Bộ sưu tập hiện vật vàng

* Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Long An

* Số đăng ký: Từ số BTLA 2505/KL40 đến BTLA 3565//KL82

* Chất liệu: Vàng

* Kích thước:  dài từ 2,9cm đến 5,0cm; rộng từ 2,1cm đến 3,3cm.

* Số lượng: 26 hiện vật

* Miêu tả: Bộ sưu tập hiện vật là những mảnh vàng lá dạng  dạng hình gần hình chữ nhật, tứ giác, ngũ giác, lục giác. Trên mặt mỗi  mảnh có chạm một hình voi đang đứng; 01 lá vàng hình rùa, dát mỏng, cắt chạm thành hình con rùa với đầy đủ đầu, mình, 4 chân và đuôi trong tư thế như đang di chuyển; 01 lá vàng chạm hình người hình tứ giác, có 3 góc bo tròn, một góc nhọn nhô ra ngoài. Trên mặt có khắc hình một phụ nữ dáng đứng lệch hông, hai bàn chân hơi chếch ra hai phía, khuôn mặt tròn ngoảnh về bên phải, tóc se thành từng búi lớn sau gáy; 01 lá vàng hình hoa sen lớn, hình tròn, chạm hoa sen 12 cánh, mỗi cánh hoa có đuôi hình núm tròn, nhụy hoa được tạo bởi một dãy chấm nổi tròn nhỏ tạo thành hình tròn; 01 lá vàng hình hoa sen nhỏ hình tròn, chạm hoa sen 12 cánh, mỗi cánh hoa có đuôi nhọn; 01 lá vàng hình hoa sen tám cánh kèm theo mảnh cuốn; 4 mảnh lá vàng trơn, dát mỏng không trang trí; 02 lá vàng trơn, dát mỏng, có nhiều nếp nhăn do gấp lại; 01 nhẫn, vòng nhẫn tròn, đặc, thuôn nhỏ dần về phần đối diện mặt nhẫn. Mặt nhẫn có gờ nổi cao hình e-lip bao quanh hạt nhẫn bằng đá quý màu đỏ; 01 nhẫn có đính hạt đá quý màu xanh hình e-lip; 01 nhận có chỗ đính 3 hạt đá quý nhưng hiện còn 2 hạt: màu xanh và màu đỏ tía; 01 nhẫn hạt trắng trong hình chóp nhọn; 01 trang sức hình lá đề, rìa ngoài cùng trang trí vành lửa gồm những ngọn lửa cách điệu; 01 lá vàng hình rắn, đầu nhọn, thân có sống nổi, mắt là hai vòng trong chấm nhỏ; 01 lá vàng khắc minh văn chữ Phạn, lá vàng có hình chữ Nhật, trên mặt khắc nổi chữ gồm có 5 dòng: dòng thứ nhất là Pháp thân kệ của Phật giáo; dòng thứ 2 là một đoạn kinh pháp cú, 3 dòng còn lại là những câu thần trú dhàranì.

* Hiện trạng: Một số mảnh bị sứt, vỡ quanh rìa và bị oxy hóa.

* Niên đại: Thế kỷ IX sau Công nguyên (Văn hóa Óc Eo).

* Nguồn gốc, xuất xứ: Thu được từ khai quật di chỉ Gò Xoài, ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, năm 1987.

* Lý do lựa chọn:  Đây là bộ sưu tập hiện vật được phát hiện tại chỗ (in situ) trong lòng phế tích tháp Gò Xoài, được khai quật năm 1987. Có thể thấy trong số các di tích Óc Eo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là bộ sưu tập nguyên vẹn nhất, có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt nhờ những yếu tố sau:

– Văn minh khắc trên một mảnh vàng trong bộ sưu tập này có nội dung rõ ràng về Phật giáo, là di vật duy nhất thuộc loại này trong các di tích Óc Eo, góp phần xác định chức năng của kiến trúc Gò Xoài là một tháp Phật giáo, được xây dựng vào khoảng thế kỉ 8 SCN.

– Cách thức xếp đặt các di vật trong lòng tháp phản ánh nghi thức xây dựng một kiến trúc tôn giáo – đặc biệt là kiến trúc Phật giáo, bắt nguồn từ truyền thống Ấn Độ, nhưng đã có những chi tiết khác biệt, có thể phản ánh tính chất địa phương.

– Ngoài nội dung văn khắc, các hình vẽ và các di vật thể hiện các triết lý có nguồn gốc Phật giáo Ấn Độ, nhưng đã thể hiện những yếu tố Đông Nam Á, Ví dụ, một số hình vẽ tương tự như một số điêu khắc thể hiện trên các tháp Phật giáo thuộc giai đoạn Dvaravati (Thái Lan).

– Chất lượng nghệ thuật và kĩ thuật tạo tác phản ánh sự phát triển cao của nghề kim hoàn của cư dân Óc Eo.

Trên cơ sử phân tích các giá trị độc đáo nêu trên, nhóm di vật này xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, chúng cần luôn luôn được xem là một bộ di vật hoàn chỉnh, phản ánh thực hành và tư duy tín ngưỡng độc đáo của cư dân Óc Eo.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)