Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Người Ơ Đu có dân số 376 người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Người Ơ Đu cư trú chủ yếu ở miền Tây tỉnh Nghệ An.
Tên gọi : Tày Hạt
Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Người Ơ Ðu chủ yếu làm rẫy trồng lúa nếp, một phần làm ruộng nước. Ngoài lúa nếp, người Ơ Đu còn trồng sắn, ngô, khoai, bầu, bí, mướp, vừng, đậu. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ: phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9-10. Công cụ làm rẫy gồm rìu (xoải), dao (pa đaị) dành cho nam giới phát cây to, dao (pạra) là dành cho phụ nữ chủ yếu để chặt, phát cây nhỏ; Rìu (xa vau) dùng để chặt cây to, đẵn cành lớn, bổ gốc, dọn cho quang rẫy. Gậy chọc lỗ tra hạt giống trên nương làm bằng gỗ, đầu gậy bịt sắt; Cuốc bướm (cuốc), loại cuốc nhỏ, lưỡi hình tam giác, cán ngắn, dùng để xới cây, làm cỏ rẫy. Hái nhỏ – kiểu, để thu hoạch lúa rẫy; Dùi – hái nhỏ ngắt từng bông lúa. Gùi, vận chuyển sản phẩm nương rẫy như: lúa, bầu bí, dưa, ngô, đậu. Trên mỗi đám rẫy, họ chỉ gieo trỉa tối đa 3-4 mùa rẫy, sau đó bỏ hoang hóa cho cây rừng tái sinh, sau 5 – 6 năm sau mới quay trở lại để tiếp tục canh tác. Với cách canh tác này, diện tích rừng bị thu hẹp dần, dẫn đến nguồn nước cạn kiệt, thiếu đất làm rẫy, người dân phải du canh, tìm nơi phát rẫy mới, cuộc sống đói nghèo.
Người Ơ Đu chăn nuôi các loại râu, bò nuôi để lấy sức kéo, bán để tăng thu nhập ; nuôi lợn, gà để sử dụng trong các dịp cưới xin, nghi lễ tín ngưỡng và cải thiện bữa ăn, nhất là dịp có khách. Chăn nuôi chủ yếu theo phương pháp thả rông, hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, được chăng hay chớ. Năm nào khí hậu kém, vật nuôi bị ốm nhiều, phải làm thịt để cúng ma xin cho vật nuôi khỏi bệnh. Cho đến nay chăn nuôi chưa thực sự là một hoạt động hỗ trợ tốt cho trồng trọt, những lợi thế về phân bón, sức kéo từ chăn nuôi vẫn chưa được chú trọng khai thác. Buổi sáng, đồng bào thả ra ngoài rừng, buổi tối lại ra rừng lùa trâu bò, lợn dê về nhà. Để dễ tìm kiếm, các gia đình đeo mõ (nay đeo chuông sắt) ở cổ trâu, bò, chủ nhà theo tiếng mõ (chuông) biết hướng đi lùa trâu, bò về nhà. Cho đến năm 2014, chính quyền vẫn ban hành quy định cấm đồng bào làm chuồng nhốt gia súc ở gầm sàn, đồng thời phạt những ai thả rông gia súc làm hại nương rẫy, nếu bắt được sẽ bị phạt 60.000 đồng/mỗi con. Nhờ có khung quy định cứng, mà đến nay, hầu hết các hộ gia đình Ơ Đu đều làm chuồng để nhốt trâu, bò, lợn, gà, nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường.
Là một trong 3 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, người Việt (Kinh) với số dân hơn 73.594.000 người (2009), chiếm gần 86% dân số toàn quốc. Người Việt sống trên khắp cả nước, nhưng tập trung ở vùng đồng bằng, trung du và ven biển. Hình thức nhà nước đầu tiên của người Việt cổ xuất hiện từ khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Người Việt luôn là trung tâm liên kết các dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Kinh tế tự nhiên
Do sinh sống ở miền núi, nơi có nhiều rừng đầu nguồn các dòng sông, cho đến nay đồng bào Ơ Đu vẫn sống dựa vào hoạt động săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá… để cải thiện cuộc sống. Hái lượm chủ yếu do phụ nữ, trẻ em đảm nhiệm. Họ tranh thủ ngày đi rẫy, lúc nông nhàn thu hái các nguồn lợi từ rừng như: rau (tàu bay, lá ngót, măng, ngải…), nấm (mộc nhĩ, nấm hương, Linh chi…), các loại cây, củ quả làm lương thực (củ nâu, củ mài…), các loại cây thuốc sâm quy, sâm trúc, củ hoài sơn, sa nhân …. Việc lấy nấm Linh Chi và mật ong rất khó khăn, chỉ có đàn ông mới có thể vào rừng sâu để thu hái. Cả mùa nấm Linh chi (tháng 7), chịu khó mới có thể thu hái từ 4 – 5 kg nấm khô. Mùa mật ông, 1 tổ ong thu được 10 – 15 lít. Các buổi tối, khi ong về tổ, họ lấy đất bịt lỗ vào, đốt lửa lấy ong hoặc khai thác tổ ong để lấy nhộng, nướng làm thức ăn. Săn bắn (xọ pĩnh) là công việc của nam giới. Họ chủ yếu săn cá thể, theo hình thức săn rình và đặt bẫy, đôi khi gặp thú lớn, họ cũng huy động nhân lực cả bản để vây bắt. Dụng cụ săn gồm: súng kíp (mua hoặc trao đổi với người Mông ở Nghệ An); nỏ, lao, bẫy đá, bẫy thòng, bẫy sập… Đối với những loại thú to (lợn, nai, gấu, hổ), họ dùng loại bẫy hầm chông. Đối