Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Kháng có 13.840 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.
Tên gọi: Dân tộc Kháng còn gọi là Mơ Kháng, Háng, Brển, Xá (Xá Khao, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung), Quảng Lâm.
Ngôn ngữ: Tiếng Kháng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Mer (ngữ hệ Nam Á).
Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trồng trọt: Nương rẫy là hình thái kinh tế chủ đạo với cách thức phát đốt, chọc lỗ tra hạt. Trước đây, người Kháng có 3 nhóm canh tác: nhóm sống du canh du cư chuyên làm rẫy; nhóm du canh bán định cư: làm rẫy kết hợp làm ruộng; nhóm định canh định cư: làm ruộng kết hợp làm rẫy. Ngày nay, các nhóm Kháng chủ yếu canh tác nương rẫy kết hợp với làm ruộng nước. Trên rẫy, đồng bào gieo trồng lúa nếp nương, kết hợp với trồng ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, kê, bầu bí, dưa, bông … Canh tác ruộng nước tuy không phổ biến, nhưng đồng bào đã biết tận dụng các thửa ruộng bậc thang hẹp, thực hiện kỹ thuật dùng cày bừa làm đất, gieo cấy lúa nước.
Sản xuất nông nghiệp Chăn nuôi:Người Kháng chăn nuôi gia súc (Trâu, dê, lợn, ngựa) và gia cầm (gà, vịt). Trâu để có sức kéo làm đất ruộng, nương, gà vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày và phục vụ những dịp cưới xin, ma chay, các lễ nghi và tiếp khách. Ngày nay, sản phẩm chăn nuôi được trao đổi, bán để tăng thu nhập gia đình.
Kinh tế tự nhiên
Kinh tế tự nhiên: Sinh sống ở vùng nhiệt đới, khí hậu ẩm, rừng cây dễ tái sinh, người Kháng đã tận dụng khai thác các loại lâm thổ sản phục vụ cho đời sống con người. Đó là rau rừng, măng rừng, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, củ mài.
Người Kháng cư trú ven sông Đà, nên rất thông thạo nghề đánh bắt cá. Đồng bào không chỉ giỏi dùng thuyền, chài, lưới để đánh bắt cá mà còn nổi tiếng với việc bắt cá ở các sông suối bằng tay không.
Nghề thủ công
Các nghề thủ công: Người Kháng giỏi đan lát (hòm, ghế mây, gùi, rổ, rá, nia, ……). Sản phẩm đan lát không chỉ phục vụ cuộc sống tự túc, tự cấp mà còn đêm trao đổi, bán cho các dân tộc khác trong vùng. Đồng bào Kháng còn có nghề làm thuyền độc mộc, thuyền đuôi én để vận chuyển trên sông suối và đánh cá. Đặc biệt thuyền đuôi én của người Kháng rất được người Thái ưa dùng.
Phương thức vận chuyển
Phương thức vận chuyển: Hàng ngày, đồng bào kháng chủ yếu vận chuyển bằng gùi. Có hai loại gùi, gùi lưng và gùi trán, tuy nhiên, phổ biến hơn là gùi có dây đeo qua trán. Khi vận chuyển hàng hóa, kéo gỗ, thồ hàng, đi lại ở vùng đồi núi đèo dốc, đồng bào thường dùng trâu, ngựa. Đi lại trên sông suối, đồng bào dùng thuyền độc mộc, thuyền đuôi én để giao lưu, chuyên chờ hàng hóa trên thượng nguồn sông Đà, sông Mã.
Trao đổi hàng hóa
Trao đổi hàng hóa: Người Kháng chủ yếu sinh sống tự cấp, tự túc. Trước đây, đồng bào trao đổi theo cách đổi hàng lấy hàng. Họ trồng bông, rồi đem bông đổi lấy vải, đồ dệt, thổ cẩm, chăn đệm của người Thái và làm thuyền đuôi én đổi cho người Thái để lấy những nông sản phục vụ cho đời sống thường nhật. ngày nay, đồng bào phát triển sản xuất, mua bán, trao đổi trên cơ sở lấy đồng tiền làm giao dịch chung. Mọi hàng hóa có thể mua và bán ở không gian các chợ phiên trong vùng.
