Đài thờ Mỹ Sơn E1

Chất liệu: Đá sa thạch.
Kích thước: cao: 65 cm; dài: 353 cm; rộng: 271cm.
Niên đại: Thế kỷ VII – VIII.
Loại hiện vật: Cổ vật, Văn hóa Chăm Pa.

 

Miêu tả tóm tắt: Đài gồm 12 khối đá ghép thành hình vuông, tạo thành nhiều cấp được trang trí cả bốn mặt, với các mô típ đặc trưng của Chămpa như cảnh sinh hoạt, tu sĩ, động vật, lá dương sỉ, hoa sen…. Ở phần cấp cũng như ở mặt ngoài của các khối đá đều chạm khắc các đường viền, các gờ chỉ. Trong các ô lõm có chạm nổi hình người, động vật và thực vật, được các nhà nghiên cứu phỏng đoán là cảnh sinh hoạt tôn giáo và ẩn dật của các tu sĩ.  

Giá trị tiêu biểu: Đài thờ đá Mỹ Sơn E1 là hiện vật tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại Khu di tích Mỹ Sơn, là một cứ liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu c&ute;c vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và vương quốc cổ Chămpa nói chung.

Phần điêu khắc trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 được gọi là phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách mở đầu cho xu hướng bản địa hóa những yếu tố tiếp thu ngoại lai. Đây là một đài thờ Chămpa duy nhất được tìm thấy có miêu tả nhiều nhân vật và cảnh sinh hoạt cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật, là căn cứ để nghiên cứu về đời sống tâm linh và đời sống xã hội của Chămpa cổ đại, đặc biệt về quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực thể hiện qua nội dung và phong cách nghệ thuật.

Về  kiến trúc, đài thờ Mỹ Sơn E1 cũng là một cứ liệu tiêu biểu cho loại hình đài thờ có k&te;ch thước lớn và có chạm khắc chung quanh, gồm nhiều mảnh ghép lại, có gờ mộng bên trên, được xem là tiêu biểu cho giai đoạn đầu của việc xây dựng các tháp Chăm.

Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng.

 

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)