với chuột, sóc, gà, các loại thú nhỏ, họ dùng bẫy sập đặt quanh rẫy. Đối với các loại thú leo trèo như: Chồn, sóc, khỉ, họ dùng nỏ để bắn hoặc dùng bẫy thòng lọng…Ngày nay, nguồn lợi tự nhiên ngày càng hiếm, thêm vào đó, đồng bào săn bắt chủ yếu để bảo vệ rẫy. Mùa lúa rẫy chín rộ cũng là lúc họ hàng nhà dúi, chim, chuột cắn phá mùa, nam giới đặt bẫy, đổ nước đầy hang cho dúi, chuột phải ngoi lên để bắt. Đánh bắt cá (xinh dinh): chủ yếu tiến hành vào mùa mưa, mùa cá đẻ (tháng 9- 10), với các phương pháp: bắt cá bằng chài, lưới ở sông, bằng tay ở khe suối, hốc đá hoặc ruốc cá bằng cây độc gồm lá cơi, hạt cây cỏ bụt (bạt) (ngăn nước từng đoạn, lấy lá cơi giã hạt trộn với cỏ bạt, rải xuống nước cho cá say, đợi cá nổi lên, tập trung nhau lại vớt cá). Vào mùa khô, người Ơ Đu còn làm 1 tấm đan lớn, dài hết đoạn sông để ngăn, dồn cá vào một chỗ, quăng chài bắt cá, hoặc chặn một bên dòng cho cá sang bên dòng kia để dễ đánh bắt. Cá đánh bắt được, đem về mổ sạch, xiên vào que nướng, đồ, hấp hoặc treo trên bếp cho khô ăn dần.
Nghề thủ công
Người Ơ Đu có một số ngành nghề thủ công như: đan lát, dệt vải, nghề mộc, khai thác vàng sa khoáng…Trong đó, nghề đan lát khá phát triển. Nam giới Ơ Đu tranh thủ lúc nông nhàn (đầu mùa mưa, khoảng tháng 6 – tháng 8) vào rừng lấy tre nứa, mây…về đan các sản phẩm: gùi to, nhỏ, đeo qua trán, qua vai; gùi kiểu bồ để đựng nông sản; các loại giỏ: đựng cá, bao dao, đựng hạt giống.., các đồ chế biến ẩm thực: ép (giỏ) đựng xôi, nong, nia, dần, sàng…đặc biệt là mâm cơm, ghế ngồi bằng mây rất đẹp; các loại dụng cụ đánh bắt cá: đó, bẫy, tấm phên. Nghề rèn khá phát triển, vùng cư trú của người Ơ Đu cách đây hơn chục năm có 3 lò rèn, đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của bà con trong các bản. Nay chỉ còn một lò rèn duy trì vào trước mùa rẫy, giúp bà con trong bản sửa các loại nông cụ sản xuất đã cùn và hỏng như: dao, gậy chọc lỗ, cuốc bướm, cuốc cào, xẻng, rìu, liềm, nhíp.
Phương thức vận chuyển
Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Ơ Đu là gùi với nhiều loại: Gùi cho người lớn, gùi cho trẻ em, gùi đi săn bắt, đi rừng, làm rẫy của đàn ông, gùi chuyển vận chuyển váy, áo, đồ trang sức phụ nữ, đem theo khi đi dự lễ tết, hội hè…; gùi thưa dùng đựng rau, gùi củi…Ngày nay, ngươì dân bắt đầu dùng xe máy đi chợ, vận chuyển, dùng xe quyệt bằng sức trâu bò kéo vận chuyển các loại hàng hóa có kích thước lớn và nặng như: Nứa, gỗ, sắn…
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, người Ơ Đu chủ yếu trao đổi với người Thái, người Khơ Mú và người Kinh để lấy những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt và sản xuất. Họ đổi sản phẩm tại chỗ như gà, lợn, mật ong, nấm linh chi, thuốc lá …lấy những nhu yếu phẩm thiết yếu như: muối, dầu, kim chỉ, nông cụ, quần áo… Tuy nhiên số lượng đổi rất ít: 1 bầu, 1 ống mật ong (2 lít) chỉ đổi được 1 nắm muối, 2 bầu mật ong mới đổi được 1 miếng sắt rèn dao. Phương thức hàng đổi hàng như vậy vẫn tồn tại cho đến vài năm gần đây: Trước đây, rèn một con dao phát, loại Pa đại, nếu thợ rèn tự lo sắt, phải mất vài ngày sang làng khác đổi gà lấy sắt. Vì vậy, rèn xong dao phải đổi ngang giá bằng 1 con lợn nuôi cả năm, vì dao có thể phát được 2 mùa rẫy, tương đương với 1 năm nuôi lợn. Nếu người trong làng đã có sắt, nhờ thợ rèn hộ, thì một con dao, được quy đổi tương đương với hai công. Ngày mùa, người này sẽ phải trả cho thợ rèn 2 công phát rẫy hay trỉa hạt. Cách đây 10 năm quy đổi 50.000 đồng (loại dao pa đại), loại dao nhỏ (pa ra) là 40.000 đồng, dao dành cho đan lát nhỏ nhất quy đổi thành 1/3 công, tương đương 30.000, nếu làm cả cán quy đổi thành 1 công là 100.000 đồng. Khi con đường quốc lộ 7A thông tuyến, đường xá đi lại thuận tiện, không phải đi đâu mới có thể mua được. Tại bản tự nhiên hình thành 3 hình thức mua và bán mới: Một là có hai cửa hàng bán lẻ tổng hợp ở giữa bản của ông Lo Văn Tình và Lo Văn Tới, bán cả đồ gia dụng và thức ăn hàng ngày. Hai là nhóm bán dong bằng xe máy, mua bán hàng tại nhà. Ba là mua bán tại rẫy. Tại các cửa hàng cũng có thể mua 1kg nấm Linh chi khô với giá 1,2 triệu đồng. Như vậy, dù người Ơ Đu đã bắt đầu bước vào kinh tế thị trường, nhưng sự chuyển đổi vẫn còn chậm, phần lớn vẫn nặng tính tự túc, tự cấp theo lối truyền thống.