Văn hóa mặc
Văn hóa mặc: Phụ nữ Kháng mặc khá giống trang phục phụ nữ Thái. Thường ngày, phụ nữ áo ngắn (áo cóm) được cắt may bằng vải màu trắng hoặc đen, áo bó sát người, cổ hình trái tim được viền bằng vải khác màu, có hàng cúc bạc. Ngày lễ hội, đám cưới, hoặc chết đi, phụ nữ Kháng mặc áo (Uốp lưẩng) truyền thống, may theo kiểu năm thân, dài hơn 1 mét, hai thân trước (mà ngái) và hai thân sau (nàng rế) dài bằng nhau. Cổ áo (noón uốp) cao 03cm, áo được đính 5 cúc (mà uốp) bằng đồng. Hai bên mép tà áo có táp thêm hai dải vải (pan phước uốp) trang trí hoa văn băng ngang, mô típ hoa đào (poằn piêu lảo). Váy (xỉn) của phụ nữ Kháng may bằng vải sợi bông nhuộm chàm, kiểu váy ống. Khi mặc váy, kéo cao ngang ngực, gấp váy xếp vào eo bụng, nếp gấp sang bên trái hay bên phải là do thói quen của từng người, sau đó buộc thắt lưng thắt lưng màu xanh, đội khăn piêu. Khăn (piêu) của phụ nữ Kháng dệt bằng sợi bông nhuộm chàm, hai đầu khăn (xâu piêu) trang trí vuông, tam giác, hoa văn 4 cánh,8 cánh…mép ngoài có đính “cóp piêu” (vải màu đỏ viền vào góc vuông ở hai đầu khăn) “cút piêu” (11 chùm “cút piêu” đính trên cóp piêu) và “hu piêu”, mô típ hoa văn móc câu, răng cưa được trang trí diềm vành ô vuông ngoài cùng của đồ án hoa văn chủ đạo làm nổi bật đồ án hoa văn ở hai đầu khăn. Thắt lưng phổ biến (nặng eo) của phụ nữ Kháng làm bằng sợi tơ tằm (đái mon), thường có màu xanh lá mạ, hai đầu khăn thắt lưng là các tua sợi tơ cùng màu.Thắt lưng có tác dụng giữ cho váy khỏi tuột, giữ cho kín phần bụng tạo thêm vẻ eo của phụ nữ khi mặc.
Nam mặc quần áo màu chàm, đôi khi cũng đội khăn (người Kháng ăn mặc giống người Thái). Phụ nữ Kháng có phong tục nhuộm răng đen và ăn trầu.
Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực: Người Kháng thường xuyên ăn xôi nếp, xôi đậu, xôi mắm, xôi bột ngô. Thức ăn có món dưa chua làm bằng lá dọc, lá ráy (ba tắm). Món ăn đặc biệt là cá ướp chua (ca blong), được coi là món ngon đãi khách quý. Đồng bào còn có món long tột mọk gồm thịt, lá lốt, ớt, tỏi, rau thơm băm nhỏ trộn với bột nếp gói lá chuối bỏ lên chõ đồ, khi ăn có vị béo, thơm, cay… Đồng bào có tục “Tu mui”, đổ nước cay (nước măng chua hòa với ớt bột, tỏi, rau răm băm nhỏ trộn khuấy đều, gạn lấy nước trong) đổ vào mũi, thông qua gáo bầu có vòi dài để chống cảm, cúm. Người uống tay cầm bầu nghiêng dần cho nước qua vòi vào mũi xuống họng, trong khi miệng đang nhai cá hoặc thịt nướng. Người Kháng quen uống rượu trắng, rượu cần, hút thuốc lá và hút thuốc lào.
