* Tên khác: Bia Vĩnh Lăng Lam Sơn (bia Vĩnh Lăng Lam Kinh)
* Tên đơn vị: Ban quản lý di tích lịch sử Lam kinh
* Số đăng ký: LK2010 VL.PT – Đđ 7/2
* Chất liệu: Đá
* Kích thước :
– Bia: Chiều rộng: 1,94m; Chiều cao: 2,79m; Dày: 0,27m
– Rùa: Chiều dài: 3,46m; Chiều rộng: 1,94m; Dày: 0,90m
* Trọng Lượng: Nặng khoảng 18 tấn
* Số Lượng: 01 hiên vật (cả bia và rùa)
* Miêu tả : Bia và rùa được làm bằng đá Trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể sống trong nước biển (trai, sò, hến….). Hiện vật có hai phần gồm bia và rùa.
Bia hình chữ nhật, được đặt trên lưng rùa, trán bia hình vòng cung, mặt trước chính giữa được khắc hình vuông, trong hình vuông khắc một hình tròn, chính giữa hình tròn chạm rồng nổi 5 móng, thân uốn lượn vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, mặt hướng thẳng về phía trước. Hai bên cạnh trán bia mỗi bên chạm nổi hình một con rồng, thân to uốn lượn, đầu đang trong tư thế vươn cao chầu vào hình vuông và hình tròn bên trong có rồng cuộn đầu vươn cao.
Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau nối từ đỉnh xuống đế bia, giữa hai đường chỉ bên trong trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề được khắc một hình rồng nổi, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại theo lá đề, đầu rồng hướng vươn lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc, trong khoảng cách giữa các hình lá đề đều được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây. Sát đế bia chạm khắc hoa văn hình sóng nước theo băng đều nhau nhô lên trông giống hình người ngồi thiền. Hai hông bia mỗi bên khắc 10 hình tròn nằm sát nhau kéo từ đỉnh bia xuống đế bia, bên trong mỗi hình tròn khắc hai đường chỉ nổi, giữa hai đường chỉ nổi khắc hoa văn hình xoắn móc câu, bên trong hình tròn khắc một hình rồng nổi, thân bóng trơn, không có vảy, uốn lượn mềm mại, đầu trong tư thế vươn lên cao. Khoảng cách giữa các hình tròn được chạm khắc hoa văn cúc dây đều nhau xen lẫn vân mây. Hai bên sườn bia trang trí mỗi bên hai đường chỉ chìm kéo từ đỉnh bia xuống đế bia, khoảng giữa hai đường chỉ trang trí hình xoắn móc câu.
Mặt trước bia khắc chữ Hán, khoảng 750 chữ, tên bia viết theo lối chữ Triện, nội dung văn bia viết chữ Chân, do thần Nguyễn Trãi soạn, người khắc chữ Hán là quan Hàn Lâm Viện Đãi Chế thần Vũ Văn Phỉ. Toàn văn ghi về chi tộc, ngày mất, thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ, những sự kiện quan trọng diễn biến trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như khi đất nước độc lập khải hoàn dưới thời vua Lê Thái Tổ.
Mặt sau giữa trán khắc hình chữ nhật, hai bên mỗi bên khắc một hình rồng, thân dài, trơn, không có vảy, đang uốn lượn, đầu ngẩng cao, chầu vào. Từ đỉnh trán bia xuống đế bia khắc hai đường chỉ chạy song song với nhau theo chiều cao của bia, giữa các đường chỉ nổi mỗi bên được khắc 9 hoa văn hình nửa lá đề nối tiếp nhau từ đỉnh bia đến đế bia. Trong mỗi hình nửa lá đề khắc một rồng, rồng 3 móng vuốt sắc nhọn, thân dài, trơn, không có vây, uốn lượn mềm mại theo hình lá đề, đầu hướng lên trán bia, miệng nhả ngọc, khoảng cách giữa các lá đề được khắc hình hoa cúc dây. Diềm đế bia khắc hình sóng nước nhấp nhô tựa hình người đang ngồi niệm phật.
Dưới đế bia là rùa, rùa trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân và 6 móng to khoẻ, trong 6 móng có móng thứ 6 bị đục lõm vào giống hình giọt nước (chấm thuỷ trong chữ Hán). Đuôi rùa to, vắt ngược lên lưng uốn lượn mềm mại, phía dưới bụng rùa sát đế khắc 3 đường gờ nổi chau chuốt, kỹ thuật chế tác bằng thủ công. Niên đại bia Vĩnh Lăng được xác định vào thời Lê đầu thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6 – Quý Sửu).
* Hiện trạng: Lành (phía trước lưng sát vai rùa bị rạn nứt một vết nhỏ)
* Niên đại: Thế kỷ XV.
* Nguồn gốc, xuất xứ, địa điểm sưu tầm: Sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà được các vị vua kế nghiệp đưa về Lam Kinh an táng, xây mộ và lập bia vào năm Quý Sửu (1433), để ghi lại thân thế, sự nghiệp và công đức của người đã được yên nghỉ trong lăng. Hiện vật bia Vĩnh Lăng được đặt tại vị trí phía Tây Nam Chính Điện Lam Kinh (cách mộ vua Lê Thái Tổ khoảng 300m về phía Tây Nam).
* Lý do lựa chọn: Lam Kinh vốn là Lam Sơn – quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, cũng là nơi khởi nguồn và căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV, sau 10 năm chiến đấu gian khổ, nếm mật nằm gai, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Hậu Lê – một vương triều kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 360 năm.
Ngay sau khi giành lại nền độc lập, đất nước có những bước phát triển mới, năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh). Từ đây Lam Kinh trở thành vùng đất được sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Lê.
Tháng 8 nhuận năm Quý sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh – Thăng Long (Hà Nội), được đưa về quê hương Lam Sơn an táng, xây lăng, dựng bia tại Vĩnh Lăng, cũng từ đây các vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê Sơ. Việc mai táng các vua và Hoàng hậu triều Lê, ngoài việc xây lăng, đắp mộ, còn dựng cả một tấm bia to lớn để ghi lại lai lịch, công đức của người yên nghỉ trong lăng. Ở Lam Kinh có 6 vị vua và 2 bà Hoàng Hậu sau khi qua đời được đưa về quê hương an táng: Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và 2 bà hoàng: Bà Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên. Ngoài các khu lăng mộ ở Lam Kinh còn được xây dựng Điện, Miếu để thờ cúng, tôn vinh, tưởng niệm tổ tiên và các vua, Hoàng hậu thời Lê.
Tuy nhiên trải qua gần 6 thế kỷ với biết bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hiện nay Lam Kinh chỉ còn 6 ngôi mộ và 5 tấm bia đá. Trong số các bia đá ở đây bia Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ là một trong những tấm bia tiêu biểu điển hình kỹ thuật gia công chế tác, lắp dựng, điêu khắc, chạm trổ cầu kỳ công phu, tỷ mỷ đến từng chi tiết tiêu biểu đại diện cho các bia mộ hoàng đế triều đại Lê Sơ hiện nay ở Lam Kinh nói riêng cả nước nói chung.
– Đây là tấm bia tiêu biểu gắn với sự nghiệp, chiến công của một vị Hoàng đế anh hùng – vị vua khai nghiệp ra vương triều Hậu Lê, là người có công to lớn góp phần làm nên cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XV, đưa đến sáng nghiệp một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử nước nhà.
– Bia Vĩnh Lăng là tấm bia có kích thước lớn, mỹ thuật điêu khắc, trang trí cầu kỳ, công phu, đường nét chau chuốt, tỷ mỹ, chưa một tấm bia thời Lê Sơ nào có thể sánh được, nó đại diện cho các bia ở Lam Kinh. Bia Vĩnh Lăng còn được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam.
– Bia Vĩnh Lăng không chỉ có giá trị to lớn trong quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh, mà còn góp phần quan trọng trong kho tàng di sản văn ho&ute; Việt Nam. Văn bia Vĩnh Lăng ngắn gọn, cô đọng súc tích, đã mô thuật đầy đủ về gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, đồng thời văn bia còn là văn bản đúc kết đường lối đấu tranh khéo léo tài tình của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh dành lại độc lập cho dân tộc. Bên cạnh đó còn nói lên lòng khoan dung, độ lượng của đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đối với quân giặc khi chúng chiến bại. Văn bia còn cho chúng ta biết được đường lối ngoại giao của vua Lê Thái Tổ đối với các nước lân bang – Con đường ngoại giao hòa hảo bằng chính lòng nhân ái, thiện chí hoà bình bang giao vốn có của ông. Bởi vậy, bia Vĩnh Lăng không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có ý nghĩa văn bản lịch sử, chứng cứ lịch sử là tài liệu gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giáo dục truyền thống cho hậu thế.
Bia Vĩnh Lăng còn là một tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở Việt Nam dưới thời Lê Sơ. Mặc dù có sự ảnh hưởng của nghệ thuật phương Bắc, song tiếp thu có chọn lọc uyển chuyển đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo, chau chuốt, tinh tế rất Việt Nam. Vì thế, nghệ thuật điêu khắc bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ vẫn luôn giữ được giá trị chân thực và sức sống bền bỉ vì nó đã kế thừa được cái tinh hoa của nền điêu khắc thời Lý – Trần và các truyền thống quý báu của nghệ thuật dân gian. Đó chính là “cái tinh tế, mềm mại, nhưng chắc khỏe trong nghệ thuật và hình thái biểu hiện, là hình dạng đẹp và hoàn chỉnh của các kiểu mẫu; là sự uyển chuyển, hài hòa của các hoa văn được biểu hiện trên tác phẩm điêu khắc, mà bia Vĩnh Lăng là một trong những điển hình trọn vẹn nhất” (Trích Mỹ thuật thời Lê; trang 41).
Có thể nói, triều Lê Sơ được thiết lập sau 10 năm tiến hành cuộc chiến tranh giành độc lập, đất nước còn bộn bề với biết bao khó khăn chồng chất, Lê Thái Tổ ở ngôi được 6 năm thì qua đời, bia Vĩnh Lăng được xây dựng ngay sau đó, nên phong cách nghệ thuật có tiếp thu chọn lọc của thời đại trước để tạc lên tấm bia Vĩnh Lăng tiêu biểu đại diện cho phong cách nghệ thuật thời Lê Sơ.
Dưới triều Lê Sơ tư tưởng Nho giáo được đề cao. Hoàng đế Lê Lợi và các vị vua kế nghiệp đã dùng học thuyết Nho giáo làm công cụ tư tưởng để điều hành đất nước cũng như xây dựng nền văn hoá dân tộc. Trong quan niệm của Nho giáo vua chính là con trời, thay trời hành đạo, rồng là biểu tượng về vua, về quyền lực tối thượng. Bên cạnh hình rồng, bia Vĩnh Lăng còn trang trí các hoa văn như hoa cúc, lá đề, sóng nước… Hoa cúc là một trong 4 loài hoa quý được Nho giáo chọn làm biểu tượng về tính cách cao quý của con người; Hoa văn lá đề là biểu tượng về Phật, về trời, Phật thể hiện trí tuệ bao quát cả trời đất…Như vậy triều Lê Sơ chọn những biểu tượng cao quý chạm khăc trên bia Vĩnh Lăng chính là để tỏ rõ sự tôn kính đối với vị anh hùng cứu nước, cứu dân, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho dân tộc. Điều đó chứng tỏ, từng đường nét chạm khắc trên bia không thể là kết quả cảm hứng của người nghệ sỹ, mà chắc chắn phải được nhà vua và các triều thần suy xét cẩn thận. Có thể nói, bia Vĩnh Lăng là tấm bia được xem “độc nhất vô nhị”, nó không chỉ mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử, về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê Sơ.
Bia Vĩnh Lăng là cái dấu nối giữa thời trước và thời sau, là điểm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc và trải qua những chuyển biến liên tục để đến bia vua Lê Thánh Tông, Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao đã tiến tới định hình cho một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh – Nghệ thuật thời Lê Sơ.
Kết luận: Bia Vĩnh Lăng Lam Sơn là hiện vật gốc, độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc bia đá thế kỷ XV, có giá trị độc đáo về nhiều mặt, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một bảo vật quốc gia.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)