêng,  tổ chức đâm trâu, uống rượu cần, và múa hát mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát. Qua đó thể hiện sự giao lưu văn hoá giữa các tộc người trong một vùng.

Sau lễ bỏ mả, người ta không đến thăm viếng nhà mả và những ngôi nhà mồ bị lãng quên theo năm tháng và người sống sẽ đoạn tuyệt hoàn toàn với người chết.

* Tượng nhà mồ:

Tượng nhà mồ là loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, của các dân tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Tượng nhà mồ được ra đời cùng với nghi lễ bỏ mả đưa tiễn linh hồn người chết sang thế giới của tổ tiên ông bà, sau nữa là làm “nô lệ” cho linh hồn người chết ở thế giới bên kia.

Tượng nhà mồ được làm bằng gỗ, với kỹ thuật trạm khắc đơn giản như dùng dao, rìu phạt, đẽo, đục tạo thành các hình khối, đường nét tinh tế, khỏe khoắn. Nội dung, tư thế thần thái và ý nghĩa của các bức tượng thì muôn hình, muôn vẻ như: Tượng chim công ca ngợi vẻ đẹp của người chết, để làm vui cho linh hồn, tượng chim thần Grứ để che chở và mang may mắn, hạnh phúc đến cho người chết; Tượng ngà voi ca ngợi sức mạnh, lòng dũng cảm của người chết khi còn sống, đồng thời cũng là vũ khí bảo vệ cho linh hồn người chết. Tượng người bế con, người lấy nước, người ngồi khóc, người đánh trống, đánh chiêng, tượng đàn ông, đàn bà… với các “công cụ” sinh tồn là để khuyên con cháu phải biết tiếp nối sự phát triển của dòng tộc mình.

Tất cả hệ thống tượng được dựng xung quanh khu nhà mồ đều là bức tranh sinh động về cuộc sống nơi trần gian mà người đang sống muốn tái hiện lại để cho người chết khỏi cô quạnh ở thế giới bên kia.

Theo phong tục của đồng bào Tây Nguyên, tượng nhà mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong lễ bỏ mả mà thôi. Sau lễ bỏ mả, những tượng nhà mồ cũng bỏ luôn.

Văn hoá dân tộc Chăm:

Dân tộc Chăm ở nước ta còn có tên gọi khác là Chàm, Chiêm Thành, Hroi. Có số dân 132.873 người, sống tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra người Chăm còn sinh sống ở các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Yên.

Tiếng nói tộc người Chăm thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo. Tôn giáo người Chăm là đạo Hồi và đạo Bà La Môn. Đạo Hồi ở đây có hai nhóm: Bà Ni (Hồi giáo cũ), nhóm Islam (Hồi giáo mới). Phần lớn người Chăm theo đạo Bàlamôn và thờ 3 đấng thiêng liêng của Hindu. Đó là thần Siva, Visnu, Brahma; Một số ít theo đạo Hồi. Những người theo đạo Bàlamôn (tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận) kiêng thịt bò và người chết được hoả táng; những người theo Hồi giáo (phần lớn ở An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh) kiêng thịt lợn và người chết được chôn.

Đồng bào Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống trồng lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp giống, phân bón, thuỷ lợi khá thành thạo. Hai nghề thủ công nổi tiếng là đồ gốm và dệt vải sợi bông.

* Tổ hợp số 5: Nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm

* Nghề dệt

Dệt vải là nghề thủ công truyền thống đã được phát triển từ lâu đời của người Chăm. Từ thập niên 50 trở về trước người Chăm đã biết trồng bông, lấy sợi dệt vải  đáp ứng nhu cầu may mặc. Ngày nay, tất cả các nguồn nguyên liệu từ sợi cho đến sản phẩm nhuộm đều được mua trên thị trường. Đồng bào dệt vải và trang trí hoa văn trên mặt vải bằng 2 loại khung: Loại dệt dạng tấm và loại dệt dạng dải, mỗi loại khung có kỹ thuật dệt khác nhau. Khung dệt dải người thợ dệt ngồi ghế, sử dụng đôi chân đạp con ngựa tách mặt sợi nền, tay phải kéo go, bắt bông và chặt sợi, tay trái luồn thoi chỉ qua lại. Khung dệt tấm, người thợ dệt ngồi xuống nền nhà giống như cách dệt của người Gia Rai và Ê Đê. Người Chăm nổi tiếng với các sản phẩm dệt ở Châu Đốc, tỉnh An Giang, làng Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận.

