Co

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Co có 33.817 người (năm2009)
Địa bàn cư trú: đồng bào Co sống tập trung ở  các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Cùa, Khủa, Của, Kool, Mọi Trầu, Mọi Trà Bồng, Bồng Miêu, Mọi Thanh Bồng, Cor (người ở núi), Col.
Ngôn ngữ: Tiếng nói dân tộc Co thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer

Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt: Truyền thống, người Co chủ yếu trồng trọt trên rẫy và trồng quế. Quy trình sản xuất nương rẫy của người Co ở các địa phương đều phải qua các khâu: Chọn đất, phát rẫy, đốt, trỉa và thu hoạch. Công cụ sản xuất trên đất rẫy gồm có: Rìu, dao, cuốc, cào cỏ, gậy chọc lỗ, liềm, giỏ đeo, gùi, cày, bừa. Cây trồng chính trên rẫy: lúa, ngô, sắn, các loại rau, đậu. Từ lâu, đồng bào đã tuân thủ nông lịch làm rẫy: tháng 1- 2: đi tìm rẫy mới; tháng 3 – 4: phát rẫy; tháng 5- 6: chặt cây, đốt cỏ, tra hạt; tháng 7- 8: làm cỏ, làm bẫy, trồng xen rau củ; tháng 9- 10: thu hoạch và dọn dẹp; tháng 11- 12: ăn tết, nghỉ ngơi, cưới hỏi. Tuy nhiên, 1 năm, đồng bào chỉ canh tác 1 vụ, nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Canh tác ruộng nước mới chỉ xuất hiện vài chục năm trở lại đây với 2 vụ cấy trong năm, đời sống dần được nâng lên.  Đặc biệt, người Co phát triển trồng quế, trồng trầu  với quy mô tương đối lớn, đem bán ra thị trường hay làm vật trao đổi lấy: chiêng, ché, trâu, bò lúa, gạo… đem lại nguồn thu nhập cao.

Chăn nuôi: Trước đây chăn nuôi gia súc, gia cầm ở đồng bào Co chưa phát triển. Đồng bào thường nuôi lợn, gà, vịt, gan…để làm vật cúng tế và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Mỗi gia đình người Co thường nuôi từ 2 đến 4 con trâu, bò, 10 đến 20 con  gà, vịt. Hình thức chăn nuôi phổ biến là thả rông. Trâu là vật tế lễ dành cho những mùa lễ hội hoặc khi gia đình có người chết, theo nguyên tắc, ma ăn trước, người ăn sau. Hiện nay, nhiều gia đình người Co đã làm chuồng để nhốt trâu, bò, lợn, gà. Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chọn giống vật nuôi, sử dụng thuốc thú y để hạn chế bớt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Kinh tế tự nhiên

chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào với các hình thức săn bắn, đánh cá, hái lượm. Săn bắn: Trước đây người Co săn bắn tập thể hoặc cá nhân, vào dịp thu hoạch mùa màng xong. Mọi người trong làng, cả già lẫn trẻ cùng tham gia vây bắt thú rừng bằng các công cụ giáo, mác, cung tên, chó săn. Nay, đồng bào ít săn bắn, mà chăm lo sản xuất. Hái lượm là công việc thường xuyên của các thành viên gia đình. Họ thường tranh thủ lúc đi làm nương rẫy, đi lấy củi, tìm kiếm mật ong, trái cây, rau rừng, các loại cây dược liệu (Sa nhân, sâm quy, sâm trúc, ngải trời, mộc nhĩ, nấm hương, củ hoài sơn, thiên niên kiện, củ cun, vàng đắng..)làm thuốc chữa bệnh và bổ xung nguồn thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày. Đánh bắt thuỷ sản cung cấp nguồn thực phẩm đáng kể cải thiện bữa ăn hàng ngày. Phụ nữ, trẻ em mò cua, bắt ốc, bắt tôm, cá nhỏ trong các hốc đá, khe suối, còn đàn ông đánh bắt cá bằng quăng chài thả lưới, lao đâm, đơm lờ, đó trên sông, suối, khe nước… Tôm, cá bắt được về làm thức ăn hàng ngày, nếu nhiều họ đem phơi khô, nướng hoặc ướp chua, làm mắm dự trữ thức ăn lâu dài.

Nghề thủ công

Người Co có nhiều nghề thủ công để phục vụ cuộc sống tự cung, tự cấp. Trong đó, phải kể đến là: Đan lát xuất hiện rất sớm và tồn tại lâu đời,  không phân biệt nam, nữ, nhưng người đàn ông đảm nhận các khâu chính như: chặt cây, chẻ lạt, vót nan. Sản phẩm của nghề đan lát bao gồm: giỏ tuốt lúa, giỏ đi nương hái rau, giỏ đựng cá, cua, tôm, ốc, túi lét, tấm phướng trên cây nêu, chiếu (tách xa thoóc) bằng thân cây lùng, gùi to (cao 50 đến 70cm, đường kính miệng 40-50cm); gùi nhỏ, để đựng lúa, ngô, khoai, sắn từ nương về nhà;  Gùi có nắp đậy, đan cải các nan màu đen, để đựng tư trang. Mỗi chiếc gùi thường thường đan từ 2-3 ngày mới xong.

