Đà Lạt – Những câu chuyện chưa kể: Đàlạt và cơ hội trở thành TĐ Đông Dương

Giới thiệu chung: Đà Lạt là một đô thị trẻ ở Việt Nam, được hình thành từ đầu thế kỷ XX. Ngay từ khi mới thành lập, người Pháp đã rất chú ý tới thành phố này và thực hiện quy hoạch một cách bài bản. Càng về sau, Đà Lạt càng hiện ra xinh đẹp, thơ mộng và được mệnh danh là thành phố của tình yêu.
– Đồ án của Champoudry (1906): Năm 1900, Paul Champoudry được bổ nhiệm làm Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt. Ông là người có nhiều kinh nghiệm về quy hoạch đô thị khi còn làm việc tại Tòa Thị chính Paris. Sau vài năm sinh sống ở miền đất hoang sơ này, năm 1905, ông đã khởi xướng xây dựng đồ án đầu tiên về đô thị hoá Đà Lạt. Đây là đồ án tổng quát kèm theo dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố trong tương lai. Sau đó, Đồ án đã được Toàn quyền Đông Dương Jean Beau phê duyệt vào năm 1906. Champoudry dự định khu trung tâm thành phố sẽ nằm ở tả ngạn dòng suối Cam Ly, nơi có địa hình phù hợp để xây dựng các công trình đô thị thiết yếu, còn phần hữu ngạn được dành cho doanh trại quân đội. Và tại thành phố trong mơ này, Dinh Toàn quyền, Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ hay Khâm sứ Campuchia cũng được dự kiến xây dựng để trở thành “thủ đô mùa Hè” của Đông Dương. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và thiếu nhất quán trong chính sách của chính quyền thuộc địa, bản đồ án Champoudry chỉ được thực thi một phần và Đà Lạt đứng trước nguy cơ chìm vào quên lãng.
– Đồ án của O’Neill (1919)
Nhưng từ khi đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, nhiều người Âu đã quyết định ở lại Đông Dương. Khi đó, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã bày tỏ mong muốn biến Đà Lạt trở thành điểm nghỉ mát trên cao số 1 của Đông Dương. Sau khi hoàn thành xây dựng một số tuyến đường tới Đà Lạt, Ngày 06/01/1916, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định thành lập tỉnh Lang Biang. Và tiếp theo thị tứ Đà Lạt được thành lập theo dụ ngày 20/4/1916 của Vua Thành Thái. Theo đó, đô thị Đà Lạt trở thành một xứ thuộc Pháp nằm trong xứ bảo hộ Trung Kỳ và đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh du khách châu Âu thường xuyên đến Đà Lạt nghỉ mát, Toàn quyền Đông Dương nhận thấy cần xây dựng một đồ án quy hoạch mới để thay thế cho bản phác thảo của Champoudry. Và vào năm 1919, kiến trúc sư O’Neill đã đề xuất một đồ án mới cân bằng lại đồ án của Champoudry, đồ án của ông nghiêng về hướng dân sự hóa đô thị và xây dựng thành phố làm nơi vui chơi, giải trí cho chính quyền thực dân Đông Dương.
– Đồ án của Hébrard (1923): Năm 1920, Ernest Hébrard một kiến trúc sư đô thị tài ba người Pháp được cử đến Đông Dương. Ông đã từng tham gia quy hoạch thủ đô Athen của Hy Lạp và nhiều thành phố châu Âu. Khi đó, Toàn quyền Đông Dương đã giao cho ông tham gia quy hoạch các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Phnompenh và cả Đà Lạt. Năm 1923, đồ án của Hébrard được thông qua. Khác với đồ án trước đây của O’Neill, Hébrard thể hiện một tầm nhìn và tham vọng rất lớn. Ông quy hoạch theo 02 quan điểm “Quy hoạch thành phố vườn” và “Quy hoạch thuộc địa”. Ông chia thành phố ra thành 3 khu vực, một dành cho người Âu, một dành cho người bản xứ và khu vực còn lại là trung tâm hành chính với chức năng thủ đô hành chính chính của Liên bang Đông Dương. Cũng tại đồ án này, không gian dành cho quân sự bị lược bớt rất nhiều so với 2 bản đồ án trước đó. Tuy nhiên, bản quy hoạch của Hébrard cũng bị nhiều quan chức đương thời đánh giá là quá tham vọng và viển vông. Cuộc khủng hoảng năm 1929 buộc chính quyền thuôc địa cắt giảm ngân sách mạnh mẽ đã khiến cho bản đồ án quy hoạch thất bại. Cuối cùng, chỉ có một phần việc phân lô và con đường quanh hồ được thực hiện theo đồ án.
Kết luận: Qua những bản đồ án quy hoạch được phê duyệt và thực thi, ngay từ đầu thế kỷ XX, Đà Lạt đã dần trở thành một đô thị mang phong cách châu Âu.