* Nghề gốm:

Bên cạnh nông nghiệp, đồng bào Chăm còn phát triển nghề gốm với kỹ thuật tạo hình sản phẩm gốm hoàn toàn bằng tay với phương pháp đắp con trạch mà không cần bàn xoay.

Quá trình làm gốm phải qua các bước: tạo hình (dựng hình và nạo sửa) trang trí và nung.

Tạo hình: Dụng cụ tạo hình chỉ cần có những cái lu to nhỏ khác nhau. ở khâu này, người thợ dùng 2 tay, một tay quay khối đất, tay kia ấn nặm tạo thành lỗ lõm trong lòng khối đất sau đó kéo vuốt tạo thân, miệng, rồi chấm cát và đặt lên đáy lu. ở khâu này, người làm gốm phải duỗi thẳng tay trái đỡ bên ngoài, tay phải đỡ bên trong, vừa vuốt, vừa kéo miết cho thành gốm cao dần lên. Sau đó vuốt thân tạo miệng đối với đồ gốm nhỏ, nối con trạch đối với đồ gốm lớn. Khi hoàn chỉnh miệng mới sửa thân với đồ gốm nhỏ, hoặc sửa thân mới hoàn chỉnh miệng đối với đồ gốm lớn. Tạo hình xong phải để cho đồ gốm xe khô mới chuyển sang giai đoạn nạo sửa.

Nạo sửa: Dụng cụ gồm 2 loại: Vòng tròn rộng bản, cạnh sắc mỏng làm bằng cật tre già và vòng tròn thân cây mây. Họ dùng vòng tròn cật tre nạo các phoi đất nhỏ dần ở thân và đáy để tạo dáng đáy tròn đều. Đối với các đồ gốm lớn, phải gia công thêm ở giữa thân dưới và đáy bằng cách dùng vòng thân cây mây. Khi đã miết sửa hoàn chỉnh, để trong bóng dâm thoáng gió, khô hẳn mới phơi nắng, càng lâu càng tốt.

Trang trí: Người Chăm ít trang trí hoa văn trên đồ gốm. Chỉ có lu đựng nước hoặc đựng lương thực là được trang trí. Hoa văn được vẽ khi gốm còn chưa khô, ngay sau giai đoạn nặn gốm.Khi vẽ, một tay cầm lược, một tay đỡ trong, chân giật lùi nhẹ theo động tác của tay.

Nung: Gốm được nung ngoài trời, không có lò nung riêng. Nhiên liệu nung là  củi cành, tre khô, rơm và một ít chấu. Khi nung, người ta xếp lớp củi thứ nhất xít nhau theo vòng tròn, lớp thứ hai theo chiều hướng tâm chặt chẽ. Lớp thứ ba lát dưới đáy sản phẩm được xếp theo hình vòng tròn, đường kính 5 – 6m. Sau đó xếp gốm vào lò theo trình tự lu lớn đặt dưới, úp trực tiếp lên lớp trên củi lát,  đồ nhỏ chèn vào khe trống tạo khối chặt chẽ. Số củi còn lại được luồn vào khe hở để đè lên đống gốm đã xếp xong, phủ rơm lên trên, sau cùng rắc trấu. Lửa được châm ở chân đống gốm ngược chiều gió để rơm khỏi cháy quá nhanh. Khi lửa cháy hết ngọn, sau 15 – 16 giờ lấy gốm ra.

* Tổ hợp số 6: Tổ hợp văn hoá Chăm

Trong suốt chiều dài lịch sử, người Chăm đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hoá lớn trong khu vực Đông Nam á, nổi bật nhất là di tích đền tháp, văn bia, các tác phẩm điêu khắc trên đá, trên gốm, các tấm bia cổ… còn lưu lại trên dải đất miền Trung nước ta. Trong đó Thánh địa Mỹ Sơn là một công trình kiến trúc đền tháp tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ Chăm Pa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới.

Các tháp Chăm là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng. Các đền tháp của người Chăm được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo và riêng biệt, kỹ thuật ghép các viên gạch nung màu nâu sẫm một cách tinh vi và chính xác. Trên mỗi tầng tháp được trang trí hình tượng ngọn lửa và trên ngọn tháp là trụ đá hình dương vật – biểu tượng của thần Siva, vị thần huỷ diệt và cũng là đấng sáng tạo của vũ trụ.