Nghề dệt: Người Co chủ yếu dệt vải bằng sợi lấy từ vỏ cây gai. Sợi gai được cạo sạch lớp vỏ mỏng bên ngoài, đập dập phơi khô, xé nhỏ từng sợi, xoắn 2, 3 sợi vào nhau, hồ vào nước cơm, nhuộm màu. Thuốc nhuộm sợi là các loại vỏ, củ cây trên rừng, đun sôi tạo màu, ngâm sợi từ 3 – 4 ngày, đun sôi lại để màu bám chặt vào sợi, sau đó họ mới tiến hành dệt vải. Khung cửi dệt vải bằng gỗ, cấu tạo đơn giản, bên trong có một lược luồn các sợi gai khi dệt. Sản phẩm dệt là những tấm vải sợi gai để may khố, tấm choàng, tấm đắp…Ngày nay, nghề dệt gai đã bị mai một.

Phương thức vận chuyển

Người Co chủ yếu vận chuyển bằng gùi, sọt, giỏ đeo và sức trâu, bò để kéo. Gùi có nhiều loại: gùi to, gùi nhỏ, gùi nam, gùi nữ, gùi trẻ em (atêu, ató)…với các chức năng khác nhau. Khi lên nương, lên rẫy  hái rau, bẻ măng người Co mang theo chiếc gùi gọn nhẹ. Khi đi chợ, đi chơi họ, lại mang chiếc gùi nhỏ. Khi vận chuyển lúa, ngô, khoai sắn, củi, quế, họ lại mang theo chiếc gùi to, đế vuông. Khi đi săn bắn, đi đón dâu, nam giới lại đeo gùi lét  (túi lét) 3 ngăn, một chứa lương thực, một đựng ống tên và một đựng đồ cá nhân. Họ quan niệm túi lét là biểu trưng cho sức mạnh của người đàn ông Co. Ngày nay, đồng bào dùng các loại xe thồ, xe đạp, xe máy, xe cải tiến để vận chuyển, một số cư dân sống ven sông, suối dùng thuyền để đi lại và vận chuyển.

Trao đổi hàng hóa

: Người Co tự túc từ cái ăn, cái mặc, đồ dùng sinh hoạt, cho đến nhà cửa …. Vì vậy, đồng bào trao đổi những mặt hàng nông, lâm thổ sản thu hái được để lấy những nhu yếu phẩm, vải, quần áo, nông cụ cho gia đình. Ngày nay, hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, vào sâu các làng, xã là những người bán hàng rong bằng xe đạp, xe máy …

Văn hóa mặc

Đồng bào Co mua vải tự dệt của các dân tộc sống lân cận về tự cắt may theo kiểu y phục truyền thống của dân tộc mình. Xưa kia cả nam và nữ đều búi tóc sau gáy, gần đỉnh đầu. Họ thường cài trên mái tóc một chiếc lược, hoặc buộc một miếng vải. Ngày thường, nữ giới mặc áo (ao) cộc tay bên ngoài, yếm (yêm) bên trong và quấn váy (ateo) thả xuống quá đầu gối. Nam giới Co đóng khố (ta non), cởi trần. Mùa lạnh, cả đàn ông, đàn bà, người già và trẻ em còn khoác thêm một tấm choàng (ramak). Ngày nay, người Co may y phục bằng vải công nghiệp, bán sẵn trên thị trường. Phụ nữ Co đeo nhiều đồ trang sức bằng những chuỗi cườm, trên trán, cổ, ngực và mông để làm đẹp và cầu may mắn trong cuộc sống.

Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Co, tỉnh Quảng Ngãi. Thường ngày, nam giới dân tộc Co, đóng khố màu xanh hoặc đen, cởi trần, mùa lạnh khoác thêm tấm choàng, buộc thắt trước ngực kiểu chữ X. Phụ nữ Co mặc áo trắng, váy chân đen, trang trí đường viền màu đen, hoặc trắng, ngoài ra người Co còn mặc áo yếm hoặc áo cộc. Nổi bật nhất trong trang phục lễ hội của phụ nữ Co là các chuỗi cườm đầu, cườm hông, cườm cổ và những tua bông thả sau lưng. Ngày lễ hội, nam giới mặc cà pôn, đóng khố. Cà pôn là tấm choàng thổ cẩm khổ rộng, màu đỏ làm chủ đaọ, dệt trang trí nhiều hoa văn. Trang phục cướm của nam dân tộc Co vẫn là chiếc áo cà pôn, nhưng cà pôn đẹp tinh tế. Khố dài hơn khố mặc trong lễ hội với nền đen là cơ bản, nhưng dệt trang trí nhiều hoa văn đỏ theo hàng ngang. Trên đầu chú rể không thể thiếu 2 cây dừa dựng ngược, buộc trong dây quấn đầu, nhìn như kiểu cánh chuồn, cổ đeo cườm lục lạc, tay đeo vòng đồng và cầm chiếc kiếm thần bỏ trong vỏ màu đỏ, kèm theo mảnh vải buông lơi, nhìn giống như lá cờ, để phòng chuyện chẳng lành lúc đi đường, là chỗ dựa vững chắc cho người mình yêu. Cô dâu mặc áo trắng không thể thiếu chiếc nón cưới bằng nan do chủ rể đan, 3 chùm cườm đầu, cườm cổ, cườm hông, một tay cầm rựa và khăn gói trầu cau thể hiện sự đảm đang, dịu dàng.

 

Văn hóa ẩm thực

Gạo là lương thực chính của người Co, trong đó có gạo ba lốp (Ba rắch)- gạo đỏ, hạt cứng phổ biến nấu ăn hằng ngày, gạo nếp chỉ dùng dịp lễ, tết. Ngày nông nhàn, người Co ăn hai bữa, buổi sáng và buổi chiều, bữa trưa, người già và trẻ em có thể ăn thêm đồ ăn còn lại từ sáng. Vào mùa vụ, đồng bào ăn ba bữa trong ngày. Bữa trưa, nấu cơm lam, trong ống nứa tươi để ăn tại rẫy (trước đây), nay là các đồ ăn được gói đi từ nhà.

Đồ uống, thức hút: Thường ngày, người Co uống nước lá chè rừng. Gần đây, người Co dùng chè khô nấu nước uống. Nước lấy nước từ sông, suối về trữ trong các ống nứa, vỏ bầu khô hoặc dẫn nước từ khe núi về nhà bằng hệ thống máng nứa khoét rỗng. Rượu là thức uống không thể thiếu trong những dịp lễ hội ăn trâu, cưới hỏi, vào nhà mới, tiếp khách. Hiện nay, đa số các gia đình Co chỉ biết làm rượu chuối và khai thác rượu Đook (một loại cây họ dừa có buồng chứa nước ở trong rừng). Người Co có tục hút thuốc lá, ăn trầu rất phổ biến.

Văn hóa ở

Làng (nóc) người Co dựng ở lưng chừng sườn núi, có độ cao từ 300 – 1.000 mét, bên suối, gần nương rẫy. Mỗi làng có 1-2 nóc (nhà sàn dài) với 6-7 hộ gia đình cùng huyết thống sinh sống. Tên làng gọi theo tên người đứng đầu làng, hoặc tên (sông, suối, đất, rừng). Ranh giới làng được xác định bởi các dãy núi, đỉnh núi hoặc khe suối, tảng đá. Các nhà trong làng bố trí đầu hồi quay vào nhau, lưng sau dựa vào núi, mặt trước là suối, giữa các nhà có 1 lối đi. Nhà dài (plei – jớt) (nóc) cấu trúc theo gian vì cột, phát triển theo chiều dài, nên có nhà dài từ 30-100m. Nhà chia làm 2 phần: Phần trong là nơi sinh hoạt chính của các hộ gia đình, phần ngoài gồm 2 gian đầu hồi (trái và phải), sàn hiên sau (nếu có). Mỗi nhà chia thành nhiều cửa, mỗi cửa một hộ, gồm 2 bếp, 1 bếp nấu nằm về phía gần vách hậu và 1 bếp sưởi cho đàn ông, đặt cách hành lang đi chung ở giữa nhà khoảng 0,8m  0,9m. Ngày nay, người Co sống định cư ở những ngôi nhà ngắn, nhiều nhà lợp mái prô-ximăng, tôn thay cho mái lợp gianh với 2-3 thế hệ cùng sinh sống.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Làng (plây, nóc) của người Co là đơn vị tự quản, ở đó có những người cùng quan hệ huyết thống hoặc khác cùng sinh sống làm ăn trong một phạm vi đất đai nhất định. Đứng đầu làng là (khưl kră đơp ktu đak), người có uy tín cao, giầu kinh nghiệm làm ăn và giỏi đối nhân xử thế, thông thuộc phong tục tập quán dân tộc. Luật tục (tập quán pháp) là cơ sở có tính pháp lý của bộ máy tự quản. Hiện nay, làng của người Co có trưởng thôn cùng các tổ chức chi bộ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng tham gia quản lý làng theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Người Co có các dòng họ: Hồ, Phạm, Hoàng, Lê. Mỗi một dòng họ có một người đứng đầu (trưởng họ, trưởng gốc). Sự vận hành của dòng họ dựa vào luật tục, tình cảm, ý thức của các thành viên trong dòng họ. Nét đặc thù của dòng họ người Co là sự khép kín, là tính cộng đồng, tính dân chủ. Những đặc tính này tác động rất mạnh đến đời sống cộng đồng, đến quan hệ hôn nhân, quan hệ gia đình.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Tập tục hôn nhân, gia đình: Hôn nhân của thanh niên nam, nữ người Co hoàn toàn đã dựa vào cơ sở tình yêu và sự chung thuỷ gắn bó, theo nguyên tắc hôn nhân ngoại tộc, một vợ một chồng, cư trú luân phiên hai bên (vợ và chồng) diễn ra khá phổ biến. Các cặp vợ chồng có thể ở bên nhà chồng một thời gian, sau đó lại chuyển qua bên nhà vợ, cho tới khi thành lập được hộ gia đình riêng. Cũng có trường hợp, sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ cư trú ở hẳn bên chồng, hoặc bên vợ, sống lâu dài với bố mẹ một trong hai bên. Hiện nay, chủ yếu là các gia đình nhỏ, phụ quyền, người đàn ông là người chủ gia đình, có quyền hạn và vị trí lớn trong gia đình và ngoài xã hội.

