Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

* Tên khác: Bảo Ninh Sùng Phúc Tự bi * Tên đơn vị và c&ute; nhân lưu giữ hiện vật: Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. * Chất liệu: Đá

* Kích thước: Chiều cao: 1,39m; chiều rộng:  0,8m; dày 0,18m

* Số lượng: 01

* Miêu tả: Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 1,39m rộng 0,8m và dày 0,18m. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá; rùa có chiều dài 1,50m, rộng 0,9m và cao 0,32m, cổ và đầu rùa dài 0,38m. Phần chân bia dài 0,59m; rộng 0,09m cắm vào lưng rùa. Rùa được đặt trên mặt đất, 4 chân tạc nổi, mỗi chân có 5 móng, đuôi rùa mỏng được tạc uốn cong; đầu rùa ngẩng cao, vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia.

Diềm bia trang trí bằng các hoa văn kiểu hoa mướp cách điệu uyển chuyển và liên hoàn, hai bên cạnh bia trang trí hình rồng, các hình tròn bên trong có hình cánh hoa sen xen kẽ nhau nằm trong một hình tròn lớn.

Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia khắc hình 2 con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Thân rồng hình tròn trịa có nhiều khúc uốn lượn, thân dài và nhỏ dần về phía đuôi, rồng uốn khúc nhẹ nhàng thanh thoát với nhiều hình tròn được nối với nhau thành một chuỗi dài liên tiếp. Đầu rồng cân đối với thân rồng và có bờm khá dài ở sau gáy. Hai con rồng chầu hai bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước cũng như kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp với mong muốn mưa thuận gió hoà, nhân tố thiết yếu đối với nền kinh tế nông nghiệp. Hình tượng con rồng cũng phản ánh ý thức sùng bái tổ tiên của người Việt (truyền thuyết con rồng, cháu tiên). Chân bia được trang trí bằng các hoa văn hình sông nước nối tiếp nhau. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Lý.

Nội dung văn bia gồm 25 dòng với 1130 chữ được dịch như sau: “Ôi! Cái chân không trong lặng, giấu hình khi trời đất chư­a chia, cái diệu hữu nảy sinh, bao trùm tr­ước hữu hình vận động. Sáng thì gạt bỏ cái “không”, vì cơ vi chẳng phải là không; mê thì bám lấy cái “có”, coi mầu nhiệm cũng là không có. Xa nghĩ đức Phật tổ x­a, trí tuệ của ng­ười xem xét tất cả không sót một ai. Cho nên ng­ười: Giấu kín cái “thực”, làm rõ cái “quyền”, để gọi bảo cái đạo “thường”, “vui” mãi mãi, từ cái “không” đi vào cái “có”, để giúp cho sự hồi h­ướng giải thoát đời đời. Khéo mở ra muôn vạn pháp môn; để dạy bảo muôn nghìn thế giới. Lênh đênh dòng n­ước trời Tây vời vợi suối nguồn Chu Mục. Bắt đầu xây dựng chùa này, hết dạ tôn sùng tượng giáo. Ng­ười x­a khuyên bảo, đổi mới không ngừng, hậu thế lư­u truyền, đời đời nối dõi. Kẻ có duyên thì cải nén đầu kim, ng­ười không hiểu thì nư­ớc trôi xô đá.

Kinh thay Thái phó Hà Hư­ng Tông, thủy tổ là ng­ười xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung. Cao tổ là Hà Đắc Trọng, xa nghe giáo hóa của vư­ơng triều, dời gót xin làm thần thứ. Từ đó giữ gìn an toàn châu Vị Long vậy. Dân đã ấm no, ng­ười đời tôn tr­ưởng. Cho tới đời thứ 8, kể cả tổ tiên xư­a có hai đời làm Thái bảo và Thái phó; nghiệp lớn càng thịnh, công cả lại cao. Đư­ợc coi giữ bốn mư­ơi chín động, mư­ời lăm huyện, dân chúng đều thấm nhuần giáo hóa tốt đẹp, đều h­ướng về một khuôn phép chung. Trải qua năm đời thì đến đời bây giờ. Ông của Thái phó giữ chức Thái bảo, lấy công chúa thứ ba của Thái tổ hoàng đế làm phu nhân. Nhân việc đó lại đư­ợc Thái tổ trao cho chức Hữu đại liêu ban. Phu nhân sinh ra hàng cha chú của Thái phó, tất cả có bốn trai tài, gái đảm. Riêng thân phụ Thái phó là ng­ười thi hành nhân chính, làng xóm yên vui. Thân phụ của Thái phó lấy con gái thứ 6 của quan Thái thú họ Lý ở Phú Nghĩa làm phu nhân. Từ khi sinh ngư­ời con trai đầu lòng cho đến người con trai thứ t­ư, cha mẹ Thái phó đều nuôi dạy ân cần, cho chơi đùa hợp cách. Con trai thì dùi mài kinh sử, con gái thì kim chỉ thêu thùa. Ngày qua tháng lại, năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1074), thân phụ Thái phó chỉnh đốn vương sự, đánh sang ải Bắc. Vây thành Ung cho bõ giận, bắt t­ướng v&ilde; dâng tù binh. Do đó, thân phụ Thái phó đư­ợc nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ. Cấy cày theo phép tỉnh điền, thóc lúa ùn ùn như­ núi; khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố ph­ường.

Năm  Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (1077), bấy giờ Thái phó mới lên chín tuổi, chiếu gắn hồ son vời về sân đỏ; sổ tiên lựa chọn, kết bạn em vua. Nh­ưng vì Thái phó còn nhỏ, nên xin về nấp bóng mẹ cha. Đến tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1078), Thái phó mới lên m­ười tuổi. Nhà vua lại sai quan Nội phụ Văn t­ư lang trung là Kiều Nghĩa ngầm mang thánh chỉ, thẳng tới ấp phong, đón trẻ thơ nơi xa vắng, cho gang tấc gần gũi mặt rồng, để kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong là Tả Đại Liêu ban. Than ôi! Giữ lễ tiết trang nhã; sửa dung mạo đoan trang, nâng khuê bích nguy nga; vận lễ phục rực rỡ.

Cuối đông năm Nhâm Tuất (1082), vua tiễn đư­a công chúa về nhà chồng ở bản châu. Nhà vua tiệc mừng long trọng; Thái phó sắm đủ lễ đón dâu. Ăn mặc đủ màu, dân chúng xem đông như­ hội; năm cung sáu viện, chị em đư­a tiễn rợp đư­ờng. Đạo thất gia chư­a vẹn, tình xư­ớng họa ch­ưa lâu, bỗng năm Ất Sửu niên hiệu Quảng Hựu (1085) mẹ cha đều mất, công chúa tang tóc.

Đến năm Bính Dần (1086); nhà vua xuống chiếu cho Thái phó đư­ợc nối chức cha, vẫn giữ t­ước cũ là Tả Đại Liêu ban, lại ban thêm Tri châu Vị Long, giữ Tiết độ sứ, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm Hiệu Thái phó. (Thế là) đ­ược quyết định chính sự bắt đầu từ tằng tổ, sau đó cứ lần l­ượt thay nhau xuống mãi đến H­ưng Tông, tất cả mư­ời lăm đời. Ôi! chữ “thời” N­ước xây dựng trên đạo, vững như­ cột đá; dân hấp thu giáo hóa xuôi nh­ư dòng sông. Hoặc việc n­ước có điều ch­ưa trọn, thì suy đi nghĩ lại không thôi; xét thói x­a có chỗ đáng tin, thì tạc dạ ghi lòng nào bỏ. Vư­ờn văn ruộng phú, s­ưu tập khắp nơi, cửa lễ đ­ường nhân, dạo chơi đủ chốn. Điều tín là ở nơi bè bạn thì thiết tha ân cần; chữ hiếu là thờ cúng tổ tiên thì băn khoăn khép nép.