Văn hóa ở
Văn hóa ở: Người Kháng sống thành từng bản nhỏ, có nơi xen kẽ với các dân tộc khác. Nhà người Kháng là nhà sàn, gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang lên xuống, mái lợp gianh, che chắn xung quanh nhà bằng các tấm liếp được đan bằng tre, luồng. Mái nhà sàn của người Kháng cũng tương tự như của người Mường, Thái Đen, có hình mu rùa, với 2 cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở 2 vách bên. Mỗi nhà có hai bếp lửa, một bếp để nấu ăn hàng ngày và một bếp để nấu đồ cúng tế trong dịp lễ tết hoặc khi trong gia đình có người mất.Tổ chức không gian trong nhà theo các quy định, không che chắn hay ngăn chia. Sàn nhà bằng tre, bên ngoài có sạp (giát tre) để phơi ngô, thóc, gạo hay để rửa chân, tay trước khi vào nhà. Có hai bếp đặt ở gian gần sàn để nước. Nơi thờ “ma nhà” được đặt ở góc nhà, sát vách quản. Khoảng không gian bên dưới nhà, thường được dùng để nhốt trâu, bò, lợn, gà trong các chuồng làm bằng gỗ, tre, ống bương.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Quan hệ xã hội, dòng họ: Trong các bản người Kháng đã có sự phân hoá giàu nghèo.Tiểu gia đình phụ quyền chiếm ưu thế trong bản. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số tàn dư của chế độ mẫu hệ: tục ở rể, vai trò ông cậu… Trưởng họ vẫn có vai trò nhất định. Người Kháng có tập quán tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Trong cộng đồng làng bản, hàng năm vào mùa vụ bận rộn theo tục lệ mà bà con gọi là kỷ hùm, mỗi nhà cử một người đến giúp cho một gia đình công việc chọc lỗ tra hạt hoặc thu hoạch ngô lúa cho kịp thời vụ. Sau đó luân phiên tới nhà khác. Chủ nhà có hình thức thiết đãi người anh em trong bản tới giúp đỡ vào mùa nương rẫy bận rộn (gọi là te van) bữa xôi, thịt, rượu mời.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Tập tục hôn nhân, gia đình: Hôn nhân của người Kháng gồm nhiều nghi thức: dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới, lễ về nhà chồng và lễ lại mặt. Toàn bộ tiến trình hôn nhân của người Kháng, người cậu luôn song hành trong việc dựng vợ gả chồng cho cháu. Sau 4-5 đêm tìm hiểu, ngủ lại nhà gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau, bố mẹ chàng trai tìm người mai mối, đại diện cho nhà trai mang lễ vật sang nhà gái dạm ngõ. Lễ vật dạm ngõ chỉ cần một con gà và một chai rượu. Sau buổi gặp mặt đầu tiên, nếu nhà gái nhận lễ, cha mẹ và ông cậu mời nhà trai ở lại ăn cơm tức là việc hôn nhân của đôi trai gái sẽ được tiến hành. Lễ hỏi: Nhà trai chọn ngày tốt mang lễ vật gồm: lợn, gà, rượu, gạo đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức về cuộc hôn nhân cho đôi trẻ. Nhà gái mời họ hàng thân thích, không thể thiếu ông cậu đến dự, bàn bạc thống nhất với đại diện nhà trai về lễ vật thách cưới theo phong tục. Dịp này, nhà trai phải chuẩn đồ sính lễ để lấy lòng tin con dâu gồm 1bộ váy áo, 1 đôi tóc giả, 1đôi hoa tai, 1 trâm cài tóc, nếu gia đình khá giả, sính lễ còn có thêm 1 đôi vòng tay bằng bạc. Nếu sau này 2 vợ chồng cãi nhau muốn bỏ nhau cô dâu phải trả lại những vật này cho bố mẹ chồng. Lễ cưới diễn ra hai lần. Lần 1 là lễ búi tóc cho cô dâu – tẳng soi đe quân măn) diễn ra sau lễ ăn hỏi vài ba tháng hoặc một năm. Đại diện nhà trai nói lời cảm ơn nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Chú rể làm lễ trình tổ tiên, cô dâu phải lạy trước bàn thờ ma của gia đình và quỳ xuống để bà mối hoặc một phụ nữ lớn tuổi có uy tín làm lễ búi tóc cho cô dâu. Sau đó, đón dâu về nhà trai để ra mắt bố mẹ, họ hàng nhà chồng rồi mới quay về nhà mẹ đẻ để chú rể ở rể. Lần 2, là lễ về nhà chồng, kết thúc hạn ở rể vài năm, cô dâu chính thức cư trú bên nhà chồng. Nghi lễ này diễn ra gọn nhẹ hơn lễ cưới, lễ vật gồm có thịt, rượu, gạo nếp. Cô dâu mang đồ đạc cá nhân, quần áo, quà gia đình mình tặng mang về biếu bố mẹ, họ hàng bên chồng. Lễ lại mặt được tổ chức hôm sau ngày cưới. Hai vợ chồng mang theo xôi, gà, rượu trở lại nhà gái để làm lễ lại mặt.
