Thạp đồng Đào Thịnh

Chất liệu: Đồng.
Kích thước: đường kính miệng: 61 cm; đường kính đáy: 60 cm; cao: 98cm.
Niên đại: từ 2500 – 2000 năm cách ngày nay.
Loại hiện vật: Cổ vật, Văn hóa Đông Sơn.

Miêu tả tóm tắt: Thạp có dáng hình trụ, thuôn dần xuống đáy, nắp đậy hình nón cụt, ở giữa có hình mặt trời 12 tia, xung quanh có 11 vành hoa văn. Đặc biệt trên nắp thạp có 4 cặp tượng trai gái đang giao hợp (hiện còn 2 cặp). Trai thì xõa tóc, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì bận váy ngắn. Bộ phận sinh dục của nam giới được thể hiện rất rõ, chứng tỏ người xưa cố ý khi đặt khối tượng này trên nắp thạp phản ánh khát vọng sinh sôi nẩy nở, sự phồn thịnh của con người và vạn vật.  Trên thân đúc nổi 25 băng hoa văn: răng cưa, vòng tròn tiếp tuyến…bên trong thạp chứa nhiều than tro và răng người.

Giá trị tiêu biểu: Trong bộ sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn, ngoài trống đồng thì thạp đồng Đào Thịnh có kích thước lớn nhất trong những thạp đồng được biết cho đến nay. Kiểu dáng và đề tài trang trí trên thạp độc đáo, thể hiện nghệ thuật quân thủy và kỹ thuật đóng thuyền của người Việt xưa. Đặc biệt nắp thạp là 4 khối tượng đôi nam nữ giao cấu là tiêu bản duy nhất của nghệ thuật Đông Sơn, thể hiện đậm nét tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Thạp đồng Đào Thịnh là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực, khát vọng sinh sôi nẩy nở của con người và vạn vật của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)