Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Ba Na có hơn 227.716 người (Năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Tơ Lô, Giơ Lâng (Y- Lăng), Rơ Ngao và Gơ Lar krem.
Ngôn ngữ: Dân tộc Ba Na thuộc thuộc chủng Indonesia, nói ngôn ngữ Môn Khmer, ngữ hệ Nam Á. Các nhóm địa phương người Ba Na cùng nói một thứ tiếng, tuy cũng có sự thay đổi ít nhiều tùy theo địa phương.
Sản xuất nông nghiệp
Dân tộc Ba Na chủ yếu trồng trọt trên đất rẫy và ruộng khô ven sông suối. Cây trồng truyền thống của đồng bào gồm lúa, ngô, sắn (khoai mỳ), mía, bông, rau xanh, gia vị, ngày nay có thêm các vườn cà phê, cao su. Hình thức canh tác cổ truyền là phát, đốt, chọc, trỉa bằng những nông cụ thô sơ như rựa, xà gạc (dùng chặt, phát những cành cây nhỏ), rìu (dùng đốn chặt cây to); gậy gỗ, hoặc cây Le đẽo nhọn một đầu, đốt qua lửa (dùng chọc lỗ tra hạt); cuốc và nạo (dùng làm sạch cỏ mọc xen lẫn với cây trồng). Ngày nay, phương thức canh tác truyền thống đã thay đổi, đồng bào mở rộng diện tích lúa nước, trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, phổ biến sử dụng máy cày làm đất, sử dụng phân bón và kỹ thuật mới để nâng cao năng xuất lao động.
Ngoài trồng trọt, đồng bào Ba Na còn chăn nuôi trâu, bò, chó, gà để hiến tế (riêng chó không bao giờ bị giết thịt) và cải thiện cuộc sống. Hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của đồng bào đang trở thành hàng hóa quan trọng nâng cao thu nhập mỗi gia đình.
Kinh tế tự nhiên
Đồng bào Ba Na tận dụng khai thác nguồn lợi tự nhiên, để cải thiện cuộc sống bằng các hình thức đánh bắt cá, săn bắn và hái lượm. Những cư dân Ba Na sinh sống gần sông, suối thường dùng chài, lưới, vó, vợt, nơm, rổ, hoặc dùng lá cây độc để bắt cá, tôm, cua…; Nam giới Ba Na thường dùng lao, nỏ, bẫy…để săn, bắt thú rừng, bảo vệ mùa màng. Hàng ngày đi nương, cả nam. Nữ, trẻ em đều mang theo một chiếc gùi, dao… để thu hái rau rừng, măng nấm, mùa vụ còn khai thác mật ong rừng…Ngày nay, việc khai thác, tận thu các nguồn lợi tự nhiên đã giảm đáng kể.
Nghề thủ công
Trước đây, hầu khắp các làng của dân tộc Ba Na đều có các nghề thủ công rèn, dệt, đan lát và làm mộc, một số ít còn biết làm đồ gốm. Sản phẩm thủ công làm ra đáp ứng đủ nhu cầu tự phục nông cụ, vải mặc, đồ gia dụng, gùi vận chuyển, gùi đi săn, gùi đựng và các loại đó, giỏ, lưới để đánh bắt cá. Ngày nay, các nghề thủ công mai một nhiều. Trong các buôn, làng, thi thoảng mới còn một lò rèn để sửa nông cụ hay còn vài khung dệt vải còn đưa thoi, tuy nhiên, nguyên liệu dệt chủ yếu bằng len hay sợi công nghiệp, rất hiếm gia đình còn trồng bông lấy sợi dệt vải như xưa.
Phương thức vận chuyển
Người Ba Na chủ yếu vận chuyển bằng gùi. Trước đây, mỗi gia đình Ba Na có nhiều loại gùi đẹp, với công năng khác nhau như gùi lúa, gùi củi, gùi đi săn, gùi đựng nông sản. Ngày nay, đồng bào dùng các loại: bao dứa, sọt thồ, xe đạp, xe máy, để vận chuyển. Một số cư dân Ba Na sống ven sông Đăk Bla còn dùng thuyền độc mộc để đi lại trên sông và đánh bắt cá.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, đồng bào Ba Na thường đổi hàng lấy hàng theo giá trị vật ngang giá. Họ đổi sản phẩm đan lát (bằng tre, le, lồ ô), vật nuôi (con gà, con lợn, trâu bò), nông sản (gùi thóc), để nhận lại các loại rìu, nồi đồng, ché, chiêng, cồng. Ngày nay, đồng bào phổ biến mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, xã hay diao dịch với đội ngũ bán hàng rong bằng xe máy, thậm chí là ô tô.
Văn hóa mặc
Truyền thống, nam giới Ba Na đóng khố, ở trần hoặc mặc áo cánh, xẻ ngực, không có tay áo. Mùa lạnh, có thể khoác thêm tấm choàng. Phụ nữ Ba Na mặc áo cộc tay, váy quấn bằng vải sợi bông, màu đen chàm, dệt trang trí các băng ngang bằng sợi chỉ khác màu, mô tip hình cây cỏ, hạt dưa…Riêng nhóm địa phương Ba Na Rơ Ngao, váy nữ hay khố nam còn được dệt trang trí hoa văn mũi lao, kèm thêm các đường móc rất điển hình. Mỗi phụ nữ Ba Na còn có một tấm vải quấn quanh lưng dùng để địu con nhỏ, lúc lên rẫy hoặc đi chợ. Hàng ngày, đặc biệt là lễ tết, hội, cả nam, nữ Ba Na đều thích đeo nhiều vòng tay, vòng chân bằng bạc, bằng đồng hoặc những chuỗi vòng cổ bằng hạt cườm.
Màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên (Ê Đê, Ba Na, Tày, Dao, Chăm, H’Mông) do các nghệ nhân và đoàn nghệ thuật huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên trình diễn: Trang phục phụ nữ dân tộc Tày là áo dài 5 thân, trước đây bằng vải sợi bông, nhuộm chàm, nay cải tiến bằng vải công nghiệp. Trang phục phụ nữ H’Mông vẫn giữ được nét bản sắc truyền thống, gồm váy xòe, xếp nếp; áo ngắn, xẻ ngực, có cải tiến trang trí các mảng màu công nghiệp; tạp dề trước sau; chân quấn xà cạp và chiếc khăn quấn tròn, hiện nay mũ có đính thêm tua rua rủ quanh đầu. Trang phục phụ nữ Dao Đại Bản (Dao đỏ) nổi bật là chiếc áo dài, xẻ ngực, trang trí mảng đỏ dọc 2 hò áo, áo yếm đỏ, đội khăn đỏ, mặc quần màu chàm. Trang phục phụ nữ Chăm Hroi trước đây là áo dài, váy tấm, nay mặc áo ngắn màu trắng, mặc váy tấm, dệt trang trí mảng thổ cẩm ở giữa thân váy, đội khăn vuốt cao lên đỉnh đầu, quàng đai chéo ngực. Trang phục phụ nữ Ba Na, Ê Đê may bằng vải tự dệt, gồm áo, váy, màu chàm, dệt thổ cẩm theo dải băng ngang, tuy nhiên áo và váy của phụ nữ Ba Na được dệt trang trí mảng hoa văn thổ cẩm màu trắng đỏ nổi bật gần như toàn bộ thân áo và váy.
Văn hóa ẩm thực
Đồng bào Ba Na thường ăn hai bữa chính (sáng, tối) và một bữa phụ trong ngày. Trong nhà, phụ nữ cáng đáng mọi công việc bếp núc, giã gạo, gùi nước, nấu ăn. Đàn ông đẽo chày, khoét cối, đan nia và chỉ vào bếp nấu nướng dịp lễ hội. Trước đây, phụ nữ Ba Na dùng cối giã gạo chày tay theo lối ăn bữa nào giã bữa đó. Mỗi buổi sáng, chị em dậy sớm nấu cơm, để dành ăn cả ngày. Trước đây, cơm hay thức ăn được nấu bằng nồi đất, không có nắp, mà đậy bằng lá chuối, tấm đan, hoặc nấu bằng ống lồ ô, nút lá chuối, nướng trên bếp. Gần đây, họ dùng nồi đồng, nồi gang, xoong nhôm (mua ở chợ hoặc cửa hàng) để nấu ăn. Hiện nay, phần lớn các gia đình đã dùng nồi điện nấu cơm và củi nấu thức ăn. Bữa ăn hàng ngày, chủ yếu là rau xanh, măng, nấm theo mùa; Cá, cua, ốc, ếch hoặc thịt chim, chuột kiếm được. Cơm để ra rá trên mâm đan, thức ăn khô bày trên những chiếc lá chuối hay lá dầu, để ăn bốc hoặc dùng đũa. Canh được đựng trong tô gỗ hoặc là một gióng lồ ô chẻ đôi, rồi thay nhau uống. Ngày nay, đồng bào dùng bát, đũa trong bữa ăn. Món ăn ưa thích ngày tết, lễ của người Ba Na phải kể đến là: Tôm lam rau dớn (Tôm, rau dớn làm sạch, nêm muối, ớt, lá é, tiêu rừng, giềng hoặc gừng cho vừa miệng, cho vào ống lồ ô bánh tẻ, xóc đều, nút lá chuối, nướng, trở đều trên bếp than từ 15 20 phút, đổ ra đĩa hoặc lá chuối); Thịt lợn nấu cà đắng (thịt lợn ba chỉ, gói lá chuối, treo trên gác bếp 1 – 2 ngày cho có mùi, sau đó cắt miếng nhỏ, trộn với cà đắng bổ miếng, nêm gia vị vừa ăn, cho vào ống lồ ô, nút lá chuối, nướng trên bếp lửa tới lúc chín, nhuyễn, bỏ thêm lá é là ăn được); Cá suối nấu măng le (Măng le bỏ gốc và vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng vào nồi nấu chín, sau đó bỏ cả con cá to đã mổ sạch, nấu cùng, rồi nêm mắm muối, gia vị đun khoảng 10 phút cho cá ngấm đều vào măng, rắc một ít lá é khử mùi tanh); Cháo nấm mối (Lấy nấm mối vào đầu mùa mưa, trên các rẫy mì, rẫy bắp, loại bỏ phần gốc, xé nhỏ, nấu chín, sau đó bỏ gạo giã mịn, quấy thật đều tay cho chín, nêm muối, bột tiêu rừng. Trước đây, cháo nấm mối thường để nguội, bỏ trong vỏ bầu khô, mang đi nương, nay có xe đi lại, đồng bào thường về nhà ăn uống, nghỉ trưa, ngoại trừ mùa rẫy mới ở lại trên nương.
Rượu cần là thức uống ưa thích và phổ biến của đồng bào (rượu cần được ủ bằng cơm gạo, bắp hoặc sắn, trộn trấu, lá cây cho lên men, ngửi thấy mùi thơm là uống được. Thuốc lá là thứ hút của cả nam và nữ (Mỗi gia đình đều có diện tích trồng thuốc lá. Mùa thu hoạch, đem về phơi khô, thái nhỏ thành sợi, dùng tẩu hoặc lá khô cuốn để hút).
Văn hóa ở
Mỗi làng Ba Na có vài đến vài chục nóc nhà, quần tụ quanh một nhà rông cao, đẹp giữa làng. Đây là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, dân làng hội họp, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục và tiếp khách của cộng đồng, nơi trai chưa vợ và góa vợ ngủ đêm chỉ có con trai từ 14 tuổi trở lên mới được ngủ qua đêm trong nhà rông. Đã là con trai Ba Na, ai cũng phải biết đánh cồng, chiêng và học cách lợp mái, xẻ gỗ, chắp kèo,để có thể sẵn sàng xây dựng Nhà rông khi trưởng thành.
Người Ba Na ở nhà sàn. Trước đây, nhiều tiểu gia đình cùng họ tộc sống chung trong một ngôi nhà dài hàng trăm mét. Bộ khung nhà kết cấu vì kèo, trên cơ sở của vì cột. Vách nhà thưng nứa hoặc tre đan, buộc lạt mây. Sàn nhà lát bằng ván gỗ hoặc tre đập dập. Cửa ra vào nhìn ra phía hông lớn của ngôi nhà với 1 cầu thang gỗ, đẽo thành bậc lẻ, ban đêm họ rút cầu thang lên để tránh thú dữ leo vào nhà, ban ngày mới thả xuống. Trước cửa có một hành lang Pra để tránh mưa nắng trong lúc giã gạo, đan gùi. Tuy sống chung, nhưng các tiểu gia đình làm ăn và có của cải riêng, bếp lửa riêng. Cạnh bếp lửa là chỗ ngủ của các thành viên gia đình, đồng thời là nơi tiếp khách. Trong nhà có nhiều ghè rượu, gùi đủ loại sắp thành hàng ở vách giữa nhà. Trên vách phên hay mái nhà có treo các dụng cụ săn bắn, đánh cá. Gần đây, thay thế cho chế độ gia đình lớn và nhà dài là các gia đình nhỏ với những căn nhà sàn ngắn, dài 7m -15m, rộng 3m-4m, cao 4m-5m, sàn cách đất 1m – 1,5m. Xu hướng hiện nay, nhà xây gạch, bê tông ngày càng nhiều thay thế các nhà sàn.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Nam nữ Ba Na đến tuổi trưởng thành tự do tìm hiểu, lựa chọn bạn đời. Việc gả bán con cái theo ý cha mẹ thường chỉ xảy ra giữa gia đình giàu và nghèo vì lý do kinh tế, hay sắc đẹp. Cưới xin theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên cư trú mỗi bên một thời gian, sau khi sinh con đầu lòng mới dựng nhà riêng. Trẻ em Ba Na sinh ra không được đặt trùng tên nhau trong làng. Trường hợp trùng tên, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh em, cha con, mẹ con. Người Ba Na hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Trong gia đình mọi người sống hòa thuận, bình đẳng, cùng làm, cùng hưởng, các con, dù trai hay gái được thừa kế gia tài ngang nhau.
Lễ rụng rốn của dân tộc Ba Na nằm trong nghi lễ vòng đời của người Ba Na. Sau 1 tuần em bé được sinh ra, rốn đã rụng, cuống rốn đã khô, gia đình Ba Na tổ chức lễ rụng rốn nhằm mục đích thông báo việc ra đời một thành viên mới trong cộng đồng và cầu xin thần linh, tổ tiên đem lại sự tốt lành cho trẻ. Bà con, họ hàng trong plây (buôn/bản) đến từ sáng sớm, hối hả chuẩn bị lễ vật, đạo cụ, cây nêu… cho lễ cúng quan trọng này. Cây nêu được dựng ở giữa nhà, ông thầy cúng của Plây được mời để chủ trì lễ thức. Trước khi tiến hành các nghi lễ, thầy sẽ hỏi tên gọi của trẻ, thông báo lý do làm buổi lễ. Sau đó, thầy cúng đọc lời cầu khấn cho trẻ, sao cho lời khấn vang lên trời, lan trên đất, thể hiện được khát khao của cha mẹ trẻ và của cả cộng đồng là trẻ khỏe mạnh, mau lớn, ngoan ngoãn, thông minh…. Cầu mong các Yang trên trời, các thần trên thế gian, tổ tiên và những người đã khuất phù hộ cho cháu bé ăn khỏe, ngủ ngon, mau lớn khỏe như con voi, con sóc trên rừng, nhanh nhẹn như còn chồn, con báo, tránh được mọi bệnh tật, cầu mong cháu bé lớn lên minh mẫn, trở thành người thông minh, tài giỏi, giúp dân làng. Sau khi hoàn tất các nghi thức, gia đình sẽ được chôn cuống rốn ở một gốc cây to, thần cây sẽ phù hộ cho đứa bé trong cuộc đời.
Lễ trưởng thành là tục lệ truyền thống của dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên nói chung, ở tỉnh Gia Lai nói riêng. Lễ trưởng thành được tổ chức khi đứa trẻ lên 11 tuổi. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người, để gia đình thực hành các nghi thức: lễ cắt tóc, đóng khố và trao cuốc, rựa, thổi tai, nhằm cầu mong cho cháu bé khỏe mạnh, tài giỏi, biết làm ăn. Gia đình mời thầy cúng đến làm lễ cẩn thận theo đúng nghi thức dân tộc. Thầy cúng tế lễ, mời các thần nhà trời, các thần trên mặt đất, tổ tiên và những người đã mất về hưởng lễ vật, chứng kiến lễ trưởng thành cho cậu bé, ban cho cháu sức mạnh và trí tuệ. Lời cầu khấn của thày cúng chủ yếu xin thần cho cậu bé lớn lên cường tráng, phi thường như con hổ trong rừng, thông minh, sáng suốt, cặp mắt sáng như vì sao, đôi tai tinh hơn tai thỏ rừng, chân chạy nhanh hơn con chồn, con sóc…. Sau lời cầu khấn của thầy cúng, người già giao cho cậu bé cây cuốc, cây rựa để phát rẫy. Từ nay, cậu đã là người trưởng thành, phải làm quen với các công việc của người đàn ông và chăm chỉ lao động, trở thành người có ích trong cộng đồng. Thầy cúng cuốn lá làm lễ thổi tai cho cậu bé để cậu có đôi tai thính, cái đầu mới thông minh, nhanh tiếp thu được cái chữ, điều hay lẽ phải. Sau lễ cúng, cậu bé cảm ơn thầy cúng và bắt đầu được uống rượu, được cộng đồng công nhận như những người trưởng thành.
Tập tục tang ma
Người Ba Na quan niệm con người chết đi hóa thành ma. Vì vậy, người mới chết được làm ma và chôn ở bãi mộ của làng. Lễ bỏ mả được tiến hành khi gia đình có đủ điều kiện, để lần cuối cùng tiễn biệt người chết về với tổ tiên ở cõi vĩnh hằng. Trong lễ bỏ mả (pơ thi), đồng bào tổ chức lễ đâm trâu tế Yang, làm nhà mồ, tượng nhà mồ, cây Klao để linh hồn về cõi vĩnh hằng; tấu cồng chiêng, múa xoang, uống rượu cần mừng cho linh hồn. Sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới về hẳn với thế giới tổ tiên.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Ba Na thờ nhiều vị thần, mỗi thần (Yang) có tên riêng, được gọi là ông (bôc), bà (dã). Trong đó, phải kể đến là Bốc Kơ ĐơivàDạ Cung Ké – hai vị thần tối cao, sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài; Thần sấm sét(bôkglaih)thức giấc vào mùa mưa, đi gieo mưa thuận gió hòa; Dạ Apomhay Dạ Xơ Kiar, nữ thần thương người, giúp đỡ ai hoạn nạn, chăm lo việc giã gạo; Yàng Xri (Thần lúa); Yàng Đắk (Thần nước), Yàng Kông (Thần núi)chi phối mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Vì vậy, phải cúng lễ, coi sóc nhà rông, nơi ngụ của thần mới mong được che trở, phù hộ.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Kho tàng Văn học, nghệ thuật của dân tộc Ba Na phong phú với các làn điệu dân ca, các điệu múa trong lễ nghi tôn giáo và những ngày hội mùa, hội mừng chiến thắng. Nhạc cụ của dân tộc Ba Na đa dạng với những bộ cồng chiêng kết cấu khác nhau, những đàn Trưng, Brố, Klông put, Kơni, Khinh khung, gôông và những kèn Tơ nốt, A vỏng, Tơ tiếp Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Ba Na độc đáo, thể hiện sinh động trên trang trí ở nhà rông, nhà mồ, tượng nhà mồ với các hình chim công, tượng người, tượng voi, cây Klao phản chiếu cuộc sống đời thường và quan niệm thực tại ảo của người Ba Na.
Độc tấu “Cô gái vót chông” là tiết mục đặc sắc của đồng bà Ba Na gắn liền với bộ đàn đá. Đàn đá (Goong lu), là loại nhạc cụ gõ lâu đời tại Việt Nam và là nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm từ các thanh đá với kích thước ngắn, dài, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm, còn thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì có âm vực thanh, cao. Đàn đá được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Bộ đàn đá nguyên sơ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Đàn đá cổ xưa đã được đồng bào Tây Nguyên dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, sau này chỉ được tấu trong những ngày lẽ hội: mừng lúa mới, mừng được mùa, ăn trâu, uống rượu cần. Tiếng đàn đá thay cho tiếng lòng, là lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân bản địa Tây Nguyên. Tiết mục Độc tấu đàn đá“Cô gái vót chông” do Nghệ sỹ Ka Ly, dân tộc Ba Na cùng nhóm nhạc Ka Ly Tran, làng Klor, tỉnh Kon Tum biểu diễn.
Tiết mục Độc tấu đàn Tơ rưng “Mùa hái quả” của dân tộc Ba Na. Đàn T’rưng được xếp vào loại nhạc cụ tự thân vang, chi gõ, là loại đàn do nhiều ống đàn hợp thành. Các ống đàn được chế tác từ những ống nứa khô, chắc có độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Mỗi ống đàn gồm hai phần: ống hơi và thanh cộng hưởng. Cả hai có quan hệ mật thiết để tạo nên các ống đàn có cao độ chuẩn, âm thanh vang. Trước đây, đàn được diễn tấu trên nương rẫy, trong lễ hội nhưng không được đánh trên nhà, vì đồng bào Tây Nguyên cho rằng, mỗi ống đàn có một vị thần trú ngụ. Các vị thần này bảo vệ nương rẫy, đuổi chim thú. Nếu đánh đàn trong nhà các gia súc, gia cầm sẽ không lớn được. Ngày nay T’rưng được sử dụng rộng rãi để độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ khác và đệm cho hát…
Độc tấu đàn Tơ rưng “Mùa hái quả” do Nghệ sỹ Ka Ly, dân tộc Ba Na, nhóm nhạc Ka Ly Tran, làng Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum biểu diễn
Tiết mục hòa tấu cồng chiêng và múa xoang “Làng Hồ đón khách” là hình thức diễn xướng dân gian trong lễ hội của cộng đồng dân tộc Ba Na, làng Klor, thành phố Kon Tum như “Đâm trâu mừng nhà rông mới”, “Mừng lúa mới” “Mừng chiến thắng”, “Mừng giọt nước”. Cồng chiêng không chỉ là sợi dây tâm linh kết nối con người với các đấng siêu nhiên, giúp cộng đồng Ba Na bày tỏ niềm mong ước mà còn gắn kết cộng đồng, trong suốt cả đời người, từ khi sinh ra đến khi chết đi, về cõi vĩnh hằng. Khi tiếng chiêng cất lên rộn rã, không thể thiếu những điệu xoang uyển chuyển…trở thành nét đặc trưng văn hóa Ba Na.
Tiết mục hòa tấu cồng chiêng và múa xoang “Làng Hồ đón khách” do cộng đồng dân tộc Ba Na, làng Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum biểu diễn
Hòa tấu cồng chiêng và hát múa “Gặt lúa đồng xuân” thể hiện khung cảnh Tây Nguyên tươi đẹp mùa lúa chín và không khí ngày hội mùa của đồng bào Ba Na với âm thanh hợp tấu của dàn chiêng 9 chiếc, đàn T’rưng và đàn Kriêm sôi động, rộn rã mang đặc trưng riêng của cộng đồng Ba Na. Hòa tấu cồng chiêng và hát múa “Gặt lúa đồng xuân” do Nghệ sỹ Ka Ly, nhóm nhạc Ka Ly Tran và cộng đồng dân tộc Ba Na, làng Klor, tỉnh Kon Tum biểu diễn.
Tết, lễ hội cộng đồng
Niềm tin mãnh liệt vào tín ngưỡng của đồng bào Ba Na gắn liền với hệ thống lễ hội – tương ứng: Lễ hội đâm trâu ( X’trng), Lễ bỏ mả: (Mơt bơxát hoặc Mơt brưh bơxát), Lễ cầu an(át te rei ), Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Nhà rông mới, Lễ hội cúng đất làng, Lễ hội con dúi, Mỗi Lễ hội, dân làng vui nhộn với nhữnglời ca, điệu múa, tiếng cồng chiêng rộn rã, thưởng thức những món ăn, tham gia những trò chơi lý thú.