Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Cờ Lao có 2.636 người (năm 2009)
ịa bàn cư trú: Dân tộc Cờ Lao cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Nhóm Cờ Lao đỏ phân bố ở huyện Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng. Nhóm Cờ Lao xanh và Cờ Lao trắng phân bố ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc là vùng núi đá.
Tên gọi: Tên gọi khác: Tứ Đư, Ho Ki, Voa Đề. Nhóm địa phương: Cờ Lao xanh, Cờ Lao trắng, Cờ Lao đỏ.
Ngôn ngữ: Tiếng nói dân tộc Cờ Lao thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai
Sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp: Người Cờ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá, ngô là cây lương thực chính. Kỹ thuật canh tác chủ yếu dùng cuốc, cày để sản xuất và làm đất, dùng phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng. Quá trình làm rẫy lúa, đồng bào trú trọng xen canh, gối vụ với một số loại rau, mang tính đặc sản vùng như: đậu răng ngựa, các loại cải, dong riềng, ớt…
Người Cờ Lao ở vùng núi đất (huyện Hoàng Su Phì), nơi có khí hậu nóng, mưa nhiều, chủ yếu cấy lúa nước trên ruộng bậc thang. Đồng bào có kinh nghiệm sử dụng phân chuồng (lợn, gà, bò, ngựa…), tro bếp để bón ruộng. Ngoài cây lúa, đồng bào Cờ Lao còn trồng ngô và các loại cây hoa màu khác.
Chăn nuôi: Đồng bào Cờ Lao chăn nuôi trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt chó, dê… Nhóm Cờ Lao xanh, trắng ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc chăn nuôi theo phương pháp chăn dắt. Hàng ngày, khi đi làm nương, họ dắt theo con bò buộc chúng ở những đám cỏ trên nương, chiều tối mới dắt bò về nhà. Nhóm Cờ Lao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì vẫn chăn nuôi theo phương pháp chăn thả. Buổi sáng, họ thả trâu vào rừng ăn cỏ, buổi chiều tối họ vào rừng tìm lùa trâu về nhà. Sản phẩm chăn nuôi trước đây chủ yếu lấy sức kéo, hiến sinh trong các dịp lễ tết, hội hè và cải thiện đời sống. Ngày nay là hàng hóa quan trọng của đồng bào.
Kinh tế tự nhiên
Kinh tế tự nhiên: Săn bắt, hái lượm, đánh bắt cho đến nay vẫn chiếm vị trí quan trọng đối với đồng bào Cờ Lao. Tùy theo mùa, đồng bào khai thác các nguồn lợi tự nhiên như: hái rau, măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương, quả rừng và lấy củi đun hàng ngày… Đàn ông thường có thói quen đi săn thú, nhưng chủ yếu là săn thú nhỏ, bẫy kết hợp với bảo vệ mùa màng khỏi bị muông thú phá hại.
Nghề thủ công
Các nghề thủ công: Người Cờ Lao phổ biến nghề thủ công đan lát từ tre, trúc, giang, mây và nghề mộc. Sản phẩm đan lát gồm có nong, bồ, gùi, phên, cót, dậu, … Sản phẩm mộc gồm: hòm, yên ngựa, bàn ghế, các đồ đựng bằng gỗ… San rphaamr thủ công chủ yếu đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Ngoài ra, lúc nông nhàn hay trước khi vào mùa vụ, đồng bào còn làm nghề rèn để sửa chữa nông cụ: dao, cuốc, cày, bừa…
Phương thức vận chuyển
Phương tiện vận chuyển: Người Cờ Lao phổ biến dùng ngựa thồ và gùi vận chuyển hàng hóa. Họ quen dùng gùi đan bằng giang, trúc, có hai quai đeo vai để vận chuyển hàng hóa, gùi nước. Một số cư dân Cờ Lao ở vùng núi đất, dùng máng nước lần đưa nước về nhà.
Trao đổi hàng hóa
Trao đổi hàng hóa: Trước đây, người Cờ Lao sử dụng phương thức đổi hàng có giá trị ngang nhau như: dùng nông sản (ngô, lúa…) đổi lấy các loại nông cụ (cày, cuốc…). Ngày nay, đồng bào chủ yếu mua bán trao đổi hàng hóa tại chợ.
Văn hóa mặc
Văn hóa mặc: Phụ nữ Cờ Lao mặc áo giống với phụ nữ Giáy. Đó là áo 5 thân, xẻ ngực chéo sang nách phải, vạt áo dài đến dưới đầu gối, trang trí đáp ghép những miếng vải khác màu trên áo, ngực, tay (theo đường xẻ nách). Trước đây, các nhóm Cờ Lao trắng, xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay bên ngoài áo dài để phô những miếng vải màu đắp trên tay áo trong, chân cuốn xà cạp. Hiện nay, chỉ còn một số cụ già nhóm Cờ Lao đỏ là mặc váy, còn phụ nữ các nhóm Cờ Lao đều mặc quần. Nam giới Cờ Lao mặc quần đen, cạp lá tọa, áo xẻ ngực, 4 túi.
Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực: Do cư trú ở hai vùng địa lý khác nhau: vùng núi đá, trồng ngô, nên ngô là lương thực chính của đồng bào Cờ Lao. Ngô được xay thành bột, đồ cách thủy như chế biến mèn mén của người Mông trong vùng. Còn vùng núi đất, họ trồng cây lúa nước, thì lúa gạo là lương thực chính. Đồng bào quen dùng bát, thìa muôi bằng gỗ tong các bữa ăn hàng ngày. Đồng bào Cờ Lao ăn mèn mén hoặc cơm với rau xanh. Ngoài ra, bữa ăn thường ngày còn có cá, thịt do săn bắt được. Dịp lễ tế có gà, lợn và các loại bánh, trong đó không thể thiếu bánh ngô và bánh dầy. Để làm bánh dầy, đồng bào thường ngâm gạo, đồ xôi, dỡ ra mẹt, cho vào cối giã, giã xong bày ra mâm cúng tổ tiên, sau đó cắt miếng cùng ăn.
Văn hóa ở
Văn hóa ở: Người Cờ Lao sống định cư thành từng bản khoảng 15-20 nóc nhà, xây dựng trên các sườn núi đá tai mèo ở Đồng Văn hoặc trên các sườn núi đất ở Hoàng Su Phì. Bản của người Cờ Lao xen lẫn trong các bản của người Mông, người Dao. Nhà ở được làm bằng đất, gỗ, tre, lá, kết cấu ba gian hai chái, mái lợp cỏ gianh hoặc phên nứa, vách nhà bưng ván hay tấm liếp. Riêng đối với nhóm người Cờ Lao Đỏ làm nhà trình tường dầy 40 cm, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Quan hệ xã hội, dòng họ: Mỗi nhóm Cờ Lao thường có các dòng họ khác nhau như: Vần, Hồ, sềnh, Chảo (Cờ Lao trắng); Min, Cáo, Sú Lý (Cờ Lao đỏ); Sáng (Cờ Lao xanh). Gia đình người Cờ Lao là gia đình nhỏ phụ hệ, con cái tính theo dòng cha, con trai được thừa kế tài sản và có bổn phận thờ cúng tổ tiên. Con gái đi lấy chồng thuộc về dòng họ nhà chồng. Nếu gia đình không có con trai, người Cờ Lao có tục cho ở rể: con rể vẫn giữ họ của mình, nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ. Người ở rể có bàn thờ tổ tiên mình và bàn thờ bố mẹ vợ.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Tập tục hôn nhân: Dân tộc Cờ Lao thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng và ngoại hôn dòng họ. Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu, ngược lại con trai của cậu có thể lấy con gái của cô. Trước đây còn cho phép thực hiện hôn nhân anh em chồng (anh chết, em trai lấy chị dâu làm vợ), để đảm bảo việc thừa kế tài sản trong gia đình, dòng họ. Hiện nay, đã có thay đổi, không còn bắt buộc nữa.
Tục lệ cưới xin của người Cờ Lao gồm các bước: dạm hỏi, sêu tết và cưới.
Bên cạnh hình thức cưới xin thông thường, trong vùng đồng bào Cờ Lao vẫn tồn tại hình thức hôn nhân cướp vợ. Đó là nghi thức truyền thống còn rớt lại trên cơ sở thuận tình của đôi lứa và đôi bên gia đình, họ mạc. Mỗi nhóm Cờ Lao đều có những tập tục riêng trong hôn nhân, chẳng hạn: Nhóm Cờ Lao Xanh có tục lúc đón dâu, chàng rể mặc áo xanh quấn khăn đỏ quanh người. Cô dâu búi tóc ngược thành chỏm trên đỉnh đầu, để phân biệt phụ nữ đã có chồng. Nhóm Cờ Lao Đỏ, cô dâu chỉ về nhà chồng ngủ một đêm, rồi trở lại nhà mình ngay và ở đó suốt một năm, thỉnh thoảng, chồng mới được sang thăm vợ. Sau một năm, mới được đón vợ về hẳn nhà mình. Đây là hình thức hôn nhân cư trú bên nhà vợ hình thành từ xa xưa, vẫn còn sót lại ở người Cờ Lao. Hiện nay, tục lệ này đã giảm dần, cô dâu được đón về và ở hẳn nhà chồng từ sau ngày cưới.
Người Cờ Lao rất tôn trong hôn nhân một vợ một chồng. Dù là cha mẹ gả hay tự nguyện lấy nhau, thì các gia đình Cờ Lao rất ít khi bỏ nhau. Các gia đình Cờ Lao sống cùng nhau nhiều thế hệ. Con cái sinh ra, lớn lên trong gia đình, được truyền thụ các phong tục, tập quán truyền thống. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Tập tục tang ma
Tập tục tang ma: Người Cờ Lao có tục làm ma (khi chết) và làm chay (khi đã chôn). Nhóm Cờ Lao Xanh, làm chay ngay hôm chôn hoặc một vài năm sau khi chôn. Trong lễ chay, thày cúng hát 3lần bài hát đưa hồn người chết về quê cũ (tỉnh Qúy Châu, Trung Quốc). Người Cờ Lao đỏ có phong tục làm ma và xếp đá quanh mộ sau khi chôn. Đá được xếp thành vòng theo độ tuổi của người chết: trên 10 tuổi được xếp một vòng đá, trên 20 tuổi được xếp hai vòng đá, trên 30 tuổi được xếp ba vòng đá… Sau đó, người ta phủ kín đất lên các vòng đá đó. Trên mộ xếp thêm một vòng đá cuối cùng, để đảm bảo cho ngôi nhà mồ tồn tại bền vững.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo: Người Cờ Lao tin vào vạn vật hữu linh. Nhóm Cờ Lao trắng và xanh quan niệm: mỗi người có ba linh hồn: một ở trong lỗ tai, 1 đi lang thang và 1 đi theo gia súc. Nhóm Cờ Lao đỏ quan niệm: người có 3 hồn, nhưng 1 hồn ở lỗ tai, 1 hồn ở thân mình và 1 hồn ở chân. Trong đó, hồn cư trú ở lỗ tai là hồn quan trọng nhất. Với đồng bào, các loại cây lương thực như lúa, ngô… cũng có hồn. Hồn lúa có 4 loại (lúa bố, lúa mẹ, lúa vợ, lúa chồng). Mỗi mùa gặt xong hoặc ngày 5-5, người Cờ Lao đều cúng 4 loại hồn lúa này.
Người Cờ Lao thờ cúng tổ tiên 3-4 đời. Nơi thờ giữa các nhóm không giống nhau: người Cờ Lao trắng thờ tổ tiên ở cột góc trong cùng phía bên phải nhà. Tại đây, người ta gài một xâu xương hàm lợn lên vách cạnh cột thờ. Mỗi chiếc xương hàm lợn tượng trưng cho 1 đời tổ tiên. Dịp tết năm mới, đồng bào cúng tổ tiên và gỡ bỏ đi một hàm lợn cũ nhất, xâu thêm xương hàm mới vào. (Nếu năm nào thịt hai con lợn cúng năm mới, thì bỏ 2 hàm cũ thay vào đó hai hàm lợn mới). Trường hợp bố chết, sau khi chôn cất xong, người ta bỏ bớt một xương hàm trên bàn thờ đi, nhưng đến tết lại xâu thêm xương hàm mới vào. Cạnh chân cột bàn thờ có một ống cắm hương để thờ cúng tổ tiên. Theo phong tục, mỗi khi cúng tổ tiên, người ta đặt một cục than hồng trước cột thờ, rồi tưới một ít nước lên, cho cục than bốc khói nghi ngút; Lễ vật cúng là con gà vặt ít lông trên đầu, quệt tiết gà rồi dán lên cột thờ; vặt vài ba lông cánh gà cắm vào ống hương. Theo quan niệm của người Cờ Lao, làm như vậy, tổ tiên mới nhận được lễ vật do con cháu cúng dâng.
Khác với người Cờ Lao trắng, người Cờ Lao xanh chọn cây cột giữa nhà, cạnh liếp chỗ tiếp khách để thờ cúng tổ tiên. Tại chân cột này, người ta cắm ba que hương, phía trên cột người ta buộc một bắp ngô, một que gỗ và một ít lông gà. Khi cúng, bao giờ cũng phải cài một chiếc bi phai vào chân cột. Bi phai làm từ một cành lá có hai chạc, dài khoảng 50cm, đầu mỗi chạc được chẻ ra và gài hai que bắt chéo nhau (gọi là bi phai), được coi là vật bảo vệ tổ tiên và thần lúa.
Người Cờ Lao đỏ lập bàn thờ tổ tiên là một giá gỗ treo trên tường, phía sau của gian giữa. Trên bàn thờ đặt ba ống hương, tượng trưng cho thờ tổ tiên ba đời. Dưới gầm bàn thờ có một ống hương cắm xuống đất, thờ thần thổ địa. Lễ vật cúng tổ tiên là cơm, thịt và rượu. Đồng bào Cờ Lao coi thổ địa là vị thần có vị trí quan trọng đối với gia đình cũng như cả bản.
Người Cờ Lao còn có tục cúng eo mèo (cúng đá). Mỗi gia đình tìm một hòn đá có hình thù kỳ dị đặt vào hốc đá nơi cao nhất trong nương nhà mình, coi hốc đá đó là nơi trú ngụ của vị thần eo mèo. Mỗi dịp lễ tết, đồng bào mang lễ vật vào cúng eo mèo, xin thần đá phù hộ cho nương rẫy luôn tươi tốt.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Cơ Lao có kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú, bao gồm truyện kể dân gian, truyện cổ, hát đối, thổi sáo trong các dịp lễ tết.
Tết, lễ hội cộng đồng
Tết, lễ hội dân gian: Người Cờ Lao có tục ăn tết nguyên đán, 3/3, 5/5, rằm tháng 7 và 9/9 âm lịch. Trong đó, tết năm mới là tết to nhất của đồng bào. Lễ vật cúng tết ở hai vùng Đông và Tây (Hà Giang) có khác nhau. Người Cờ Lao ở phía Đông (Đồng Văn) không gói bánh chưng ăn tết, vì vùng này không có truyền thống trồng lúa nếp mà chỉ trồng ngô, quanh năm ăn ngô; còn người Cờ Lao ở vùng phía Tây (Hoàng Su Phì) lại gói bánh chưng ăn tết. Mỗi khi tết đến xuân về, đồng bào chuẩn bị lá dong, gạo nếp và làm những món bánh để cúng tổ tiên và liên hoan gia đình. Người Cờ Lao trồng cây ngô là cây lương thực chính. Họ tin rằng hàng năm, cây ngô ra nhiều bắp, nhiều hạt, con người được ăn no, mạnh khỏe và chăn nuôi gia súc gia cầm không bị dịch bệnh là nhờ có các vị thần linh, tổ tiên phù hộ. Vì vậy, người Cờ Lao vẫn duy trì nghi lễ cúng ngô mới vào tháng 7 âm lịch hàng năm, khi vụ ngô mới đầu mùa vừa thu hoạch xong, để cúng tổ tiên, các vị thần trời đất và hồn ngô đã phù độ cho người Cờ Lao được mùa, no đủ, làm ăn thuận lợi, may mắn. Dịp này, từng hộ gia đình dâng lễ vật cúng hồn ngô, tổ tiên và các vị thần gồm: gà, thịt lợn, bánh ngô, bánh dầy….Sau khi ăn uống, thành viên các hộ gia đình kéo nhau ra một khoảng sân rộng tổ chức vui hội với nhiều trò chơi dân gian đánh yến, đánh cù, đẩy gậy, hát dân ca… và cùng góp vui với các các điệu dân ca truyền thống.