Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Xơ Đăng có 169.501 người (năm 2009).
Địa vực cư trú: Đồng bào cư trú 41 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung đông nhất tại các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai.
Tên gọi: Xê Đăng, Xơ Đeng, Ca Dong, Cà Dong, Tơ dra, Hđang, Mơ Nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Bri La Teng, Con Lan.
Ngôn ngữ: Tiếng nói của dân tộc Xơ Đăng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, ngữ hệ Nam Á.
Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp của người Xơ Đăng chủ yếu vẫn lệ thuộc vào thiên nhiên. Trong canh tác, đồng bào tuân thủ chặt chẽ mùa vụ: khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch, đồng bào bắt đầu phát rẫy, phơi nắng khoảng một tháng rưỡi, thì đốt, dọn rẫy. Tháng 4-5, đồng bào tiến hành chọc lỗ tra hạt, gieo lúa. Công cụ lao động gồm: cuốc, trà gạc, dao, cào cỏ, rìu, gậy chọc lỗ… Rẫy được bảo vệ bằng hàng rào, có lối vào đặt các loại bẫy, sáo gió, đàn nước. Nhờ gió, tạo âm thanh tự nhiên để xua đuổi các loại thú rừng đến phá hại. Trên nương rẫy, ngoài lúa, đồng bào còn trồng xen canh gối vụ các loại: kê, vừng, đậu, bầu, bí các rẫy bắp, sắn…, cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày cho đồng bào.
Kinh tế tự nhiên
Do điều kiện sống được bao bọc bởi rừng núi, nên hình thức kinh tế chiếm đoạt tự nhiên đóng vai trò không nhỏ trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng. Mùa nào thức ấy, sau khi đi rẫy trở về, chị em lại tranh thủ hái rau dớn mọc bên suối, lá môn, đọt mây, măng le rừng…để nấu ăn. Nam giới tranh thủ thời gian rảnh rỗi, lúc canh nương, dùng các loại nỏ, lao hay các loại bẫy để săn bắt thú rừng, vừa để cải thiện bữa ăn, vừa để bảo mùa màng. Trước khi đi săn, họ bỏ trong gùi các thứ cần thiết cho cuộc đi săn: ống cơm, bầu nước, ống đựng tên, thuốc phòng rắn cắn. Trong suốt quá trình đi săn, gùi luôn được đeo sau lưng, rất tiện lợi khi rình con mồi phải cúi, leo hay bò, nhưng vật dụng không rơi ra ngoài. Lúc trở về, những loại thú nhỏ săn bắn được như nhím, chim, sóc… cũng được bỏ vào gùi mang về nhà. Nếu săn được các loại thú lớn như lợn rừng, hổ, gấu… người đi săn mang kèn sừng trâu ra thổi, từ thông điệp của tiếng kèn, mọi người trong buôn sẽ gọi nhau đi khiêng giúp. Từ khi Nhà nước có chủ trương cấm săn bắn thú rừng, hơn nữa diện tích rừng bị thu hẹp, các loại muông thú không còn nhiều, đồng bào ít đi săn, do vậy loại gùi này cũng ít người sử dụng. Ngoài đi săn, hàng ngày nam giới dùng các loại lưới, đơm, đó, đan chặng, đơm, đó, nơm, rổ để đánh bắt cá trên các sông, suối.
Nghề thủ công
Dân tộc Xơ Đăng có nhiều nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt, rèn, đan lát. Trong đó, nghề dệt đóng vai trò quan trọng, do phụ nữ đảm nhận. Hàng năm, vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5, tháng 6 người Xơ Đăng lên rẫy trồng bông xen với ngô ở trên rẫy xa nhà, tháng 11, 12, bông bắt đầu cho thu hoạch. Chị em lên rẫy hái bông về phơi, làm sạch, lựa chọn bông tốt, cán bông, cuốn cúi, kéo sợi (thao tác thật đều tay, nhịp nhàng), nhuộm màu, hồ sợi, dệt vải. Dụng cụ nghề dệt vải gồm: cán bông (ptah), bật bông (tik mik), xa kéo sợi (truôi), khung cuốn sợi (đơi vơi), khung dàn sợi (pung) và khung dệt. Bộ khung dệt khổ rộng, có sự liên kết bởi những thanh gỗ, thanh le, ống nứa người dệt ngồi bệt xuống nền nhà, dùng chân và dây lưng buộc với vách nhà làm thanh căng để dệt vải. Tuỳ theo ý đồ làm ra sản phẩm: chăn, choàng, váy, áo hay khố mà bố trí các dải hoa văn to hay nhỏ, nhiều hay ít. Riêng khố của nam giới, không chỉ dệt các hoạ tiết hoa văn mà còn dùng kỹ thuật tết, cài hoa văn ở hai đầu của tấm khố. Đan lát là công việc của đàn ông, họ tranh thủ lúc nông nhàn, vụ trồng trỉa, trước kỳ thu hoạch, đi lấy nguyên liệu tre (Ratin) mọc bên suối, nứa và dây mây rừng để đan lát. Dù đan gùi hay đan bất cứ vật dụng gì, nan cốt đầu tiên luôn đóng vai trò quan trọng để định hình kiểu dáng và tạo độ bền cho sản phẩm, vì thế, nan cốt phải là những nan cật. Đan đáy xong mới dựng khuôn lên thân, đan theo vòng trong ngược chiều kim đồng hồ, vòng nọ chồng vòng kia, lớn dần từ dưới lên trên (nếu là gùi), đan thẳng (nếu là giỏ, bao dao…). Đối với các loại gùi, giỏ có hoa văn, họ phải nhuộm nan màu đen hoặc đặt trên giàn bếp hun khói một thời gian để tạo màu cánh gián. Sản phẩm đan lát có nhiều loại: nia, giỏ, gùi (gùi đan thưa, đan dày, có nắp, không nắp, có hoa văn, không có hoa văn, gùi hình con ốc, gùi mây (dành riêng cho phụ nữ đựng trầu cau, khăn khi đi chơi, dự hội), gùi 3 ngăn (krố) của đàn ông (đan bằng mây, hai ngăn nhỏ đựng thuốc, trầu cau; ngăn lớn đựng rựa, dao, mũi tên…, phải mất 10 ngày liên tục mới hoàn thành, cất trên gác bếp một thời gian cho bồ hóng bám ngả vàng mới dùng, tránh mối mọt xâm hại)… . Ngoài ra, một số nơi người Xơ Đăng đã biết đãi vàng, sa khoáng…
Phương thức vận chuyển
Trước đây, trong đời sống cũng như trong lao động sản xuất, gùi là phương tiện vạn chuyển chính của người Xơ Đăng. Hiện nay, nền kinh tế phát triển, nhiều gia đình đã có xe máy, công nông, thậm chí cả ô tô để sử dụng làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, lương thực…
Trao đổi hàng hóa
Xưa kia, đồng bào Xơ Đăng thường sử dụng phương thức dùng hàng đổi lấy hàng theo giá trị ngang giá như: sản phẩm đan lát (Gùi, giỏ, nia), vật nuôi (con gà, con lợn, trâu bò), nông sản (gùi thóc, ngô, sắn ) để nhận lại các loại công cụ sản xuất (Dao, cuốc, rìu, trà gạc…) và các đồ dùng sinh hoạt (Cồng, chiêng, nồi đồng ). Ngày nay, đồng bào chủ yếu trao đổi hàng hóa bằng tiền mặt, thông qua các hình thức mua bán tại các phiên chợ huyện, xã và đội ngũ bán hàng rong bằng xe máy trong các xóm, bản.
Văn hóa mặc
Xưa kia, nam giới dân tộc Xơ đăng đóng khố, cởi trần. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng, thả hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân. Trong các lễ hội, người đàn ông thường quấn chéo thêm một tấm vải trên ngực. Ngày nay họ mặc quần, áo giống người Kinh. Trước đây, phụ nữ Xơ Đăng mặc áo vỏ cây (ao loong mor) được làm từ xơ của vỏ cây mo. Sau khi dệt vỏ cây thành tấm, người ta gập đôi chiều dài lại thành thân trước và thân sau. Thân sau dài hơn thân trước khoảng 10cm. Dùng dao khoét một lỗ tròn ở thân trước để làm cổ, sau đó dùng chỉ khâu hai bên sườn, để chừa một đoạn giáp vai để xỏ tay khi mặc. Về sau, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Xơ Đăng gồm có: áo (ao goh), váy (ktắc) và tấm choàng (khăn vai). Áo (ao goh) may kiểu áo chui đầu, không có tay. Cổ áo (rơ loong ao) được viền móc bẳng những sợi len màu đỏ, vàng, hồng, tạo thành những đường chỉ màu nổi bật. Vạt áo (cô nheng ao) dệt trang trí họa tiết hình thoi nối tiếp nhau, trong lòng hình thoi là hình chữ thập và gạch ngang màu trắng. Thân trước áo dệt hoa văn hình người. Váy (ktắc) hình ống, màu đen, dệt xen kẽ các đường ngang bằng chỉ các màu, trong đó màu đỏ là chủ yếu. Tấm choàng được khâu ghép bởi 2 tấm vải, mặt trái màu đen, mặt phải dệt trang trí họa tiết hình quả trám xen kẽ với các khoang chỉ: đen, trắng, đỏ tạo sự hài hoà đẹp đẽ cho tấm choàng mà không bị rối. Các thiếu nữ Xơ Đăng khi đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người để những chàng trai ở các buôn làng khác biết mình chưa xây dựng gia đình, họ có thể trò chuyện, tìm hiểu. Khi về nhà chồng, người con gái đem theo tấm choàng và giữ gìn như một vật kỷ niệm quý. Khi đi ngủ, người Xơ Đăng dùng tấm choàng để đắp thay cho chăn và để tránh muỗi đốt. Hiện nay, tấm choàng không còn được dùng rộng rãi nữa. Phụ nữ Xơ Đăng thích đeo đồ trang sức bằng cườm, đá nhiều màu sắc ở thắt lưng, cổ tay, cổ chân. Đeo vòng đồng, vòng bạc trên cổ và khuyên tai. Hiện nay, nam, nữ Xơ Đăng mặc trang phục hiện đại, chỉ lễ hội mới mặc trang phục truyền thống.
Văn hóa ẩm thực
Người Xơ Đăng ăn cơm tẻ, cơm nếp với muối ớt và các thức kiếm được từ rừng: rau dớn, lá môn, đọt mây, măng le rừng, thịt nai, thịt lợn, dúi rừng, chuột, chim, sóc, mớ cá lăng …Bữa cơm hàng ngày phổ biến có món canh rau dớn nấu với tôm, cua, cá suối; món gà nướng dành cho người mới sinh, măng nấu lẫn thịt, cá hay ốc và các món nướng. Ngày lễ tết, đồng bào chế biến nhiều món ăn, như: cơm lam (nếp nương ngâm qua đêm, cho vào ống nứa, thêm nước, nướng trên bếp than cho chí, tước bỏ lớp vỏ đen mỏng ở bên ngoài, xếp lên mâm cúng thần trước, sau đó mới bóc lớp bọng nứa bên ngoài để ăn); thịt dúi xào măng, nấu chuối non hoặc trộn rau, gia vị, gạo giã nướng ống; tiết canh dúi (thịt dúi băm nhỏ, thêm sả, ớt, muối, tiêu rừng, bột bắp khô (bột ngô, trộn tiết cho đông), thịt ếch om cà đắng, gỏi hoa chuối rừng với tôm, cá suối trộn rau dớn bóp chua, thịt nai, thịt lợn, cá …nướng. Một số loại thực phẩm thịt, cá, rau còn được cho vào ống tre, nứa còn non nút kín miệng ống rồi nướng trên than củi. Ngày nay, đồng bào tiếp thu nhiều món ăn mới như nem, chả… Ngày lễ tết, dịp có khách, đồng bào không thể thiếu món rượu cần, được chế từ loại kê chân vịt, gạo, sắn. Một số nơi người Xơ Đăng có tập quán ăn trầu cau. Nam nữ đều hút thuốc lá, có nơi, đồng bào đưa thuốc lá nghiền thành bột vào miệng thay vì hút bằng tẩu.
Văn hóa ở
Làng của người Xơ Đăng (plơi), có ranh giới nhất định, đánh dấu bằng khu rừng, ngọn núi hay con suối. Trong làng có nhiều nóc nhà, kho thóc của dân, máng nước, nhà rông, nghĩa địa, đất canh tác, rừng săn bắn, những khúc sông, suối chảy qua. Nhà rông có nóc và mái được tạo dáng như cánh buồm lớn hoặc lưỡi rìu khổng lồ ngửa lên trời, có hình chim chèo bẻo hay hình sừng thú chót vót ở hai đầu đốc. Nhà rông là nơi tổ chức các nghi thức tôn giáo, hội họp và vui chơi giải trí. Nhà ở trong làng bố trí theo tập quán từng vùng, có nơi quây quần quanh nhà rông, có nơi dựng theo lớp ngang triền đất, không có nhà rông. Kỹ thuật làm nhà chủ yếu là sử dụng ngoàm, buộc dây. Đầu thế kỷ XX trở về trước, người Xơ Đăng ở nhà sàn dài, có nhiều thế hệ cùng chung sống, nay đã phổ biến hình thức tách từng hộ riêng.
Nhà sàn hình chữ nhật, mái lợp tranh, vách thưng gỗ, sàn trên dùng để ở và sinh hoạt, phần dưới để đồ dùng và nuôi gia súc. Tùy theo số thế hệ và thành viên sống trong một gia đình mà ngôi nhà sàn dài hay ngắn, số lượng cột cũng khác nhau. Nếu nhà sàn dài, bố trí từ 18 – 20 cột, bố trí thành hai hàng, kết nối với nhau bằng các vì kèo, dầm gỗ- đồng thời là kết cấu đỡ cho sàn nhà. Nhà truyền thống có 3 cửa ra vào, cửa chính nằm ở giữa vách trước, nhìn thẳng về con suối lớn hoặc ngọn núi nơi mặt trời mọc, dành cho chủ nhà và khách ra vào, sau cửa này là nơi thờ ma tổ tiên. Hai cửa phụ ở đầu hồi, cửa hướng Đông đặt máng nước, dụng cụ nấu, nướng, sinh hoạt, cửa hướng Tây chỉ mở khi nhà đông khách hoặc dịp có lễ hội. Bếp nấu ăn được bố trí ở hướng Đông của ngôi nhà. Khi người con cả lập gia đình, phải ăn riêng và lập một bếp nấu ăn phụ ở hướng Tây của nhà. Giàn bếp là nơi cất giữ thức ăn, giống cây trồng, các đồ gia dụng, nông cụ. Chỗ ngủ của các thành viên được bố trí trong các gian theo chiều dài của ngôi nhà.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Từng làng Xơ Đăng có đời sống tự quản, đứng đầu là ông “già làng”. Lãnh thổ của làng là sở hữu chung, trên đó mỗi người có quyền sở hữu ruộng đất để làm ăn. Quan hệ cộng đồng trong làng được đề cao, già được nể trọng bởi uy tín và sự hiểu biết. Ông điều hành mọi hoạt động của làng. Bên cạnh già làng còn có thày cúng, cùng chủ trì tổ chức các lễ hội và giải quyết các mâu thuẫn trong làng. Ngày nay, quản lý làng là trưởng thôn, bí thư chi bộ, hội trưởng phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Hôn nhân của người Xơ Đăng nghiêm cấm kết hôn người cùng họ. Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục, được tìm hiểu, yêu nhau. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên. Nếu phải lòng ai thì người trai rủ bạn gái đó cùng đi chơi, cùng làm chung rẫy vừa có điều kiện tìm hiểu, vừa có dịp để thể hiện tình cảm của mình, nếu được ưng thuận, người con trai về trình bày với cha mẹ để cha mẹ chọn người làm mối đến nói chuyện riêng với cô gái để trình bày ý nguyện của chàng trai. Nếu cô gái đó ưng thuận thì trả lời cho người làm mối để báo lại cho gia đình nhà trai, để làm lễ hỏi vợ: Nhà trai chính thức đến nhà gái, xin cho đôi bạn trẻ kết duyên vợ chồng. Nếu nhà gái đồng ý, chàng trai và cô gái trao lễ vật cho nhau (xưa là vòng, nay là nhẫn), theo nguyên tắc trao bằng tay phải (tay phải là tay người, tay trái là tay ma), nam trao trước, nữ trao sau. Sau lễ này, dù chưa chính thức là vợ chồng, nhưng họ có thể gắn bó thân thiết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đến khi đủ điều kiện tự lập cuộc sống riêng tư, họ nhờ ông mối, đến thưa chuyện cùng hai gia đình để họ được tổ chức lễ cưới. Lễ cưới thường diễn ra vào lúc nông nhàn hoặc sau vụ thu hoạch. Sau khi cưới, cô dâu, chú rể ở luân phiên hai bên gia đình, đến lúc nào cha mẹ không còn nữa, mới ở riêng, nên có quy định: Bên nào về ở trước thì sẽ tổ chức lễ cưới trước. Lễ cưới do ông mối và già làng chủ trì: ông mối phát biểu chào mừng hai họ, chúc hạnh phúc đôi trẻ. Già làng căn dặn đôi trẻ kinh nghiệm sống. Sau đó, cô dâu, chú rể nếm chung hết các ghè rượu lễ đã mở sẵn, mời họ hàng bạn bè hai bên uống chung vui. Khoảng 7 giờ tối, nhà gái tặng quà, thịt để nhà trai đem về, đón cô dâu cùng đoàn anh em và họ hàng thân thiết (ngoại trừ bố mẹ cô dâu) về nhà chồng. Chuẩn bị đón dâu, nhà trai nấu một nồi cơm, làm thịt gà để ông mối nắm cơm, lấy gan và thịt gà đưa cho cô dâu chú rể cùng ăn theo kiểu chéo tay trao yêu thương. Sau nghi thức này, hai người chính thức là vợ chồng.
Tập tục tang ma
Người Xơ Đăng phân biệt 2 dạng chết: chết lành và chết dữ. Chết lành là chết bình thường theo quy luật tuổi già, ốm đau, được tổ chức tang ma chu đáo; cả làng chia buồn và giúp việc đám ma: tắm rửa, mặc áo quần truyền thống, đưa đến chôn cất ở bãi mộ chung của làng, thịt trâu/lợn cúng ma, tiễn biệt người chết. Tùy từng nơi, tang ma của người Xơ Đăng có sự khác biệt:
Người Xơ Đăng ở Trà My, Quảng Nam, có tục con trai phải cõng mẹ đi chôn để báo hiếu, ngược lại, nếu con chết trước, cha mẹ cõng con đến nghĩa địa thể hiện sự thương tiếc. Nếu cha mẹ chết khi con quá nhỏ, không đủ sức cõng cha mẹ, phải nhờ người họ hàng ruột thịt cõng thay đến chôn ở ngôi mộ riêng, đào sâu, có ngách ngang, lắp ván, chôn chặt, không có tục chia của cho người chết, làm lễ bỏ mả ngay khi chôn. Sau khi chôn, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Hàng năm, lễ mang nước hoặc tết lúa mới, họ mới tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người mất. Chết dữ là chết tự tự, người chết không được cõng, mà chỉ được khiêng đến nơi chôn cất. Huyệt mộ đào sơ sài, không có ngách ngang, chôn ở tư thế ngồi xổm (ngồi bó gối), nhìn về phía Tây, tóc của người chết được kéo ngược, để lộ ra trên mặt đất khi lấp đất. Người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại có tục “táng treo” (thiên táng) cho người chết giàu có và uy tín. Quan tài được treo ở trong rừng ma, gác trên những thân cây gỗ lớn với bốn cây cọc, cách mặt đất gần một mét, để con ma “tiện bề đi lại”, hai chân ma có thể bước giữa trời. Phụ nữ không được tham gia chôn cất người chết, cho dù người chết ấy là cha, chồng hay con đẻ. Nhà không có con trai, đàn ông trong dòng họ đảm nhận chôn cất, chia của cho người chết (ghế, gùi, rổ, chum, ché). Sau khi chôn, mọi người tắm suối, uống rượu ngoài rừng, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ gà, lợn/bò, ăn uống nhiều ngày để tống tiễn linh hồn trong tâm trạng vui vẻ, để người đã khuất không vì tiếc thương mà quay lại làng. Từ năm 2000 đến nay, người Xơ Đăng đã bỏ hẳn tục táng treo.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Xơ Đăng tin vào sức mạnh siêu nhiên, các “thần”, “ma” – kiak (kia), “yàng“, bao gồm: thần sấm sét, thần mặt trời, thần núi, thần lúa (hiện thân là bà già xấu xí, tốt bụng biến thành con cóc), thần nước (hiện thân là thuồng luồng/ con “lươn” khổng lồ hoặc con lợn mũi trắng. Trong đời sống và canh tác rẫy, đồng bào có rất nhiều lễ thức cúng thần, cầu mùa, cầu an, tránh sự rủi ro cho cộng đồng và cá nhân.
Người Xơ Đăng xem các khu “rừng ma” là khu vực bất khả xâm phạm, chỉ dành cho người chết, nếu người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt. Trước kia, khu vực “rừng ma” um tùm cỏ dại, vắng dấu chân người, chỉ để “táng treo”, nay tục táng treo không còn, nhưng khu “rừng ma” vẫn luôn là khu vực linh thiêng, không ai dám chặt phá hay làm điều gì sai. Tại rừng ma, người chết có một năng lực siêu nhiên và họ có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này, kể cả việc “bắt” linh hồn của người sống đi theo. Vì vậy, sau khi chôn cất, người thân không bao giờ quay lại ngôi mộ, họ chỉ cúng ma vào dịp lễ Mang nước hoặc Tết lúa mới. Nếu ai đó có việc gì cần đến gỗ, phải xin phép người đứng đầu họ, làm lễ cúng “thần rừng”, giàu thì tế trâu, còn nghèo thì tế gà trống mới được vào lấy gỗ về.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Xơ Đăng có nhiều loại nhạc cụ: đàn, nhị, sáo dọc, ống vỗ kloongbút, trống, chiêng, cồng, tù và, ống gõ, đàn ống hoạt động nhờ sức nước… có loại dùng giải trí thường ngày, có loại dùng trong lễ hội. Điệu hát phổ biến là đối đáp của trai gái, hát ru. Trong một số dịp lễ hội, đồng bào trình diễn múa. Có điệu múa riêng cho nam, riêng cho nữ, cũng có điệu múa cả nam, nữ cùng tham gia. Truyện cổ Xơ Đăng phong phú và đặc sắc
Tết, lễ hội cộng đồng
Hàng năm, quan trọng nhất là lễ cúng thần nước vào dịp sửa máng nước, các lễ cúng vào dịp mở đầu năm mới, mở đầu vụ trỉa lúa, khi lúa đến kỳ con gái, khi thu hoạch, các lễ cúng khi ốm đau, dựng nhà rông, làm nhà mới, khi con cái trưởng thành… Nhiều dịp sinh hoạt tôn giáo đồng thời có tính chất hội hè của cộng đồng làng. Tết dân tộc tổ chức trước sau tuỳ làng, nhưng thường trong tháng Giêng (dương lịch), kéo dài 3-4 ngày. Trong số các lễ cúng, lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng, lễ đâm trâu được tổ chức long trọng nhất, đông vui nhất. Người Xơ Đăng thích hát múa, tấu cồng chiêng, chơi đàn, kể chuyện dân gian và hát sử thi. Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn có tài trong kiến trúc, điêu khắc, làm nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu.