Đặc sắc Lễ hội Đô Thị Nước Mặn 2010, Bình Định

18/03/2010 3:00 CH Ảnh lễ hội. Ảnh: Internet

(Cinet) – Lễ hội Đô thị nước mặn năm nay diễn ra trong 3 ngày từ ngày 17 đến ngày 19/3. Trong những ngày diễn ra lễ hội, không chỉ riêng người dân của tỉnh Bình Định, mà còn có cả du khách ở các địa phương thuộc tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận, Quảng Ngãi…cũng đổ về nơi đây, thắp hương cầu xin một năm mới làm ăn tốt lành.

Phần tế lễ thể hiện rõ tinh thần dung hợp tín ngưỡng Việt – Hoa trong đời sống tâm linh của người Nước Mặn. Các vị thần người Việt và người Hoa sùng bái đều được rước về ngồi chung trong chùa Bà để mọi người gần xa tới chiêm bái, thỉnh cầu. Sự xuất hiện của thần Thành Hoàng trong tế lễ với ngai thờ riêng, chứng tỏ các vị thần dù của người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ. 

Sau tế lễ bà con mới vào chùa cầu cúng và dự hội. Nghi thức đầu tiên mà mọi người mong chờ là hình thức rước các biểu tượng hình người như: Kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… được cung kính đặt lên kiệu, nối theo nhau khiêng đi diễu hành trên đường phố, để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.

Lễ hội đô thị nước mặn năm nay được tổ chức trang trọng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều môn thể thao và các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi đấu giao hữu bóng chuyền nam – nữ giữa các xã trong huyện, cùng các trò chơi: Đập ấm, đi cà kheo, nhảy bao bố… đã thu hút hàng ngàn lượt người dân đến tham gia. Ngoài ra, còn có các trò chơi du nhập của người Hoa như: Tục đổ giàn, đốt cây bông cũng không kém phần hấp dẫn.

Điểm đặc biệt của Lễ hội là người dân ở đây thắp đèn lồng vào các ngày lễ, mọi nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến và xem lễ hội như Tết thứ hai trong năm. 

Năm nay, Ban tổ chức còn tổ chức 3 đêm hát tuồng phục vụ nhân dân trong xã, thu hút đông đảo người dân đến xem.

Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả – Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này.

Lễ hội kết thúc ngày 19/3/2010./.

Cinet