Đà Lạt – Những câu chuyện chưa kể: Dalat nguồn cảm hứng bất tận

Giới thiệu về Đà Lạt: Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã bị mê hoặc ngay từ khi khám phá ra cao nguyên Lang Bian. Họ thậm chí nhanh chóng quyết định xây dựng cả một thành phố nơi đây bất chấp những khó khăn chồng chất về mọi mặt. Và cuối cùng, một thành phố xinh đẹp giữa miền sơn cước đã xuất hiện và trở thành nơi hòa quện giữa ký ức Pháp với nét trẻ trung, tươi mới của xứ sở nhiệt đới.
Đô thị Đà Lạt do người Pháp quy hoạch
a) Sau khi thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và quyết định xây dựng Trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lâm viên, Toàn quyền Paul Doumer và người kế nhiệm Jean Beau đã cho tiến hành rất nhiều nghiên cứu, khảo nghiệm để chuẩn bị cho việc xây dựng một thành phố từ con số không tại nơi rừng rú, cách xa tất cả các thành phố lớn và trục đường giao thông quan trọng.
b) Tiếp đó, chính quyền thuộc địa đã từng bước tiến hành lập quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố một cách bài bản, khoa học với tham vọng biến nơi đây thành địa điểm mang sắc thái “quê nhà” của các viên quan cai trị người Âu cùng đoàn binh lính viễn chinh Pháp.
c) Năm 1898, chính quyền thực dân đã cấp tốc cho xây dựng tuyến đường bộ đầu tiên lên Đà Lạt từ Phan Rang. Cùng lúc đó, người Pháp cũng bắt đầu nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt và bắt đầu khởi công vào năm 1906.
d) Lúc này, viễn cảnh về một thành phố phồn hoa trong tương lai gần đã làm cho các quan chức phải tính đến những biện pháp quản lý hành chính cho một đô thị sầm uất.
e) Tuy nhiên sau đó là một chuỗi ngày dài thất vọng khi Đồ án quy hoạch đầu tiên của Paul Champoudry – Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt đã bị thất bại và thành phố lay lắt tồn tại ảm đạm như chính màn sương mù thường xuyên bao trùm phố núi.
f) Và thành phố chỉ thực sự hồi sinh khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut quyết định biến nơi đây thành nơi nghỉ mát trên cao số 1 của Đông Dương.
g) Đồ án quy hoạch thành phố lại được lấy ra từ kho lưu trữ và giao cho O’neil chỉnh sửa, phát triển và đệ trình Toàn quyền Đông Dương vào năm 1919.
h) Cùng năm đó, người ta đào một hồ nước nhân tạo ngay giữa trung tâm thành phố đồng thời xây một con đập ngăn nước tại đây.
i) Năm 1923, trong Đồ án quy hoạch của mình, kiến trúc sư Ernest Hébrard đề nghị mở rộng việc xây dựng hồ nước tại Trung tâm Đà Lạt. Ngoài ra, ông còn vẽ lên một đô thị sầm uất, hiện đại với rất nhiều phân khu với chức năng khác nhau. Đà Lạt trong viễn tưởng của Hébrard là một thủ phủ liên bang với 300.000 dân trong khi dân số Đà Lạt lúc đó chỉ khoảng 1.500 người.
k) Mười năm sau, năm 1933, kiến trúc sư Pineau đã đưa ra một đồ án mới chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Ông đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, đồng thời thiết lập các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh quan và khí hậu địa phương. Đồ án của ông có tính thực tiễn cao trong việc quy hoạch đô thị Đà Lạt. Và sau đó, Đà Lạt đã phát triển du lịch rất mạnh, đặc biệt là với tuyến đường sắt răng cưa.
l) Đến năm 1942, Đà Lạt là một thành phố xinh đẹp, là nơi nghỉ mát lý tưởng của người Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, Đà Lạt đã phát triển quá mức nên Toàn quyền Đông Dương Decoux giao cho kiến trúc sư Lagisquet dựa theo đồ án cũ của Pineau thiết lập đồ án chỉnh trang phát triển Đà Lạt mới. Đồ án của ông chú trọng đến việc mở rộng và làm đẹp thành phố ở những khu vực phát triển nông nghiệp như xây dựng các khu biệt thự ngoại ô với mô hình “thành phố-vườn theo ý tưởng của Toàn quyền đông Dương Decoux.
Đà Lạt – Nguồn cảm hứng bất tận
Từ công cuộc quy hoạch và xây dựng đô thị của người Pháp đã hình thành nên Hồ Xuân Hương. Đến nay, hồ nước nhân tạo này đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố Đà Lạt. Xung quanh hồ, những rặng thông hay dãy núi mờ xa lặng yên soi bóng đã tạo nên một vẻ đẹp mộng mơ, yên bình hiếm thấy của một đô thị.
Một Đà Lạt ẩn hiện trong làn sương huyền ảo, một thành phố yên bình trong ánh nắng chiều vàng tươi đã làm say lòng bao lữ khách dừng chân chốn này.
Dạo bước trên những đường dốc quanh co ngắm cảnh thiên nhiên Đà Lạt như một bức tranh, ngồi nhâm nhi ly cà phê với những phút đam mê đã khơi nguồn cảm hứng cho những tâm hồn nghệ sĩ.
Với những ưu đãi từ thiên nhiên, Đà Lạt là một trong những địa điểm hiếm có trên thế giới quanh năm được tô điểm bởi muôn sắc hoa khiến cho du khách khắp nơi mong một lần đến Đà Lạt để tự thưởng cho mình những tấm ảnh đẹp với khoảnh khắc thật lãng mạn nơi đây. Đà Lạt đẹp yêu kiều đến thế khiến người đến không nỡ rời đi và khi ra về mà khúc hát vẫn ngân xa “chào Đà Lạt thành phố tình yêu, chào Đà Lạt thành phố của ngàn hoa”.