Tày

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Tày có hơn 1.626.392 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
Tên gọi theo nhóm địa phương, vùng cư trú: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka ai).

Sản xuất nông nghiệp

Người Tày có truyền thống làm ruộng nước. Từ lâu, đồng bào đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi: dùng cọn quay dẫn nước lên cao cùng với đập chắn nước (mương  phai), kè ngăn thông mực nước (lái), máng dẫn nước tới từng thửa ruộng (lín). Cọn quay có đường kính to nhỏ khác nhau, do địa hình canh tác cao thấp quy định. Cọn được làm bằng tre, gỗ, áp dụng theo nguyên tắc lợi dụng dòng chảy, ngăn dòng, tạo áp lực, tác động cho guồng quay. Mỗi cọn nước vận hành được phải có trục cọn, nan hoa, vành trong, vành ngoài, quấn vành, cánh, ống nước, máng hứng nước, cột cọn. Trục cọn được làm bằng gỗ trẩu, có khả năng chịu nước, không mối mọt, có tác dụng đóng ép các thanh nan hoa vào để buộc vành. Một cọn nước trung bình sử dụng 62 cây vầu làm thành 62 nan hoa đều nhau, đan xếp theo nguyên tắc xuôi chiều nước chảy, để guồng quay đều, đưa nước lên các máng lìn dẫn thủy nhập điền. Ngày nay, cọn nước không còn trên đồng ruộng, thay vào đó là những chiếc máy bơm công nghiệp. Trước đây, người Tày chỉ cấy 1 vụ. Ngày nay, họ đã tận dụng nguồn nước suối và hệ thống kênh mương, canh tác 2 vụ lúa mỗi năm: vụ chiêm (tháng 2 đến tháng 4); vụ mùa (Tháng 5, 6 đến tháng 9, 10). Trước đây, mùa thu hoạch, người Tày thường đập lúa ở ngoài đồng, trên những máng gỗ loỏng (làm từ một khúc gỗ lớn, khoét lõi, mỗi bên thành loóng, có hai lỗ để cắm 2 que trụ đỡ phên che, theo thế ngả chéo ra ngoài, chắn thóc) rồi dùng dậu gánh thóc về nhà. Khi đập lúa, người ta đẩy loóng đi trên mặt ruộng, định vị gần chỗ lúa đã cắt, 2 người đứng ở 2 đầu loóng, dùng néo đập lúa, hạt thóc rơi xuống đọng lại trong lòng máng, khô sạch. Người ta chỉ cần lấy thóc bỏ vào dậu gánh về nhà phơi, sàng xảy, loại bỏ hạt lép. Trước đây, phần rơm để tại ruộng làm phân bón, chục năm trở lại đây, cư dân mang về phơi khô làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Ngày nay, máy tuốt lúa đã thay thế chiếc loỏng đập lúa.

Đồng bào Tày phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, chó, ngan, vịt…Trước đây, phương pháp chăn nuôi chủ yếu là chăn thả. Buổi sáng, họ thả trâu vào rừng, chiều tối, theo tiếng mõ, đi tìm, lùa đàn trâu vào chuồng. Vài chục năm trở lại đây, họ thực hiện chăn dắt, mở rộng quy mô và số lượng lớn chăn nuôi, nhiều nhà đào ao, nuôi cá.

Kinh tế tự nhiên

Trước đây, người Tày rất trú trọng đến các hoạt động kinh tế tự nhiên. Hàng ngày, đồng bào thu hái các loại rau rớn, cải xoong, măng, nấm, cây thuốc, mật ong. Cư dân sống ven sông, suối, hồ, đập thường xuyên dùng chài, lưới, dọ mây, đinh ba, đơm, đóđể bắt, nhử, bẫy và đánh cá, tôm, cua, ốc, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Vào mùa lũ, người Tày cũng có cách làm chặng như người Thái là ngăn dòng chảy, hướng dòng nước chỉ chảy vào một cầu tre, một đầu được nâng cao cho nước không chảy tới. Đến đầu chặng, cá bị mắc cạn không ra được.