Ôi! Giữ lòng thanh làm của báu, sợ một điều “cực lạc sinh bi”; mang bạt trai trong mình, e đã đ­ược mà lại mất. Muốn hư­ởng phúc thuần, lòng ham đạo Phật. Cho nên cuối xuân năm Đinh Hợi niên hiệu Long Phù Nguyên hóa (1107), Thái phó dẫn dắt hư­ơng lão, xem h­ướng ở góc quận, chọn đất phía nam Hán Lộc, giáp bên mạn bắc Mẫu Cung làm nơi dựng ch&ave;a. Cùng đem rìu búa, phát xén rừng mây. Lại chọn thợ hay, dựng xây đền tía. Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng, xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như­ chim chóc tung bay. Nhà trắng bao quanh, Tam ma địa gần gũi; tư­ợng vàng đặt giữa. Ngũ tịnh thiên khác nào Trầm hư­ơng nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh nhịp nhàng, vang lừng hang động. Hoa thông xanh tốt, chiếm mãi gió từ, cờ ph­ướn quy y, bỏ xa nhà lửa. Nguyện chúc Hoàng thư­ợng ngự ngôi báu đời đời, giữ g­ương huyền mãi mãi. Phận dẫu chỉ là bày tôi giữ đất, vẫn mang trí mong muốn đư­ợc gần trời. Thứ chúc quận quân, n­ương đạo cùng con gái, con trai; gái thì trọn đạo vu quy, đá vàng chung thủy; trai thì hết lòng phụng d­ưỡng, tùng bách xanh t­ươi. Cuối cùng kính chúc các vị tổ tiên, đều h­ưởng công ơn diệu quả; đầy đàn con cháu, tắm chung ân huệ l­ương duyên.

Muốn làm tỏ rõ đời nay, phải ghi bia đá; (cho nên Thái phó) đã sai tôi ghi dẫn và bày tỏ như­ sau:

      Định thể nào không,

      Diệu dụng đâu có,

      “Không”, “có” chớ lìa,

      “Quả”, “nhân” khôn xóa. 

      Không yên trung đạo,

      Biết chọn bên nào,

      Tỏ  “quyền” dấu “thực”,

      Đôi đằng tính sao ? 

      Rằng x­a Phật tổ,

      Dắt dạy quần sinh,

      Không v­ướng không mắc,

      Có  duyên có tình.

Lớn thay họ Hà,

Rỡ ràng tiếng tốt,

Tiên tổ qua đời,

Cháu con nối gót. 

Bốn m­ươi chín  động,

Đúng mư­ời lăm đời,

Non sông giữ  vững,

Nhân ái giúp  đời. 

Chân tính sáng suốt,

Căn tuệ vững bền,

Ngói xanh lại lợp,

Cõi vàng dựng nên.

Phía nam Hán Lộc,

Phía bắc Mẫu Cung,

Đất không bụi bặm,

Hơi núi mịt mùng. 

Ng­ười giỏi ra đời,

Đạo thì thống nhất,

Công đức tạc bia,

Nh­ư non khôn mất. 
 

Lý  Thừa Ân, giữ chức Triều thỉnh đại phu, Đông thư­ợng cáp môn hậu… Th­ượng thư­ Viên ngoại lang, tứ Tử kim ngư­ đại, soạn văn bia.”

* Hiện trạng: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc trải qua thời gian lâu dài đã bị vỡ trên phần trán bia; đầu rùa cõng bia có nhiều vết nứt, vỡ.

* Niên đại: Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa.

* Nguồn gốc, xuất xứ: Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc dựng ở lưng chừng một gò đất thấp tên gọi là gò Khuôn Khoai, thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Người đứng ra tạc bia, dựng chùa là Thái phó Hà Hưng Tông (có tài liệu nói tên là Hà Di Khánh) châu mục châu Vị Long (Hà Hưng Tông là đời thứ 15 của dòng họ Hà kế tục giữ chức Thái phó).