Văn hóa mặc
Trước đây, người Ơ Đu biết trồng bông, dệt vải và cắt, khâu quần áo, váy. Lâu ngày, người Ơ Đu quên mất nghề dệt vải. Một thời gian dài, người Ơ Đu thường trao đổi hàng hóa hàng hóa, hoặc quần, áo, váy của các dân tộc Thái, Khơ Mú trong vùng để mặc. Trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu gồm có áo, váy và túi đeo. Áo (Gioả quấn quôiê) màu trắng (gliêu), may kiểu 3 thân (một thân sau bằng hai thân trước), cổ tròn, nẹp cổ (cấc gioả) cao 2 cm, xẻ tà ở hai bên nách, ống tay (krăng hiỏa) khá rộng và nối làm hai đoạn. Cúc áo (pala cúc) bằng vải. Loại áo truyền thống này chỉ một số ít người già sử dụng và lưu giữ để mặc về với ma nhà khi chết. Váy (H’râu) của phụ nữ Ơ Đu xưa gần giống với váy của phụ nữ Thái (nhóm Mán Thanh). Đến thời điểm sinh sống ở xã Kim Đa (trước năm 1997), họ đã tiếp thu bộ váy của dân tộc Thái (nhóm Hàng Tổng): Cạp váy (Gliêu hrâu) màu trắng, dệt thủ công. Thân váy (Tuh’râu) màu chàm (mảnh). Chân váy (T’răng h’râu) dệt trang trí các đường chỉ các màu: đỏ (gằm), xanh (Slỉu), tím (ón), vàng (kachải), tạo thành các vạch màu ở gần cạp và chân váy, chạy song song với thân váy. Phần khoang giữa chân váy trang trí mô típ 4 con hổ (rôôí), xen lẫn các hoa văn: sóng nước, răng cưa, chân con hổ, chân nhái, con khái, mặt trời, hoa cúc…Túi đeo của phụ nữ Ơ Đu chỉ có cùng một màu trắng giống như áo. Khi ra khỏi nhà, đi rẫy, đi chơi, đi hội, phụ nữ đeo trên vai để đựng đồ cá nhân. Bộ y phục nam Ơ Đu gồm có: áo (gioỏa), quần (sôồng) và túi đeo. Tất cả đều may bằng vải sơi bông tự dệt, màu trắng. Áo (gioỏa) may kiểu cổ đứng cao 3 cm, tay áo (Knáng gioỏa) rộng, vạt áo phía trước (Tun gioỏa) đáp 2 túi. Áo xẻ tà ở hai bên nách sâu 18 cm. Quần (sống) cắt may bằng vải trắng (lụ) theo kiểu bổ đũng giống kiểu quần pizama. Cạp quần (glieê sống) nhỏ, rộng 4cm để luồn dây buộc; ống quần trắng, rộng. Hiện nay, loại trang phục truyền thống chỉ còn một số ít các cụ già, lớp người trung niên mặc trong dịp lễ tết, hội hè, cưới xin, còn thường ngày họ mặc quần âu, áo sơ mi.
Văn hóa ẩm thực
Người Ơ Ðu thường ăn 1 bữa phụ (sáng) và 2 bữa chính (trưa và tối). Trước đây, nếp nương vẫn là loại lương thực chính của người Ơ Đu, họ thích ăn xôi đồ (gạo nếp trộn với một ít sắn, ngô hoặc đậu), khi mất mùa, đói kém người Ơ Đu thường vaò rừng kiếm củ nâu, củ mài thay cơm. Nay có cả cơm gạo tẻ, Thóc nếp thu về để từng cum lúa trong kho thóc, trước đây ăn đến đâu bỏ cum lúa vào cối giã đến đó. Ngày nay, trong xã đã có máy xay sát của người Thái, chị em không phải vất vả giã gạo nữa. Gạo nếp được ngâm từ tối hôm trước, sáng hôm sau, cho vào chõ, đồ xôi. Sau khi xôi chín, đổ ra mẹt, quạt cho bay hết hơi, đợi xôi nguội hẳn, cho vào ếp đựng xôi mang lên rẫy hoặc ăn cùng với các loại rau rừng đem ngâm chua. Người Ơ Đu thích ăn món nhút được làm từ hoa chuối trộn với các loại: quả sung, gừng, giềng, kiệu, ớt cho vào ống nứa ủ chua 3-5 ngày, có ít thịt hoặc cá hoặc ốc, cá nấu với măng chua. Ngày lễ tết, đám cưới, người Ơ Đu không thể thiếu món ăn: Pá nhọoc – món nấu tổng hợp gồm thịt sóc khô (không có sóc, có thể lấy thịt chuột hay thịt lợn đen), cá, rau, cà ngọt, hoa chuối, lá khoai môn. Tất cả được trộn đều, cho vào trong những ống nứa, dùng lá chuối bịt đầu ống nứa, đem vần trên bếp than. Dùng một cái que chọc trong ống nứa cho mọi thứ nhuyễn vào nhau ra rồi hơ lên bếp lửa. Khi ống nứa sôi lên, là ăn được.
Tước đây, ở nơi ở cũ người Ơ Đu lấy nước từ các mạch ngầm ở khe núi, dùng vỏ bầu khô, ống bương để vào gùi, gùi về nhà không cần đun sôi, uống trực tiếp. Từ khi về nơi ở mới tại bản Văng Môn xã Nga My, được dự án tái định cư hỗ trợ họ đã đào giếng, hoặc dùng ống, dẫn nước sạch về bể công cộng, nhưng họ chủ yếu uống nước lã từ mạch nước ngầm, nước giếng rất đục, không đảm bảo vệ sinh an toàn nguồn nước, nên nước giếng chỉ sử dụng để giặt và lấy nước tưới cây trong vườn. Người Ơ Đu có tục uống rượu thường ngày. Dịp lễ tết, hội hè, cưới xin, tang ma, làm nhà mới, đồng bào còn uống rượu cần chế biến từ gạo nếp, men lá. Lậu sả thô là thứ rượu riêng của người Ơ Đu chỉ được dùng trong đám cưới. Loại rượu này được làm theo một công thức rất đặc biệt. Lấy gạo nếp hòa với cám, đồ thành xôi; dùng men giã nhỏ trộn đều. Men làm từ gạo nếp xay, quấy thành bột đặc sệt, để nguội, trộn thêm hoa hồi, một quả ớt chín làm men cay, nặn thành viên, hơ trên than lửa, cho khô, bảo quản trên gác bếp để sử dụng dần. Khi dùng, men được giã nhỏ, trộn với xôi cám đã đồ theo tỉ lệ 1 viên/1kg gạo xôi. Sau đó, ủ ba ngày cho xôi lên men, nóng đủ độ, mở ra cho phả hết hơi, cho vào chum, đậy nắp kín, sau chín ngày có thể chắt lấy nước để uống. Tuy nhiên, rượu càng để lâu càng ngon, đặc biệt khi nào giọt rượu có màu nâu như mật ong, uống chạm vào lưỡi ấm nồng, vào đến cổ nóng ran và khi cạn chén thì một vị ngọt bùi dâng lên là rượu đạt yêu cầu. Vì loại đặc biệt của loại rượu này, mà trong đám cưới nhất thiết phải có một hũ rượu này đi kèm với thịt sóc hoặc thịt chuột sấy khô, cá ướp muối mang sang nhà gái làm đồ sính lễ cưới dâu. Trong các dịp lễ hội khác, một số nhà có điều kiện kinh tế cũng làm rất nhiều hũ rượu sả thô để trong nhà để uống khi có khách, tế lễ, tết, cưới, hội…Người Ơ Đu, các cụ già, trung niên có tục hút thuốc lá cuốn. Trên rẫy, mỗi gia đình đều trồng một khoảnh thuốc lá xen canh lúa, khoai lang. Đến mùa thu hoạch cắt cây thuốc lá về phơi khô, bảo quản trong các ống nứa bịt kín, để trên gác bếp hút dần. Ngày này, chỉ có người già hút kiểu cuốn kén, thanh niên hút thuốc lá mua ở cửa hàng.
Văn hóa ở
Làng của người Ơ Đu không lớn, mỗi làng chỉ có vài gia đình chung sống. Tên làng được gọi theo tên đất, tên sông, tên suối, tên những di tích của tổ tiên còn để lại trong rừng. Xưa kia, người Ơ Đu cũng có kiểu nhà cổ, đặc thù, còn gọi là “Dinh luông tặng”. Đó là ngôi nhà sàn nhỏ, đầu nhà quay vào núi, cột chôn, có 4-8 cột, tương ứng với nhà 1 hay 3 gian. Nhà cổ chỉ có một vì kèo ở giữa, sử dụng kỹ thuật gá lắp cột, buộc ngoãm, mái lợp lá cọ, sàn nhà bằng nứa đập dập, vách thưng bằng nứa đan lóng đôi hay chẻ nan đan dọc, kiểu phên liếp của người Kinh xưa. Trong nhà có 2 bếp, một bếp, một ở cuối sàn để nấu ăn, một ở ngoài gần cửa, chỉ dùng để làm cơm cúng ma. Trên sàn thì thường có ngăn phên bằng nứa; một buồng ngủ của bố mẹ và một buồng ngủ của con cái, phía cuối nhà có một chiếc cối giã gạo bằng thân cây gỗ khoét rỗng và chôn thẳng xuống đất. Gian khách của người Ơ Đu là gian để bàn thờ tổ tiên (phía trái) của ngôi nhà, bên trái cột chính của nhà sàn. Nơi để con trai chưa có vợ ngủ, con gái, phụ nữ và người có vợ không được ngủ. Nhà có 2 cửa ra vào ở gian khách và gian bếp, không có cửa sổ. Trước đây, trong mỗi ngôi nhà sàn, phần trên sàn được dùng để ở, phần dưới sàn được dùng làm nơi để nuôi nhốt gia súc, gia cầm, để dụng cụ lao động. Hiện nay, kiểu nhà này không còn nữa, họ ở nhà sàn giống như nhà sàn người Thái hoặc ở trong ngôi nhà do nhà nước hỗ trợ: Ngôi nhà được kết cấu bê tông cốt thép, xây tường, mái lợp ngói, nền lát gạch hoa. Trong số các gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở, tuỳ theo số hộ trong từng gia đình, mà mỗi nhà được xây cất rộng hay hẹp khác nhau. Có 20 hộ có diện tích nhà ở rộng 70 m2, còn lại là các hộ có diện tích nhà ở rộng 50 m2. Nhà gồm 3 gian, bố trí mặt bằng nhà sàn của các gia đình khá giả trong bản có gian đầu là phòng khách, bàn thờ ma nhà, giường ngủ của chủ nhà, gian cạnh kê giường cho các con trai chưa vợ, gian bên trái là buồng, làm phòng ngủ cho các con gái, nơi cất trữ đồ đạc. Tuy nhiên, phần lớn các hộ 2 gian có diện tích nhà và bếp rất nhỏ, không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của đồng bào. Cho nên, các hộ ở nhà xây thường làm thêm nhà phụ bằng gỗ hoặc tre, lợp lá cọ. Hầu như mọi sinh hoạt gia đình đều diễn ra ở ngôi nhà phụ. Ngôi nhà chính chủ yếu để ngủ và tiếp khách.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Đơn vị xã hội truyền thống của người Ơ Đu là bản (plung). Từ trước tới nay, mọi thành viên trong bản đều gắn bó với cộng đồng, chia sẻ lẫn nhau. Cổ truyền, các bản Ơ Đu có Chẫu Cành (chủ đồi núi), Chẫu Tạt (chủ sông suối), Chẫu Hạt (các tổ tiên của người Ơ Đu) cai quản ban đầu. Sau đó trao truyền cho các chủ đất, thày cúng (các mo) cùng quản lý. Thày cúng giúp đỡ dân làng cúng ma mường, ma bản, tổ tiên, thần (đất, nước, sấm, núi, hồn lúa …) Mọi người nghe theo lời chủ đất, thày cúng và các già làng tổ chức sản xuất, cúng thần, cưới xin, tang ma. Hiện nay, bên cạnh già bản, bản của người Ơ Đu còn có: Trưởng bản, bí thư chi bộ, hội trưởng phụ nữ bản, bí thư đoàn thanh niên, công an viên. Đồng bào đã ý thức và thực hiện quản lý cộng đồng bằng ranh giới, trên cơ sở xác định, dựa vào các đặc điểm tự nhiên như sông Nậm Nơn, Nậm Mộ (đoạn chảy qua làng), suối Nà Ngân chảy qua bản Xốp Pột, bản Com, ngọn núi Pú Pầu, khe Cháo (Chlu Kcháo); khe Pốt (chlu Pốt); suối Săn (chlu Door); Khe San (blung Pir). Con đường mòn, nghĩa địa gắn với tên của các khe suối trên khu đất bằng phẳng, luôn hướng về phía mặt trời mọc của bản bởi họ quan niệm đó là hướng tốt. Đầu bản là hướng Đông (phía mặt trời mọc), cuối bản là phía Tây (phía mặt trời lặn). Do số lượng dân số ít, sống xen kẽ với người Thái, Tày Poọng và Khơ Mú, nên các mặt xã hội, văn hóa của họ chịu nhiều ảnh hưởng các dân tộc này. Người Ơ Ðu lấy họ theo họ Thái, Lào: Lò (Lò Khăm, Lò May, Lò Văn), Lương, Vi… nhưng lại gọi chệch đi là Lo, không ai nói là Lò, để phân biệt người Ơ Đu và người Thái.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Gia đình người Ơ Ðu là gia đình nhỏ phụ quyền. Ðàn ông quyết định tất cả các công việc trong nhà. Con cả có vai trò lớn nhất và được phân chia hưởng lợi phần nhiều nhất như nhà ở, niếng hông xôi, … trai trưởng 10 phần, trai thứ 8 phần, trai út 6 phần. Người Ơ Đu hôn nhân một vợ, một chồng bền vững, con gái không được phép lấy con trai trong tộc. Sau hôn nhân, chú rể cư trú bên nhà vợ vài ba năm, chuyển sang cư trú bên nhà chồng vài ba năm, sau đó sang ở hẳn bên nhà chồng. Trong thời gian ở rể, người chồng được gọi theo họ và tên vợ. Hết thời gian ở rể, trở lại nhà chồng thì vợ được gọi theo họ và tên chồng. Khoảng hơn chục năm nay, tập tục đó đang dần thay đổi, cô dâu về ở hẳn bên nhà chồng. Hôn nhân của người Ơ Đu được thực hiện qua 6 bước: dạm, hỏi (2 lần) cưới nhỏ, cưới chính, lại mặt và lễ trầu. Lễ dạm (lự chiết), nhà trai mang đến nhà gái 2 chai rượu trắng, 2 bó trầu, 2 bó vỏ, 2 vòng cổ, 2 con gà, nếu cha mẹ cô gái không trả lại các thứ trên coi như ưng thuận. Lễ hỏi (Lự pha), lần thứ nhất, nhà trai mang đến nhà gái 4 vò rượu sả thô, 2 kg gạo nếp, 4 bó trầu, cau, 10 mảnh cau khô, 01 vò rượu cần; Lần thứ hai phải đưa 8 bó trầu, cau, kèm theo người mối đi cùng để thảo luận ngày làm lễ cưới nhỏ (đi ở rể). Lễ cưới nhỏ (hoong pha): nhà gái nói rõ phong tục và yêu cầu sính lễ: 2 bát lạp sóc, pá nhoọc (thịt sóc và món tổng hợp), 2 chai rượu cái nếp cẩm, 01 con lợn khoảng 30kg, 30 kg gạo nếp, 6 chai rượu trắng, 2 vò rượu ngọt (rượu sả thô), 2 nén bạc (nay là vàng). Nếu nộp đủ bạc, ông mối xin phép cho chú rể được đến ở rể (Nhà trai có tiền, thóc hay lễ vật cho nhà gái, họ sẽ được bớt thời gian ở rể. Trường hợp nhà trai thiếu 1 nén bạc, chú rể phải ở rể thêm 1 năm 6 tháng, thiếu cả 2 nén, nhà gái không cho cưới). Trong thời gian ở rể, người con trai phải gánh vác mọi công việc của nhà gái, được chung chăn chung gối với người con gái và được đối xử như người nhà. Trường hợp nhà trai lấy con gái Ơ Đu, chú rể phải làm vía cho bố mẹ cô dâu: tặng cho mẹ vợ 1 bộ áo, váy và 1chiếc vòng bạc. Nếu mẹ vợ mất đi, khi làm tang lễ, phải trả lại cho con rể chiếc vòng mà trước đây con rể đã cho mẹ khi làm vía. Lễ cưới chính thức (kệ kang rai): hết hạn ở rể, nhà trai mang đến nhà gái 2 vò rượu ngọt, 4 vò rượu siêu, 8 vò rượu cần (rượu sả thô – chỉ dùng trong cưới hỏi), 100 kg gạo nếp, 3 con lợn (hai con to để cúng ma nhà, thết đãi họ hàng hai bên. Con nhỏ hơn, dành cho họ hàng nhà ông cậu), nhất thiết không thể món thịt chuột hoặc sóc khô và cá ướp muối để cúng tổ tiên (mỗi thứ 80-100 ống). (Ngày nay, gả cưới không còn dùng bạc nén làm đồ sính lễ, không nặng tính chất mua bán như xưa, thay vào đó sính lễ gồm 2 con lợn, 2 đến 5 triệu tiền mặt hoặc 1 đến 2 chỉ vàng. Nếu gia đình nhà trai không có điều kiện thì thách cưới ít đi, nhưng tục ở rể vẫn được duy trì). Sau khi trao sính lễ, hai họ cùng ăn cơm, uống rượu. Khoảng 9 giờ sáng, ông mối đại diện nhà trai xin cưới, lúc này nhà gái yêu cầu nhà trai trả hết số tiền Klây glây (tiền giá đầu người con gái) còn thiếu khi trước. Ông mối làm lễ hợp vía cho đôi trẻ trước bàn thờ ma nhà, đưa 1 chén rượu nếp, 1 quả trứng gà luộc cho hai người cùng ăn, lấy xôi nếp lần lượt vê tóc dâu, rể và buộc chỉ tay hai người (trai tay phải, gái tay trái), mong đôi trẻ ăn ở với nhau trọn đời. Kết thúc lễ vía, ông mối mời hai họ, mỗi người uống chén rượu nếp để chúc phúc cho đôi trẻ. Nhà trai trả xong tiền giá đầu người con gái, nhà gái mới thịt lợn bày bốn mâm cỗ: 1 cúng ma nhà, 1 cho bố mẹ và họ hàng cô gái, 1 cho ma nhà của ông cậu và 1 cho nhà trai. Cúng ma nhà xong, vừa tối, hai họ cùng ăn uống, trò chuyện, hò hát; chú rể bưng rượu ngọt đến mời họ hàng nhà vợ, nhận lại quà tặng. Xong tiệc trầu, rượu này, cô dâu, chú rể mới được hai họ công nhận. Sau lễ cưới, nhà trai cùng họ hàng cô dâu (trừ bố mẹ) tổ chức đưa dâu về. Họ nhà trai xuống cầu thang trước, cô dâu chú rể đi sau, hai họ té nước cầu may. Đến nhà trai, cô dâu chú rể đặt chân vào 1 chậu nước, trong đó bỏ 4 hào bạc ở cầu thang, để tẩy tà rồi mới bước vào nhà, chú rể đi trước, cô dâu phải đi sau một bậc cầu thang. Hai họ lên nhà, gặp dâu rể vào, họ lại lấy nước té vào nhau cầu may. Gia đình nhà trai cũng chuẩn bị 2 con lợn (1 để làm vía và 1để mời hai họ). Ông mối mở vò rượu, chia vòi cho 2 vợ chồng đặt hai vò rượu cần, mỗi vò buộc 2 sợi chỉ trắng (hàm chỉ sống lâu muôn tuổi) làm vía, báo với tổ tiên có thêm thành viên mới trong gia đình và chúc phúc cho trẻ. Sau nghi lễ hợp vía, hai họ chung vui. Bố mẹ chồng và người tham dự tặng quà, chúc phúc. Bảy ngày sau, cô dâu không được ra khỏi nhà, ngày thứ 8 (nay có khi chỉ 2-3 ngày), chú rể dẫn cô dâu về nhà ngoại làm lễ lại mặt. Lễ lại mặt (mu gua): Vợ chồng đem một con gà về thăm nhà gái. Bố mẹ vợ tặng lại 01 nén bạc, 01 con lợn giống khoảng 20 kg, 1 ít thóc giống và 1 số thứ khác như gùi, ép đựng xôi, mâm cơm. Ông cậu mừng cháu 1ít tiền mặt hay tặng vàng. Bên nhà gái tổ chức 1-2 mâm cơm mời con rể và nhà thông gia. Lễ trầu tổ chức sau lễ lại mặt. Nhà trai mang lễ vật gồm: 12 cái bánh, 2 chai rượu, trầu bó, cau đến nhà gái. Họ chọn 1 cô gái (con mái) gánh trầu cau và 1 cô gái gánh bánh. Kết thúc lễ trầu, họ nhà trai ra về, cô dâu đưa nón mũ cho bố mẹ chồng, bố mẹ chồng biếu lại con dâu một ít tiền. Sau thời gian ở rể, cô gái về nhà chồng, được cha mẹ cho của hồi môn gồm: chăn, gối, quần, áo, váy, đồ dùng sinh hoạt, khuyên tai, nhẫn vàng, bạc nén, tiền …. Sau vài tháng đến 1 năm, hai vợ chồng về làm vía cho bố mẹ đẻ, nếu bố mẹ già yếu hay ốm đau, các con phải năng về làm vía cho bố mẹ hơn để làm tròn đạo hiếu. Trong đám cưới, trước đây, người Ơ Đu vẫn mặc trang phục truyền thống, nhưng hiện nay, cô dâu mặc váy cưới kiểu hiện đại hoặc giống một số dân tộc trong vùng (nếu lấy vợ người Thái, cô dâu mặc váy Thái, lấy vợ người Khơ Mú, cô dâu mặc váy Khơ Mú…).
Phụ nữ Ơ Đu khi sinh đẻ 3 ngày, tuyệt đối không được qua gian thờ. Rốn và nhau thai được bỏ vào ống nứa chôn dưới gầm sàn chỗ người mẹ ngồi đẻ, tránh không để súc vật đào lên ăn. Sau khi sinh, đứa trẻ lớn lên không tính tuổi theo âm lịch mà bắt đầu tính từ ngày sấm đầu năm. Đến ngày đó, đứa trẻ được coi là đầy một năm và bố mẹ tổ chức làm lễ đặt tên cho con.
Tập tục tang ma
Theo quan niệm của người Ơ Đu, con người khi sống có hai hồn là (mee drung và mee rẻo). Khi chết hồn biến thành ma (bua). Hồn mee drung là hồn gốc, ngụ ở chỏm tóc trên đầu, sẽ biến thành ma nhà; còn mee rẻo vốn ngụ ở thân thể sẽ ở lại với xác chết tại bãi tha ma. Ma nhà lúc đầu ở với người con cả. Khi người con cả chết hóa thành ma nhà của nhà mình, người ta làm lễ rước ma nhà sang nhà người con thứ. Khi các con chết hết, người ta làm lễ bui bua brir, tống tiễn ma nhà lên ở cùng tổ tiên (bua brir). Tang lễ truyền thống của người Ơ Đu trước đây kéo dài 3 ngày. Hiện nay, thực hiện quy định, kéo dài không quá 1 ngày. Đòng bào quan niệm về 2 cái chết: Chết bình thường (chết tốt) và không bình thường (chết xấu) sẽ sinh ra 2 loại ma khác nhau. Dù loại ma nào, con cháu đều phải cúng ma bằng các lễ vật bò, lợn, dê, gà, rượu; phải quàn xác trong các quan tài bằng thân gỗ khoét rỗng; thực hiện địa táng, bỏ mả đúng tập tục với mong ước linh hồn siêu thoát, không chê trách, trừng phạt người thân. Khi chết làm cầu thang phụ trước cửa nhà, làm ma và phơi quần áo của gia đình ở lan can nhà khác với ngày thường. Các con ngủ theo quy định từ cả đến thứ, không được lẫn lộn; gỡ vách ngăn đầu tiên của phòng bố mẹ và gian khách; sau khi khâm liệm, con rể cầm một bó đuốc đi từ cầu thang chính, vòng quanh phía sau nhà 4-5 lần rồi đốt 2 đống lửa trước 2 cầu thang để ngăn tà ma vào nhà. Trong những ngày có tang, con rể phải kiêng mọi chuyện riêng trước ma bố/ mẹ vợ…, thành viên gia đình kiêng mài dao, mắc màn trắng trong nhà, kiêng đặt quai nồi theo hướng đòn nóc; không đốt quần áo mặc trong 3 năm; con trai không hút thuốc; con gái không về nhà chồng trong 3 năm tang bố mẹ.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Ơ Đu theo tín ngưỡng đa thần: mọi vật đều có linh hồn và các linh hồn đó tương tác lẫn nhau, tác động đến sự phát triển của sinh vật và cuộc sống của con người. Bản thân cuộc sống con người cũng có phần xác và phần hồn mee (mee dlung ở chỏm tóc trên đầu và mee rẻo ở thân thể của người). Người Ơ Đu có quan niệm về vũ trụ tương tự như người Thái. Đồng bào Ơ Đu tin rằng: đời sống con người chịu tác động bởi hai lực siêu nhiên là Then Bắc (Nam Tào, Bắc Đẩu) và ma nhà. Then Bắc quyết định số phận sống chết của con người, còn ma nhà vì nhớ vợ, con, hoặc vì muốn đầu thai trở lại làm người, buộc một trong những con cháu của mình phải chết. Cả hai trường hợp, người Ơ Đu đều có tục lệ cúng ma nhà cầu xin người quá cố “đi bước nữa”, vui với vợ chồng ma mới, khỏi quyến luyến với vợ con và đừng hại thêm người thân thích ở trần gian nữa. Người Ơ Đu cũng có quan niệm riêng về ma nhà, thần linh và sự linh thiêng của tiếng sấm đầu năm. Khi có tiếng sâm đầu tiên, có nghĩa là năm mới đến, là mùa gieo trồng bắt đầu….Tiếng sấm có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt, nghi lễ thiêng liêng và theo suốt cuộc đời người Ơ Đu từ lúc sinh ra đến khi chết đi. Trong chu trình sản xuất, từ chọn đất, phát rẫy, gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch, đồng bào đều thực hiện các lễ nghi nông nghiệp; thờ cúng ma mường, ma bản. Ngoài ra, họ còn tin vào sự tồn tại hình thức ma thuật làm hại, có thể hút máu, ăn gan ruột người vào ban đêm. Vì thế, họ phải lấy cây thuốc ngải trồng trong vườn nhà, thái nhỏ, phơi khô, đốt lên cho cây tỏa mùi, thổi bùa (vào ban đêm) để ma sợ không gần mình mà gây hại; dùng xác dơi, trộn với bột loại nhựa cây bỏ vào thức ăn của ma, nếu ăn phải nó sẽ mất linh…
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Do sống xen kẽ với người Thái, Khơ Mú, nên người Ơ Ðu giao thoa và với dân tộc Thái và dân tộc Khơ Mú cả về tiếng nói và văn hóa. Cho đến nay, đồng bào chỉ còn một số ít các câu truyện truyền miệng được các già bản, thầy mo nhớ và ghi lại. Dù không nhiều, nhưng chắt lọc từng câu chuyện, ta có thể thấy bản sắc văn hóa của người Ơ Đu như sự xuất hiện của Chẫu hạt là tổ tiên của người Ơ Đu, các vị thần ở 3 mường trời đất, nước; mối tình của chàng trai, cô gái Ơ Đu, chuyện thi bắn cung, nỏ để giành quyền sinh sống trên mảnh đất có dòng sông Nậm Nơn, Nậm Mộ; sự tích mà người Ơ Đu mất chữ; sự tích đám cưới trên núi Pú Pầu hay bài cúng của thày Mo trong lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm.
Người Ơ Đu không chỉ giỏi thổi khèn, thổi sáo mà còn biết đánh cồng chiêng. Người Ơ Đu xưa có 1 bộ cồng chiêng gồm 28 chiếc, được người đứng đầu dòng tộc cất giữ cẩn thận trong hang núi. Cứ đến ngày hội, ngày lễ, tết… người Ơ Đu lại đem cồng chiêng ra đánh. Song, do chiến tranh, lại nằm trong sự cai quản của chúa đất Thái, nên âm nhạc và nền văn hoá của người Ơ Đu dần bị mai một. Hiện nay, người Ơ Đu sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như: sáo (pí): Pí pặp đơn gồm một ống, có sáu lỗ và lưỡi gà bằng đồng, thường được các chàng trai dùng để thổi vào ban đêm thay cho lời gọi người yêu trong những đêm. Pí pặp kép được ghép từ hai chiếc pí pặp đơn với nhau, được thổi vào buổi sáng sớm với giai điệu vui nhộn. Pí thui có độ dài khoảng 1m, có sáu lỗ, không có lưỡi gà, âm thanh du dương, đượm buồn để bày tỏ sự nuối tiếc cho mối tình đẹp của hai người yêu nhau say đắm nhưng không thành. Pí tam lay được ghép lại từ ba ống nứa, mỗi ống gồm một lỗ, được các chàng trai thổi gọi bạn gái vào lúc trăng sáng. Pí loong tông gồm hai lỗ, có lưỡi gà làm bằng tre, được thổi vào những ngày mùa lúa chín để cổ vũ, động viên nhau hăng say lao động. Pí cúng có bảy lỗ, lưỡi bằng đồng, có lỗ điều chỉnh để làm rè tiếng, được người Thái dùng để thổi liên tục từ đêm đến sáng cùng với tiếng cúng của thầy Mo đuổi tà ma khi trong nhà có người ốm đau. Ngoài ra, người Ơ Đu còn sử dụng thành thạo nhạc cụ Tăng Pu của người Khơ Mú, khèn, ống vỗ, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái, kể chuyện dã sử.
Tết, lễ hội cộng đồng
Lễ hội người Ơ Đu chủ yếu tập trung lễ cúng thần bản; lễ hội đón tiếng sấm đầu năm (chăm phtrong trmay); lễ hội đền Vạn – Cửa Rào (Từ ngày 20, 21, 22 tháng giêng âm lịch, tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương). Hiện nay, các loại hình lễ hội này vẫn còn tồn tại, nhưng đã có sự biến đổi. Đó là lễ hội đền Vạn – Cửa Rào quy mô lễ hội vùng, lễ cơm mới quy mô liên kết giữa gia đình; lễ cúng thần bản, lễ hội đón tiếng sấm của cộng đồng Ơ Đu (chăm phtrong trmay) lễ của bản. Lễ vật trong lễ hội cũng phong phú hơn, kể cả những lễ vật được chế biến từ những nguyên liệu lương thực, thực phẩm mua từ các chợ; phần hội cũng được mở rộng hơn, có sự tham gia của loa máy, những bài hát hiện đại.
Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm (Chăm ptrong trmay) là lễ hội lớn nhất trong năm để tạ ơn thần sấm đã cho người Ơ Đu tính được ngày, tháng, năm để sản xuất, canh tác, chăn nuôi, đặt tên, tính tuổi cho trẻ, chuyển hóa linh hồn sang một sinh linh mới…Lễ hội còn mang ý nghĩa cúng ma bản, ma tổ tiên và các vị thần, cầu mong tổ tiên, thần linh quan tâm, trông coi con cháu, làm ăn phát đạt, dồi dào sức khỏe để làm ăn, cầu cho năm mới đạt được nhiều thuận lợi trong mọi việc. Lễ vật cúng được đạt lên chiếc mâm mây, trải lá chuối rừng gồm có: một con lợn, gà, hai vò rượu cần, bánh chưng, cơm lam, nếp cẩm, cá mọc, cá lạp, chuột… Thầy cúng đứng ra làm lễ trước sự chứng kiến của bà con dân bản. Trong buổi lễ, thầy cúng thay mặt bà con cầu mong trời đất, tổ tiên, dòng họ phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận, gió hòa, cuộc sống bình yên, no đủ, thôn bản ấm no, đoàn kết.