Trong các tháp người Chăm thờ Linga (biểu tượng sinh thực khí nam) và Yoni (biểu tượng sinh thực khí nữ). Linga và Youni là một biểu tượng tôn thờ sùng kính thần Si Va, thờ thần chủ đại biểu cho tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Là vật thiêng của văn hoá Chăm Pa và cũng là vật tượng trưng cho năng lượng sinh sản.

Linga và Youni trưng bày tại Bảo tàng có niên đại ( Thế kỷ IX – X)  do người Chăm chế tác và tôn thờ tại thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Lễ hội Ka Tê

Hiện nay, người Chăm vẫn giữ được tập tục truyền thống mang bản sắc văn hoá riêng, trong đó có các lễ hội diễn ra hàng năm là một di sản văn hoá tinh thần vô giá như: Lễ cộng đồng, lễ dòng tộc, lễ gia đình… được tổ chức tại các đền tháp. Người Chăm ở Ninh Thuận trong năm có hai lễ hội chính là lễ Ka Tê của người Chăm Bà – La – Môn và lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo.

Vào tháng 7 theo lịch Chăm (tức khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch), người Chăm tổ chức lễ hội Ka Tê, có ý nghĩa và quy mô như Tết nguyên đán của người Kinh.

Nội dung lễ hội thể hiện rõ phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Nó vừa là nghi lễ mang tính phồn thực, thờ cúng Vua – Thần, đồng thời mang đậm tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Lễ hội Ka Tê gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Lễ là phần tín ngưỡng tâm linh, tin tưởng cầu nguyện của con người; phần hội tổ chức vui chơi giải trí nhằm thu hút mọi người cùng tham gia.

Địa điểm tổ chức hội diễn ra tại 2 tháp: Tháp Pô Klong Ga rai và tháp Pô Rômê. Thông thường lễ hội Ka Tê thường diễn ra trong 3 ngày.

Ngày đầu tiên, là lễ đón rước y phục của Pô Nưgar( người mẹ sứ sở). Y phục sẽ được rước vào đền, đoàn người đón rước là các vị chức sắc, các vị bô lão và thanh niên trong làng.

Ngày thứ hai, lễ hội Ka Tê được diễn ra chính thức tại các đền tháp. Với các nghi thức như: Lễ rước y phục lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng với mục đích tưởng nhớ và tạ ơn vua Pô Klong Garai, là người có nhiều công trong việc khai mương, đắp đập, dẫn thuỷ nhập điền cho mùa màng tươi tốt, dân làng được no ấm, hạnh phúc.

Ngày thứ ba: Lễ hội diễn ra tại các gia đình, họ đoàn tụ tận hưởng giây phút ấm áp, chúc nhau năm mới mạnh khoẻ, làm ăn gặp nhiều may mắn, cùng nhau thưởng thức những món ngon của hương vị ngày tết như: Bánh tét, bánh ít, bánh ngọt và hoa quả…

Lễ hội Ka Tê diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt với điệu trống Ghi năng, tiếng kèn Saranai cùng những điệu múa Chăm truyền thống làm say đắm lòng người

* Tổ hợp số 7: Tập tục cưới xin của người Chăm (Hồi giáo)

Hôn nhân của đồng bào Chăm theo chế độ một vợ, một chồng, thể hiện dấu ấn mẫu hệ. Phong tục của người Chăm quy định con cái sinh ra theo họ mẹ, nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, chỉ con gái được thừa kế tài sản. Đặc biệt người con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ già nên được chia tài sản lớn hơn các chị. Hôn nhân của người Chăm là đồng tôn giáo và đồng dân tộc. Bên cạnh những nét chung, phong tục cưới xin của hai cộng đồng người Chăm có nhiều điểm khác biệt.

Người Chăm theo Hồi giáo ở An Giang tổ chức hôn lễ tại Thánh đường. Trên đường từ nhà đến thánh đường làm lễ, chú rể được che ô hoa. Các giáo sĩ đọc kinh cầu nguyện và đốt hương trầm để Thánh Alla ban phước cho cô dâu và chú rể. Sau đó, chú rể được đưa về nhà vợ và làm lễ trước phòng the. Khi nhập phòng, chú rể tỏ quyền lực bằng cách chỉ tay vào trán cô dâu và rút trâm cài tóc trên đầu cô dâu để tỏ ý hài lòng về người vợ mà thánh Allah và cha mẹ đã chọn cho mình. Người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận, Bình Thuận  tổ chức hôn lễ bên nhà gái, nhà trai đưa chú rể về nhà vợ. Trong lễ tơ hồng, chú rể và cô dâu cùng nhau ăn miếng trầu lễ, uống rượu và trao nhẫn cưới. Sau đó, chú rể cởi áo trao cho cô dâu bày tỏ hai tâm hồn đã thuộc về nhau. Đêm tân hôn và hai đêm sau, đôi vợ chồng trẻ nằm cạnh nhau, nhưng bị ngăn cách bởi 3 cây nến nhằm thử thách họ vượt qua khó khăn để yêu thương nhau trọn đời. Hiện nay, tập tục này không còn phổ biến nữa.