Người Tày cũng có thói quen săn bắn thú vào những ngày nông nhàn, vừa bảo vệ mùa màng vừa tăng lượng thực phẩm gia đình. Hiện nay, nhà nước khuyến khích trồng rừng, cấm săn bắn để bảo tồn tự nhiên, ít ai còn săn bắn thú rừng.

Nghề thủ công

Người Tày có nhiều nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm mộc, rèn, làm giấy dó, làm gạch, ngói, nung vôi, trưng cất tinh dầu Nam nữ đều biết đan lát, họ tranh thủ những tháng nông nhàn mùa khô (lấy tre tháng 8, đủ độ cứng, không bị mối mọt) để đan các đồ dùng bằng mây, tre, nứa: cót, bồ, sọt, cốc lồ, rổ, nơm, dậu, khuôn phở, phên phơi thóc Trong các đồ đan, cốc lồ, phên phơi, dậu gánh đan lâu nhất, phải mất 1 tuần mới được 1 đôi. Nghề dệt của dân tộc Tày có từ lâu đời do mẹ truyền con nối, theo các công đoạn: trồng bông, cán bông, quay sa, kéo sợi, lên go, dệt vải , tự túc được các loại vải để may quần áo, dệt thổ cẩm để làm chăn, địu, túi đeo, khăn mặt Tuy nhiên, hiện nay, ít ai còn dệt vải, ngoại trừ một số người già còn dệt vì nhớ nghề. Nghề rèn đã có mặt ở nhiều nơi để làm ra nông cụ như: Lưỡi cày, cuốc, xẻng, hái, các loại dao Nghề kéo dầu thực vật để ăn và dầu trẩu thắp sáng, trước đây rất phổ biến, nay ít người làm dầu trẩu. Người Tày ở Lạng Sơn có nghề chưng cất dầu hồi truyền thống, nay tiếp tục mở rộng diện tích trồng hồi, để chưng cất tinh dầu xuất khẩu.

Nghệ nhân Hoàng Văn Lưu – huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng giới thiệu về quy trình làm đàn Tính. Các dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống ở vùng thung lũng Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam coi cây đàn tính chính là linh hồn của mình. Đàn tính là do thần ban tặng cho cách làm, cách đánh, nên phải tự làm đàn tính để sử dụng. Đàn tính được kết hợp với nghệ thuật múa, hát then trong những dịp lễ hội: cầu an, cầu mùa, gọi hồn, lẩu then…, gửi lời cầu khẩn đến nhà trời giúp mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, sung túc.
Nghệ nhân làm đàn tính phải có đủ thời gian để làm bầu đàn và cần đàn. Theo kinh nghiệm, khi làm đàn, ông Lưu luôn tính toán sao cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay). Đầu tiên, ông cưa quả bầu thành 1/3, tách hột ngâm nước một tuần. Ngâm nước xong, tiếp tục dùng xơ mướp đánh nhẵn phần vỏ phía ngoài rồi mới phơi khô, rồi làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, mỏng, được gắn vào vỏ bầu bằng nhựa cây hồng, nay được chuyển dùng keo. Cần đàn được làm bằng gỗ cây dâu, vừa nhẹ, bền, không bị mọt. Dây đàn trước kia se bằng sợi tơ tằm, đến nay chủ yếu dùng dây cước gồm 3 dây. Dây son tượng trưng cho tiếng thánh thót của người mẹ. Dây đồ là tiếng của người cha. Dây sòn ở giữa là tiếng tâm tính của đất và nước. Trải qua bao đời, cây đàn tính luôn song hành cùng với bài hát Then, để gửi gắm triết lý nhân sinh, vũ trụ, lời cầu an, cầu phúc cho các thế hệ tương lai, vì cuộc sống dài lâu.

Phương thức vận chuyển

Trước đây, với những thứ nhỏ, gọn người Tày thường cho vào dậu để gánh hoặc cho vào túi vải để đeo trên vai, còn đối với những thứ to, cồng kềnh thì dùng sức người khiêng vác hoặc dùng trâu kéo. Ngày nay, đồng bào dùng các loại như gùi, sọt, dậu, xe đạp, xe máyđể vận chuyển. ở dọc các con sông lớn, hồ họ còn dùng thuyền độc mộc, mảng để chuyên chở.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, đồng bào Tày thường tự túc, tự cấp từ vải mặc, chất đốt, nông cụ sản xuất, đồ gia dụng, nông sản, thực phẩm. Phần dư thừa, họ mới mang đi trao đổi để ma các nhu yếu phẩm cần thiết. Họ đổi nông sản (ngô, lúa, đậu) và các loại gia súc, gia cầm để mua mắm, muối, mì chính, đèn, sách vở. .. Ngày nay, đồng bào phổ biến hình thức mua bán bằng tiền mặt ở các chợ huyện, xã, một số nơi đã có các Hợp tác xã dệt thổ cẩm bán cho khách du lịch.

Văn hóa mặc

Trang phục cổ truyền của nam và nữ dân tộc Tày đều được may từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, không có hoa văn trang trí. Trang phục nam giới có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Phụ nữ mặc áo dài (slửa lì) may cổ cao, năm thân, cài năm khuy ở cổ và sườn bên phải; mặc quần dài (khóa) kiểu chân què, cạp lá tọa. Ngày lễ hội, mặc thêm áo cánh trắng bên trong. Một số phụ nữ Tày như ở Ba Bể, Bắc Kạn mặc váy, gần đây chuyển sang mặc quần, dài chấm gót. Phụ nữ Tày còn có áo dài kiểu như áo ngắn, vạt buông dài quá đầu gối. Ngoài quần áo, trang phục phụ nữ dân tộc Tày không thể thiếu khăn vấn tóc (khân queng), khăn vuông (khân vuông), thắt lưng (lặng) (dài khoảng 300cm, rộng 25cm. Khi dùng, họ gập nhỏ theo chiều dài, quấn quanh bụng hai vòng, bó sát vào áo dài, thắt mối giữa lưng, hai đầu buông dài tự do), túi đeo, xà tích, vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trong đó, xà tích có một đến hai vòng, một đầu  gắn thêm các dụng cụ: nhíp nhổ lông mày, hộp đựng thuốc lào, đựng vôi, que lấy ráy taiKhi đeo, họ để lệch về một bên, trái hay phải, tùy theo sở thích của mỗi người.

Văn hóa ẩm thực

Người Tày ăn ba bữa trong ngày. Hàng ngày, đồng bào ăn cơm tẻ là chính, thức ăn thu được từ hoạt động sản xuất và các loại rau, côn trùng hái lượm trong rừng, rau tự trồng trong vườn nhà, gia cầm tự chăn thả, cá, tôm đánh bắt từ nguồn sông, suối, hồ trong vùng.  Người Tày cũng như một số cư dân thung lũng biết lợi dụng dòng chảy, sử dụng cối giã gạo bằng sức nước. Thân cối được làm bằng gỗ kháo chịu nước, tính toán kích thước chiều dài cối theo nguyên lý: trọng lượng nước chứa đủ nặng để bật cối giã gạo theo chu trình liên tục. Thông thường, buổi chiều hay buổi sáng, đồng bào mang thóc bỏ vào cối nước, sau một ngày đêm, gạo sẽ trắng, mang dậu ra lấy gạo về. Một số món ăn nổi tiếng của người Tày phải kể đến là: Xôi trứng kiến, xôi ngũ sắc, măng chua, nhộng ong đất, khâu nhục (thịt ba chỉ, rửa sạch, để miếng to, luộc chín tới, dùng que nhọn châm bì, ướp gia vị cho ngấm đều, chao vàng, thái miếng (1,5cm), xếp vào bát, lật bì ở dưới, bên trên bỏ gia vị (húng lìu, xì dầu, tỏi, lá tàu soi muối mặn, thái nhỏ), khoai môn/khoai lang đã chao giòn, hấp cách thủy (khoảng 4 giờ) cho thịt chín nhừ. Khi ăn, úp bát khâu nhục vào đĩa, phần bì xốp, vàng đậm nổi lên trên, đẹp mắt, thơm ngon, mềm, không ngấy),  lạp xưởng, thịt lợn hong khô, trám đen, cơm lam (khẩu lam) (làm từ gạo nếp cái, dẻo và thơm, ngâm 20 phút, đem đãi sạch, trộn ít muối, cho gạo và nước vào ống tre hoặc ống giang, bịt nút bằng lá chuối khô, đặt trên bếp lửa đun, trở đều khoảng 20-30 phút, cho tới khi cháy xém ống tre là cơm chín. Khi ăn cơm lam, họ dùng dao chẻ vỏ ống tre, chừa lại lớp bụng tre mỏng phía trong cùng, chỉ cần nhẹ tay lột xơ tre, lớp vỏ lụa non bám vào cơm, tỏa mùi thơm đặc trưng của nếp và của tre non); lợn vịt quay, coóng phù (trôi tàu). Người Tày thích uống rượu (lẩu siêu), chế biến từ go tẻ, gạo nếp, sắn. Gạo xay chóc lớp vỏ trấu bên ngoài (không giã), nấu cơm, dỡ ra để nguội, trộn men giã nhỏ (làm từ cây riềng thái giã nhỏ, phơi khô trộn với bột gạo tẻ nặn thành viên), ủ vào trong dậu có lót một lớp ni lông trong vòng 2 ngày, nếu sờ tháy nóng, mềm thì đem ra đổ vào hũ, cho nước vào ngâm khoảng 5 – 6 ngày, đổ rượu vào nồi (mó toong), bắc chõ gỗ (khây cầu) lên trên, chít cám trộn đất sét cho kín, rượu sôi, nhỏ lửa, hơi rượu sẽ bốc lên chõ và đi qua một ống làm lạnh ngâm dưới nước.

Văn hóa ở

Từ lâu, người Tày đã cư trú tập trung thành bản, thường ở ven các thung lũng, triền núi thấp. Mỗi bản có từ 15 đến vài chục nóc nhà. Nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, có 03 gian, 4 mái. Hệ khung cột và vì kèo làm bằng các loại gỗ tốt như­ nghiến, lim… Mặt sàn trải ván ghép, mái lợp ngói âm d­ương. Trên sàn, bài trí ngăn nắp, chính giữa là bàn thờ tổ tiên. Hai bên là buồng ngủ của các thành viên trong nhà và nơi ngủ cho khách. Cửa buồng có trang trí hoa văn thổ cẩm hình quả trám, hình bông hoa, bên dưới kéo rèm bằng vải chàm, tạo sự kín đáo. Trái nhà là nơi ngủ của con trai. Phía cửa sổ là nơi đặt khung cửi dệt vải. Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày bao giờ cũng có 2 bếp lửa, một bếp ở gian ngoài để sưởi, đun nước và một bếp để nấu ăn (Ngày vào nhà mới, gia chủ phải thực hiện nghi thức đầu tiên là chất một đống củi ở bếp chính, chọn 4 người uy tín, giỏi sản xuất, phúc đức, cầm bốn bó đuốc đi từ bốn góc nhà vào châm củi cùng hô: “mắn pận ph ja na pận đán” (vững như núi đá, dầy như bàn thạch). Ngọn lửa này phải giữ cháy liên tục trong suốt ba ngày đêm với ý nghĩa cầu mong cho chủ nhà ăn nên làm ra. Ngoài ra, đồng bào còn có tục giữ lửa bằng 2 thanh củi từ năm cũ sang năm mới. Đêm 30 tết, thay 2 thanh củi dài, buộc 1 bánh nẳng và thắp một nén hương giữ lửa, làm sao đến 15 tháng giêng chưa cháy hết, để tỏ lòng biết ơn ngọn lửa, cầu xin thần bếp ban cho no đủ, may mắn bền vững lâu dài). Phía trên sàn còn có một tầng gác lát ván để chứa lương thực. Trước đây, gầm sàn dùng làm chuồng trâu, bò, ngựa, lợn, gà vịt và dê…, sau nhà còn có thêm một sàn trống bằng cây vầu đập dập làm sân phơi. Đầu hồi đặt cầu thang với 9 bậc, tượng trưng cho con số 9 may mắn. Trước nhà sàn có sàn nước để rửa tay chân khi vào nhà. Nơi đây cũng chính là nơi ngồi chơi của các nam thanh nữ tú ngồi hát lượn vào những đêm trăng thanh.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Trước kia, làng bản của người Tày đặt dưới sự quản lý chung của trưởng bản, bên cạnh trưởng bản có các thày cúng (mo, then, tào, pựt) chăm lo đời sống tin thần của các thành viên trong cộng đồng. Ngày nay, bản của người Nùng là một đơn vị hành chính cơ sở trong hệ thống chính quyền của Nhà nước, gồm có trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ đoàn, chi hội phụ nữ.

Người Tày có nhiều dòng họ, mỗi dòng họ gồm nhiều tông tộc. Đứng đầu tông tộc là tộc trưởng, có trách nhiệm tổ chức những cuộc cúng lễ chung, dàn xếp những xích mích trong nội tộc, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, chia tài sản trong các gia đình thành viênTrong làng còn có các phường, hội, giúp đỡ nhau trong tang ma, hiếu hỷ. Mọi hoạt động chung đều chịu chi phối bởi quy ước của phường hội.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Gia đình người Tày theo chế độ gia đình hạt nhân, phụ hệ, một vợ một chồng. Thanh niên nam nữ được tự do tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, để đi đến hôn nhân, lại do hai gia đình quyết định. Hôn lễ truyền thống của người Tày được tiến hành qua các nghi thức: Lễ dạm, lễ ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ báo ngày cưới, lễ cưới, lễ đón dâu, đưa dâu. Sau khi cưới, cô dâu ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi có thai, sắp đến ngày sinh nở mới về ở hẳn bên nhà chồng. Gia đình người Tày thường quí con trai hơn và có qui định rõ ràng trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà. Ngày nay, sau khi cưới, cô dâu về ở hẳn bên nhà chồng.

Tập tục tang ma

Người Tày quan niệm, người chết linh hồn tiếp tục sống ở thế giới bên kia. Nếu người chết bất đắc kỳ tử thì người Tày làm lán quàn quan tài, làm ma chôn tại chỗ. Trẻ em chết thì bó chiếu chôn rất xa nhà. Người già chết thì làm ma trên sàn nhà. Khi bố mẹ qua đời, người con trai cả đeo dao, mang một gói muối đi mời thầy tào đến cúng làm đám tang, từ đó, con dao luôn bên người con trai cả trong suốt những ngày diễn ra tang lễ, như một hành động kỵ tà, báo hiếu, không cho ai xâm phạm đến thi thể mẹ cha. Tục đeo dao trong tang ma truyền qua nhiều thế hệ, nhằm ngăn cản không cho xảy ra hiện tượng người ăn thịt người từ xa xưa, nay vẫn được duy trì, như bảo vệ cho linh hồn thoát xác bình an về với tổ tiên, có thể tái sinh, theo kiếp luân hồi, không bị đày ải trầm luân ở chốn địa ngục. Hàng năm, người Tày đi tảo mộ người chết vào tết Thanh Minh (ngày 3/3 âm lịch) và chỉ cúng tổ tiên vào ngày rằm, mồng một, ngày Tết như cúng các thần linh khác.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Tày chịu nhiều ảnh hưởng và chi phối bởi các triết lý của  Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian: thờ cúng tổ tiên, thờ thần cửa, thổ công, vua bếp nhằm bảo vệ, không cho ma quỷ vào nhà, phù trợ cho các thành viên trong gia đình mạnh khoẻ.  Họ hình dung ra vũ trụ bao gồm toàn bộ thiên nhiên, con người và sự vật trên 3 cõi, tương ứng với 3 tầng: trời, trần gian và âm phủ, trong đó, thế giới bên kia là điểm đỗ của linh hồn và các vị thần linh. Nhờ có các thầy cúng: tào, mo,  pụt, then, cùng với các nghi lễ cúng, đạo cụ cúng, các bộ tranh thờ mà những tư tưởng và hệ thống quan niệm, triết lý của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo khéo léo kết hợp với tín ngưỡng dân gian, ngày càng ăn sâu bám rễ, và trở thành ý thức hệ về vũ trụ và thân phận con người, chi phối mạnh mẽ đời sống, xã hội của các cư dân Tày.

Người Tày cho rằng các thày cúng đều là con của Ngọc Hoàng. Họ được giao nhiệm vụ đi cứu nhân độ thế, trị bệnh cứu người và phân thứ bậc: Thày Tào là anh cả, có tay nghề cao, được ban cho sách to, nhiều chữ, bộ thanh la, não bạt (săm soẹ), trống con, tù và, “xích lình”, áo, mũ “tam kim”, dấu ấn tam bảo (nhôôc vung ăn), chó gỗ (chó trời), kiếm (kiêm), chuông lắc (lanh), lệnh bài (lềnh phai), thẻ âm dương, kèn (peli), sử dụng khi cúng đám tang, chuyển mồ mả… Thày Mo là anh thứ hai, được ban bé đạo cụ như thày Tào, nhưng cuốn sách nhỏ, ít chữ hơn, tay nghề thấp hơn, chỉ chủ trì những đám nhỏ ở miếu, ở nhà. Quá trình hành nghề, nếu có tài, thày Mo có thể cấp sắc thành Tào. Thày Pựt là anh thứ ba, được giao cho việc trị bệnh cứu người, với một tấm vải đỏ trùm đầu, một thanh sắt làm ngựa (nhạc sóc) và một khúc gỗ làm “xích lình”. Thày Pựt được giao làm những việc: bói toán, gọi hồn cho người ốm khi bị lạc… Thày Then là cô em út, Ngọc Hoàng rất quý, ban cho quả bầu và cái gáo múc nước, dặn bà mang về làm đàn tính và làm quạt, dùng nhạc sóc (ngựa), mũ tam kim, áo gấm, giầy đỏ, dấu ấn, chuông đồng, túi vóc, khăn đệm nhạc sóc… để hành lễ. Thày Then không có sách, nhưng có khả năng phân thân để đối thoại với thần linh, giải quyết những khó khăn trong cuộc giao tranh với tà ma, nhằm cứu nhân độ thế. Khi hành lễ chủ yếu là khẩu truyền, kết hợp giữa cúng bái, hát then, đàn tính với những giai điệu khoan thai, êm đềm, khi dồn dập thôi thúc. Người con gái sau khi lấy chồng mới được làm then (chủ yếu do bên ngoại trao truyền). Ngòai cứu nhân, độ thế, còn có sinh hoạt lẩu then”, để nhà then mang lễ vật (hương hoa, rượu, trà, thịt…) tiến cống Ngọc Hoàng để cấp sắc, xin được thăng cấp, tăng các dải vải trên mũ (lần đầu 7 dải, cứ 3 năm sau lại tăng 2 dải), cấp thêm binh mã và ban thêm phép thuật. Thày Then có 15 dải là người có phẩm hàm cao nhất.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, múa nhạc… Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con. Trong đó, hát lượn là hình thức hai bên nam nữ hát đối đáp với nhiều làn điệu: Slương, Then, Nàng Hai, Quan làng.., phản ánh mọi mặt cuộc sống và tình yêu đôi lứa. Then (Văn ca) được ngâm hát trong đám tang, gọi là hát hội, trong các hội lồng tồng, gọi là Cổ lẩu. Nhạc cụ độc đáo của người Tày phải kể đến là Đàn tính, sử dụng trong làm then, lồng tồng, tang lễ, lẩu thenTheo truyền thuyết, đàn tính là do thần ban anh chàng tên là Xiên – Cân làm ra, từ tơ của nàng Dâu, cần từ gỗ cây “Khảo hương” và vỏ quả bầu khô cắt đi 1/3 làm bầu đàn,  tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay). Đàn gồm ba dây: dây cao (tiền), dây thấp (hậu), dây trầm ở giữa (trung). Cách lên dây đàn có những quy định: Khi đang đàn ở “táng nặm” (quãng 5), muốn đổi sang “tàng bốc” (quãng 4) hoặc ngược lại, thì chỉ có thể điều chỉnh dây hơi lên hoặc xuống chứ không được điều chỉnh dây Tiền. Huyền thoại xưa về cây đàn của Xiên – Cân tuy đã bị Bụt bắt cắt 9 dây, đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng đến nay, cây đàn tính vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tình cảm, trong tâm hồn người Tày, Nùng,  hoà cùng với các làn điệu then, tạo thành bản sắc riêng của cư dân thung lũng.

Then cầu phúc, cầu lộc là làn điệu Then cổ được Bản làng Thái Hải bảo tồn, lưu giữ cùng với không gian bản làng, nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.

Then có nghĩa là thiên, là trời và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then không chỉ là một thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc mà còn là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lâu đời, không thể thiếu trong cuộc sống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Nét đặc sắc của hát then được biểu hiện ở sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật múa, hát, đàn và kể chuyện, trong những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn, lẩu then… gửi lời cầu khẩn đến trời, xin trời giúp mùa màng bội thu, cuộc sống bình an sung túc. Với ý nghĩa đó của then, các bà, các mẹ luôn có ý thức trao truyền cho con cháu những cung then để gửi gắm triết lý nhân sinh, vũ trụ, lời cầu an, cầu phúc cho các thế hệ tương lai. Điệu múa bà trao truyền cung then cho cháu đã được nghệ sỹ nhân dân Vương Khình truyền thụ cho cán bộ bảo tàng thể hiện.

Tết, lễ hội cộng đồng

Đồng bào Tày có những lễ, hội quan trọng trong năm như: tảo mộ vào 3/3; rằm tháng Bảy, Lồng tồng, Nàng Hai, Rước đất rước nước, Cầu trăng. Trong đó, lễ hội xuống đồng được tổ chức vào đầu xuân, khai hội mùa cày cấy mới.   Ngoài phần dâng lễ cúng thần Nông, phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi, văn nghệ dân gian truyền thống: ném còn, kéo co, đẩy gậy, hát sli, lượn, hát giao duyên, hát then đàn tính. Trong đó, ném còn là trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, thể hiện rõ quan niệm âm dương của cư­ dân Nam á cổ đại. Tr­ước ngày lễ hội, cư dân Tày, Nùng đã phải chuẩn bị phỏng còn, quả còn và suy nghĩ về những lời sli, l­ượn. “Phỏng còn” được làm bằng cây mai, khi chặt phải giữ nguyên cả ngọn để uốn thành vòng tròn, hướng về phía đông được dán giấy đỏ, tượng trưng cho mặt trời, một bên hướng về phía tây được dán giấy vàng, tượng trưng cho mặt trăng. Mặt trăng, mặt trời nối với đất thông qua một thân cây mai cắm xuống đất, xung quanh tạo dáng đẹp bởi các tua vải màu. Đông và Tây, đỏ và vàng, trời và đất của phỏng còn tượng trưng cho cây vũ trụ và tâm thức âm dương hoà hợp của cư dân thung lũng. “Quả còn” hình vuông, được khâu ghép bằng nhiều mảnh vải khác màu, bên trong nhồi hạt giống, có thể là hạt bông, hạt đỗ hay hạt thóc (mầm sống), sao cho đủ trọng lượng để còn có độ bay khi ném. Hình vuông của quả còn tượng trưng cho mặt đất, các màu vải ghép lại tượng trưng cho ngũ phương, tám hướng. Nối với còn vuông còn có dây còn và chùm đuôi vải, giống như hình một con chim én. Bắt đầu trò chơi tung còn, già làng trưởng bản chọn ra những nam thanh, nữ tú tiến hành tung còn nghi lễ, mở đầu cho cuộc vui. Sao cho quả đất – quả còn- vật giao duyên, bên trong có mầm sống, được qua tay con người (chàng trai, côgái), tung lên, làm thủng phỏm – cây vũ trụ, có nghĩa trời và đất giao hoà, thiên thời, địa lợi, nhân hoà, năm đó ắt sẽ có mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nẩy nở. Sau quả còn nghi lễ, nam nữ đua nhau tung còn, cùng nhau hát lựơn, hát sli đối đáp rất tình tứ, tìm bạn giao duyên. Kết thúc hội tung còn, ban tổ chức đánh một hồi trống báo hiệu tan cuộc. Hai đoàn trai gái trong cuộc tiến đến đứng xung quanh người chủ hội. Ông tươi cười mừng vui khen ngợi mọi người, rồi rạch quả còn đã ném trúng vòng tâm, chia cho mỗi người vài hạt giống. Ai ai cũng vui vẻ đón nhận những hạt giống thiêng của trời- đất – con người như đón lấy sự may mắn, với niềm hy vọng rằng vụ mùa sắp đến sẽ được bội thu, con người sẽ sinh sôi, bản làng sẽ no ấm, đông vui.