Cưới xin: Trước đây, nam, nữ thanh niên Co lấy vợ, lấy chồng khá sớm, nữ thường lấy chồng ở độ tuổi 16-17, nam ở tuổi 17-18. Hiện nay, nam kết hôn ở tuổi 22 – 23, nữ ở tuổi 18- 19. Lễ cưới của người Co tổ chức khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, khi việc thu hoạch mùa màng đã xong. Lễ cưới phải trải qua ba bước: đi hỏi (hoi pốt kji), lễ đạp nhà (hoi joi nhưn) và lễ cưới (Pjit). Lễ đi hỏi (hoi pốt kji): Đoàn nhà trai gồm 6 người: ông mai, chàng rể, người thân họ hàng mang theo: rượu, thuốc, trầu cau, cá, thịt chuột (đánh bắt được) hoặc gà. Nếu nhà gái nhận lời, thì lấy rượu, thuốc, trầu lên cúng ông bà và ma nhà gái. Khi nhà trai về, nhà gái gửi gạo, rượu để cúng cáo ông bà đằng nhà trai. Lễ đạp nhà: lễ vật cũng giống lễ đi hỏi, nhưng số lượng nhiều hơn, để hai bên bàn về lễ cưới. Chuẩn bị cho lễ cưới, cô dâu phải tự tay đan nón, gùi cưới và chiếu làm của hồi môn về nhà chồng, chàng rễ phải sắm cho vợ chiếc rựa mới để cầm tay trong ngày cưới. Lễ cưới: diễn ra trong 2 – 3 ngày, tùy thuộc vào điều kiện của hai bên gia đình. Ngày 1 (hoi li kdi klao), đoàn nhà trai (khoảng 20-30 người, không có bố, mẹ) đi cùng chú rể (ók) và ông mối sang nhà gái  mang theo: trầu, thuốc, rượu, gà. Chàng rể mặc khố, choàng mới, quấn khăn đỏ có nhiều tua vải thả dài xuống lưng, đeo vòng cườm nhiều màu sắc và chiếc gùi ba ngăn có đựng 1 cây dựa và 1 chiếc mũ (đoát) đan bằng nan giang; 1 thanh kiếm phép có vỏ trang trí cườm (tượng trưng cho lòng dũng cảm của chàng rể, đồng thời giữ vía, trị ma tà, bảo vệ cho đôi vợ chồng mới). Hiện nay, các nghi lễ cưới truyền thống vẫn được duy trì: cúng cáo ông bà tổ tiên, đốt trầm, thắp nến sáp ong, cô dâu chú rể ăn chén (cơm) phép, mời trầu cau bố mẹ chồng, bắc nồi cơm lên bếp cử, nhưng các chú rể không mặc trang phục cổ truyền nữa, mà chuyển sang mặc quần tây, áo sơ mi, đeo cà vạt; cô dâu mặc áo dài, váy cưới (xa rê) may hoặc thuê ở các cửa hàng.

Sinh đẻ: Phụ nữ Co có tục đẻ trong tư thế quỳ ngay trong buồng ngủ của mình, cạnh bếp lửa (kiêng đẻ ở những nơi khác). Người đỡ đứa trẻ là bà mụ trong làng (mỗi làng có từ 1 đến 3 bà mụ), có kinh nghiệm chăm sóc sản phụ, hoặc mẹ chồng/mẹ đẻ. Đứa trẻ được cắt rốn bằng cật nứa, tắm nước ấm rồi bọc bằng quần áo cũ của người mẹ. Nhau thai được bỏ vào mo cau buộc kín treo trên cây ngoài núi. Đẻ xong, sản phụ uống nước muối ấm, uống củ mơ gang và các loại rễ cây, hơ lửa, đốt đá nóng bọc vải đè lên bụng cho ấm và làm bụng nhỏ lại. Trường hợp đẻ khó,  chủ nhà bày trầu cau, rượu cúng ông bà, tổ tiên, ma nhà, thần linh, phù hộ cho mẹ tròn con vuông. Ba ngày sau khi sinh, gia chủ cúng tạ ơn bà đỡ (người trợ sinh cho trẻ  và cúng (gà, rượu, gạo, trầu, cau…), trình báo với ma nhà, ma giữ vía về sự có mặt của đứa trẻ. Chủ gia đình lấy 1 chiếc nón nhỏ, đan bằng lá dứa đội lên đầu đứa bé, rồi bế trẻ xuống sàn, đặt chân chạm đất để báo với thần trời, đất là đứa trẻ đã chào đời (đầu đội trời, chân đạp đất). Sau khi đẻ ,sản phụ được nghỉ ngơi, nằm bếp hơ lửa liên tục, uống củ mơ gang, lá cây rừng, ăn cơm nóng với thịt cá để phục hồi sức. Hiện nay, người Co nuôi con chủ yếu bằng sữa mẹ và sớm cho trẻ ăn cháo, cơm. Trẻ em Co thường được tự do chơi bời tùy thích, cha mẹ (người lớn) ít khi chửi mắng, đánh đập con cái vì sợ làm như vậy thì vía của đứa trẻ sẽ mất đi, trẻ dễ bị ốm đau.

Tập tục tang ma

Khi người chết vừa tắt thở, con cháu thông báo cho chủ làng, họ hàng, bà con trong làng biết, để tạm dừng sản xuất, đến giúp mai táng. Nếu người chết là đàn ông, thi thể đặt ở gian gưl (gian dành cho đàn ông), còn là phụ nữ, thì đặt ở gian tum (buồng của mỗi gia đình). Người chết được tắm rửa, mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình“Ơ man: nếu là nam thì mặc khố, quấn tấm xà pôn (tấm choàng), đeo vòng cổ, vòng tay bằng đồng; nếu là nữ, thì mặc váy, áo lễ hội, đeo vòng cườm ở cổ,  tay, chân. Khi khâm liệm, dùng sợi dây chỉ trắng, hai đầu sợi chỉ đều buộc miếng trầu đặt từ đầu xuống chân người chết. Khi nhập quan, họ đốt cháy sợi chỉ, để hồn người chết theo khói chỉ bay lên trời với tổ tiên, đặt thi hài vào quan tài theo tư thế đầu quay về phần gốc, chân quay về phần ngọn. Ngày quàn xác, đồng bào tế lễ, cúng cơm (gồm 1 mâm thịt gà (vịt), 1 mâm thịt lơn, 1 bát cơm, 1 ly rượu trắng, 1 ly nước lạnh, trầu cau, khấn xin được chia lễ vật, mong hồn ma  đón nhận, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn có của, nuôi nhiều bò gà), chuẩn bị của chia cho người chết. Lễ đưa tang: cúng cơm gồm thịt gà, vịt, lợn, rồi mang một ít thức cúng ra huyệt mộ phân phát cho các (mộ) hồn ma xung quanh để các ma này đủ no, không tranh giành với ma mới chết. Quan tài khiêng qua cửa chính ra khỏi nhà, chân đi trước, đầu đi sau, không được khiêng qua máng nước chung của làng. Hạ huyệt: Mỗi người đi đưa đám tự bẻ một nhánh cây rừng đập vào thành huyệt mộ và quanh quan tài nhằm đuổi ma xấu (ác) ra khỏi huyệt mộ và quan tài; sau đó, đặt một cái chiêng ở đầu huyệt,  một cái nồi đồng ở phía chân, đầu quay về phía mặt trời lặn. Mỗi người bỏ 1 nắm đất xuống huyệt mộ để tiễn biệt người quá cố, rồi lấp kín huyệt, vun thành ngôi mộ cao, đóng các cọc tre làm hàng rào quanh mộ và dựng nhà mồ. Bên trong nhà mồ, người ta đặt 1 số vật dụng đã làm hỏng, vỡ gồm: gùi, củi, nồi, nia, giỏ, rỗ, rá (nếu là đàn bà), ché, nỏ, giáo, đồ đánh bắt cá (nếu là đàn ông). Sau khi chôn 6 ngày, người Co cúng cơm thịt lợn, gà, vịt, cơm, rượu, nước) cho người chết tại nhà 1 lần nữa, rồi mang làm phép một ít thức cúng ra mộ cho ma người chết. Sau 14 ngày, cúng cắt cơm, để an ủi và chia xẻ tình cảm lần cuối với người quá cố, thông báo rằng: từ nay con cháu không cúng cơm, hồn ma ra ăn riêng ở riêng, đừng về gia đình, mong hồn ma phù hộ cả nhà khỏe mạnh. Từ đó trở đi, người Co chỉ cúng người quá cố khi trong gia đình bị ốm, hoặc nằm mơ/xin quẻ bói giò gà cho biết do tổ tiên, người chết quở trách. Sau khi chôn, người Co có tục nghỉ việc ruộng rẫy từ 7 – 10 ngày. Trong thời gian này không cười đùa, hò hát, đánh chiêng, tham dự các hội hè, không mua bán gia súc.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, người Co cho rằng mọi sự vật hiện tượng xung quanh đều chi phối cuộc sống của con người, có thể tác động có lợi hay có hại cho con người. Cho nên phải tổ chức các nghi lễ cúng thần linh, cầu mong mọi sức khỏe, an lành, vạt nuôi, cây trồng tươi tốt. Trong những bài cúng, người Co lần lượt nhắc đến tên của mấy chục kơi (thần), mah (ma) đậm sắc thần thoại. Đó là một hệ thống thần linh có nam, có nữ, mỗi vị có tên gọi và chức vụ riêng. Thế giới của các mah, các kơi trú ngụ ở các địa bàn khác nhau, một số ở trên trời, một số ở dưới biển, một số ở phía mặt trời mọc, số còn lại ở về phía mặt trời lặn  Ma là lực lượng vô hình tồn tại phổ biến ở mọi nơi và mọi lúc với hai loại: ma lành (ma bố mẹ, ông bà, tổ tiên do chết bình thường (chết già, chết ốm), luôn phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa vụ bội thu, gia súc đầy đàn; ma dữ là ma chết bất đắc kỳ tử, chết đường, chết chợ, chết trẻ, dễ làm hại người.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian của dân tộc Co phong phú và đặc sắc với các thể loại: truyện cổ, dân ca, hát, múa, nhạc cụ và nghệ thuật tạo hình. Trong đó, truyện cổ (ta bol ta mé) nói về quan niệm của người Co về trời đất, nguồn gốc con người và các vị thần sáng tạo văn hoá: thần mặt trời (măk ngày), thần mặt trăng (cây xiêc) có sức mạnh siêu nhiên sáng tạo muôn loài. Truyền thuyết “Người khổng lồ Ta man Xơ ri” đã giải thích sự hình thành của trời đất, các hiện tượng tự nhiên, núi rừng, sông suối và con người…Truyện cổ nói về các hiện tượng văn hoá như: truyện Oplik và Oplok, hai vị thần anh hùng văn hoá dạy cho con người biết ca hát trong lễ đâm trâu, biết làm cây nêu. Truyện tapooc (chàng câu cá),  Chàng Khô Nội, “Hai anh em mồ côi, “Giết con quỷ bảy miệng”…ca ngợi cuộc đấu tranh chống thiên nhiên gian khổ, nhưng đầy lòng quả cảm, nhân từ của đồng bào Co; đề cao trí tuệ, sự thông minh, khiêm tốn, lên án những kẻ hung hăng, kiêu ngạo hay coi thường người khác. ..Dân ca của đồng bào Co với nhiều làn điệu dân ca đặc sắc đượm chất chữ tình, phản ánh tình yêu lao động, yêu quê hương, tình yêu lứa đôi tha thiết, yêu tự do như: xà ru, a giới, ka rua, a lak, klu…Múa dân gian  tiêu biểu nhất là múa Cà đáo (đháu)của các cô gái Co ăn nhịp với múa chiêng và tiếng trống, chiêng của các chàng trai, trong các dịp lễ hiến trâu, đám cưới, lễ tết. Nhạc cụ của người Co gồm: chiêng, trống, nhạc khí thiêng chỉ được diễn tấu trong các nghi lễ cúng tế hội hè với mục đích thỉnh mời thần linh, ông bà tổ tiên về dự lễ.

 Bộ chiêng của người Co có từ 2 đến 3 chiếc (chiêng A tớp (chêck kjêh) – chiêng vợ và chiêng toôk (chêck krâu) – chiêng chồng), thường hoà âm cùng với trống với các bài Apót (mừng trâu), A jót (cúng trâu), Tớp khăn tmai (chào khách)…       Trống (A gơl) hình trụ, làm từ một thân gỗ độc mộc, khoét rỗng, bầu ở giữa, 2 mặt căng bằng da con mang; đàn Broóc, đàn môi (rơngoáy), sáo dài có 3 lỗ (tơrút), sáo ngắn (amáp)…Giai điệu của đàn môi là những lời tỏ tình, tâm sự của những đôi trai gái yêu nhau.Nghệ thuật tạo hình:chủ yếu chạm nổi trên cột đâm trâu, cây nêu, với các mô típ con vật (hươu nai, khỉ, chim, sóc); cây cỏ, hoa lá; vũ trụ (mặt trời, mặt trăng).

Độc tấu đàn Bro do nghệ nhân Hồ Thị Vân, dân tộc Co, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn: Đàn Bro thổn thức tấu lên giai điệu của núi rừng, miêu tả cuộc sống hàng ngày của đồng bào Co, tỉnh Quảng Ngãi: Con ơi con ngủ cho ngoan, để mẹ ra rẫy tìm cái măng rừng nuôi con khôn lớn. Mai sau lớn lên, con sẽ là có ích cho cộng đồng, xã hội. Con hãy đem cái chữ về với bản làng. Con hãy hăng say lao động sản xuất, để sau này có cuộc sống ấm no.

Văn hóa cồng chiêng là một trong những thành tố văn hóa đặc sắc và tiêu biểu gắn liền với đời sống văn hóa-xã hội của các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung, dân tộc Co ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Từ bao đời nay, tiếng chiêng gắn bó máu thịt với đồng bào Co trong mọi không gian của cuộc sống cũng như cuộc đời con người, từ khi họ sinh ra, đến khi trưởng thành và trở về với ông bà, tổ tiên. Cồng chiêng và âm thanh của nó không chỉ kết tinh thành các giá trị văn hóa mang tính bản sắc của cộng đồng mà còn là vật gửi gắm đời sống tâm linh của cộng đồng Co. Vì thế, nhiều các gia đình dân tộc Co ở Quảng Ngãi đều có ý thức bảo tồn cồng chiêng, họ không chỉ tấu chiêng trong lễ hội, hòa vào điệu múa Cà-đáo, mà phát triển nghệ thuật tấu chiêng lên đấu chiêng so tài, đưa tiếng chiêng hòa vào tiếng suối, tiếng thác, tiếng gió của vùng núi rừng và tiếng lòng của cộng đồng người Co ở Quảng Ngãi để gửi vào những vũ điệu cồng chiêng. Đấu chiêng dân tộc Co, do các nghệ nhân Hồ Văn Thái, Hồ Văn Biên, Hồ Văn Vương, dân tộc Co, tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn.

 

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Co có nhiều lễ hội: hội mùa, lễ ăn trâu, mừng nhà mới…Trong đó, độc đáo và lớn nhất là hội mùa “ngã rạ”, để rước hồn lúa về kho, cúng tạ ơn mẹ lúa, ăn mừng lúa mới. Hội mùa tổ chức vào tháng 11 hàng năm, khi lúa rẫy đã thu hoạch xong, đưa về cất giữ trên kho. Lễ hội tổ chức từ 5 – 7 ngày, để đàn ông rũ nhau vào rừng săn thú, con gái rủ nhau xuống suối bắt cá, đàn bà lo giã gạo nếp, gạo tẻ gói bánh, nấu rượu cần. Ngày đầu, người ta rước hồn lúa: chủ làng là người lên rẫy của mình sớm nhất để làm nghi lễ khấn rước hồn lúa đầu tiên, sau đó, tất cả chủ các gia đình trong làng cũng mang gùi lên rẫy làm lễ khấn rước hồn lúa: “Nay lúa ở rẫy, ở nương đã thu về hết rồi, hồn lúa (mẹ lúa) ở đâu, trong rẫy, trong rừng, trong núi, xin hồn lúa hãy về với mẹ, về ở trong kho, tránh mưa, tránh gió làm hại. Ngày mai cúng hồn lúa bằng heo, gà, bánh trái, mong hồn lúa về nhận lễ, ăn cho no, phù hộ cho mùa màng năm sau được tốt hơn”.  Khấn xong, chủ rẫy lấy phép những bông lúa mà khi thu hoạch đồng bào còn để lại trên rẫy bỏ vào gùi mang về đem treo ở trong kho lúa. Ngày thứ 2, cả làng cúng thần lúa: Chủ làng cúng trước tiên, dâng nhiều mâm lợn, gà, bánh, trầu, cau, rượu, nước, đèn sáp ong … lên thần lúa tại buồng của gia đình. Ngày thứ 3, cúng tổ tiên, ma bếp, ma nhà, với các lễ vật: lợn, gà, vịt, bánh…, cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng bội thu, mùa sau sẽ cúng to hơn. Ngày thứ 4, cả làng tập trung lại ăn, uống rượu, kể chuyện, vui chơi, ca hát, đánh chiêng trống suốt đêm ngày cho đến khi chủ làng tuyên bố kết thúc lễ ăn ngã rạ (hội mùa). Mọi người ra về, vui vẻ chờ đợi lễ hội năm sau.
Lễ hội ăn trâu (xa ố píu) là một sinh hoạt tín ngưỡng để cúng Mo huýt, các thần cai quản nương rẫy và giữ hạt giống cây trồng và các vị thần khác của đồng bào Co, được tổ chức vài năm một lần, vào khoảng đầu tháng 11 đến cuối tháng chạp âm lịch. 3 thức cúng quan trọng nhất của một lễ ăn trâu gồm: 1 con trâu đực (đầu lớn, mặt ngắn, sừng to và cong đều), cây nêu và gu (vật thiêng). Trâu tế mua về phải làm nhiều lễ cúng: cáo xin ông bà, trời đất đi mua trâu, hỏi tên trâu (từ người chủ cũ) để khấn vái, cúng xin làm chuồng, cúng đuổi tà ma, bói giò gà hoặc xin keo động ống nước để biết thần nào trong 2 vị thần Cơi Pnon và Cơi Vac sẽ ăn trâu. Trâu được vỗ béo bằng lá đót xanh, uống nước suối trong, nuôi nhiều tháng. Cây nêu (lgứt), cột lễ chính làm nơi buộc trâu hiến sinh, là điểm thông linh giữa con người với thần linh, trời đất. Trong 4 loại nêu cúng thần (nêu lá, nêu bắp chuối, nêu dù, nêu phướng) thì nêu phướng (xa klâc) là cây nêu đẹp nhất, lớn nhất (cao khoảng 15 mét, đường kính khoảng 3 tấc), trang trí chạm khắc, tô màu, kết tua ở cả 3 phần (đế, thân, ngọn), ngọn nêu có lá phướn (vlac) và hình tượng chim chèo bẻo (sip lít). Gu là thiêng (bái vật) đặt trong nhà, gồm 4 chiếc: gubla (gu tròn, hình bông hoa xòe cánh) treo giữa nhà; gu moc tưl (dẹt, một mặt, như bức tranh điêu khắc) treo ở vách, trên khung cửa ra vào; gu moc tum (dẹt, một mặt) treo ở cửa vào bếp và gu tum (tròn) treo trên bếp lửa. Ngoài ra, trong lễ ăn trâu, còn có 1 con khỉ, 1 con chim đại bàng bằng gỗ có khớp truyền động giống như các con rối của người Việt.  Lễ cúng diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu, chôn nêu, buộc lợn, cúng mo huýt – thần cai quản nương rẫy, giữ hạt giống cây trồng và làm lễ đuổi ma. Lễ cúng kết thúc, vài người đóng giả ma xấu chạy quanh trong làng (nóc), sau đó dân làng cùng ăn thịt lợn, uống rượu, múa cà đáo, nghe người già kể chuyện (tabol tamé), hát đối đáp xà ru, a giới (dân ca trữ tình). Ngày thứ 2, cúng mời thần linh về ăn trâu (lễ té nước). Các chàng trai, cô gái trong trang phục lễ hội truyền thống đánh chiêng, trống rộn rã, múa bài cà đáo vòng quanh gốc cây nêu chín lần. Chủ lễ té nước thiêng lên mình trâu và cây cột lễ, tụ tập quanh cây nêu để ăn uống, ca hát vui vẻ. Ngày thứ ba là lễ tế chính với nghi thức đâm trâu cúng thần. Chủ lễ cúng thần lửa, tổ tiên, ma nhà, ma buồng ở trong nhà xong, cùng đội múa chiêng, múa cà đáo và mọi người trong làng vừa đi vừa đánh chiêng, vừa múa vòng quanh cây nêu, con trâu, đi vòng lên nhà sàn 9 lần, rồi tập trung trước cây nêu ở sân nhà. Chủ nhà vui mừng vì đã hiến tế cho thần linh một con trâu tốt, thần linh sẽ che chở cho họ. Lễ hiến sinh kết thúc, mọi người trong làng (nóc) tiếp tục ăn trâu, uống rượu, múa chiêng, hát dân ca đến thâu đêm.

Hòa tấu chiêng là trích đoạn trong lễ hội ăn trâu của dân tộc Co. Lễ hội ăn trâu của dân tộc Co (còn gọi là Xá kapiêu), diễn ra vào tháng 3- 4 Âm lịch hàng năm. Trong 5 ngày diễn ra lễ hội, sau mỗi phần nghi lễ cúng, các buổi tối, dân làng đều quây quần đánh chiêng, múa cà đao (múa cadhao), hát xà ru, a giới, a lát… và uống rượu. Ngày thứ nhất, đồng bào cúng thần Mo Huýt – thần cai quản nương rẫy và giữ hạt giống về dự lễ, hiến tế trâu cho thần linh và cúng đuổi ma xấu để không quấy nhiễu dân làng, không phá hoại mùa màng, súc vật nữa. Ngày thứ hai, chủ tế làm lễ xin dựng nêu, cúng thần nêu và nghi lễ vào trâu, vẩy nước thiêng lên mình trâu. Ngày thứ ba, diễn ra lễ hiến trâu, nói với trâu những lời từ biệt, những ước vọng về sức khỏe, hạnh phúc, mong linh hồn trâu khi về với thế giới bên kia, có thể gửi tới các thần xin ban cho điều ước ấy. Ngày thứ tư là lễ ăn trâu. Sau lễ tế thần, mọi người quây quần bên chóe rượu, tấu chiêng trống, múa Pa đao. Ngày thứ năm, đại diện các gia đình dự ăn trâu tham gia đi phát rẫy phép, 4 chân trâu phơi ở cây nêu được đem nấu cháo, để mọi người phát rẫy phép trở về cùng ăn. Chủ nhà lấy móng trâu chôn làm phép kết thúc lễ hội. Trích đoạn lễ hội ăn trâu, đoạn chủ tế cúng thần nêu và nghi lễ vào trâu, vẩy nước thiêng lên mình trâu. Lúc này, các chàng trai tấu lên từng hồi chiêng, trống mừng trâu, các thiếu múa quanh cây nêu, té nước thiêng cho trâu, tạm biệt trâu, hiến trâu và gửi gắm những điều ước nguyện. Sau nghi thức tế lễ, bên ché rượu cần, mọi người múa chiêng, múa cà đáo, hát… vòng quanh cây Trích đoạn lễ hội ăn trâu, do nghệ nhân và đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc Co, tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn.

Tri thức dân gian

Tri thức dân gian của dân tộc Co được đúc kết trong lao động sản xuất, truyền khẩu cho thế hệ sau. Họ có một bảng nông lịch trong sản xuất đựa vào các hiện tượng thiên nhiên, hoa nở, chim kêu; nhìn trăng tròn hay khuyết mà đoán định công việc. Đồng bào nhìn thấy hoa riêng long xa nở, thì trỉa bắp, trồng sắn, nhìn thấy hoa rơ vai nở, thì trỉa lúa ngắn ngày, nếu hoa rơ vai rơi ngửa, thì biết đang thời vụ trỉa lúa xuân, nhìn thấy hoa long trưng đỏ, thì trỉa lúa chính vụ. Đồng bào nghe nghe tiếng vật kêu, cây mọc… để đoán định thời tiết: nghe con tắc kè kêu 2,4,6, tiếng (số chẵn) là trời nắng, 3,5,7 tiếng (số lẻ) là trời mưa. Con hoẵng kêu/cây nấm nẩy mầm, cây đao, cây đa rịn nước, báo hiệu trời sắp mưa. Nghe con ve, con chim chèo bẻo kêu/ trời đầy sao, báo hiệu ngày hôm sau trời sẽ nắng to. …