Chất liệu: Đồng.
Kích thước: đường kính mặt: 79,3 cm; đường kính chân: 80 cm; cao: 63 cm.
Niên đại: 2500 – 2000 năm cách ngày nay.
Loại hiện vật: Cổ vật, Văn hóa Đông Sơn.
Miêu tả tóm tắt: Trống được xếp vào loại H1 – Heger. Mầu xanh xám. Trống có kích thước lớn, cấu trúc gồm các phần: Mặt, tang, thân và chân trống. Giữa mặt trống đúc nổi ngôi sao 14 cánh, từ tâm ra có 16 vành hoa văn: hình học, cảnh sinh hoạt, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến…Tang trống phình trang trí hoa văn hình thuyền, người, chim…, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi.
Giá trị tiêu biểu: Trống đồng Ngọc Lũ là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng khu vực Đông Nam Á. Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay, trống đồng Ngọc Lũ vẫn là chiếc trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa, đề tài trang trí đẹp và phong phú nhất, phản ánh nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân Lạc Việt. Trống đồng giữ một vị trí quan trọng trong sinh hoạt đa dạng của cư dân xã hội Đông Sơn. Trống đồng vừa là nhạc khí dùng trong những nghi lễ chính như: lễ mai táng, lễ hội… vừa là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Trên trống thể hiện những hình trang trí phong phú, diễn tả nhiều hình thái sinh hoạt khác nhau của xã hội Đông Sơn, qua đó hiểu thêm đời sống vật chất và tinh thần của tổ chức xã hội cư dân thời đại dựng nước. Trống đồng Ngọc Lũ là di vật độc đáo và tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, là biểu tượng của nền Văn minh Việt Cổ và có vị trí quan trọng trong đời sống của cư dân Đông Sơn.
Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
(Theo Hồ sơ di sản, Tư liệu Cục Di sản văn hóa)