Hòa tấu chiêng cổ trong lễ hội cầu mùa

Dân tộc : Chăm
Địa điểm: Tỉnh Bình Định
Nội dung chính: Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Chăm H’roi, tỉnh Bình Định. Đó là bộ cồng 3, chiêng 5 và trống đôi, luôn song hành trong các dịp lễ hội như: mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ hội đâm trâu, cưới hỏi, lễ mừng sức khỏe diễn ra vào tháng 3, lễ đổ đầu cốt … Mỗi dịp lễ hội, cồng chiêng luôn hòa nhịp điệu với trống đôi (trống đực, trống cái) trong không gian nghi lễ tế Giàng, thể hiện sự linh thiêng, gửi tới các đấng thần linh, cầu an, cầu sức khỏe cho cả buôn làng, đồng thời lôi cuốn cộng đồng cùng tham dự múa, hát và cùng thưởng thức hương vị rượu cần.

Hòa tấu chiêng cổ là tiết mục diễn ra trong lễ hội Cầu mùa nhằm tạ ơn Giàng, thần linh đã cho mình được mùa, cầu xin thần tiếp tục ban cho dân bản sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay, làm ra thật nhiều lúa gạo, của cải, nhiều trâu bò, nhiều cồng chiêng…

Hòa tấu cồng chiêng cổ trong lễ hội do nghệ nhân dân tộc Chăm (nhóm H’roi), đoàn văn hóa nghệ thuật quần chúng dân tộc Chăm, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định biểu diễn.