Vào thời Lý, cùng với việc thi hành nhiều chính sách nhằm củng cố quyền lợi của Nhà nước Trung ương tập quyền, tăng cường tổ chức quân đội với chế độ đăng ký quân dịch và chính sách “ngụ binh ư nông”, nhà Lý thi hành nhiều biện pháp tích cực góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc và bảo vệ quốc gia thống nhất. Nhà Lý đặc biệt quan tâm đến vùng biên ải phía Bắc của Tổ quốc – nơi có vị trí chiến lược trọng yếu trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc. Các tù trưởng thiểu số có thế lực rất lớn và thực sự nắm quyền quản lý cư dân thuộc tộc mình. Cùng với chính sách chinh phạt để uy hiếp, nhà Lý đã khôn khéo dùng chính sách nhu viễn để thu phục, tranh thủ các tù trưởng để qua họ, thắt chặt khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên miền núi. Trong chính sách nhu viễn, nhà Lý gả các công chúa cho một số tù trưởng có thanh thế, lấy tinh thần gia tộc để ràng buộc họ. Trong số các tù trưởng miền núi trở thành phò mã của nhà Lý có tù trưởng họ Hà ở châu Vị Long.

Theo văn bia, cao tổ của dòng họ Hà ở châu Vị Long là Hà Đắc Trọng quê ở xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đ&rc;ng Đô, châu Ung (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), sang châu Vị Long sinh sống, được người đời tôn trưởng do có công giữ gìn an toàn cho vùng đất và giúp dân ấm no. Trải qua các đời, dòng họ Hà được vua giao cho những trọng trách quan trọng, đến đời ông của Hà Hưng Tông được Thái tổ Hoàng đế (vua Lý Công Uẩn) gả công chúa thứ ba cho nhằm lấy tinh thần gia tộc để ràng buộc, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.

Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1075) nhân việc vua Lý Nhân Tông lên nối ngôi còn nhỏ tuổi (lên ngôi từ năm 1072 khi mới 7 tuổi), nhà Tống gấp rút tập trung binh mã tại các trấn thành biên giới phía Bắc, chuẩn bị xây dựng thành quách, trung tâm là thành Ung Châu rắp tâm thôn tính nước ta lần thứ 2. Với tư tưởng tiến công để tự vệ “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”, nhà Lý đã ủy quyền cho Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt thống lĩnh hơn 10 vạn quân, chia làm hai đạo thủy bộ tấn công vào cửa biển Khâm Châu – Liêm Châu và thành Ung Châu. Cùng với quân lính các dân tộc thiểu số do các Tù trưởng khác, binh mã châu Vị Long do thân phụ của Thái phó Hà Hưng Tông chỉ huy đóng vai trò quan trọng trong đạo quân này. Sau khi chiếm được thành Ung Châu, tiêu diệt lực lượng địch, tiêu hủy các kho tàng lương thực, “bắt tướng võ, dâng tù binh”, thân phụ Thái phó Hà Hưng Tông được vua ban chức “Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ”. Cùng với tài cao, ông còn là người có đức lớn, một lòng thương dân, khuyến khích dân chúng phát triển nông nghiệp “Cày cấy theo ph&cute;p tỉnh điền”, thu thuế của dân rất nhẹ (100 mẫu phải nộp thuế 10 mẫu). Vì vậy châu Vị Long dân chúng đều ấm no “thóc lúa ùn ùn như núi, khách khứa 3 nghìn đông đúc, nhà cửa nhộn nhịp phố phường”.

Nhờ công lao của cha, năm Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thống (1077), khi Hà Hưng Tông lên 9 tuổi, vua Lý Nhân Tông mời về kinh đô “kết bạn em vua”, vì Thái phó còn nhỏ tuổi nên xin được về nấp bóng cha mẹ. Tháng giêng năm Mậu Ngọ (1078), nhà vua sai quan Nội phụ văn tư lang trung Kiểm Nghĩa mang thánh chỉ đến châu Vị Long đón Hà Hưng Tông về kinh đô kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong cho chức Tả đại liêu ban. Năm Thái phó Hà Hưng Tông (Việt Sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép là châu mục châu Vị Long Hà Di Khánh) lên 14 tuổi (năm Nhâm Tuất 1082) vua cho tổ chức tiệc mừng long trọng, Thái phó sắm đủ lễ đón dâu.

Năm Ất sửu niên hiệu Quảng Hựu (1085), cha mẹ Thái phó đều mất. Đến năm Bính dần (1086), vua ban cho Thái phó được nối chức cha, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban, lại kiêm thêm Tri châu Vị Long, giữ tiết độ sứ, kim tử quang lộc đại phu, kiểm hiệu Thái phó. Đồng thời được hưởng thực ấp 3900 hộ, thực phong 900 hộ.

Được nhà vua ban chức tước, gia đạo đề huề, dân bản ấm no, đất nước thanh bình, để tỏ chữ hiếu với tổ tiên, lòng ham đạo phật, Thái phó Hà Hưng Tông đã chọn nơi đất tốt, thợ giỏi để xây chùa Bảo Ninh Sùng Phúc với quy mô bề thế để mọi người tâm thanh lòng tịnh đến nguyện cầu mọi điều may mắn tốt lành.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng rất bề thế, trong đợt nghiên cứu, khảo sát đợt điều tra khảo sát khảo cổ học tháng 10 năm 2005 đã tìm thấy móng bậc lan can lên xuống phía Tây có hình tam giác, độ dốc chênh lệch từ đầu bậc đến cuối bậc là 38cm và móng lan can bậc lên xuống phía Đông với hai hàng đá cuội kích thước lớn xếp chồng lên nhau, chiều dài còn lại là 1,10m và móng cửa ra vào của chùa với chiều dài 1,63m. Tuy chưa xác định được chiều dài, rộng của chùa, nhưng căn cứ vào độ dài của móng cửa ra vào và những mảnh ngói thời Lý còn tìm thấy có kích thước lớn, dầy, nặng có thể khẳng định đây là kiến trúc có quy mô khá lớn.

Chùa được dựng tại đồi có rừng mây và thông (bia chùa còn ghi rõ “Phát xén rừng mây, hoa thông xanh tốt”). Chùa được l&e;m bằng cột gỗ khai thác ngay tại địa phương. Có thể cột dựng chùa được dựng bằng cột gỗ sam, tục được gọi là “Ngọc Am”, tên gọi trong nhân dân là the mốc- đây là gỗ của cây thông già đã bị chôn lâu năm dưới đất, bùn do bị lở núi, một thứ gỗ rất thơm và quí. Ngôi chùa còn tồn tại vào thời Nguyễn vẫn được sử dụng khung bằng loại gỗ này, khi chùa đổ nhân dân mang về sử dụng. Hiện nay còn một cây kèo được người dân mang về trả lại khu vực chùa. Chân cột được kê bằng đá ráp màu nâu xám hình vuông mỗi chiều 60cm. Trong số 4 chân tảng còn tìm thấy ở khu vực chùa có chân tảng chạm cánh sen tiêu biểu cho kiến trúc thời Lý.

Chùa được lợp bằng ngói mũi. Nền nhà, sàn, bậc thềm, đường đi của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được lát bằng gạch d&e;i 40cm, rộng 22cm, dày 6cm. Tháp đất nung còn tìm thấy ở khu vực chùa là hiện vật đặc trưng của nền mỹ thuật thời Lý. Những mảnh tháp còn tìm thấy ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là những mảnh của phần đáy tháp được trang trí bằng hoa văn hình cánh sen, các rãnh tạo hoa văn sâu và hoa văn hình hoa chanh bốn cánh, được khắc nổi, mỗi cánh chanh được lồng vào một ô vuông.

Cùng với việc xây dựng chùa, bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được tạc để ghi lại giáo lý đạo Phật và công đức của dòng họ Hà. Người soạn bia theo lệnh Hà Hưng Tông là Lý Thừa Ân, ông sống dưới hai triều Lý Nhân Tông (1072-1127) và Lý Thần Tông (1128-1137). Ông làm quan tới chức Triều thỉnh đại phu, đông thượng cáp môn hậu… thượng thư viên ngoại lang, tử tử kiêm ngư đại.