Văn hoá các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Hán.

* Tổ hợp số 8: Cổng hội quán của người Hoa.

Hội quán là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu về kiến trúc và công năng sử dụng.

Hầu hết các Hội quán của người Hoa được xây dựng vào thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Đây là nơi duy trì các hoạt động cộng đồng và thờ các vị thần, nuôi dưỡng đời sống tín ngưỡng của cộng đồng.

Cổng Hội quán trưng bày tại Bảo tàng mô phỏng Kiến trúc hội quán Phúc Kiến của người Hoa ở Hội An, được xây dựng vào năm 1697, Tam quan được trùng tu năm 1990

Hội quán có nguồn gốc ban đầu là nơi dừng chân tạm trú của người Hoa mới đến Việt Nam. Trong lúc không nơi nương tựa những người đồng hương ở đây đón tiếp và lưu lại Hội quán. Từ đó họ sẽ được tạm trú và được đồng hương của mình giúp đỡ, kiếm kế sinh nhai, công việc, nơi cư trú. Về sau, Hội quán dần trở thành nơi quy tụ các nhóm người Hoa địa phương. Hội quán cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng.

Cổng hội quán Phúc Kiến mang đậm phong cách Trung Hoa như cổng vòm lớn nhiều tầng, mái uốn cong trang trí các hình tượng con lân, sư tử thể hiện sức mạnh của nam giới… và màu sắc chủ đạo thiên về màu đỏ – màu dương, màu đem lại may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống.

Hội quán đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên của các nhóm người Hoa khác nhau.

* Tổ hợp số 9: Các nghề gia truyền

Nghề bốc thuốc bắc

Từ thời xa xưa, người Hoa đã nổi tiếng với nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh cứu người. Đồng bào biết cách sử dụng các loại cây cỏ để bào chế thành những phương thuốc chữa bệnh. Các bài thuốc này phần lớn là bí truyền của dòng họ. Khi di cư đến vùng đất mới họ mở phòng bắt mạch, chẩn đoán bệnh và bốc thuốc cứu người rất có hiệu quả, giữ được chữ tín, nên các hiệu thuốc bắc của người Hoa rất phát triển.

Trong các gia đình và các cửa hiệu buôn bán của người Hoa thường treo câu đối, có ý nghĩa nói về gia cảnh của từng gia đình, nghề nghiệp mà họ làm. Đôi câu đối trưng bày tại Bảo tàng được treo trong cửa hiệu thuốc bắc có 8 chữ Hán với nội dung.

“Bổ thiên phối tế oa thạch kỳ công.”

“Đạo địa luân tài cát lâm trân phẩm”

Có nghĩa: các cây thuốc tốt được trồng trong vườn nhà nếu biết kết hợp sẽ chữa được bách bệnh.

Nghề làm bánh bao

Người Hoa ở Việt Nam giỏi chế biến các loại thức ăn từ bột gạo, bột mỳ như: hủ tíu, mì sợi, vằn thắn…một trong những loại bánh được làm từ bột mì rất ngon được nhiều người ưa chuộng và biết đến đó là món bánh bao.

Vỏ bánh là bột mỳ được bỏ vào thùng rồi tưới nước vào đánh bột thật nhuyễn, mịn và ủ trong khoảng 30 phút. Sau đó chia thành những cục bột nhỏ, cán mỏng và cho nhân vào rồi hấp cho chín.

Nhân bánh được trộn thịt lợn hay cá thêm dầu ăn. Bánh khi đã nặn xong xếp vào khay, khi nước sôi cho bánh vào hấp khoảng 15 phút thì xả hơi, sau đó hấp thêm khoảng 15 phút nữa là chín. Đây là một món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn nào của người Hoa.

Bài viết liên quang

Phòng trưng bày số 3: Văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng Miến

Phòng số trưng bày 2: Văn hóa các cư dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái

Phòng trưng bày số 1: Văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường