Chất liệu: Đồng.
Kích thước: cao: 129,3 cm.
Niên đại: Thế kỷ IX.
Loại hiện vật: Cổ Vật, Văn hóa Chăm Pa.
Miêu tả tóm tắt: Tượng đứng, mặt rộng cằm ngắn; trán hẹp, dẹt, đôi lông mày rậm, giao nhau; miệng rộng, môi dày, có vành môi sắc nét; tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược cao lên trên và chia làm hai tầng; tầng tóc bên trên có hình Phật A-Di-Đà nhỏ ngồi xếp bằng. Tượng có mắt thứ ba ở giữa trán hình thoi lõm, cổ cao ba ngấn, thân eo, ngực căng tròn để trần, hai bàn tay giơ ra phía trước, dưới cuốn sa rông dài hai lớp, lớp sa rông này thể hiện bằng những đường xếp ly lượn sóng từ thắt lưng xuống đến gần mắt cá chân bó sát mình.
Giá trị tiêu biểu: Tượng bằng đồng có kích thước lớn, tượng được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, là hiện vật tiêu biểu đặc trưng cho việc thờ Bồ Tát tại Phật viện Đồng Dương (Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa) và là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Chămpa cổ (phong cách Đồng Dương), một phong cách mang đậm bản sắc bản địa và nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển là đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa.
Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh với một kỹ thuật đúc đặc biệt, không có vết khuôn đúc, đặc biệt có những phần lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán. Trong các cuộc triển lãm quốc tế, pho tượng này được coi là hiện vật quan trọng, điểm nhấn của cuộc triển lãm.
Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)