* Ghi chú: Tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc hiện còn lưu giữ nhiều  hiện vật tiêu biểu trải qua các thời từ thời Lý, thời Lê đến thời Nguyễn như:

– Hiện vật tiêu biểu thời Lý: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, mảnh ngói mũi, mảnh ngói bò, gạch lát nền, đá tảng kê chân cột, mảnh tháp.

–  Hiện vật tiêu biểu thời Lê: Mảnh kìm hình đầu rồng, mảnh diềm mái kiến trúc hình răng cưa, mảnh diềm mái hình lá đề, mảnh lá lam đằng ở đầu đao, mảnh gốm trắng trang trí sóng nước hình vảy cá, mảnh gốm hoa lam.

–  Hiện vật thời Nguyễn: Mảnh lư  hương Phù Lãng, vì kèo của chùa.

* Lý do lựa chọn:

– Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là hiện vật gốc độc bản; thời L&cute;, có niên đại năm 1007.

– Bia Bảo Ninh Sùng Phúc đạt tiêu chí là hiện vật có giá trị lịch sử trên các phương diện sau:

Về mặt lịch sử: Những sự kiện được ghi lại trên bia đá liên qua tới nhân vật lịch sử Thái phó Hà Hưng Tông là người có công trong việc dựng bia và có tên trong sử sách. Thông qua các mối quan hệ của dòng họ này với triều đình nhà Lý có thể thấy được những sự kiện quan trọng trong chính sách đối nội của triều Lý đối với vùng biên giới. Các vua thời Lý đã gả công chúa cho châu mục người dân tộc thiểu số, phong chức tước, kết làm anh em… để thu phục họ. Ràng buộc bằng danh lợi và hôn nhân là biện pháp chính trị khôn khéo giúp triều đình nhà Lý củng cố chính quyền quân chủ Đại Việt ở các vùng biên ải xa xôi. Nhờ vậy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, các châu mục miền núi như châu mục Vị Long đã tham gia và góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Sự kiện dựng chùa thờ Phật – quốc giáo của nước Đại Việt thời Lý, tại một nơi xa xôi hẻo lánh như châu Vị Long cũng chứng tỏ rằng dưới triều Lý, kinh tế miền núi phát triển mạnh. Đồng thời, sự giao lưu văn hoá với miền xuôi cũng được chính quyền đương thời quan tâm. Người đại diện cho chính quyền là dòng họ Hà, suốt 15 đời làm châu mục châu Vị Long, dòng họ này đã có nhiều công lao trong việc giữ vững an ninh và xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá ở một vùng đất rừng núi giáp biên giới, nơi triều đình nhà Lý khó kiểm soát. Điều này cũng thể hiện nhà Lý đã thành công trong việc tập hợp khối đoàn kết dân tộc trong chiến đấu bảo vệ cũng như xây dựng tổ quốc.

Bia đá cũng là nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội… của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.

Về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, bia Bảo Ninh Sùng Phúc chứng minh sự giao lưu văn hoá rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi. Đồng thời cũng cho thấy địa vị độc tôn và sự phát triển rộng khắp của Phật giáo triều Lý.

Về giá trị nghệ thuật: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Bia đá giúp các nhà nghiên cứu so sánh, đối chiếu và khẳng định thêm về trình độ sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ tinh tế trong xây dựng kiến trúc, trang trí, tạo hình Đại Việt. Minh văn còn là một di sản văn học quý báu. Với hơn một ngàn một trăm chữ, văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc do Lý Thừa Ân biên soạn là một tác phẩm văn học hay, cô đọng, súc tích, bay bướm, thể hiện rõ văn phong đặc trưng của thời Lý.

Các di tích của đời Lý, một triều đại quân chủ hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam còn lại trên cả nước không nhiều trên cả nước và hầu hết tập trung ở miền đồng bằng. Trong bối cảnh đó, có thể nói bia đá Bảo Ninh Sùng Phúc là một trong những tấm bia đầu tiên của triều Lý được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chùa và bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia theo Quyết định số 95-QĐ/BVHTT ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)