Tập tục tang ma
Tập tục tang ma: Người Kháng có quan niệm mỗi con người có 5 hồn, hồn chính ở trên đầu và 4 hồn ở tứ chi. Khi chết, mỗi người biến thành “ma ngắt”, ngụ ở 5 nơi. Hồn chủ thành ma ở nhà, chỗ thờ tổ tiên là “ma ngắt nhá”, hồn tay phải trên thiên đàng là “ma ngắt kỷ”, hồn tay trái ở gốc cây làm quan tài là “ma ngắt hóm”, hồn chân phải ở nhà mồ là “ma ngắt môn”, hồn chân trái lên trời thành ma trời là “ma ngắt xừ rè”. Vì thế phải làm thủ tục cúng để ma về với các vị trí của mình. Đặc biệt là nghi thức con cháu cắt một nhúm tóc ở đầu để báo hiếu, tưởng nhớ người chết và tục chôn cất rất chu đáo, sao cho ma có nhà (nấm mộ), có đồ ăn thức uống: giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa…để ma ăn những ngày mới mẻ. Phía đầu mộ chôn cột cao 4 -5 mét, trên đỉnh có con chim gỗ, có treo chiếc áo của vợ hay chồng người chết để ma về thế giới bên kia còn tiếp tục duyên âm.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo: Người Kháng quan niệm vạn vật hữu linh. Mọi vật đều có xác có hồn và các hồn có tên chung là các ma như: ma rừng (ngặt klô), ma nguồn nước (ngặt ngã), ma đống mối (ngặt pom núm), ma bản (ngặt bán)… Các ma tồn tại trong không gian cùng con người và có tác động đến cuộc sống con người, nếu con người ứng xử với chúng không chu đáo, làm chúng không hài lòng, khi đó con người có thể ốm đau, mùa màng có thể thất bát, vật nuôi có thể bị bệnh dịch… Vì vậy người Kháng có các lễ hội (có thể tổ chức cùng dân tộc khác trong dịp hội xuân) để tạ ơn các ma, cầu mong các ma phù hộ cho con người mạnh khỏe, mùa màng xanh tươi, gia súc gia cầm đầy sân, đầy chuồng.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Kháng có nhiều truyện kể dân gian, có múa xòe, thổi sáo trong ngày lễ, cả những khi cúng bố mẹ. Những làn điệu dân ca của người Kháng: hát đối, hát giao duyên, thường phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày. Người Kháng có nghệ thuật diễn xướng dân gian với các điệu múa và hát truyền thống, đặc thù nhất là điệu múa Tăng Bu, ngoài ra còn có các điệu múa: múa xòe (xek vong), múa sạp (xek loong), múa tầm đao (tỏi điểng).
Tết, lễ hội cộng đồng
Tết, lễ hội dân gian: Hiện nay người Kháng ăn tết Nguyên đán, trước đây khi chưa có tết nguyên đán. Ngoài tế, người Kháng có nhiều lễ hội liên quan đến nông nghiệp như: mừng cơm mới, Pang Phoóng, Xen Pang Ả, “Cà tảm mạn” ….
Lễ hội mừng cơm mới (dát hả mả mía) được tổ chức vào khoảng tháng 10, sau vụ mùa, nhằm tạ ơn ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ, trông nom nương rẫy mới có 1 vụ mùa bội thu, cầu mong mùa tới lại tiếp tục được mùa. Lễ hội mang tính chất gia đình, nhưng có sự tham dự của họ hàng, đại diện các gia đình trong bản, cùng nhau vui vẻ sau một năm lao động vất vả. Ngày lễ hội phải chọn ngày đẹp, tránh ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình.Trước đây, chưa theo tết cổ truyền dân tộc, thì mừng cơm mới được coi là tết của người Kháng, thể hiện khát vọng, ước muốn tốt đẹp, thỏa mãn tâm linh của đồng bào Kháng sau một mùa vụ vất vả, là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ.
Lễ hội Pang Phoóng (lễ tổ tiên) thường diễn ra 03 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.
Lễ hội Xen Pang ả do thầy cúng (Pa ả) tổ chức. Trong các bản của đồng bào Kháng thường có một Pa ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Ông là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo. Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô một vùng rộng lớn, gồm nhiều bản, theo thông lệ 2-3 năm tổ chức một lần, vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật, những người được Pa Ả chữa khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài. Xen Pang Ả là ngày hội lớn, là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng.
“Cà tảm mạn” là lễ gọi hồn hay còn gọi là lễ dậy hồn. Dân tộc Kháng cho rằng, con người có 2 phần, phần hồn và phần xác luôn luôn gắn kết, giao hòa không thể tách rời. Khi người ốm, phần hồn rời khỏi xác và lưu lạc nơi rừng thiêng, nước độc, bị các thần cây, thần núi giữ lại. Từ đó, người Kháng thường làm lễ gọi hồn lưu lạc về nhập vào xác thì người ốm sẽ khỏi bệnh.